Sulli, cựu thành viên ban nhạc f(x) nổi tiếng của Hàn Quốc, chiều 14/10 tự tử tại nhà riêng. Nguyên nhân được cho là trầm cảm. Hồi năm 2017, Jonghyun, giọng ca chính của ban nhạc SHINee, cũng tự tử vì trầm cảm.
Ca sĩ Sulli trong một sự kiện ở Seoul, Hàn Quốc, hồi năm 2015. Ảnh: AP. |
Trong bức thư tuyệt mệnh để lại, Jonghyun viết: “Tôi vụn vỡ từ sâu thẳm bên trong mình. Căn bệnh trầm cảm ăn mòn tôi từ từ và cuối cùng đã nuốt chửng tôi. Tôi không thể đánh bại nó”.
Luôn tự tin, tươi cười và năng động trên sân khấu, rất nhiều ngôi sao Hàn Quốc là thần tượng, niềm mơ ước của hàng triệu thanh thiếu niên trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, đó chỉ là những hào nhoáng bên ngoài, đằng sau sân khấu, họ phải đối mặt với vô vàn áp lực, căng thẳng, khó khăn, đôi khi không thể tự mình giải quyết, dẫn tới những quyết định dại dột. Sulli và Jonghyun là hai bằng chứng rõ ràng nhất về sự nguy hiểm mà căn bệnh trầm cảm mang lại.
Trong một chương trình truyền hình, Jonghyun nói anh cảm thấy rất khó để chia sẻ cảm xúc hay nỗi sợ hãi của mình với mọi người xung quanh vì lo sợ bị công chúng đánh giá. Bên cạnh đó, Jonghyun còn không có cả những người thân thiết, đủ gần gũi để anh dựa vào.
Choa của ban nhạc nữ AOA hồi năm 2017 bất ngờ thông báo rời nhóm, vì lý do cô bị trầm cảm và mất ngủ trong thời gian dài. Hani từ nhóm EXID từng chia sẻ trên truyền hình rằng cô đã lên kế hoạch cho một cuộc sống khác, trở thành một chuyên gia tư vấn sức khỏe tâm thần trong tương lai với hy vọng giúp đỡ các thực tập sinh giải trí vượt qua được căng thẳng trên con đường sự nghiệp.
Chuyên gia chỉ ra rằng những người nổi tiếng, thường xuyên thu hút sự chú ý của công chúng, rất dễ rơi vào trạng thái trầm cảm với nhiều lý do khác nhau. Kim Byung-soo, bác sĩ tâm lý tại Trung tâm Y tế Asan, cho rằng cảm xúc không ổn định và tình trạng tách biệt danh tính là hai nguyên nhân chính dẫn tới chứng trầm cảm ở người nổi tiếng.
“Các nghiên cứu tâm lý học chỉ ra rằng người nổi tiếng, những người tham gia và các hoạt động sáng tạo và nghệ thuật, có khả năng mắc trầm cảm cao hơn người bình thường”, Kim nói. “Những người trong các ngành nghề như vậy dễ bị thay đổi tâm trạng và cảm xúc hơn người bình thường, những yếu tố này đều liên quan tới chứng trầm cảm”.
Theo Kim, người của công chúng cũng thường xuyên phải sống “hai mặt”, tác biệt giữa tính cách “xã hội” khi xuất hiện trước người hâm mộ và tính cách “thực sự” khi ở một mình. Nếu khoảng cách giữa hai tính cách ngày càng mở rộng, người nổi tiếng có thể bị lu mờ đi tính cách thực sự và phụ thuộc ngày càng nhiều vào tính cách “mặt nạ”. Điều này lâu dần sẽ khiến họ rơi vào trạng thái hỗn loạn.
Một số ngôi sao K-pop, trong đó có Jonghyun, nữ ca sĩ Jiyeon của ban nhạc T-ara và Minah của Girls’ Day từng thừa nhận họ có thời điểm đánh mất bản sắc cá nhân vì nỗ lực làm hài lòng công chúng.
Chân dung nam ca sĩ Jonghyun tại lễ tang của anh này ở Seoul ngày 19/12/2017. Ảnh: Reuters. |
Một bước nữa dẫn tới trầm cảm có thể bắt nguồn từ sự cô lập, người bệnh “tự cắt đứt mọi mối quan hệ với bản thân mình trong quá khứ”.
“Trở thành một ngôi sao giống như bạn đi qua sông và không thể quay trở về bờ. Nhiều người nghĩ những người nổi tiếng luôn được đám đông vây quanh mình nhưng thực tế, mối quan hệ cá nhân của họ rất hẹp và hạn chế. Rất khó để họ có các mối quan hệ nghiêm túc với người khác bởi họ có xu hướng phòng thủ với suy nghĩ rằng người khác thích họ chỉ vì vẻ ngoài và danh tiếng của họ. Điều đó khiến họ cô đơn và tách biệt, ngay cả với người thân và gia đình”, Kim cho hay.
Theo Park Sang-hee từ Trung tâm Tư vấn Sharon, những nhân vật nổi tiếng thường rơi vào trầm cảm bởi một cuộc sống không ổn định và cô lập.
Dù người nổi tiếng dễ mắc các bệnh tâm thần, họ lại gặp hạn chế khi tiếp cận với các phương thức điều trì vì nghi ngại ánh mắt công chúng. Kim cho hay hầu hết người nổi tiếng bị trầm cảm đều ngần ngại tới các phòng khám tâm thần công khai bởi họ sợ bị nhận ra. Một số công ty đào tạo nghệ sĩ K-pop được cho là có các nhân viên tư vấn tâm lý riêng cho nghệ sĩ.
“Nhiều nghệ sĩ chọn cách bí mật đến gặp bác sĩ, số khác giấu tình trạng bệnh của mình”, Kim nói.
Một nhà quản lý K-pop giải thích việc bảo vệ các nghệ sĩ khỏi căng thẳng là điều vô cùng khó khăn.
“Chúng tôi cố gắng an ủi họ bất kể khi nào trông họ có vẻ chán nản, mệt mỏi nhưng thật khó để bảo vệ nghệ sĩ khỏi stress. Chẳng hạn, bạn nghĩ họ quá bận để đọc các bình luận trên mạng về mình, nhưng họ đọc tất cả chúng. Đó là điều không thể tránh khỏi”, người quản lý cho biết.