| Hotline: 0983.970.780

'Át chủ bài' rừng trồng Yên Bái

Thứ Năm 17/12/2015 , 07:15 (GMT+7)

Keo tai tượng là giống cây nhập nội, được đưa vào trồng ở Yên Bái từ năm 1992-1993. Hơn hai mươi năm qua, cây keo tai tượng đã thể hiện được tính ưu việt của mình

Đó là: Phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng nên phát triển rất nhanh, chu kỳ trồng được rút ngắn, năng suất cao…, do đó cây đã trở thành “át chủ bài” của rừng trồng Yên Bái…

Chiếc ca nô 15 sức ngựa nổ phành phành chạy băng băng trên hồ Thác Bà, với vận tốc 30km/h lướt qua những hòn đảo cây rừng trồng nối đuôi nhau hút tầm mắt.

Ông Lã Tuấn Hưng, Trưởng phòng NN-PTNT Yên Bình chỉ những đảo xanh ngằn ngặt: Cách nay hơn 20 năm hơn 1.300 hòn đảo nổi trên hồ Thác Bà bị chặt phá trơ trụi để trồng cây lương thực, khiến phần lớn số đảo giống như đầu ông sư.

Còn bây giờ thì không hòn đảo nào bỏ hoang, tất cả đều được trồng cây lâm nghiệp: Keo tai tượng, keo lá tràm, bạch đàn U6, bồ đề… Phần lớn diện tích rừng trồng trên hồ là bạch đàn tai tượng, đây là giống bạch đàn nhập nội đang được người dân ưa chuộng.

17-07-20_2
Cán bộ KN Yên Bái kiểm tra rừng keo tai tượng 1 tuổi

Ông Lương Quốc Bình, tổ 8, thị trấn Yên Bình, chả cần giấu diếm: Nhà tôi có 10 ha đất đồi trên hồ Thác Bà, tất cả diện tích đó tôi đều trồng keo tai tượng, đến nay được hai chu kỳ rồi. Ai mua ra đây tôi bán cả đồi. Mấy năm nay không có cây mà bán, rừng trồng được 5 năm mà đã có người tới gạ mua. Ai bán rừng non chứ? Phải 7-8 năm để cây lớn đẫy khi đó mới được giá…

Từ năm 1992-1993 các lâm trường Yên Bình, Việt Hưng, Ngòi Lao mua hạt giống keo tai tượng nhập khẩu từ Úc về trồng.

Điều bất ngờ giống keo tai tượng lại phù hợp với mọi loại đất và thời tiết của Yên Bái nên phát triển mạnh. Đặc điểm nổi trội của cây keo tai tượng: Cây thẳng, không bị gãy đổ, rất phù hợp cho công nghiệp chế biến và làm nguyên liệu giấy.

17-07-20_4
Keo trong xưởng chế biến gỗ

Năng suất trung bình của keo tai tượng 70-80m3/ha, nếu thâm canh tốt có thể đạt 100-120m3/ha, chu kỳ của cây từ 6-7 năm, rút ngắn từ 1-2 năm so với những cây lâm nghiệp khác, nên diện tích không ngừng được mở rộng.

Để giúp người dân trồng rừng tiếp cận nhanh với các tiến bộ KHKT, năm 2012, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Yên Bái đã triển khai dự án “Trồng rừng cây nguyên liệu thâm canh keo tai tượng giai đoạn 2012-2013” ở 3 điểm thuộc hai xã Việt Cường (Trấn Yên), Phú Thịnh (Yên Bình), diện tích triển khai là 113 ha, 70 hộ tham gia dự án.

Sau một năm triển khai, kết quả cho thấy: Tỷ lệ cây sống đều đạt 90%, chiều cao cây từ 140-170cm, đường kính gốc 1,5-1,8cm.

