| Hotline: 0983.970.780

Ánh ban mai rực rỡ Thang Trần Phềnh

Thứ Năm 06/09/2018 , 09:15 (GMT+7)

Ngày 26/8/2018, nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi đã ra mắt cuốn sách “Thang Trần Phềnh” (NXB Mỹ thuật, 2018) giới thiệu những tư liệu quý về người cựu sinh viên bí ẩn của trường Mỹ thuật Đông Dương khóa II (1926-1931).

Trong dịp này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với tác giả cuốn sách.

17-21-40_img_2065
Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi và sách Thang Trần Phềnh

- Công việc tìm kiếm về cuộc đời và tác phẩm của một họa sĩ rất ít người nói đến, như ông tự so sánh là “tìm một cái kim trong bó rơm”. Vậy ông đã tìm ra “cây kim vàng” Thang Trần Phềnh như thế nào? 

Tôi nghiên cứu về mỹ thuật Việt Nam cách nay gần 30 năm, chuyên môn của tôi là trường Mỹ thuật Đông Dương.

Tôi có ba nguồn tư liệu chính: Đầu tiên, Jean Tardieu, con trai Victor Tardieu, đã ưu đãi cho tôi xem một số thư tín trao đổi giữa Victor Tardieu và các sinh viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương cũng như hồ sơ, sự kiện, hình ảnh..., liên quan đến trường. Nguồn tư liệu thứ hai đến từ Nam Sơn, đồng sáng lập trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương với Victor Tardieu.

Những văn kiện liên quan đến trường đã giúp đỡ tôi rất nhiều trên con đường nghiên cứu về mỹ thuật Đông Dương. Cuối cùng, tôi sống tại Pháp, nơi có những trung tâm lưu trữ tuyệt vời nhất thế giới như Học viện Quốc gia Lịch sử Mỹ thuật Paris), Centre des Archives d'Outre-Mer (Trung tâm Lưu trữ Hải ngoại Pháp - CAOM) tại Aix en Provence và Thư viện Quốc gia Pháp.

Trong quá trình tìm kiếm và nghiên cứu, cơ duyên đưa đẩy tôi đặt tay lên “cây kim vàng” mang tên Thang Trần Phềnh. Tôi quyết định dành riêng cho ông một bài nghiên cứu và niềm đam mê đã đưa đẩy tôi từ một bài viết ngắn đến một cuốn sách dày…

- Thang Trần Phềnh là "một trong những họa sĩ có thông tin ít ỏi nhất", vậy các tác phẩm hội hoạ của ông có hiếm hoi hay không? Theo như chúng tôi được biết thì tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có bảo quản bức tranh Phạm Ngũ Lão của Thang Trần Phềnh? 

Tôi rất tiếc vì không có điều kiện tiếp cận tất cả tranh của Thang Trần Phềnh. Tôi đã làm việc như một nhà khảo cổ trong việc khai quật những tác phẩm hội họa của ông vì nó hiếm hoi như những viên kim cương quý giá. 

Giới mỹ thuật ai cũng biết có ông Thang Trần Phềnh nhưng không ai biết nhiều về ông. May mắn thay Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tại Hà Nội có 3 bức tranh của Thang Trần Phềnh, đó là bức “Phạm Ngũ Lão”, “Chân dung phụ nữ Lào” và “Lớp học sơ tán”.

17-21-40_thng_trn_phenh_-_phm_ngu_lo
Tranh Phạm Ngũ Lão, 71,5 x 94,7cm, sơn dầu, 1923, sưu tập của Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam (Ảnh chụp lại : Harry Nguyễn)

Những bức tranh còn lại nói đến trong sách, một số tôi có thể trưng bày hình ảnh, nhưng một số khác tôi chỉ có thể tìm ra những cái tên. Tôi hy vọng sau quyển sách này, các nhà sưu tập khám phá rằng trong bộ sưu tập của mình từ lâu đã ẩn chứa viên ngọc quý mang tên “Thang Trần Phềnh”…

Cuốn sách này nói về một con người, nhưng đồng thời cũng hé lộ về một thời kì đặc biệt của mỹ thuật Việt Nam và một số sinh hoạt của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.

- Có điều gì lôi cuốn ông qua các tác phẩm của Thang Trần Phềnh hay qua cuộc đời, để một Việt kiều sống tại Pháp đã lâu lại mất khá nhiều công sức đi tìm tác giả như vậy. Chắc hẳn sinh viên khoá II trường Mỹ thuật Đông Dương chưa đủ sức hấp dẫn đối với ông?

Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi: Trong thời kỳ đầu của nền hội họa Việt Nam, có ba cái tên thường được nhắc đến, đó là Lê Văn Miến, Thang Trần Phềnh và Nam Sơn. Tôi đã viết một chuyên khảo về Lê Văn Miến và trong bài viết về trường Mỹ thuật Đông Dương, tôi đã nhắc đến Nam Sơn và nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của ông trong việc thành lập trường Mỹ thuật, cái nôi của nền mỹ thuật nước nhà. Nhân vật còn lại Thang Trần Phềnh luôn là một điều bí ẩn đối với tôi. 

Tôi bắt đầu viết về Thang Trần Phềnh cách đây hơn 10 năm, mỗi khi có tài liệu nào liên quan đến ông, tôi đều để riêng qua một bên. Người nghiên cứu phải có con mắt và nhận định rất tỉ mỉ để khai quật lại quá khứ, mỗi điểm dù là rất nhỏ đều có tầm quan trọng. Từ những thông tin nhỏ nhất, tôi đã tỉ mỉ xây dựng nên một bài nghiên cứu, càng ngày càng dài ra rồi trở thành một quyển sách. Tôi cũng không quên nhắc tới sự giúp đỡ của nhiều bạn hữu đã tận tình động viên nâng đỡ…

- Theo như tôi suy nghĩ thì điều này là không hề đơn giản đối với một Việt kiều. Bởi vì, ngay đối với những người trong nước, giữa thời đại kết nối internet toàn cầu như thế này nhưng để tìm địa chỉ một vài nhân vật giữa Thủ đô cũng đã là mò kim đáy bể. Thêm vào đó, không phải dễ dàng gì mà các gia đình chia sẻ tư liệu, lý lịch về người thân của họ đâu. Có phải không thưa nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi? 

Tôi không nghĩ cơ duyên đưa đẩy mình tìm được đến gia đình Thang Trần Phềnh và gặp bà Thang Thị Loan, con gái ông. Ở đây tôi phải cám ơn Internet và mạng lưới xã hội đã xô đẩy những con người từ xa vạn dặm đến gần nhau hơn. Đó là những giây phút cuối cùng trước khi in sách. Gia đình Thang Trần Phềnh đã dành cho tôi rất nhiều cảm mến, luôn ngỏ lời tri ân vì tôi đã dành rất nhiều tâm trí để viết về Cha Ông của họ. Rất tiếc gia đình bà Thang Thị Loan không còn lưu giữ lại tác phẩm nào của Thang Trần Phềnh, nhưng cho tôi vài chi tiết riêng tư cũng như hình ảnh gia đình.

Một điều đáng nói ở đây, là sau khi sách in xong, chuẩn bị ra mắt, thì tôi được sự liên lạc người cháu đích tôn của Thang Trần Phềnh là ông Thang Đức Thắng. Những tài liệu mới sẽ được bổ xung vào dịp tới, hoặc là tôi sẽ hoàn chỉnh bằng một bài viết mới.

- Đối với môi trường “vàng thau lẫn lộn” của tranh Việt Nam hiện nay, thậm chí ngay cả 2 bức tranh "Múa vòng" và "Thống nhất" của danh hoạ Nguyễn Sáng lưu tại Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH-TT&DL) còn bị giới chuyên môn Mỹ thuật cáo buộc là tranh giả (tranh thật đã bị đánh tráo); điều gì là xác tín để ông mạnh dạn công bố trong sách của mình đó là tranh Thang Trần Phềnh? 

Những tranh Thang Trần Phềnh nêu ra trong sách đã được kiểm chứng rất kỹ lưỡng, qua tài liệu hiếm hoi cũng như sách báo thời xa xưa, và được chính gia đình ông xác nhận. Trong thời kỳ hội họa Việt Nam “vàng thau lẫn lộn” như hiện nay, tôi hy vọng sự cân nhắc của tôi sẽ giúp cho tranh Thang Trần Phềnh mãi được sáng trong như ánh trăng rằm.

Tôi vẫn ví von, trong buổi bình minh của nền hội họa Việt Nam, Thang Trần Phềnh đã là ánh ban mai rực rỡ. Tôi mong rằng niềm rực rỡ này sẽ luôn nguyên vẹn trong tên tuổi của ông.

Xem thêm
Tháng phim điện ảnh tri ân huyền thoại màn bạc Alain Delon

Tháng phim điện ảnh từ 12h ngày 16/12/ 2024 đến 24h ngày 16/1/2025, với ba tác phẩm nổi tiếng cho sự góp mặt của huyền thoại màn bạc Alain Delon.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.