Theo các chuyên gia, việc cơi nới thêm chương trình cấp phát lương thực miễn phí cho người nghèo tại quốc gia Nam Á sẽ tạo ra thách thức lớn hơn trong nỗ lực kiềm chế thâm hụt tài chính.
Hầu hết các nhà kinh tế đều dự đoán, Ấn Độ sẽ bỏ lỡ mục tiêu thâm hụt 6,4% GDP cho năm tài khóa, kết thúc vào tháng 3 năm 2023, do các biện pháp can thiệp của chính phủ nhằm chống lại lạm phát có thể lên tới hơn 20 tỷ USD.
Tính từ tháng 4 năm 2020 đến nay, chính phủ Ấn Độ đã chi khoảng 43 tỷ USD cho chương trình cung cấp lương thực miễn phí cho các gia đình khó khăn, mỗi hộ được hưởng 5 kg ngũ cốc (gạo, lúa mì) mỗi tháng.
Bộ trưởng Bộ Thông tin Anurag Thakur phát biểu trong một cuộc họp báo cho biết, chương trình này sẽ được gia hạn cho đến tháng 12 năm nay.
Trước đó, chính phủ Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo do lo ngại về nguồn dự trữ ngũ cốc, cùng với việc hạn chế xuất khẩu lúa mì và đường trong bối cảnh quốc gia trên 1,3 tỷ người phải đối phó với hàng loạt thách thức.
Hiện lượng dự trữ lúa mì tại các kho chứa nhà nước đã giảm xuống còn 24,82 triệu tấn vào ngày 1 tháng 9, giảm mạnh so với 51,78 triệu tấn cùng kỳ năm trước do lượng mua của chính phủ từ nông dân giảm hơn một nửa trong năm nay. Trong khi đó, lượng dự trữ gạo ước tính ở mức 35,36 triệu tấn vào đầu tháng 9, giảm so với 38,73 triệu tấn vào năm 2021.
Chương trình trợ cấp lương thực miễn phí cho người nghèo ở Ấn Độ, dự kiến sẽ ngốn tới 12,2 triệu tấn lương thực thiết yếu, chủ yếu là gạo và lúa mì.