Thành lập đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã
Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho biết, tính đến nay vụ lúa hè thu đã thu hoạch đạt 1/3 diện tích trên tổng 240.000ha xuống giống của toàn tỉnh, năng suất dự kiến từ 5,8 - 6,2 tấn/ha. Tuy nhiên vụ lúa hè thu thu hoạch thường rơi vào mùa mưa nên gây khó khăn cho nông dân ở khâu đưa máy vào đồng và vận chuyển lúa ra ghe để bán cho thương lái. Còn vụ thu đông 2022, toàn tỉnh xuống giống khoảng 164.000ha lúa và 14.183,3ha màu. Sở NN-PTNT khuyến cáo nông dân sử dụng các giống lúa, như: OM9582, Đài Thơm 8, OM5451, OM7347, OM 6976, OM 18, Jasmine 85, OM9577, OM4900… để xuống giống vụ thu đông trong mùa mưa bão và lũ về. Khung lịch thời vụ xuống giống vụ thu đông được tỉnh khuyến cáo từ ngày 15/7 đến 31/8/2022. Riêng lịch xuống giống tập trung né rầy từ ngày 19 đến 31/7 (đợt 1) và từ ngày 16 đến 26/8 (đợt 2).
Để chủ động ứng phó thiên tai, bảo vệ sản xuất, tỉnh tập trung rà soát, cập nhật phương án ứng phó với các loại hình thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai mà tỉnh đã xây dựng trước đây theo sổ tay hướng dẫn xây dựng phương án của Ban Chỉ đạo Trung ương (hạn hán, xâm nhập mặn, lũ, mưa, giông, lốc…). Đến nay, tất cả 156 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã ban hành quyết định thành lập đội lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã.
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang tiếp tục đăng tải các thông tin về dự báo khí tượng, thủy văn, tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh, tài liệu hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa với các loại hình thiên tai trên Zalo của Ban Chỉ huy và trang Facebook thông tin phòng, chống thiên tai tỉnh An Giang (đã có 2.752 lượt theo dõi trang Facebook).
Từ nay đến cuối năm, Ban Chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, khảo sát tình hình triển khai công tác phòng, chống thiên tai và bảo vệ sản xuất nông nghiệp năm 2022, qua đó kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của địa phương. Các địa phương được yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai (mưa, giông, sét, lũ, sạt lở đất...) và cách phòng tránh để người dân biết, chủ động phòng tránh; tăng cường thông tin thường xuyên trên báo, đài, Zalo, Facebook...
Đồng thời, kiểm tra, sửa chữa máy bơm, kịp thời bơm tiêu chống úng cho lúa, màu, cây ăn trái trong mùa mưa lũ; tăng cường công tác quản lý đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lũ, bão, đề phòng ngập úng cục bộ khi có mưa lớn kéo dài. Bên cạnh đó, có kế hoạch hiệp đồng lực lượng, phương tiện, vật tư, bố trí lực lượng xung kích ở các vị trí xung yếu, chuẩn bị đủ vật tư dự trữ và phương tiện vận tải thích hợp để ứng phó, gia cố theo phương châm “4 tại chỗ”.
Giông lốc khiến 158 căn nhà bị sập và tốc mái
Ông Lương Huy Khanh, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra mưa lớn kèm lốc xoáy đã làm 158 căn nhà bị sập, tốc mái cùng nhiều diện tích lúa và hoa màu của người dân ở huyện Phú Tân, An Phú và thị xã Tân Châu bị thiệt hại nặng.
Trước đó vài ngày, mưa lớn kèm theo giông, lốc đã làm nhiều nhà dân bị sập và tốc mái. Bên cạnh đó, giông, lốc cũng làm nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn huyện Phú Tân, An Phú và thị xã Tân Châu bị đổ ngã, gây thiệt hại nặng.
Theo ông Khanh, giông, lốc không gây thiệt hại về người nhưng đã làm 158 căn nhà bị sập và tốc mái; trong đó nặng nhất là huyện biên giới An Giang với 113 căn nhà, huyện Phú Tân 41 căn nhà và thị xã Tân Châu 4 căn nhà.
Hiện các địa phương đang rà soát, xác định mức độ thiệt hại để có hướng hỗ trợ phù hợp nhằm giúp bà con sớm ổn định cuộc sống. Sau khi giông, lốc gây thiệt hại nhà cửa của người dân, Ban Chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện Phú Tân, An Phú, thị xã Tân Châu cùng lãnh đạo các xã đến thăm hỏi, động viên người dân có nhà bị thiệt hại do mưa giông. Các địa phương huy động lực lượng tại chỗ và hỗ trợ người dân sửa chữa lại nhà cửa.