Cecilia Bartalena, 35 tuổi, là bác sĩ tuyến đầu tại phòng cấp cứu bệnh viện Cisanello, thành phố Pisa, vùng Tuscan của Italia. Nơi đây nổi tiếng với tòa tháp nghiêng xây dựng từ thế kỷ 14, hoàn thành 25 năm sau khi châu Âu bị bệnh dịch hạch tàn phá.
Bartalena không cảm thấy giống người hùng, dù cô cùng các đồng nghiệp cảm kích khi được người dân Italia ví von như vậy. Nữ bác sĩ này cũng không ngại phải nói ra rằng cô rất sợ hãi.
Mỗi lần bước vào phòng bệnh nhân nhiễm virus corona, được cách ly hoàn toàn khỏi các khu vực còn lại tại bệnh viện, Bartalena đều tự hỏi: “Tại sao mình lại làm việc này?”.
Câu trả lời “chắc chắn không phải vì tiền”, Bartalena chia sẻ trong video về cuộc sống tại nhà do chồng cô, Lorenzo Marianelli, quay.
“Tôi làm việc vì các bệnh nhân bởi họ không còn lựa chọn nào khác. Tôi làm vì họ và vì các đồng nghiệp… Chúng tôi không phải những người hùng. Chúng tôi cũng sợ hãi”.
Tính đến ngày 5/4, Italia đã ghi nhận 16.000 trường hợp tử vong do Covid-19, chiếm 1/4 tổng số ca tử vong trên thế giới.
Bartalena lo sợ mỗi khi trở về căn hộ nhỏ với Lorenzo, nhạc sĩ 37 tuổi, và con gái Petra, 4 tuổi.
“Nếu được Petra ôm, tôi sẽ bị khủng bố tinh thần về việc 15 ngày sau đó con gái mình có thể ốm hoặc ho. Đó sẽ là lỗi của tôi. Do đó, tôi phải tìm cách hợp lý hóa tình hình, nghĩ rằng mình đang làm việc vì một điều tốt đẹp hơn”.
Lo ngại lây nhiễm cho người thân đeo bám Bartalena như hình với bóng, dù cô đã chủ động đề phòng như ngủ riêng, dùng phòng tắm riêng, ăn riêng trong bếp.
“Tôi cảm thấy cáu bẩn và không thoải mái tiếp xúc với mọi người. Khi gặp ai đó trên phố, tôi sợ. Nếu đang xuống thang mà gặp hàng xóm, tôi sẽ bỏ chạy”, cô kể. “Khi từ bệnh viện về nhà, tôi lập tức tắm rửa nhưng vẫn không cảm thấy sạch sẽ”.
Cô nhớ những ngày khi làm một bác sĩ nghĩa là có mối quan hệ gắn kết với bệnh nhân, gia đình họ, có thời gian giúp họ vượt qua những quyết định khó khăn, và nếu cần thiết, chuẩn bị cho họ tâm lý đón nhận tình huống xấu nhất.
“Những ngày tháng đó không còn nữa. Giờ đây, chúng tôi chỉ gọi điện, nói với người nghe rằng ‘họ bị ốm và không thể làm gì hơn nữa’. Và họ không tin điều đó”.