| Hotline: 0983.970.780

“An toàn khu” của lúa

Thứ Hai 12/05/2014 , 07:00 (GMT+7)

Ở vùng đất trũng xã Gia Vượng, huyện Gia Viễn (Ninh Bình), nông dân vẫn sống khá, sống tốt nhờ cây lúa và các mô hình thâm canh lúa - cá

Nông dân xã Gia Vượng, huyện Gia Viễn (Ninh Bình) khoe: "Lúa chúng tôi cấy chẳng hề nhiễm bệnh. Thỉnh thoảng xuất hiện sâu cuốn lá và rầy nâu, nhưng số lượng ít, chúng có cắn lá no cũng không ảnh hưởng nhiều đến năng suất".

LÚA SẠCH VÙNG CHIÊM TRŨNG

“Nhiều nơi, người nông dân đang ruồng bỏ cây lúa, lăm lăm nhổ lúa trồng khoai lang, khoai tây, cà chua, bí đỏ… Họ bảo dịch bệnh phá hoại mùa màng nhiều quá. Lúa phụ thuộc vào thuốc BVTV như người bệnh phải trị liệu định kỳ, không thì chết.

Bà con mất bao công cày sâu, cuốc bẫm, cấy hái đến làm cỏ, chểnh mảng vài bữa không ra đồng thăm nom, lúa nhiễm sâu bệnh không kịp phun phòng là lụi bại cả một vụ mùa.

Thế mà, ở vùng đất trũng xã Gia Vượng, nông dân vẫn sống khá, sống tốt nhờ cây lúa và các mô hình thâm canh lúa - cá”, ông Chủ nhiệm HTX Gia Vượng Đặng Văn Nền khẳng với tôi như thế.

Dẫn tôi thăm những cánh đồng bạt ngàn lúa ở thôn 1, thôn 3, ông Nền hồ hởi: "Các vùng SX lúa phía nam của tỉnh Ninh Bình, bà con đang phải phun thuốc phòng trừ sâu cuốn lá, vì lúa trà mùa muộn chưa trỗ.

Nhưng tại đây lúa đã trỗ xong, hạt bắt đầu chắc xanh, lá thoát lên và cứng. Bây giờ chỉ sợ mưa bão thôi không sợ sâu bệnh hại nữa. Vụ này nông dân lại thắng to cho mà xem".

Theo ông Nền, sâu cuốn lá thường tập trung hại nặng vào thời kỳ lúa là đẻ nhánh rộ và làm đòng trổ. Khi vụ lúa chính đã qua các giai đoạn trên, sâu cuốn lá sẽ tập trung vào trà lúa muộn để phát triển và bảo tồn nòi giống. Nhờ nắm bắt được quy luật này, nông dân xã Gia Vượng vẫn gieo cấy trà xuân muộn, nhưng cấy sớm hơn khoảng 5 - 7 ngày để tránh sâu cuốn lá.

Bên cạnh đó, các loài ký sinh trên trứng, nhộng, sâu non và các loài côn trùng ăn thịt như nhện, chuồn chuồn, các loài cánh cứng… là thiên địch đáng sợ của sâu cuốn lá. Tuy nhiên, chúng rất mẫn cảm với các loại thuốc BVTV.

Qua thực tiễn nhiều năm SX, bà con nhận thấy hai loại bệnh hại lúa ngốn nhiều thuốc BVTV nhất trong vụ xuân là đạo ôn và khô vằn. Những giống lúa thuần như BC15, QR1, HQ12, ĐS1 hay nếp nhiễm rất nặng. Trung bình mỗi vụ phải phun phòng 2 - 3 lần cho bệnh đạo ôn lá (chưa tính đạo ôn cổ bông và các bệnh khác).

Đồng đất của Gia Vượng trũng nhưng không bằng phẳng, gồm cả chân đất vàn thấp, vàn và vàn cao nên tính thích ứng của các loại lúa thuần không cao. Thậm chí có nhiều năm còn mất mùa.

Những năm gần đây, HTX định hướng cho bà con chuyển đổi diện tích trồng các loại lúa thuần sang lúa lai có năng suất cao trong vụ xuân như CT16, Nhị ưu 838, TH3-7… Hiệu quả đem lại từ sự chuyển đổi cơ cấu giống này phát huy hiệu quả rất lớn.

