| Hotline: 0983.970.780

An toàn sinh học là nền tảng phát triển chuỗi sản phẩm OCOP chăn nuôi

Thứ Hai 27/06/2022 , 14:38 (GMT+7)

Trước tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, tỉnh Quảng Ninh đã phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững áp dụng an toàn sinh học.

Công ty CP Khai thác khoáng sản Thiên Thuận Tường có quy mô 38.000 - 45.000 con lợn. Ảnh: Nguyễn Thành.

Công ty CP Khai thác khoáng sản Thiên Thuận Tường có quy mô 38.000 - 45.000 con lợn. Ảnh: Nguyễn Thành.

Giá trị sản xuất chăn nuôi chiếm 56,44% toàn ngành

Toàn tỉnh Quảng Ninh hiện có 7 doanh nghiệp chăn nuôi lớn như Công ty TNHH Phú Lâm, quy mô từ 10.000 - 12.000 con bò; Công ty CP Khai thác khoáng sản Thiên Thuận Tường, quy mô 40.000 - 50.000 con lợn, sản lượng 700 tấn/tháng; Công ty CP Phát triển chăn nuôi và Nông lâm ngư nghiệp Phúc Long, quy mô 5.000 con gà Tiên Yên bố mẹ.

Cùng với đó là 24 hợp tác xã và 240 trang trại chăn nuôi được cấp chứng nhận kinh tế trang trại, 28 cơ sở được cấp chứng nhận VietGAP, 15 cơ sở được cấp chứng nhận an toàn dịch bệnh.

Tỉnh Quảng Ninh đang phát triển các vùng chăn nuôi tập trung, như vùng chăn nuôi lợn tại TP Móng Cái với diện tích 32ha; vùng chăn nuôi gà Tiên Yên với 850.000 con; các vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung với 1.341ha.

Nhờ tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, năm 2021 giá trị sản xuất chăn nuôi của tỉnh tăng 7,6%, chiếm 56,44% giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh có đàn trâu hơn 27.600 con, đàn bò trên 34.000 con, đàn lợn gần 263.000 con, đàn gia cầm hơn 4 triệu con.

Tổng sản lượng thịt các loại xuất chuồng năm 2021 được 97.344 tấn, 3 tháng đầu năm 2022 đạt 27.451 tấn. Sản lượng thịt gia súc, gia cầm chăn nuôi trên địa bàn tỉnh hiện đáp ứng 70% nhu cầu tiêu dùng nội tỉnh.

Các địa phương trong tỉnh đang rà soát, bố trí quỹ đất phục vụ việc di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi; tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Ngoài ra, khuyến khích các cơ sở sản xuất giống gia súc, gia cầm nhằm đảm bảo cung ứng 80% nhu cầu giống trong chăn nuôi của tỉnh thời gian tới.

Hệ thống chuồng nuôi của công ty Thiên Thuận Tường luôn được vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo an toàn sinh học. Ảnh: Viết Cường.

Hệ thống chuồng nuôi của công ty Thiên Thuận Tường luôn được vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo an toàn sinh học. Ảnh: Viết Cường.

An toàn sinh học là ưu tiên hàng đầu

Từ việc áp dụng các quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, hệ thống trang trại lợn của Công ty CP Khai thác khoáng sản Thiên Thuận Tường (Quảng Ninh) đã bảo vệ thành công đàn lợn trước dịch bệnh, giúp công ty ổn định phát triển chăn nuôi, góp phần tăng nguồn cung thực phẩm gia súc, gia cầm.

Theo ông Trần Hòa, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc công ty Thiên Thuận Tường, ngay sau khi nhận được tin bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại Trung Quốc, và sau đó xuất hiện ở một số tỉnh thành của Việt Nam, công ty đã tập trung đầu tư nghiên cứu tìm hiểu các giải pháp để phòng chống dịch.

