Thông qua mô hình sẽ đánh giá được hiệu quả của việc giảm lượng giống gieo sạ trong sản xuất lúa bằng phương pháp ứng dụng máy sạ lúa theo khóm, đồng thời đánh giá được hiệu quả của phương pháp sạ theo khóm so với phương pháp cấy và phương pháp sạ lan truyền thống.
Mô hình được bố trí làm 4 nghiệm thức (NT) như sau:
+ NT1: Cấy máy: khoảng cách 30x16 cm (40 kg/ha), làm mạ khay, tuổi mạ cấy 15 ngày; Số lá khi cấy 3-4 lá; cấy 3-5 tép/khóm, 21 khóm/m2
+ NT2: Sạ khóm: khoảng cách 30x16 cm, 6-8 hạt/khóm (45 kg/ha)
+ NT3: Sạ khóm: khoảng cách 25x16 cm, 6-8 hạt/khóm (50 kg/ha)
+ NT4: Sạ lan: 140 kg/ha
Mô hình giúp bà con nông dân thay đổi phương pháp sản xuất lúa, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. |
Kết quả của mô hình như sau:
Năng suất lúa tươi của cả 3 mật độ giảm giống [cấy máy, sạ khóm (30x16 cm) và sạ khóm (25x16 cm)] đều rất cao và cao hơn so với phương pháp sạ lan truyền thống của nông dân với mật độ sạ 140 kg/ha, trung bình cao hơn từ 0,73-0,75 tấn/ha.
Số bông/m2 của các NT tương đương nhau, tuy nhiên năng suất của NT sạ lan 140 kg/ha thấp hơn các NT còn lại, điều này có thể giải thích là do số hạt chắc/bông của các NT sạ lan thấp hơn các NT còn lại.
Trong quá trình thực hiện tất cả các NT đều sử dụng cùng một công thức phân và có chế độ chăm sóc bón phân, phun thuốc như nhau nên chi phí giữa các NT chỉ khác nhau về lượng giống gieo sạ, công gieo cấy và công dặm lúa. Tuy nhiên, qua quan sát nhận thấy các NT sạ thưa yêu cầu lượng phân ít hơn, mật số sâu, tỷ bệnh hại thấp hơn.
Ở NT cấy máy do chi phí khâu làm mạ cao, trung bình 5.000.000 đồng/ha, cao hơn so với các NT khác nên tổng chi phí đầu tư là 22.220.000 đồng/, cao hơn các NT khác (dao động từ 18.585.000 – 19.220.000 đồng/ha).
Đối với hai NT sạ khóm do chi phí đầu tư thấp, không phải tốn công làm mạ, tuy nhiên cây lúa vẫn phát triển thành bụi như cấy, năng suất cao tương đương như sử dụng phương pháp cấy máy nên hiệu quả kinh tế và lợi nhuận thu được cao hơn từ 3.500.000 – 3.700.000 đ/ha
Qua mô hình này chúng ta rút ra được việc giảm lượng giống thông qua phương pháp sạ khóm với mật độ sạ 25-30 cm x 16 cm cho năng suất tăng và giảm chi phí trong canh tác lúa thông qua việc giảm giống, giảm chi phí làm mạ khay (cấy máy) và công chăm sóc. Bên cạnh đó, sạ lúa theo khóm giúp cây lúa phát triển tốt, nhảy chồi mạnh, cây lúa phát triển thành bụi như lúa cấy, hạn chế đỗ ngã và sâu bệnh hại.
Tương lai có thể ứng dụng phương pháp này trong sản xuất đại trà giúp giảm lượng giống gieo sạ, đồng thời ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa. Tuy nhiên, cần nghiên cứu công thức bón phân thích hợp ứng dụng cụ thể cho từng mật độ sạ.