Ông Nguyễn Ngọc Phương, thôn Phú Yên, xã Việt Cường không ngần ngại cho biết: Gia đình tôi trồng 2,5 ha xen sắn. Điều không ngờ giống keo tai tượng lại lớn nhanh như vậy. Mới một năm cây cao 1,4m, đường kính gốc 1,5cm, những hộ không trồng xen sắn thì cao 1,6-1,7m, có cây đường kính gốc 1,8cm. Đến nay mới 3 năm nhưng cây đã to bằng bắp chân rồi, chắc 6-7 năm là được khai thác.

17-07-20_5
Xưởng chế biến ván bóc

Các Cty lâm nghiệp: Yên Bình, Việt Hưng, Ngòi Lao đều trồng giống keo keo tai tượng. Cty LN Việt Hưng có 2.200 ha thì gần 100% trồng keo, trong đó keo tai tượng khoảng 1.500ha.

Ông Mai Văn Hoàng - GĐ Cty Lâm nghiệp Việt Hưng cho biết: Để khuyến khích công nhân và người dân nhận khoán với Cty trồng keo tai tượng, chúng tôi hỗ trợ từ 200-300đ/cây giống, người dân không phải mua giống trôi nổi bên ngoài. Do trồng hai giống keo đó nên năng suất rừng của Cty đều đạt từ 70-80m3/ha, nhiều hộ đạt 100-120m3/ha.

Anh Hoàng Huy Hùng, công nhân đội Khe Bát, Cty LN Việt Hưng cho biết: Gia đình tôi nhận khoán 10 ha đất của Cty trồng keo lai và keo tai tượng. Trung bình mỗi ha 70m3, với giá gỗ hiện nay 1,5 triệu/m3, thu khoảng hơn 100 triệu, trừ chi phí (cây giống, công lao động, khai thác), lợi nhuận còn được 65-70 triệu/ha. Tuy nhiên nhiều diện tích rừng đạt 120m3, thì lợi nhuận mang lại không dưới 100 triệu/ha.

17-07-20_3
Anh Hoàng Huy Hùng bên rừng keo tai tượng của gia đình

Đội Khe Bát chỉ có 21 công nhân hiện đang quản lý 486 ha rừng trồng, trung bình mỗi công nhân nhận khoán 23ha, do trồng giống keo tai tượng, năng suất cao nên chỉ 7-8 năm “bỏ quên”, thì đã có 1,2-1,5 tỷ. Vì thế đội Khe Bát hầu như các hộ đều mua nhà, đất ở TP Yên Bái xây dựng thành khu phố công nhân trồng rừng.

Theo thống kê, tỉnh Yên Bái hiện có 194.034 ha rừng trồng, trong đó diện tích trồng keo tai tượng 70%, bồ đề 10%, bạch đàn 15%, quế, mỡ, thông 15%. Mỗi năm trồng mới từ 15.000 ha, trong đó diện tích khai thác trồng lại 10.000 ha chủ yếu là keo tai tượng.

Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng mỗi năm từ 450-500 ngàn mét khối, trong đó keo tai tượng chiếm trên 40%. Năm 2015, sản lượng khai thác trên 450.000m3 gỗ để làm ván bóc, gỗ xẻ thanh, gỗ băm dăm, nguyên liệu giấy…

17-07-20_6
Rừng trồng trên hồ Thác Bà

Từ thực tế đó khẳng định cây keo tai tượng đã trở thành “át chủ bài” của rừng trồng Yên Bái, thực sự mang lại nguồn thu lớn cho người trồng rừng nếu áp dụng đúng quy các trình kỹ thuật.

Xem thêm
Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Kem Thủy Tạ ra mắt 2 vị kem mới tại Lễ hội 2024

Ngày 20/4, Công ty CP Thực phẩm Thủy Tạ tổ chức 'Lễ hội Kem Thủy Tạ 2024' tại Nhà hàng Thủy Tạ Legend, số 1 Lê Thái Tổ, phường Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội.