| Hotline: 0983.970.780

Bạc Liêu hình thành chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp

Thứ Tư 08/11/2023 , 06:15 (GMT+7)

Liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm được xem là giải pháp tối ưu để hình thành chuỗi giá trị, bảo đảm phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.

Theo Sở NN-PTNT Bạc Liêu, trong 9 tháng đầu năm 2023 toàn tỉnh có hơn 84.300ha lúa được liên kết sản xuất, đạt hơn 95% kế hoạch, với tổng sản lượng gần 537.000 tấn. Các doanh nghiệp tham gia liên kết bao tiêu lúa cho nông dân gồm: Công ty Cổ phần Quốc Tế Gia, Công ty TNHH MTV Lương thực Vĩnh Lộc, Công ty TNHH MTV Vina Toàn Phát, Hợp tác xã (HTX) Vĩnh Cường, HTX Thanh Sơn, HTX Nông nghiệp Xanh, HTX Lúa Vàng, đại lý Hữu Phước,…

Là một trong những HTX liên kết bao tiêu điển hình, HTX Thanh Sơn (xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình), sau khi được cấp giấy chứng nhận sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP, đơn vị này đã đẩy mạnh việc ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp bao tiêu thu mua lúa cho xã viên và nông dân là thành viên liên kết của HTX.

Ông Trần Văn Ngỗ, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc HTX Thanh Sơn cho biết: Đến nay, HTX đã bao tiêu được 300ha với sản lượng 2.200 tấn lúa vụ đông xuân (2022 - 2023) và vụ hè thu. Riêng vụ lúa thu đông, HTX ký hợp đồng liên kết bao tiêu 300ha lúa cho các xã viên và nông dân là thành viên liên kết của HTX. Giá bao tiêu cao hơn so với thương lái thu mua 200 đồng/kg. Như vậy, năm 2023 này ước tính HTX bao tiêu 600ha với tổng sản lượng 4.200 tấn lúa.

Trong 9 tháng năm 2023, tỉnh Bạc Liêu có hơn 84.300ha lúa được liên kết sản xuất, với tổng sản lượng gần 537.000 tấn. Ảnh: Trọng Linh.

Trong 9 tháng năm 2023, tỉnh Bạc Liêu có hơn 84.300ha lúa được liên kết sản xuất, với tổng sản lượng gần 537.000 tấn. Ảnh: Trọng Linh.

Không chỉ liên kết trong bao tiêu lúa mà ngành chức năng và các địa phương còn kêu gọi các doanh nghiệp, HTX liên kết cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân. Từ đó, dần hình thành chuỗi giá trị, bảo đảm phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.

Ngoài ra, đối với liên kết sản xuất và tiêu thụ tôm nguyên liệu, đến nay các công ty như: Công ty TNHH MTV Chế biến thủy hải sản xuất nhập khẩu Thiên Phú, Công ty Xuất khẩu chế biến thủy sản tôm Miền Nam, Công ty Thủy sản Nguyễn Thắng, Công ty TNHH Chế biến và xuất nhập khẩu Trang Khanh, Công ty Cổ phần thủy sản Trường Phú và vựa tôm Âu Tỷ… đã thực hiện liên kết bao tiêu với các tổ hợp tác, HTX trên địa bàn tỉnh với sản lượng trên 300 tấn tôm các loại.

Thực tế cho thấy, tuy đạt được hiệu quả bước đầu, nhưng mô hình hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh phát triển vẫn còn chậm, quy mô còn nhỏ, chưa bền vững; vẫn còn tình trạng phá vỡ hợp đồng liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp. Do đó, tỉnh Bạc Liêu đang có những giải pháp hữu hiệu để mô hình liên kết phát huy hiệu quả, nâng cao giá trị nông sản.

Hiện nay liên kết bao tiêu trong ngành thủy sản tại Bạc Liêu còn khá hạn chế so với nhu cầu thực tế tại địa phương. Ảnh: Trọng Linh.

Hiện nay liên kết bao tiêu trong ngành thủy sản tại Bạc Liêu còn khá hạn chế so với nhu cầu thực tế tại địa phương. Ảnh: Trọng Linh.

Để tìm đầu ra cho nông sản, ngành chức năng địa phương đã mời gọi các doanh nghiệp thu mua nông sản, có cam kết tiêu thụ cho nông dân thông qua hợp đồng với giá thỏa thuận, giúp nông dân không bị thương lái ép giá, góp phần tăng nguồn thu nhập và phát triển ổn định, bền vững. Tỉnh cũng có chủ trương xây dựng cánh đồng lớn gắn với liên kết sản xuất, bao tiêu. Kêu gọi các công ty, doanh nghiệp và HTX tham gia liên kết sản xuất, bao tiêu giúp nông dân đảm bảo đầu ra, tránh tình trạng được mùa - mất giá.

Để tạo chuỗi giá trị sản phẩm có hiệu quả cao, các đối tượng tham gia chuỗi liên kết phải có sự phối hợp đồng đều và chặt chẽ. Việc liên kết sẽ trở nên bền vững khi nông dân thấy được những lợi ích thiết thực khi tham gia HTX, không chạy theo lợi nhuận đơn thuần hoặc phá vỡ liên kết sẽ đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, HTX và nông dân, góp phần giảm bớt nhiều khâu trung gian, giảm chi phí, hạ giá thành, gia tăng giá trị sản phẩm.

Theo đó, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho rằng: Cần có chính sách hỗ trợ nông dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác, HTX; xây dựng các mô hình cánh đồng lúa lớn, cánh đồng tôm lớn, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nhân rộng các mô hình hiệu quả, tổ chức liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm. Tăng cường giám sát việc ký kết và thực hiện hợp đồng giữa doanh nghiệp với HTX. Đồng thời, tạo điều kiện giúp đỡ các doanh nghiệp, HTX thực hiện chuỗi bao tiêu khép kín. Đặc biệt là phát triển liên kết chuỗi giá trị hướng tới xây dựng thương hiệu con tôm và hạt lúa Bạc Liêu.

Xem thêm
Vua của các loài hoa Tây Bắc hút khách miền xuôi

Qua rằm tháng Chạp, những chậu địa lan Sa Pa giá hàng chục triệu đồng đã được khách miền xuôi lên mua. Trong khi, giá hoa lan Trung Quốc tăng giá nhẹ vì thời tiết. 

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Tú làm Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoá chất Việt Nam

Vinachem vừa ban hành Quyết định số 18/QĐ-HCVN bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Tập đoàn giữ chức vụ Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.