Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định, trong năm 2022, tỉnh này có 3.929ha lúa áp dụng kỹ thuật canh tác lúa cải tiến (SRI) vào. Mục tiêu đến năm 2025, Bình Định sẽ tăng diện tích áp dụng SRI lên 5.000ha.
Để tổ chức sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, ngoài chuyển đổi cơ cấu cây trồng để giảm sử dụng nước tưới, thay đổi lịch thời vụ và cơ cấu giống theo từng mùa vụ, áp dụng SRI được ngành nông nghiệp Bình Định khuyến khích nông dân thực hiện.
SRI là phương thức canh tác lúa sinh thái dựa trên các yếu tố “tăng - giảm” phù hợp. Giảm là giảm chi phí đầu vào như giống, phân bón, thuốc BVTV; tăng là tăng hiệu quả kinh tế, tăng năng suất.
Theo ông Phan Văn Khiêm, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước (Bình Định), áp dụng SRI là thực hiện tốt quy trình canh tác lúa “3 giảm, 3 tăng”, tưới tiết kiệm nước.
“Áp dụng SRI, nông dân giảm sử dụng phân đạm để làm giảm phát thải khí nhà kính, đây là quy trình canh tác lúa tiên tiến nhất hiện nay. Huyện Tuy Phước áp dụng SRI từ hơn 10 năm trước, những địa phương ứng dụng phương pháp này nhiều nhất là các xã Phước Hiệp, Phước Quang, Phước Hưng, Phước Sơn…”, ông Khiêm cho hay.
Để có thể áp dụng SRI, hạ tầng đồng ruộng phải đáp ứng tốt điều kiện tưới tiêu, quy mô diện tích đủ lớn. Do vậy, việc chuyển đổi từ canh tác theo kiểu truyền thống sang SRI rất kén chọn đồng ruộng. Do vậy, ngành nông nghiệp Bình Ðịnh không thực hiện áp dụng SRI đồng loạt, mà tập trung ở những vùng có điều kiện phù hợp.
Theo ông Nguyễn Cường, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông Bình Định, áp dụng SRI trên cùng một diện tích, so với canh tác kiểu cũ sẽ tiết kiệm được 60 - 80% lượng giống, tiết kiệm được 50% lượng nước tưới và hơn 50% lượng phân bón, thuốc BVTV, năng suất tăng cao hơn từ 10 - 30%.
“Tuy nhiên áp dụng SRI cần phải có hệ thống tưới tiêu tốt để thực hiện khâu tưới ướt - khô xen kẽ; diện tích sản xuất phải đủ lớn, do đó, các cánh đồng liên kết, cánh đồng lớn được áp dụng nhiều hơn và thuận lợi hơn nhờ sản xuất đồng loạt cùng giống lúa, xuống giống cùng thời điểm”, ông Cường cho hay.
Ông Phạm Văn Tân, Giám đốc HTX Nông nghiệp 2 Nhơn Thọ (thị xã An Nhơn, Bình Định), cho biết: Toàn bộ 200ha liên kết sản xuất lúa giống của HTX đều áp dụng kỹ thuật canh tác lúa cải tiến. Kết quả cho thấy cây lúa sinh trưởng tốt, lúa giống được sạ thưa nên sâu bệnh giảm nhiều, việc tưới tiêu thuận lợi hơn.
“Vụ đông xuân 2022 - 2023 vừa qua và vụ hè thu 2023, HTX còn ứng dụng kỹ thuật sạ cụm bằng máy cho diện tích 1ha trong cánh đồng liên kết sản xuất lúa giống, đồng thời áp dụng SRI, bước đầu mô hình này cho thấy kết quả rất khả quan, lúa không bị ngã đổ, năng suất tăng cao, ít bị tác động của sâu bệnh”, ông Phạm Văn Tân cho hay.
Theo chia sẻ của nông dân có nhiều năm áp dụng SRI ở xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước), ngoài việc giảm được chi phí đầu vào, áp dụng SRI còn cải thiện được môi trường xung quanh.
Nếu trước đây, nông dân phun nhiều thuốc phòng trừ sâu bệnh hại để giảm đi thăm đồng vì tin rằng thuốc BVTV đã bảo vệ "sức khỏe" cho cây trồng thì hiện nay, bà con đã giảm phun thuốc phòng sâu bệnh mà chuyển sang thăm đồng thường xuyên hơn, thuốc BVTV chỉ phun khi cây lúa xuất hiện sâu bệnh theo hướng dẫn của ngành chức năng. Việc phun thuốc theo hướng dẫn vừa đảm bảo được hiệu quả phòng ngừa sâu bệnh hại, vừa tránh việc lạm dụng thuốc.
“Hiện nay, những địa phương như huyện Tuy Phước, huyện Hoài Ân, thị xã Hoài Nhơn và thị xã An Nhơn đang duy trì và mở rộng diện tích lúa áp dụng SRI ở các vùng phù hợp.
Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định không ngừng đẩy mạnh phối hợp chuyển giao, nhân rộng SRI vào sản xuất, góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất lúa và bảo vệ môi trường.
Phương thức canh tác này áp dụng hiệu quả ở các cánh đồng lớn, cánh đồng lớn liên kết với các doanh nghiệp sản xuất lúa giống tập trung ở huyện Tuy Phước, Tây Sơn, Phù Cát, thị xã An Nhơn, thị xã Hoài Nhơn”, ông Lê Hoài Lam, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định cho hay.