"CHÌA KHOÁ" LÚA LAI

Theo ông Nền, tất cả các giống kể trên đều có khả năng kháng bệnh đạo ôn và khô vằn cực tốt (không cần phun phòng thuốc BVTV), thích ứng với các chân vàn khác nhau và đạt năng suất từ 68 - 70 tạ/ha.

Riêng với giống lúa HQ19 do Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp VN) lai tạo đang được trồng thực nghiệm tại địa phương năng suất cao và chất lượng gạo dẻo, thơm ngon. Bà con cấy để lấy gạo ăn.

Tuy nhiên, điểm yếu của các giống lúa lai là khả năng chống chịu bệnh bạc lá kém, trong khi các giống lúa thuần như BC15, Hoàng Long 18, Hương thơm 1, Bắc thơm 7 lại có khả năng chống chịu tốt hơn. Do đó, vụ mùa nông dân chuyển sang gieo cấy lúa thuần.

Nhờ việc hạn chế sử dụng thuốc BVTV, hệ sinh thái trên những cánh đồng Gia Viễn đã được bảo vệ. Ở những thửa ruộng đồng trũng, tôm, cua, cá còn khá nhiều. Giữa nắng hè, người dân vẫn vác nơm úp cá, đánh đụt, tát mương kiếm thức ăn. Tại thôn 1, thôn 3 hình thành nên cả một khu thâm canh lúa cá. Những gia đình như ông Đinh Văn Lữ, Đinh Văn Bính, Đinh Văn Khoa có quy mô rộng 1 - 2 ha.

Ông Đinh Văn Lữ cho biết: "Với diện tích 1 ha tại khu đồng trũng, tôi đầu tư xây dựng 0,5 ha đào thả cá và nuôi vịt đẻ. Cạnh ao là ruộng lúa lai. Khi lúa đã cao (80 cm), tôi bơm nước ngập gốc 50 cm để cá lên ăn lá già và côn trùng.

Mật độ cá trong ao có thể thả dày hơn bình thường 1,5 lần. Thu hoạch xong lúa chính vụ làm thức ăn cho vịt, gia đình tiếp tục bón phân chuồng để lấy lúa chét làm thức ăn cho cá. Ước tính, mô hình lúa - cá của tôi cho thu nhập 400 triệu/ha/năm".

Ông Trần Đình Toàn, PGĐ Sở NN-PTNT Ninh Bình, người dành sự quan tâm đặc biệt đối với mô hình SX lúa sạch tại xã Gia Vượng, chia sẻ:

“Năm nay thời tiết rất bất lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa.

Từ ngày 9/2 đến nay, thời gian chiếu sáng rất ít. Rét kéo dài sau lập xuân với khoảng 50 ngày trời âm u, độ ẩm không khí cao. Đó là môi trường lý tưởng để bệnh đạo ôn bùng phát trên diện rộng.

Vụ xuân năm 2014, Ninh Bình gieo cấy 41.386 ha lúa thì có tới 11.000 ha bị nhiễm bệnh đạo ôn, bà con phải phun 2 - 3 lần thuốc BVTV.

Một số diện tích không phun kịp có hiện tượng lùn cây. Còn với các giống lúa lai thì vẫn bình an vô sự.

Từ thực tiễn cho thấy, việc sử dụng các giống lúa lai kháng đạo ôn gieo cấy vụ xuân là vấn đề lớn trong cơ cấu giống của các tỉnh, thành phía Bắc nhằm thu về hiệu quả cao”.

 

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 1] Cứu cánh từ đàn đại gia súc

Trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi hoành hành gây thiệt hại lớn, chăn nuôi đại gia súc trở thành cứu cánh của nhiều người dân, hợp tác xã ở tỉnh Bắc Kạn.

Biên Hòa phát hiện, xử lý các lò mổ lậu

Đồng Nai Lực lượng liên ngành thành phố Biên Hòa đang tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ không phép trên địa bàn, nhất là trong giai đoạn cuối năm.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.