Hiện nay, trước tình trạng giá phân bón và thuốc BVTV tăng cao, đã làm gia tăng chi phí trong sản xuất, việc sử dụng phân hữu cơ trong sản xuất sẽ giúp nông dân giảm được chi phí, tăng năng suất và giá trị sản phẩm.
Tại Bạc Liêu việc sản xuất lúa, tôm theo hướng an toàn đang được ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nhân rộng, việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để giảm dần sử dụng phân và thuốc hoá học, từ đó từng bước thay đổi tập quán sản xuất cho người dân, hướng đến nền nông nghiệp xanh và bền vững.
Hiên nay, ngành nông nghiệp Bạc Liêu có nhiều mô hình được đánh giá là phát triển bền vững, như mô hình tôm lúa, tôm rừng, mô hình cánh đồng lớn áp dụng chương trình “3 giảm - 3 tăng”, “1 phải - 5 giảm”, chương trình IPM; mô hình ruộng lúa bờ hoa nhằm hướng đến sản xuất lúa an toàn nâng cao giá trị sản phẩm. Điển hình là mô hình tôm lúa, nông dân sẽ dùng phân hữu cơ thay thế phân bón hóa học, thuốc BVTV cho ra hạt gạo sạch, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Tỉnh Bạc Liêu có gần 40.000 ha áp dụng mô hình tôm lúa, nông dân sản xuất thu lợi nhuận từ 80 - 100 triệu đồng/ha. Đặc biệt, nhờ ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật nên chất lượng con tôm, hạt lúa được nâng lên. Mô hình tôm lúa được các nhà khoa học, chuyên gia đánh giá là thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững. Từ đó, tỉnh đầu tư các công trình và khuyến khích nông dân mở rộng sản xuất mô hình lúa thơm - tôm sạch.
Đánh giá về mô hình tôm lúa, ông Đỗ Minh Thắng - Chủ tịch UBND thị xã Giá Rai (Bạc Liêu), khẳng định: Đây là mô hình sản xuất thông minh, tạo ra các sản phẩm sạch, phù hợp với quy trình VietGAP… Từ đó nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm con tôm, cây lúa, đồng thời có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bạc Liêu đã tiếp tục nhân rộng mô hình lúa hữu cơ với diện tích khoảng 300ha, tập trung ở các huyện Phước Long, Hòa Bình và Vĩnh Lợi.
Trước áp lực giá phân bón hóa học ngày càng tăng cao, mô hình sản xuất lúa an toàn theo hướng sử dụng phân hữu cơ đã giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị hạt lúa. Bước đầu mô hình được đánh giá là mang lại hiệu quả khá cao.
Ngoài mô hình lúa - tôm, lúa hữu cơ, Bạc Liêu còn các mô hình nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao như: tôm - rừng, nuôi tôm quảng canh cải tiến, hay mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh và bán thâm canh… không sử dụng kháng sinh, hóa chất, sản phẩm làm ra có giá trị kinh tế cao, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Bên cạnh đó, việc thành lập các, THT, HTX liên kết nông dân, doanh nghiệp cùng sản xuất, tạo ra lượng hàng hóa lớn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Vừa qua, Liên hiệp HTX Lúa thơm - Tôm sạch Bạc Liêu cũng đã được thành lập, trong đó có 21 HTX thành viên tham gia, với diện tích 4.000ha. Đây là Liên hiệp HTX trên lĩnh vực nông nghiệp đầu tiên của tỉnh Bạc Liêu.
Liên hiệp HTX Lúa thơm - Tôm sạch Bạc Liêu được thành lập, nhằm phát huy thế mạnh của kinh tế tập thể; từng bước xây dựng ổn định vùng nguyên liệu sản xuất lúa thơm - tôm sạch đạt chất lượng cao. Tạo ra lượng nông sản lớn đủ khả năng cung ứng thị trường phục vụ tốt nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, tiến tới xây dựng thương hiệu, có truy xuất nguồn gốc sản phẩm sạch cho con tôm, hạt lúa Bạc Liêu.
Ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở NN-PTNT Bạc Liêu cho biết: Ngành nông nghiệp địa phương đang hướng đến nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái bằng việc áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ. Sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, hạn chế đến mức tối thiểu gây ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe con người. Do vậy, tới đây ngành nông nghiệp sẽ hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường...