Hiện đang mùa thu hoạch sấu. Ngay ở Hà Nội, những cây sấu có đến cả 100 tuổi cũng vẫn có chi chít quả trên cành. Rất nhiều đường phố có trồng sấu. Trước đây, ta chỉ thấy có cây sấu ở các tỉnh phía Bắc. Nay thì ở phía Nam cũng có sấu.
Tôi vào Nha Trang, một sỹ quan hải quân quê ở Hải Phòng cho tôi biết: Người nhà gửi một bọc sấu chín vào cho anh. Anh ăn rồi đem hạt ra gieo. Không ngờ, cây lên rất tốt. Bây giờ nó đã cao hàng chục mét…
Khi vào Thành phố Buôn Mê Thuột ta cũng thấy người ta đều trồng sấu. Đoạn đường từ Buôn Mê Thuột đi Nha Trang, ta thấy những hàng sấu mọc tươi tốt, lá xanh đậm, tán rất dầy…
Sấu là cây có rễ cọc, lá xanh quanh năm, tán cao vừa phải nên rất thích ứng với loại cây đường phố. Ở Hà Nội, vào mùa nắng này, ai cũng thích đi qua phố Phan Đình Phùng, phố Trần Phú… vì hai bên đường là những hàng cây sấu mát rượi. Cây được trồng từ thời Pháp mà qua không biết bao nhiêu cơn bão tố nhưng nó không hề bị đổ, gẫy. Rất nhiều dãy phố ở Thủ đô đã được trồng thêm sấu.
Sấu là cây có tuổi thọ rất cao. Ở Vườn Quốc gia Cúc Phương hay ở Vườn quốc gia Ba Bể, ta bắt gặp những cây sấu có tuổi đời tới cả 1.000 năm. Chúng vẫn lên xanh tốt, vững vàng qua năm tháng. Rễ cây sấu ăn sâu nên nó chịu được hạn hơn các cây khác.
Ngay ở những sườn đồi khô cằn, nó vẫn mọc được. Người ta trồng sấu quanh nhà, quanh vườn, dọc các đường đi, quanh các trường học, công sở… Rất nhiều bà con đã thấy được ưu việt của cây sấu nên đã có kế hoạch mở rộng diện tích trồng sấu. Đó quả là suy nghĩ hay!
Ở Hà Nội, mùa này giá sấu là 50.000-60.000đ/kg. Một cây sấu có thể cho vài chục cân tới cả tạ quả. Ai có vài chục cây sấu quanh nhà thì cũng có được nguồn thu kha khá. Nếu trong phong trào trồng 1 tỷ cây xanh mà đưa cây sấu vào thì rất hay. Nó vừa giải quyết vấn đề môi trường lại vừa cho ta thu hoạch (mà thu hoạch tới cả trăm năm).
Chỉ tiếc rằng, việc chế biến quả sấu chưa được quan tâm đúng mức. Ở Thái Lan, người ta có quả me. Quả me làm sao ngon được bằng quả sấu! Thế nhưng, họ đã chế biến quả me thành rất nhiều sản phẩm và bán ra khắp thế giới.
Tôi đi máy bay từ Băng Cốc lên Chiềng Mai (Thái Lan) và được thấy người Thái trồng me kín cả nhiều tỉnh. Tôi mơ ước ở Việt Nam cũng sẽ có những vùng trồng kín cây sấu. Nhưng, điều quan trọng là ai sẽ đứng ra thu mua và chế biến quả sấu? Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, có ai nghĩ tới việc chế biến quả sấu hay không?
Tôi nhớ lần có một đoàn các bạn Úc tới thăm tôi. Trong các món ăn tôi chiêu đãi đoàn, họ thích nhất là món chân giò hầm với sấu. Họ không quan tâm tới các món thịt mà chỉ mê vị chua của nước sấu. Thức ăn thì thừa thãi nhưng nước canh sấu thì… hết sạch! Mới biết, quả sấu của mình giá trị lắm!
Ở ta, sấu thường được bà con chế biến ở dạng nước sấu bằng cách giữ nguyên quả và ngâm nó vào nước muối. Cũng có những quán nước, bà con ngâm chúng vào nước đường. Mùa hè mà được uống cốc nước sấu thì thật thoải mái. Vị chua của nó rất hấp dẫn.
Phổ biến hơn là việc luộc rau muống, sau đó cho vào mấy quả sấu. Bát canh rau muống có sấu thì rất ngon. Cao cấp hơn, nếu nấu nồi vịt hầm hoặc chân giò hầm mà có thêm mấy quả sấu thì tuyệt vời, ăn không biết chán!
Thế nhưng, sấu không bảo quản được lâu. Hết mùa là hết sấu! Ở thành phố, vào cuối mùa, bà con thường mua vài cân sấu và cất vào tủ lạnh để giữ ăn dần. Nhưng cách đó cũng chả được bao lâu. Do đó, rất cần có một công nghệ chế biến với quả sấu.
Nếu có một đơn vị nào tổ chức sản suất bột sấu rồi trộn với mì chính và muối ăn để ra món “bột canh sấu” thì chắc sẽ bán rất chạy. Ta có thể đưa nó ra cả nước ngoài.
Nếu việc này được thực hiện thì dân ta tha hồ trồng sấu. Mỗi nhà có vài chục cây sấu thì cuộc sống sẽ khởi sắc lên ngay.
Xin hãy quan tâm tới việc chế biến loại quả độc đáo này.