| Hotline: 0983.970.780

Ao đầm bỏ hoang vì tôm rớt giá

Thứ Hai 18/05/2015 , 06:15 (GMT+7)

Vào thời điểm này năm trước, đi trên con đường ven biển ở các huyện Thăng Bình, Núi Thành (Quảng Nam) thấy nhộn nhịp mua bán tôm nuôi. Nay thì...

Cùng với con trai đang tháo máy đem cất, ông Nguyễn Văn Lợi ở thôn Bình Phú, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành cho biết: Đầu năm 2013, ông thấy hàng xóm đào vườn để nuôi tôm thẻ chân trắng. Họ nuôi rất đơn giản, chỉ đắp bờ trải bạt rồi bơm nước vào thả tôm giống.

Chỉ trong khoảng thời gian ngắn nhưng có lãi vài trăm triệu đồng/vụ. Thương lái thu mua tôm thẻ chân trắng tại ao loại 100 con/kg với giá 160.000 - 165.000 đồng; loại 90 con/kg 170.000 đồng để xuất sang Trung Quốc.

Thấy vậy, ông cũng cải tạo 3 sào vườn của mình để nuôi tôm. Trong lúc không có vốn, gia đình ông thế chấp nhà đất vay mượn ngân hàng hơn 100 triệu đồng đầu tư nuôi. Vụ đầu có lãi 50 triệu đồng nên ông dùng cả vốn lẫn lãi mở rộng thêm diện tích nuôi.

Tuy nhiên, giữa năm 2014, giá tôm bắt đầu giảm dần khiến gia đình ông càng nuôi càng thua lỗ nặng. Đến thời điểm hiện tại, giá tôm giảm chỉ còn 96.000 đồng/kg đối với tôm 100 con/kg.

Cùng với đó là do tôm bị dịch bệnh, gia đình ông mất 200 triệu đồng vì thua lỗ 2 vụ liên tiếp. Tuy muốn tiếp tục nuôi tôm để trả nợ dần nhưng do nợ tiền thức ăn thủy sản quá nhiều, đại lý không chấp nhận bán chịu nên 5 sào ao nuôi tôm của gia đình bị bỏ hoang.

Cay đắng hơn, tại thôn Bình Phú, xã Tam Tiến có các hộ Nguyễn Văn Lực, Nguyễn Văn Ba quyết định phá dỡ luôn căn nhà tạm để đào ao nuôi tôm.

Ngờ đâu cuối vụ giá tôm xuống thấp, hai hộ này đã mất nhà lại còn lâm nợ với số tiền hàng trăm triệu đồng. Giá thấp, tiền không có để đầu tư tiếp, những ao tôm của hai gia đình đều bỏ hoang.

Ở Quảng Nam không chỉ người nuôi tôm, những chủ đại lý cung cấp thức ăn thủy sản tại địa phương cũng lao đao.

Chị Nguyễn Thị T (ở thôn Long Thạnh, xã Tam Tiến) cho biết, gia đình chị cũng như nhiều đại lý cấp 2 khác lấy thức ăn từ các đại lý lớn cung cấp cho người nuôi tôm ở địa phương.


Những ao nuôi tôm bị bỏ hoang

Số tiền này sẽ được người nuôi thanh toán khi thu hoạch. Tuy nhiên, khi tôm rớt giá, người nuôi tôm không còn khả năng trả nợ khiến chị trở thành chủ nợ và cũng là con nợ. Hiện, gia đình chị T đang nợ đại lý đến hơn 3 tỷ đồng không biết lấy gì để trả!

Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam, toàn tỉnh có 267 ha nuôi tôm thẻ chân trắng bằng phương pháp trải bạt trên cát, hiện nay số diện tích bỏ hoang khoảng 30%, tập trung ở huyện Núi Thành và Thăng Bình.

Nguyên nhân là do giá tôm thương phẩm thấp, trong khi đó giá tôm giống và các vật tư khác quá cao, dịch bệnh và thời tiết lại biến đổi thất thường nên người dân đang tính toán lại phương thức nuôi.

Bà Phạm Thị Hoàng Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam cho hay, UBND tỉnh đã ban hành quyết định  về việc quy hoạch tạm thời vùng nuôi tôm thẻ lót bạt ven biển tại hai huyện Thăng Bình và Núi Thành, giai đoạn 2014-2018. Trong đó diện tích được chỉnh trang khoảng 205 ha, diện tích mở mới 79 ha.

“Gắn với việc xây dựng quy hoạch nuôi tôm theo hướng bền vững, tập trung thâm canh tăng năng suất, tăng chất lượng sản phẩm… chúng tôi kêu gọi DN đầu tư xây trại SX giống tại chỗ nhằm hạ giá thành sản phẩm, giúp nông dân có điều kiện phục hồi SX”, bà Tâm cho biết.

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc

Ngày 3/5, tại phường Hải Xuân, TP Móng Cái, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Diện tích trồng hoa, cây cảnh của Hà Nội tăng hơn 13 lần trong 19 năm

Diện tích trồng hoa, cây cảnh của Hà Nội đã tăng một mạch từ 610ha năm 2005 lên khoảng 8.000ha trong thời điểm hiện tại.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.