| Hotline: 0983.970.780

An Giang tăng cường phòng chống cháy rừng

Thứ Tư 13/03/2019 , 10:20 (GMT+7)

Đang là đỉnh điểm của mùa khô, thời tiết nắng nóng kéo dài, độ ẩm thấp; cũng là thời điểm người dân đi lễ chùa. Khu vực đồi núi trên địa bàn tỉnh An Giang luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao.

Do đó, công tác phòng chống cháy rừng đang được các cấp chính quyền, ngành chuyên môn của tỉnh tập trung thực hiện.

10-45-17_nh_2_ngnh_kiem_m_n_ging_d_nng_muc_bo_dong_chy_rung_len_cp_5_cp_cuc_ky_nguy_hiem_dong_thoi_xy_dung_cc_phuong_n_bo_tri_luc_luong_phuong_tien_chu_chy_de_ung_truc_2424
Lực lượng kiểm lâm liên huyện Tri Tôn – Thoại Sơn kiểm tra công tác PCCR

Tại khu vực Núi Dài, thuộc xã An Phú, huyện Tịnh Biên, những đám cỏ dưới tán rừng đã chuyển màu vàng khô rất dễ cháy. Ông Nguyễn Văn Phố, một người dân ở khu vực này cho biết, nhà ông có 2,5 ha đất rừng. Thời điểm này nắng nóng kéo dài, ông và các hộ dân ở đây luôn phải có ý thức và cảnh giác cao trong việc phòng chống cháy rừng (PCCR).

"Vào mùa này, tôi dự trữ nước, xài tiết kiệm còn để PCCR, năm nay nắng nhiều, không thể chủ quan được. Bản thân tôi dự phòng 3 bồn nước, mỗi bồn khoảng 10 khối nước đề phòng có sự cố xảy ra. Đặc biệt thời điểm này ngành chức năng báo động cháy rừng cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm). Chúng tôi thường xuyên kiểm tra rừng. Khi gặp người dân đi viếng núi thì khuyên đừng hút thuốc và cắm nhang bừa bãi", ông Phố nói.

Ông Lý Vĩnh Định, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên huyện Tri Tôn - Thoại Sơn cho biết, Hạt quản lý địa bàn rộng, có cả diện tích rừng ở đồng bằng và rừng khu vực núi. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, thực hiện chỉ đạo của Chi cục Kiểm lâm, Hạt đã triển khai các phương án phòng cháy chữa cháy đối với các điểm có nguy cơ cháy cao; duy trì chế độ thường trực 24/24 giờ, kiểm soát chặt chẽ người vào khu vực rừng có nguy cơ cháy cao, giảm thiểu nguồn lửa; phát hiện kịp thời điểm cháy; hướng dẫn khách tham quan du lịch...

Theo ông Định, ở thời điểm hiện nay vùng Bảy Núi nhiệt độ tăng lên 36 độ C, nguy cơ cháy rừng cực cao. Năm nay dự báo rừng ở đồng bằng nguy hiểm hơn đồi núi vì mực nước ngầm đang xuống rất thấp. Khi mà rừng đồng bằng cháy là rất lẹ, chỉ ùa chút xíu là bùng mấy trăm héc ta và rất khó chữa so với rừng đồi núi.

Cần cảnh báo cho người đi bắt ong rừng và đi chùa thắp hương. Lực lượng kiểm lâm phải túc trực và thường xuyên kiểm tra và đồng thời nhắc nhở người dân có ý thức bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, còn triển khai các công cụ chữa cháy, phương tiện xuống địa bàn.

Tỉnh An Giang có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp gần 17 ngàn ha, gồm vùng đồi núi và đồng bằng. Trong đó, vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cấp 5 là hơn 7.200 ha chiếm hơn 43%, tập trung ở các huyện Tịnh Biên, Tri Tôn, Thoại Sơn và TP. Châu Đốc.

Chi cục Kiểm lâm An Giang cho biết, nhiệt độ không khí thời điểm lúc 13 giờ tăng cao, nắng nóng gay gắt, các vật liệu cháy dưới tán rừng đã khô, độ ẩm rất thấp, lượng nước dưới các kênh đang dần khô kiệt. Vì vậy rất dễ bắt lửa gây cháy lớn và lây lan nhanh trên diện rộng, gây thiệt hại nhiều mặt. Ngành kiểm lâm An Giang đã nâng mức báo động cháy rừng lên cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm), đồng thời xây dựng các phương án, bố trí lực lượng, phương tiện chữa cháy để ứng trực 24/24 giờ.  

Chi cục Kiểm lâm đã phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức triển khai 35 phương án PCCR từ cấp huyện đến cấp xã; Trang bị 4 xe tải phục vụ vận chuyển lực lượng khi có sự cố; 65 xuồng và vỏ lãi, hơn 130 máy chữa cháy cải tiến, gần 11.000 thùng chứa nước, bình xịt, can đựng nước, bàn đập lửa…

Bố trí các phương tiện, máy móc và dụng cụ thô sơ phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy theo phương châm 4 tại chỗ. Đồng thời, xây dựng đường băng cản lửa; đốt chủ động, chống cháy lan với tổng diện tích 23ha như khu vực Tịnh Biên, Tri Tôn, Thoại Sơn…

Tuyên truyền về PCCR cho cộng đồng dân cư ở những nơi có đông khách du lịch, khách hành hương. Tăng số lần tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh ở các xã, phường, thị trấn để du khách cũng như người dân hiểu và tích cực tham gia trong công tác PCCR. 

Ông Trương Minh Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm An Giang cho biết, trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, nhất là mực nước ở khu rừng đồng bằng xuống thấp hơn so với cùng kỳ, Chi cục đã xây dựng triển khai các phương án bảo vệ rừng, PCCR trên địa bàn; khoanh vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao. Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm phối hợp với công an, quân sự xã thực hiện tuần tra, kiểm tra các vùng trọng điểm, tuyên truyền giáo dục trong cộng đồng dân cư, phát thanh lưu động, dán các bảng pa nô, áp phích với mục tiêu cố gắng là không để xảy ra cháy rừng, nếu cháy thì huy động các lực lượng để kịp thời dập tắt, hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Xem thêm
Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn, Vĩnh Long có vi phạm, khuyết điểm

Đó là kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, sau Kỳ họp thứ 52, tổ chức từ ngày 9 đến 11/12, do ông Trần Cẩm Tú chủ trì tại Hà Nội

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh

YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.