Cả tuần liền sáng nào chồng cùng về với túi khoai mì chưa luộc trên tay. Điệu này, vợ nghĩ, điệu này là khoai mì cả trưa nữa đây, người gì ăn chết một món!
Chồng tự tay lột vỏ khoai, đưa lên nồi hấp. “Hấp khoai chứ đừng luộc em nhé, hấp khoai sẽ ngọt hơn”. Vợ đế vào: “Má còn canh khoai vừa nứt thì búng nước muối vô nữa đó anh”. “Thế à, hay đấy, thế má cũng thích khoai mì à? Em biết không, mẹ cho anh ăn khoai từ nhỏ, vừa nhìn con ăn vừa giảng giải ích lợi của nó ngoài cơm. Làm thế này nhớ mẹ quá”. Vợ ngậm ngùi: “Miền Nam dừa khô dư thừa, bữa xế nào nhà em cũng có khoai mì quết với dừa, hoặc khoai mì nấu chè, công phu hơn có khoai mì nướng nữa”.
Câu chuyện của hai người già dừng lại để cả hai lắng nghe ký ức ùa về trong tâm trí. Chồng nhớ dáng mẹ thoăn thoắt nghề đông y, ăn gì uống gì cũng đưa vị thuốc vào người con, âm dương cân bằng con nhé. Canh cua rau đay, bò lá lốt, cá kho riềng, xơ mít muối chua ăn kẹp với rau kinh giới. Vợ nhớ má ngâm gạo vào đầu hôm, khuya dậy sớm một mình lục cục cối đá, tinh mơ các con đã có bánh ăn lót dạ trước khi ra vườn hoặc đi học, bánh lá mít hấp, bánh khọt, bánh canh, thậm chí bánh bột luộc trộn với dừa nạo nhuyễn ăn với rau sống và nước chấm.
Chồng kể hôm ấy em đi vắng, ở nhà anh mở YouTube nghe bài "Đưa cơm cho mẹ đi cày". Anh không ngờ mình khóc ngon lành như một đứa trẻ. Anh nhớ thời đưa các con đi mẫu giáo! Vợ hình dung khi ấy chồng ngồi ngay chỗ ban công, anh đang làm mộc hay làm điện chi đó và khóc. Khi người đàn ông thả lỏng, không oán hận không bực tức không đau khổ và họ khóc, không, không giống một đứa trẻ đâu, thuần túy nỗi đau đáu về tất cả đã làm nên cốt cách, tâm tư, số phận của họ.
Vợ kể nhớ nhất mùi mắm khi ký ức tua qua bến sông, cái bếp bằng lá dừa nước, hàng khạp đựng mắm, thế là những cọng bông súng trong mương vườn cũng hiện lên, có cả mùi bùn của nó nữa. “Mắm nhà tự làm à em?”. Vâng, khi má khi cô khi là chị đi tận U Minh mua đìa làm mắm. Cá lóc, cá sặc rằn, cá sặc bướm. Chở cá đã ướp muối về, rửa lại, muối kỹ rồi sẽ cho thính cho đường thốt nốt ủ hàng năm mới lên mùi thơm. Mắm lóc chưng cách thủy, mắm sặc lọc nước kho lên với cá với thịt ba rọi, chao ơi! “Cá nhiều sao phải ăn mắm hở em?”. “Tại anh không biết chứ trước sa mưa, nước lợ nước phèn có cá đâu. Nhưng ăn mắm riết thành món ăn nằm bàn, món ăn sum họp, ai ghét mắm coi như không phải dân miền Tây!”
Những bữa ăn của hai con người từng thuộc về văn hóa vùng miền luôn có sự pha trộn đầy chủ ý. Cá lóc nấu nhút mít anh nhé, khúc giữa con cá em sẽ kho với thịt, kho giòn chứ không kho nhừ đâu. Ừ, em nhớ rau muống chẻ nữa, chẻ để nguyên lá nghe. Cá chiên sốt cà anh chịu không, chịu chứ, nhưng phải có xà lách chứ? Dưa cải nấu nạm bò hay nấu với cá đây anh? Nạm bò đi, răng của anh giờ thích ăn mềm. Và mắm kho cho vợ thì phải có chẻo cho chồng, xin lỗi, anh không yêu món mắm nhiều đường của quê em, mắm quê anh là mắm bôi, mắm rươi, mắm tép không đường. Sao gọi là chẻo vậy anh? Làm sao anh biết được, cũng như mọi thứ phải có tên mà tổ tiên đã nghĩ ra và chúng ta cứ thế mà dùng rồi nó sẽ dậy mùi trong não của chúng ta, thế thôi! Chẻo là mật mía cô với vừng đen, thêm nước mắm nữa, nó sẽ ngọt một cách quá khích để ăn với chuối xanh và thịt luộc, không tệ, phải nói là quá bắt cơm!
Ai cũng có một mẹ và một quê hương. Thung thổ tạo nên tính cách và nó di truyền trong gene làm nên đặc tính. Vùng Bắc Hà, vùng Thanh Hóa, vùng Nghệ Tĩnh, vùng lưỡng Quảng, vùng Nam bộ, ngay trong tính chất vùng còn có tiểu vùng nữa. Chồng nhất định Nghệ An ưa làm chính khách, Hà Tĩnh ưa văn thơ. Vợ cả quyết người Cần Thơ khác người Cà Mau. Thấu hiểu để biết rằng vì sao hai con người ở hai phương trời có thể hạnh phúc bên nhau.
Nhiều đôi về già vẫn càm ràm sao ông ấy ăn mãi cái món kỳ quặc, hoặc sao bà ấy ăn nhạt thếch, lạ thế! Những lần ngạc nhiên ấy đã lấy đi một cách oan uổng những khoảnh khắc ấm nồng của vợ chồng. Càng có tuổi chúng ta càng hay ngoảnh lại, bởi tương lai không hấp dẫn gì nữa cả. Kho ký ức cứ bắt ta sống với nó và vì vậy, các món mẹ nấu sống dậy mãnh liệt. Ký ức tuổi thơ là trong veo nhất nên nó đậm nhất, sao không yêu được khi mà ta thuộc làu từng tế bào của con người đầu ấp tay gối với mình?