| Hotline: 0983.970.780

Cánh đồng lớn thâm canh lúa cải tiến

Thứ Hai 05/06/2017 , 09:40 (GMT+7)

Vụ xuân 2017, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) đưa vào sản xuất 11 cánh đồng lớn tại 8 xã với tổng diện tích 140ha, trong đó có 55ha sản xuất theo kỹ thuật cải tiến SRI.

Thực tế sản xuất cho thấy, năng suất bình quân trên những cánh đồng mẫu lớn áp dụng kỹ thuật cải tiến SRI đạt trên 7 tấn/ha, hiệu quả kinh tế tăng từ 22 - 28%.

09-25-22_kiem-tr-dnh-gi-nng-sut-cnh-dong-mu-lon-ti-hung-nguyen
Kiểm tra, đánh giá năng suất cánh đồng lớn tại Hưng Nguyên

Ông Hồ Quang Sử, một trong những chủ hộ ở xã Hưng Lĩnh sản xuất trên cánh đồng lớn, áp dụng kỹ thuật thâm canh cải tiến (SRI) giống lúa SV 181 cho biết, thực hiện mô hình lượng giống giảm 1/2 (từ 2,5 - 3kg/sào xuống 1,2 - 1,5kg/sào); chỉ cấy 1 - 2 dảnh/khóm (50 - 55 khóm/m2) thay vì 3 - 4 dảnh/khóm (50 - 55 khóm/m2); cấy mạ non, nông thay vì cấy mạ già, sâu như truyền thống. Việc giảm mật độ cây giúp cho ruộng lúa thông thoáng, quá trình quang hợp diễn ra tốt hơn, lượng phân bón sử dụng hiệu quả hơn… Ngày công sản xuất cũng giảm. Lúa tăng sức đẻ nhánh và có dảnh hữu hiệu cao.

Sản xuất lúa theo kỹ thuật cải tiến SRI trên cánh đồng lớn không những giúp nông dân giảm ngày công lao động mà còn thuận tiện cho việc tưới tập trung, tăng hiệu quả, tránh lãng phí nguồn nước; dễ chăm sóc; dễ theo dõi sâu bệnh, giảm chi phí thuốc BVTV.

“Giống lúa thuần SV 181 trên cánh đồng lớn ứng dụng phương pháp thâm canh cải tiến SRI gia đình tôi sản xuất trong vụ xuân này có số hạt bình quân/bông là 208, số hạt chắc là 165 hạt; 270 bông/m2. Năng suất thực thu 3,5 tạ/sào Trung bộ (70 tạ/ha - PV). Kỹ thuật canh tác giúp ruộng lúa thông thoáng, quang hợp tốt, dễ phát hiện và phòng trừ sâu bệnh, cây cứng, bộ lá khỏe, kháng sâu bệnh tốt, trừ trường hợp những hộ cấy dày, bón phân thừa đạm, gặp thời tiết âm u, độ ẩm cao, giai đoạn lúa đẻ nhánh rộ”.

09-25-22_cnh-dong-mu-lon-sn-xut-thm-cnh-theo-phuong-php-sri-tng-hieu-qu-kinh-te-22-28
Cánh đồng lớn thâm canh theo phương pháp SRI tăng hiệu quả kinh tế 22 - 28%

Không chỉ với giống lúa SV 181 mà những giống lúa khác thực hiện theo mô hình kỹ thuật cải tiến SRI cũng cho năng suất khá, nông dân phấn khởi.

Được biết, vụ xuân 2017, UBND huyện Hưng Nguyên đưa vào cơ cấu ba giống lúa chủ lực trên cánh đồng lớn là SV 181, Lam Sơn 8 và NA 6. Thực tế sản xuất cho thấy, năng suất bình quân 3 giống lúa này đạt 70,47 tạ/ha, cao hơn các giống đối chứng 6,6 - 10%. Trong khi đó, năng suất bình quân các giống lúa thuần đại trà tại Hưng Nguyên là 63,5 tạ/ha. Ngay cả giống Thiên ưu 8, một giống lúa mà hầu hết diện tích bị nhiễm đạo ôn cổ bông bởi sự chủ quan của người dân thì khi sản xuất theo phương pháp cải tiến SRI cũng cho năng suất 64,69 tạ/ha.

Ông Hoàng Đức Ân, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hưng Nguyên cho biết: Vụ xuân 2017, huyện chỉ đạo sản xuất 11 cánh đồng lớn, năng suất đạt từ 70 - 75 tạ/ha; doanh thu tăng từ 22 - 28%. Sản xuất lúa theo phương thức cải tiến SRI là điều kiện tốt để nông dân đạt hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích.

 

Xem thêm
Nuôi bò thịt tuần hoàn, giảm ô nhiễm môi trường, lợi nhuận tăng 29%

AN GIANG Nuôi bò thịt tuần hoàn đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa  góp phần giảm ô nhiễm môi trường còn mang lại lợi nhuận tăng 29% so với phương pháp nuôi truyền thống. 

Bắt giữ xe khách chở 1,2 tấn nội tạng lên Điện Biên tiêu thụ

1,2 tấn nội tạng chứa trong 9 thùng xốp được chủ xe khách chở từ huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội lên Điện Biên đã bị bắt giữ tại Hòa Bình.

Giới thiệu nhiều vật tư, công nghệ, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp

TP.HCM Ngày 13/11, tại TP.HCM đã khai mạc Triển lãm quốc tế Sản phẩm, thiết bị, vật tư và phân bón nông nghiệp (Growtech 2024).