Cụ thể, công ty đã cấm trại tuyệt đối trong thời gian có bệnh dịch tả châu Phi. Cấm người không có nhiệm vụ và phương tiện, động vật vào trại, kể cả xe chở lợn và phương tiện của khách hàng đến mua lợn. Công ty sẽ bố trí phương tiện vận chuyển lợn ra ngoài cho khách hàng.

Với cán bộ công nhân viên, sinh viên thực tập, người lao động thực hiện đi làm đúng giờ theo quy định, sát trùng (xông hóc mon, chiếu đèn UV…) thay 100% quần áo bảo hộ lao động trước khi vào vị trí làm việc.

Việc vệ sinh môi trường khu vực chăn nuôi, nhà ở sinh hoạt, rắc vôi toàn bộ môi trường xung quanh hàng tuần, phun thuốc khử trùng chuồng trại hàng ngày, tổ chức diệt chuột, côn trùng, ruồi muỗi, được công ty thực hiện ít nhất 1 lần/tuần.

Bên cạnh đó, công ty tăng cường quản lý theo dõi diễn biến tình hình đàn lợn, nâng cao kháng thể tổng đàn như bổ sung các loại vitamin, các chất dinh dưỡng…

Trong giai đoạn phòng chống dịch, Ban Giám đốc tổ chức trực 24/24h tại nhà điều hành sản xuất. Đặc biệt, để tránh một kịch bản xấu nhất, Thiên Thuận Tường đã lựa chọn những con lợn giống quý đưa đến hơn 60 địa điểm là các đảo và trong rừng sâu để tránh dịch có thể xâm nhập.

Theo ông Hòa, nhờ thực hiện nghiêm các quy trình, quy định trong chăn nuôi theo hướng công nghệ cao và áp dụng triệt để các giải pháp phòng, tránh dịch bệnh cho đàn lợn nuôi, nên nguồn lợn thương phẩm và lợn giống của Thiên Thuận Tường cung ứng ra thị trường luôn đảm bảo an toàn, uy tín.

Hiện công ty là đơn vị giữ giống gốc lợn Móng Cái và nhiều giống lợn quý khác cho Bộ NN-PTNT, cũng là đơn vị đối tác giữ giống lợn cho Quảng Ninh.

Là doanh nghiệp tiên phong về phát triển chuỗi OCOP ở Quảng Ninh, nhiều năm qua, Thiên Thuận Tường đã tập trung nguồn lực cho ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Công ty đã đầu tư nhập khẩu giống lợn thuần, lai tạo giống nái sinh sản, giống đực thương phẩm cho nguồn thực phẩm chất lượng thơm ngon, được chăn nuôi theo dây chuyền tự động công nghệ châu Âu (nhập khẩu từ Đan Mạch) trên diện tích 500 ha (tại địa bàn TP Cẩm Phả, huyện Ba Chẽ và huyện Vân Đồn).

Đến nay, tổng đàn lợn của Thiên Thuận Tường đạt khoảng 50.000 con, số gia cầm đạt trên 80.000 con. Công ty đã đầu tư từ sản xuất thức ăn đến chăn nuôi, phân bón hữu cơ, trồng rau an toàn, trồng vùng nguyên liệu để xuất thức ăn chăn nuôi.

Đặc biệt, Thiên Thuận Tường đã và đang đầu tư vào lĩnh vực sản xuất chăn nuôi, trồng trọt theo chuỗi, từ nuôi trồng chế biến cho đến tiêu thụ. Gần đây, công ty cũng mở cửa hàng tiện ích, nhằm cung cấp thực phẩm là các sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng...

Chương trình OCOP xuất phát ở Quảng Ninh năm 2013, từ mô hình của Thiên Thuận Tường, tỉnh sẽ tiếp tục nhân rộng, xây dựng chuỗi sản phẩm OCOP. Với thương hiệu "Chợ Việt OCOP" của Thiên Thuận Tường, cùng với các doanh nghiệp khác sẽ hình thành hệ thống bán lẻ, tiêu thụ sản phẩm cho người dân ở Quảng Ninh và nhiều địa phương khác như Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng...

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.