Bất chấp mâu thuẫn giữa hai nước, Ấn Độ và Trung Quốc có quan điểm tương tự về các vấn đề thương mại nông sản tại WTO, và tương đồng với quan điểm của các nước đang phát triển, do đó tạo ra tiếng vang lớn.
Trong cuộc họp đặc biệt hôm 10/3 vừa qua, Ấn Độ nhấn mạnh sự cần thiết phải tìm ra giải pháp lâu dài cho việc dự trữ công khai các loại ngũ cốc thực phẩm, một vấn đề mà nước này lo ngại có thể ảnh hưởng đến an ninh lương thực ở các nước đang phát triển, bao gồm khả năng tự mua ngũ cốc cho chương trình phân phối công cộng, bị áp đặt giới hạn trong hiệp định đã ký cách đây 25 năm.
Trong khi các thành viên WTO đã đồng ý với một "điều khoản hòa bình", hạn chế bất kỳ quốc gia nào tạo ra tranh chấp khi vi phạm giới hạn dự trữ đặt ra, Ấn Độ muốn có một giải pháp cuối cùng, một vấn đề mà Trung Quốc cũng tập trung.
Tại cuộc họp, Indonesia, một trong những nước khiến vấn đề vẫn còn đang treo lơ lửng chưa được giải quyết, dường như ủng hộ lý do dự trữ lương thực của Ấn Độ, vì nước này cũng yêu cầu đưa ra các biện pháp tự vệ đặc biệt.
Nhưng mặc dù thể hiện nỗ lực tham gia vào việc thúc đẩy chương trình nghị sự về thương mại nông sản, dường như không quốc gia nào thay đổi lập trường của mình.
Trong khi Mỹ chưa có quan điểm chắc chắn, theo các nguồn tin tại Geneva, Liên minh châu Âu đã liên kết vấn đề dự trữ công khai với những cải cách cơ cấu hỗ trợ nông nghiệp trong nước, điều mà họ từng phản đối trong quá khứ, cho rằng các nước phát triển đã phải "tự cắt thịt" để những nước như Ấn Độ ký kết hiệp định tạo thuận lợi thương mại.
Đối với các nước phát triển, đàm phán Doha cũ chủ yếu xoay quanh khắc phục các khoản trợ cấp nông nghiệp gây bóp méo thương mại, mở cửa cho chuyên gia nước ngoài thông qua những cải cách đầy tham vọng hơn trong lĩnh vực dịch vụ, điều chỉnh lại một số yếu tố của các hiệp định có hại cho lợi ích của người nghèo và các nước đang phát triển.
Tuy vậy, các vấn đề nói trên hiện đã không còn được quan tâm, khi họ chuyển sang thúc đẩy những quy tắc toàn cầu về các vấn đề của Thế kỷ 21 như tạo thuận lợi đầu tư, thương mại điện tử và phụ nữ trong thương mại.
Thách thức đối với tân Tổng giám đốc WTO, Ngozi Okonjo-Iweala là thu hẹp những khác biệt. Trong một cuộc phỏng vấn với tân Tổng giám đốc WTO, bà đã thừa nhận rằng có sự mất mát lòng tin rất lớn giữa các thành viên.