| Hotline: 0983.970.780

An Giang diễn tập ứng phó dịch tả heo Châu Phi

Thứ Năm 16/05/2019 , 19:09 (GMT+7)

Sáng ngày 16/5, Sở NN-PTNT An Giang phối hợp UBND huyện Tịnh Biên tổ chức diễn tập thực địa ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả heo Châu Phi tại khu vực biên giới giáp với Campuchia.

Diễn tập lấy mẫu bệnh phẩm heo chết.

Tình huống giả định đặt ra là ông Nguyễn Văn A (ở khóm 3, thị trấn Chi Lăng huyện Tịnh Biên) nghi ngờ đàn heo 20 con của gia đình bị bệnh dịch tả heo Châu Phi nên trình báo cán bộ thú y.

Qua kiểm tra lâm sàng, heo có biểu hiện sốt cao, bỏ ăn, tím tái da, khó thở, tiêu chảy… (có 3 con đã chết). UBND thị trấn Tri Lăng đã phối hợp Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tịnh Biên điều tra, khoanh vùng ổ dịch, tiến hành các bước xử lý ban đầu, báo cáo về cấp trên, đồng thời lấy mẫu huyết thanh đối với heo còn sống, mổ xác heo chết lấy bệnh phẩm gởi Chi cục Thú y vùng 7 xét nghiệm.

Khi kết quả xét nghiệm cho thấy đàn heo hộ ông Nguyễn Văn A dương tính với bệnh dịch tả heo Châu Phi, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm (BCĐ PCDBGSGC) huyện Tịnh Biên tiến hành cuộc họp khẩn cấp, có sự tham gia của BCĐ cấp tỉnh, Chi cục CN&TY An Giang để bàn phương án xử lý đàn heo bị nhiễm bệnh.

Sau khi nghe báo cáo tình hình, BCĐ PCDBGSGC huyện Tịnh Biên đã chỉ đạo các ngành chức năng địa phương khẩn cấp triển khai khoanh vùng ổ dịch, tham mưu ban hành quyết định hủy và thành lập Tổ chống dịch, bao gồm: Tổ ứng phó nhanh, tổ trực chốt kiểm dịch động vật tại khu vực xảy ra dịch,  tổ tiêu hủy, vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng khu vực hộ chăn nuôi có dịch, các khu vực vùng bị dịch uy hiếp và vùng đệm, tổ thông tin, tuyên truyền.

Sát trùng trước khi đào hố tiêu hủy.

Trong phần diễn tập thực địa, các đơn vị và lực lượng chức năng đã tiến hành xử lý tiêu hủy đàn heo mắc bệnh dịch tả heo Châu Phi. Theo phân công của BCĐ PCDBGSGC huyện Tịnh Biên, Tổ phản ứng nhanh phối hợp chính quyền thị trấn Chi Lăng xuống hộ ông Nguyễn Văn A cho thực hiện cam kết không được xuất bán heo, mổ thịt heo mắc bệnh mà thực hiện điều tra ổ dịch, xác định nguồn lây, lấy mẫu xét nghiệm, xác định khu vực thành lập chốt kiểm dịch ngăn chặn heo ra vào vùng dịch. Đối với Tổ tiêu hủy, khử trùng tiêu độc, sau khi thông qua Quyết định tiêu hủy, đã tiến hành thu gom heo và rác thải trong vùng ổ dịch để tiêu hủy và vệ sinh sát trùng trong khu vực hộ có dịch; tiến hành vệ sinh, sát trùng toàn bộ khu vực xung quanh hộ có dịch.

Đối với tổ trực chốt kiểm dịch động vật, tiến hành ngăn chặn vận chuyển heo ra vào ổ dịch; kiểm tra, xử lý heo và thịt heo; vệ sinh tiêu độc phương tiện ra vào vùng dịch. Trong khi đó, Tổ thông tin, tuyên truyền tăng cường thông tin về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; thông tin số điện thoại đường dây nóng, hướng dẫn người dân báo cáo dịch bệnh; phân phát tờ rơi và hướng dẫn người dân các biện pháp chống dịch.

Bỏ heo xuống hố tiêu hủy.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm, GĐ Sở NN-PTNT An Giang cho biết: hiện nay tổng đàn heo toàn tỉnh trên 120.00 con, việc tổ chức diễn tập thực địa ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn An Giang là rất cần thiết bởi vì hiện nay diễn biến bệnh dịch tả heo Châu Phi đang rất phức tạp. Tính đến ngày 12/5/2019, bệnh dịch tả heo Châu Phi trên cả nước đã xảy ra tại 2.296 xã, thuộc 204 huyện của 29 tỉnh, thành phố với tổng số heo bệnh và tiêu hủy hơn 1,22 triệu con (chiếm hơn 4% tổng đàn heo cả nước). Đáng lưu ý là bệnh đã lan tới tỉnh Bình Phước, “thủ phủ heo” Đồng Nai. Tại ĐBSCL, bệnh đã xuất hiện tại tỉnh Hậu Giang. Trong khi đó, phía bên kia biên giới Campuchia, dịch bệnh cũng đã xuất hiện và diễn biến phức tạp.

Mỗi ngày, lượng heo từ các tỉnh vận chuyển vào An Giang tiêu thụ hiện rất lớn, nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch tả heo Châu Phi khá cao. Trong khi đó, với đường biên giới gần 100km giáp Campuchia, khả năng lây bệnh qua tuyến biên giới cũng rất lớn.

Vệ sinh cá nhân sau khi thực hiện nhiệm vụ.
Kiểm tra trọng lượng heo tiêu hủy.
Lấy huyết thanh heo bệnh.
Vận chuyển heo đưa đi tiêu hủy.
Lấp hố tiêu hủy.

  • Tags:
Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.