| Hotline: 0983.970.780

Bà Rịa - Vũng Tàu hướng dần ra biển

Thứ Bảy 30/11/2019 , 10:56 (GMT+7)

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang có chủ trương cho xây dựng các trung tâm nghiên cứu, sản xuất giống thủy, hải sản nuôi biển.

Phải ứng dụng công nghệ cao

Đánh giá về tiềm năng phát triển nghề nuôi biển, ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA) cho biết: “Việt Nam có 4 vùng vịnh lớn và có nhiều vùng biển nông được cung cấp lượng nước ngọt lớn vào mùa mưa. Bên cạnh đó, chúng ta có cơ sở hạ tầng phục vụ ngành thủy sản tốt, quy mô ngành công nghiệp chế biến lớn, lực lượng lao động sẵn có, dồi dào. Đó chính là tiềm năng lớn để phát triển ngành nuôi hải sản biển”.

Nuôi thủy sản hướng biển đang được tỉnh BR-VT tập trung nhân rộng.

Tuy nhiên, theo ông Dũng, khi ngành đánh bắt thủy hải sản đang dần trở nên khó khăn vì nguồn lợi ngày càng suy giảm, nhất là nhiều vùng biển có thể sẽ dần cạn kiệt thì việc phát triển ngành nuôi biển và nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ cao là cần thiết. Khi nuôi biển tỷ lệ thủy sản chết hoặc bị ảnh hưởng do các yếu tố con người gây ra thấp hơn nuôi gần bờ.

Tiếp xúc với chúng tôi, anh Nguyễn Duy Hải (tiểu khu số 7, nuôi cá lồng bè sông Chà Và, xã Long Sơn, TP Vũng Tàu) chia sẻ: “Vụ cá vừa qua tôi nuôi hàng chục ngàn con cá chim và cá bớp bằng lồng chất liệu nhựa chịu lực HDPE, đã hạn chế sự ảnh hưởng của môi trường tới đàn cá, tỷ lệ cá chết giảm mạnh, cá lớn nhanh hơn khoảng 2 tháng so với nuôi thông thường”.

Theo anh Hải, từ năm 2017, anh áp dụng công nghệ lồng nuôi bằng chất liệu nhựa chịu lực HDPE. Sau gần 2 năm triển khai, anh đã thu hoạch cho hiệu quả rất cao so với kiểu nuôi cũ. Nhờ vậy, đợt vừa rồi anh thu được 14 tấn cá chim và 10 tấn cá bớp. Với giá bán khoảng 130 ngàn/kg anh thu được trên 3 tỷ đồng/lứa cá.

Tương tự, ông Nguyễn Công Biên, xã Long Sơn cũng là người thành công khi áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng thủy sản. Đầu năm 2018, ông được Chi cục Thủy sản BR-VT hỗ trợ lắp đặt máy quan trắc tự động nguồn nước nuôi. Hệ thống này có chức năng đo các thông số của môi trường nước như độ mặn, nồng độ clo, nồng độ oxy, nhiệt độ nước biển… Nếu những chỉ số này tăng cao hoặc xuống dưới ngưỡng hệ thống sẽ báo trực tiếp vào điện thoại của ngư dân.

“Nhờ vậy, tôi thường xuyên nắm được tất cả các thông số kỹ thuật trong nguồn nước nuôi để chủ động xử lý kịp thời khi có sự cố. Từ đó khiến tôi yên tâm hơn và hiệu quả nuôi trồng cũng tăng lên”, ông Biên cho biết. 

Nhiều chính sách phát triển

BR-VT là một trong những tỉnh ven biển có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn, nhưng vẫn nằm chủ yếu ở các khu vực cửa sông, cửa biển gần bờ. Do vậy, hình thức nuôi này dễ bị ảnh hưởng bởi yếu tố con người và gây ô nhiễm môi trường. Trong khi BR-VT được xem là địa phương có điều kiện thuận lợi lý tưởng để trở thành đầu tàu của ngành nuôi biển công nghiệp Việt Nam nhờ vùng biển rộng, cộng với hệ thống cảng, công nghiệp phụ trợ phát triển.

Ảnh: Minh Sáng.

Từ nhiều năm trước, tỉnh BR-VT đã ban hành các chủ trương, chính sách phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển, trong đó, đặc biệt chú trọng phát triển nuôi vùng cửa sông và ngoài biển đảo. Những vùng này thích hợp cho việc phát triển các đối tượng hải sản có giá trị kinh tế cao bằng hình thức nuôi lồng bè với các đối tượng nuôi như: cá mú, cá hồng, cá bớp, cá chim, tôm hùm đá, hàu, nuôi trai lấy ngọc, sinh vật cảnh và nuôi bãi bồi nhuyễn thể hai mảnh vỏ hàu, sò huyết… UBND tỉnh BR-VT hiện cũng có chủ trương cho xây dựng các trung tâm nghiên cứu, sản xuất giống thủy, hải sản nuôi biển trên địa bàn.

Theo ý kiến của các chuyên gia, để ngành nuôi biển công nghiệp thực sự phát triển bền vững, cần đẩy mạnh việc ứng dụng KHKT, công nghệ cao vào sản xuất, nuôi trồng thủy hải sản. TS Võ Bích Hiển, Trường ĐH Việt Đức khẳng định, việc áp dụng công nghệ quan trắc về thủy văn, sóng âm, đo nhiệt độ, độ đục, hàm lượng ô xi, pH… trong nghề nuôi biển rất quan trọng.

Đại diện Công ty Scale AQ Việt Nam cũng chia sẻ, những năm gần đây, ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam đã phát triển vượt bậc. Từ chỗ các công đoạn nuôi, cho ăn, thu hoạch thời điểm trước đều bằng thủ công, thì đến nay đã được thay thế áp dụng bằng công nghệ tiên tiến. Hay đối với hệ thống lồng và lưới nuôi, hệ thống neo, phần mềm và sà lan cho ăn tự động, camera dưới nước đã hiện đại hơn trước, giúp cho năng suất nuôi đã tăng mạnh.

Tuy nhiên, ông Đỗ Anh Tuấn, đại diện Công ty Sinh thái Việt Nam thì cho rằng, nếu không cung ứng được nguồn giống chất lượng cao, sẽ khó có thể phát triển nghề nuôi biển một cách bền vững.

Trao đổi với NNVN, ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh BR-VT cho biết: “Tiềm năng phát triển nuôi biển trên địa bàn tỉnh BR-VT còn rất lớn, tỉnh cũng đã có những định hướng cụ thể để khai thác tiềm năng và sử dụng hợp lý, có hiệu quả mặt nước nuôi trồng thủy sản vùng cửa sông, ven biển của địa phương”.

Theo ông Cường, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung vào đầu tư đẩy mạnh phát triển nuôi thủy sản lồng bè trên biển, hướng biển, nuôi nhuyễn thể 2 mảnh vỏ vùng bãi triều với hình thức nuôi thâm canh, bán thâm canh và nuôi sinh thái. Đặc biệt sẽ chú trọng đến ATVSTP thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thái, nguồn lợi thủy sản, kết hợp với tham quan du lịch.

Theo Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, dù là quốc gia đứng thứ 4 thế giới về nuôi trồng thủy sản, nhưng từ năm 2007, sản lượng nuôi trồng thủy sản của Việt Nam đã vượt trên sản lượng khai thác thủy sản. Tuy nhiên, sản lượng và chất lượng hải sản khai thác từ biển ngày càng hạn chế, nguồn nguyên liệu hải sản đáp ứng cho công nghiệp chế biến chỉ ở mức dưới 20% công suất thiết kế của các nhà máy. Sự thiếu hụt nguyên liệu đang là một nguyên nhân chính hạn chế hiệu quả của ngành chế biến xuất khẩu hải sản.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.