Dự án CSSP hướng tới việc đóng góp vào quá trình giảm nghèo bền vững tại tỉnh Bắc Kạn, với mục tiêu là nâng cao thu nhập và giảm mức độ dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu của hộ nghèo và cận nghèo tại các xã mục tiêu của dự án một cách bền vững.
Ông Hoàng Văn Giáp, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Kạn, kiêm Giám đốc Ban điều phối dự án CSSP tỉnh Bắc Kạn vay vốn tổ chức Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) thông tin: Dự án CSSP tỉnh Bắc Kạn được triển khai có hiệu lực từ 7/8/2021, nhưng do việc được giao kế hoạch vốn ODA chậm và hạn chế, từ năm 2017 đến hết quý II/2019, dự án gần như mới chỉ hoàn thành được các hoạt động chuẩn bị đầu tư. Từ năm 2020 đến nay, khi được giao đủ vốn ODA, dự án đã tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai và giải ngân các hoạt động đầu tư trực tiếp cho cộng đồng, người dân.
Nhờ sự giám sát chặt chẽ của cán bộ, lãnh đạo IFAD tại Việt Nam và những nỗ lực của những người được giao nhiệm vụ, nên thời gian thực hiện dự án CSSP được triển khai trong thời gian ngắn tại tỉnh Bắc Kạn, nhưng cũng đã đạt được những kết quả rất lớn.
Điều đó được thể hiện qua các con số: Hỗ trợ cấp giấy chứng nhận đất lâm nghiệp với diện tích là 17.075ha (kế hoạch đặt ra là 17.000ha), với 11.177 giấy chứng nhận; thành lập và phê duyệt tài trợ cho 490 tổ hợp tác từ Quỹ tài trợ cạnh tranh nhỏ (CSG); đầu tư 214 công trình cơ sở hạ tầng cộng đồng; thành lập và giải ngân vốn vay cho 135 tổ Tiết kiệm tín dụng mới với 1.879 thành viên; phê duyệt và ký hợp đồng tài trợ cho 7 doanh nghiệp và hợp tác xã từ Quỹ xúc tiến đầu tư kinh doanh nông lâm nghiệp (APIF).
Đáng chú ý là việc phê duyệt 5 Kế hoạch đầu tư chiến lược (SIP) cấp tỉnh, giúp cho tỉnh Bắc Kạn xây dựng và phát triển các chuỗi ngành hàng (gồm: củ nghệ, củ dong riềng, củ gừng, chuối tây và lợn đen). Các kế hoạch đầu tư chiến lược phát triển chuỗi giá trị được thực hiện góp phần làm tăng thu nhập, tạo việc làm, cải thiện đời sống người dân, thực hiện xóa đói, giảm nghèo. Giúp các hộ dân chuyển đổi từ hướng sản xuất hàng hóa gắn với chuổi giá trị từ khâu cung ứng con giống, cây giống đảm bảo chất lượng, chuyển giao khoa kỹ thuật, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Từ đó tạo được mối liên doanh, liên kết giữa người sản xuất với đơn vị tiêu thụ sản phẩm.
Ngoài ra, dự án cũng đã thực hiện được 15 Kế hoạch hành động phát triển chuỗi giá trị (VCAP) cấp huyện, xã sản xuất nông nghiệp, dựa trên lợi thế của từng địa phương. Huyện Ba Bể là chuỗi bí xanh thơm, nuôi gà thả vườn, chuối tây, trâu bò vỗ béo; huyện Na Rì là chuỗi gà, nghệ, hồng không hạt, lợn đen; huyện Ngân Sơn là chuỗi lúa nếp Khẩu nua lếch, trâu bò vỗ béo, hạt dẻ, khoai lang mật; huyện Pác Nặm là trâu bò vỗ béo, lợn đen, gừng.
Bà Đỗ Thị Minh Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, Trưởng Ban Chỉ đạo Dự án CSSP tỉnh Bắc Kạn khẳng định, Bắc Kạn là tỉnh nghèo miền núi, kinh tế rất khó khăn và hạn chế về các nguồn lực đầu tư, nên cơ sở hạ tầng còn rất thiếu, người dân chậm thay đổi tư duy sản xuất nên còn manh mún, nhỏ lẻ.
Dự án CSSP được triển khai với mục tiêu rất phù hợp, cùng với các chương trình, chính sách của Chính phủ để lồng ghép và tổng hợp nguồn lực trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Kạn hiện nay. Dự án đã đóng góp vô cùng quan trọng và là một trong những yếu tố quyết định cho việc thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân; hỗ trợ một cách tích cực để thực hiện đạt mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới. Bà Hoa đánh giá cao phương pháp làm việc khoa học, tích cực và những nhìn nhận rất khách quan của đoàn giám sát IFAD tại Việt Nam.
Dự án hỗ trợ kinh doanh nông hộ tỉnh Bắc Kạn (tên tiếng Anh là: Commercial Small-holder Support Project in Bắc Kạn; tên viết tắt là: CSSP) là dự án được tài trợ từ khoản vay của Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) cho 2 tỉnh Bắc Kạn và Cao Bằng với số vốn là 42,5 triệu USD (21,25 triệu USD cho mỗi tỉnh). Ngoài ra còn có nguồn ngân sách đối ứng của Chính phủ Việt Nam, của các địa phương và của người dân được hưởng lợi từ dự án.