Sáng 3/6, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội nghị Đối thoại doanh nghiệp, hợp tác xã năm 2023 với mục tiêu đồng hành cùng các doanh nghiệp, hợp tác xã tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển.
Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn yêu cầu thực hiện nghiêm theo tinh thần “nói thật, làm thật và mang lại hiệu quả thật”. Cùng với đó, cần tiếp tục nâng cao năng lực nội sinh cho doanh nghiệp, nâng cao kết nối chuỗi giá trị hiệu quả”.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn khẳng định, Hội nghị Đối thoại doanh nghiệp, hợp tác xã là hoạt động thường niên là dịp để lắng nghe tiếng nói thẳng thắn từ doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh.
Thông qua Hội nghị, tỉnh Bắc Ninh mong muốn nhìn nhận kịp thời thực tiễn các vấn đề đang đặt ra tại địa phương, cùng các doanh nghiệp chung tay tháo gỡ các điểm nghẽn, nâng cao hiệu quả quản trị địa phương, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đồng hành cùng phát triển.
Tại Hội nghị sáng 3/6, ông Vương Quốc Tuấn cho biết có sự tham gia của gần 300 đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong toàn tỉnh. Tỉnh đã tiếp nhận hơn 118 câu hỏi thuộc các nhóm đầu tư (39 ý kiến), đất đai (29 ý kiến). an ninh trật tự (16 ý kiến), lao động bảo hiểm (13 ý kiến)…
Theo tinh thần “nói thật, làm thật, mang lại hiệu quả”, ông Vương Quốc Tuấn trực tiếp điều hành Hội nghị với sự tham gia của các Tổ trưởng thuộc 5 Tổ công tác tháo gỡ khó khăn vừa ra mắt là lãnh đạo các Sở: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch, Đầu tư; Lao động - Thương binh, Xã hội và Công an tỉnh Bắc Ninh.
Ngoài ra, tỉnh cũng triệu tập Bí thư, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã trực thuộc đến Hội nghị để giải đáp các ý kiến, thắc mắc, tháo gỡ khó khăn của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh trong tỉnh, dưới sự chứng kiến của Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh và gần 600 đại diện tham gia Hội nghị.
Theo UBND tỉnh Bắc Ninh, Quý I/2023, tình hình kinh tế, xã hội của Bắc Ninh gặp không ít khó khăn, thách thức. Đây cũng là thực trạng chung của tình hình kinh tế thế giới và trong nước ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm tăng trưởng âm 2 con số, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 19%, kim ngạch xuất nhập khẩu giảm 23% so cùng kỳ năm 2022.
Tỉnh từ đầu năm đến nay, có 127 doanh nghiệp giải thể tự nguyện (tăng 7,6% so với cùng kỳ 2022), 202 đơn vị trực thuộc (tăng 85% so với cùng kỳ 2022), 995 doanh nghiệp (tăng 26% so với cùng kỳ 2022) đăng ký tạm ngừng hoạt động do gặp phải nhiều khó khăn.
Việc ra mắt 5 Tổ công tác tháo gỡ khó khăn và Hội nghị đối thoại trực tiếp, công khai với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh là sáng kiến của tỉnh Bắc Ninh. Thể hiện sự cầu thị, sẵn sàng lắng nghe những đề xuất, kiến nghị, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng từ cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Để từ đó, tỉnh Bắc Ninh có thể đưa ra những quyết sách kịp thời, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, giải pháp đổi mới, cải cách phù hợp với thực tiễn, hướng tới xây dựng chính quyền kiến tạo phát triển và phục vụ.
Tháo gỡ phải thực chất, hiệu quả
Ngay trong sáng 3/6, nhiều ý kiến của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đã được đưa ra. Ông Vương Quốc Toàn, Tập đoàn Bất động sản Lan Hưng nêu các khó khăn tại dự án xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân do Tập đoàn này đang triển khai tại Thuận Thành.
Trong đó vướng mắc lớn nhất hiện nay là đối tượng được bán nhà hẹp hơn rất nhiều so với chủ trương cho phép đầu tư của tỉnh. Dù doanh nghiệp đã nhiều lần kiến nghị tháo gỡ nhưng hiện giữa tỉnh và các Bộ, ngành Trung ương chưa có hướng xử lý dứt điểm…
Đại diện Hợp tác xã Nông nghiệp Hoàng Gia kiến nghị về hỗ trợ đền bù tài sản trên đất cùng cây cối, hoa màu khi bị nhà nước thu hồi đất ruộng.
Kiến nghị của Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Nhân Phượng về giá nguyên vật liệu đầu vào cao, doanh nghiệp thực hiện các dự án thua lỗ, đề nghị UBND tỉnh có quy định về bù giá và thông báo giá cho phù hợp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp; tiến độ thanh toán đối với các dự án, công trình đã được nghiệm thu…
Kiến nghị của Hiệp hội Taxi tại Bắc Ninh về việc taxi truyền thống đang gặp khó khăn do nạn xe dù, xe ghép, xe tiện chuyến... Trong khi xe truyền thống phải thực hiện các nghĩa vụ nộp thuế, bảo hiểm xã hội…, xe dù trốn thuế, thất thoát thuế nhà nước, làm ảnh hưởng đến các đơn vị taxi truyền thống…
Kiến nghị của Hợp tác xã sản xuất rau, củ, quả an toàn thôn Liên Ấp, huyện Tiên Du về việc kéo dài thời gian vay vốn 5 năm, tăng hạn mức vay vốn với ưu đãi lãi suất... đồng thời có giải pháp, cơ chế phù hợp về sử dụng đất để xây dựng trụ sở hợp tác xã, khu sơ chế sản phẩm, nhà lạnh, kho bảo quản sản phẩm và đẩy nhanh tiến độ cấp sổ đỏ cho các trang trại trên địa bàn…
Những nội dung kiến nghị trên được Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn yêu cầu lãnh đạo các Sở, ngành, địa phương liên quan trực tiếp giải đáp ngay tại Hội nghị. Đối với những kiến nghị chưa giải đáp thoả đáng, ông Tuấn yêu cầu phải trả lời doanh nghiệp, hộ sản xuất… bằng văn bản.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn yêu cầu lãnh đạo các Sở, ban, ngành, lãnh đạo UBND các huyện trực tiếp giải đáp tại Hội nghị trả lời đi thẳng vào vấn đề, ngắn gọn, dễ hiểu, trọng tâm, trọng điểm. Đối với những kiến nghị chưa thể trả lời ngay tại Hội nghị, đề nghị các đơn vị trả lời bằng văn bản, giải quyết dứt điểm.
Cũng trong chiều 3/6, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục mở Hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp FDI với sự tham dự của lãnh đạo Liên đoàn thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Cục Đầu tư ngoài nước (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Cục Phòng cháy chữa cháy (Bộ Công an).