| Hotline: 0983.970.780

Quảng Ninh mục tiêu 8.000 tỷ đồng từ nuôi biển

Thứ Tư 08/06/2022 , 06:45 (GMT+7)

Giai đoạn 2025 - 2030, Quảng Ninh mục tiêu đạt giá trị sản xuất từ nuôi biển trên 8.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 70% tổng giá trị sản xuất nuôi trồng thủy sản.

Ngày 7/6, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến làm việc với Sở NN-PTNT Quảng Ninh và Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam về phát triển nuôi biển tại tỉnh Quảng Ninh.

Mục tiêu 9.200ha đến năm 2030

Theo Sở NN-PTNT Quảng Ninh, với điều kiện tự nhiên thuận lợi, Quảng Ninh sẽ đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển theo hướng sản xuất hàng hóa, hiện đại, bền vững, ứng dụng công nghệ cao, góp phần bảo vệ môi trường, cảnh quan, nguồn lợi thủy sản, đa dạng sinh học, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, giải quyết việc làm, cải thiện điều kiện kinh tế xã hội và nâng cao thu nhập cho cộng đồng cư dân ven biển...

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị Quảng Ninh cần triển khai quyết liệt các giải pháp để sớm tháo gỡ những 'nút thắt', tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư, phát triển nuôi biển. Ảnh: Trung Quân.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị Quảng Ninh cần triển khai quyết liệt các giải pháp để sớm tháo gỡ những “nút thắt”, tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư, phát triển nuôi biển. Ảnh: Trung Quân.

Quảng Ninh sẽ sắp xếp các khu vực nuôi biển tập trung theo quy hoạch; thay thế bằng vật liệu nổi sử dụng trong nuôi biển thân thiện với môi trường theo quy chuẩn địa phương; di dời các cơ sở nuôi trồng thủy sản ra khỏi vùng lõi vịnh Hạ Long...

Dự kiến đến hết năm 2025, tổng diện tích nuôi biển Quảng Ninh đạt trên 8.800 ha (chiếm 33% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản), sản lượng nuôi biển chiếm 65% tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng (khoảng hơn 59.500 tấn). Tốc độ tăng trưởng bình quân về sản lượng giai đoạn 2020 - 2025 là 8,0%; giá trị sản xuất theo giá cố định trên 4.600 tỷ đồng (chiếm khoảng 68% giá trị sản xuất nuôi trồng thủy sản).

Có 100% cơ sở nuôi biển đạt điều kiện về an toàn thực phẩm, có giám sát nguồn gốc sản phẩm nuôi theo quy định tại Luật Thủy sản. Xây dựng từ 1 đến 2 mô hình nuôi biển như trồng rong biển, tôm hùm... Xây dựng ít nhất 2 mô hình nuôi biển gắn với du lịch, dịch vụ nhằm đảm bảo sinh kế, tăng thu nhập cho ngư dân.

Đảm bảo 100% số cơ sở nuôi biển, chủ cơ sở và người lao động tại cơ sở được tiếp cận thông tin cần thiết quy định tại Luật Thủy sản hiện hành và các quy định khác có liên quan. Có ít nhất 85% công nhân kỹ thuật tại các cơ sở nuôi biển được tham gia các khóa đào tạo, tập huấn về kỹ thuật nuôi thủy sản biển.

Điều kiện tự nhiên rất giàu tiềm năng, nhưng Quảng Ninh hiện chưa tranh thủ được lợi thế về nuôi biển. Ảnh: TL. 

Điều kiện tự nhiên rất giàu tiềm năng, nhưng Quảng Ninh hiện chưa tranh thủ được lợi thế về nuôi biển. Ảnh: TL. 

Đến hết năm 2030, tổng diện tích nuôi biển Quảng Ninh phấn đấu đạt hơn 9.200 ha. Trong đó, diện tích nuôi từ 3 hải lý trở vào là 3.500 ha (chiếm 37,7% tổng diện tích nuôi biển), vùng 3 - 6 hải lý hơn 5.300 ha (chiếm 58%), vùng từ 6 - 12 hải lý là 400 ha (chiếm 4,3%).

Tổng sản lượng đạt 94.000 tấn, tốc độ tăng trưởng bình quân về sản lượng giai đoạn 2025 - 2030 là 9,6%; giá trị sản xuất theo giá cố định trên 8.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 70% giá trị sản xuất nuôi trồng thủy sản.

Đảm bảo chủ động cung cấp 100% nhu cầu giống chủ lực, giống đặc hữu của tỉnh chất lượng, sạch bệnh. Tiếp tục phát triển nuôi, trồng các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao, chủ lực, đặc thù, có khả năng tạo sản lượng lớn, phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh.

Tiếp tục phát triển vùng nuôi trồng thủy sản tập trung trên biển từ 3 đến 6 hải lý và ngoài 6 hải lý tại các địa phương ven biển có điều kiện tự nhiên thích hợp, phù hợp với định hướng, kế hoạch sử dụng không gian biển. Thí điểm mô hình “trang trại nuôi biển công nghiệp gắn với bảo vệ an ninh quốc phòng và chủ quyền biển đảo” tại vùng biển ngoài 6 hải lý.

Định hướng đến năm 2045, phát triển ngành công nghiệp nuôi biển đạt trình độ tiên tiến với phương thức quản lý hiện đại. Nuôi biển trở thành một trong những bộ phận quan trọng của ngành thủy sản, có đóng góp trên 80% tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản của tỉnh.

Quảng Ninh hiện đã thu hút được các doanh nghiệp chế biến thủy sản, tạo thuận lợi cho nuôi biển phát triển. Ảnh: Tiến Thành.

Quảng Ninh hiện đã thu hút được các doanh nghiệp chế biến thủy sản, tạo thuận lợi cho nuôi biển phát triển. Ảnh: Tiến Thành.

Đến năm 2025, Quảng Ninh đặt mục tiêu đáp ứng cơ bản 70% nhu cầu về con giống thủy sản chất lượng cao, sạch bệnh cho các cơ sở nuôi biển của tỉnh. Phát triển nuôi, trồng các đối tượng thủy sản nuôi có giá trị kinh tế cao, chủ lực, đặc thù, khả năng tạo sản lượng lớn, phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh Quảng Ninh như: Cá biển (song, giò, vược, chim vây vàng, cá cảnh biển...); nhuyễn thể (ngao, hàu, tu hài, trai cấy ngọc, bào ngư...); giáp xác và thủy hải sản khác (rong biển, tôm hùm, ghẹ...).

Dịch chuyển và giảm diện tích, mật độ nuôi ở vùng biển từ 3 hải lý trở vào, mở rộng diện tích nuôi thủy sản biển phù hợp với sức tải môi trường trong giới hạn từ 3 đến 6 hải lý. Phát triển vùng nuôi trồng thủy sản tập trung trên biển tại các địa phương ven biển có điều kiện tự nhiên thích hợp và phù hợp với định hướng, kế hoạch sử dụng không gian biển.

Gỡ vướng mắc để làm hình mẫu cho các tỉnh

Theo Sở NN-PTNT Quảng Ninh, bên cạnh những thuận lợi, hiện nay nuôi trồng thủy sản trên biển nói riêng và nuôi trồng thủy sản của tỉnh Quảng Ninh nói chung cũng đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức: Phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa bền vững, có nơi, có lúc còn tự phát. Công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này còn nhiều hạn chế, yếu kém, nhất là công tác lập, quản lý, thực hiện quy hoạch.

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA), các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách khi đầu tư vào nuôi biển tại Quảng Ninh. Ảnh: Trung Quân.

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA), các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách khi đầu tư vào nuôi biển tại Quảng Ninh. Ảnh: Trung Quân.

Vùng nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ cao, theo chuỗi giá trị chưa nhiều, sản xuất còn nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, chưa có tính liên kết, hiệu quả thấp, không ổn định, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, dịch bệnh, thị trường. Hệ thống cung ứng dịch vụ, vật tư, thức ăn, thuốc phòng, trị bệnh... còn thiếu và chưa đồng bộ.

Đối tượng nuôi chủ lực còn hạn chế, giá trị kinh tế không cao, quy trình kỹ thuật nuôi còn mang tính truyền thống, tự phát. Hạ tầng vùng sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản chưa đáp ứng các điều kiện về kỹ thuật và chưa phù hợp theo từng đối tượng.

Công tác dự báo thị trường, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu giống, sản phẩm thủy sản còn hạn chế, chế biến còn nhỏ lẻ, chưa đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm nên xuất khẩu thường gặp khó khăn...

Về phía các doanh nghiệp, ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA) cho biết: Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp đang đầu tư và có nguyện vọng đầu tư vào lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, nuôi biển tại Quảng Ninh. Tuy nhiên, còn rất nhiều rào cản chưa có phương án giải quyết triệt để, tạo điều kiện thu hút, thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp.

Trong đó, nổi lên là những vướng mắc liên quan tới quy hoạch vùng nuôi; chủ trương, chính sách liên quan tới việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển theo Nghị định số 11/2021/NĐ-CP; việc cung cấp con giống còn yếu, lượng giống sản xuất tại Quảng Ninh rất ít, trong khi tỉnh đã có trung tâm sản xuất giống; vấn đề ô nhiễm môi trường biển ảnh hưởng đến việc nuôi trồng, chất lượng sản phẩm thủy sản...

Những khó khăn trong nuôi biển mà Quảng Ninh đang gặp phải nếu tháo gỡ được sẽ thành hình mẫu, cơ sở để tháo gỡ cho các địa phương khác. Ảnh: TL.

Những khó khăn trong nuôi biển mà Quảng Ninh đang gặp phải nếu tháo gỡ được sẽ thành hình mẫu, cơ sở để tháo gỡ cho các địa phương khác. Ảnh: TL.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Hiện nay, những khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đã xác định được. Do đó, tỉnh Quảng Ninh cần triển khai quyết liệt các giải pháp để sớm tháo gỡ những “nút thắt” này, tạo điều kiện để người dân an tâm sản xuất, thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư.

Tuy nhiên, để làm được điều này, tỉnh phải có thống kê cụ thể, chi tiết quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của từng cơ quan quản lý, doanh nghiệp, cá nhân khi tham gia phát triển nuôi biển.

“Phải chỉ rõ cơ chế chính sách trong phát triển nuôi biển, hạ tầng, giống, thức ăn, thiết bị nuôi, thú y phòng bệnh... vướng mắc ở điểm nào, vấn đề nào thuộc về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, vấn đề nào thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp. Cách chỉ đạo, điều hành phải sát thực tế, phải theo đuổi tới cùng vấn đề”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lưu ý.

Theo thứ trưởng Phùng Đức Tiến, mục tiêu cao nhất là hướng tới sự phát triển bền vững, với những lợi thế của mình, Quảng Ninh không có lý do gì không phát triển mạnh mẽ nuôi biển. Những khó khăn mà Quảng Ninh đang gặp phải nếu tháo gỡ được sẽ thành hình mẫu, cơ sở để tháo gỡ cho các địa phương khác.

“Hiện nay, Bộ NN-PTNT đã quyết tâm, quyết liệt vào cuộc, thì tỉnh, doanh nghiệp cũng phải xắn tay vào làm. Triển khai nội dung gì, gặp khó khăn gì phải nghiên cứu kỹ, làm đến cùng, tháo gỡ đến cùng, tháo gỡ được mới thôi”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Xem thêm
Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.

Bình luận mới nhất