Theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng Anh, với những người tiêu thụ các loại hạt (trong đó có hạt điều) nhiều hơn 4 lần/tuần thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành có thể thấp hơn 37% so với những người không bao giờ hoặc không thường xuyên tiêu thụ các loại hạt.
Vì vậy, trong thời gian tới, tiêu thụ các loại hạt, trong đó có hạt điều, sẽ tiếp tục tăng lên trên toàn cầu. Hạt điều có thể được sử dụng trong sản xuất các thanh bánh snack, thay vì sử dụng sô cô la có hàm lượng calo cao.
Thời gian gần đây, sữa hạt điều cũng được sử dụng nhiều hơn. Hạt điều được sử dụng làm các sản phẩm thay thế sữa, như: sữa hạt điều, pho mát làm từ hạt điều, nước sốt kem làm từ hạt điều và kem chua.
Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), nhu cầu tiêu thụ hạt điều toàn cầu đạt 9,94 tỷ USD vào năm 2018 và dự kiến sẽ đạt 13,48 tỷ USD vào năm 2024, tốc độ tăng trưởng bình quân là 5,2% trong giai đoạn 2018 - 2024.
Nhận định trên dựa vào nhu cầu thị trường tăng đối với đồ ăn nhẹ lành mạnh, trong đó nhu cầu ngày càng tăng từ các nước châu Âu và số lượng các cơ sở chế biến chính ở châu Phi tăng.
Ngày nay, người tiêu dùng ưa chuộng các sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao. Hạt điều đã trở nên phổ biến trên toàn thế giới nhờ lợi ích đối với sức khỏe.