| Hotline: 0983.970.780

Tương lai sáng của cây đậu nành từ nguồn gen 'giống nội'

[Bài 1] Cơ hội lớn từ 1.533 nguồn gen đậu nành quý

Thứ Hai 01/08/2022 , 14:46 (GMT+7)

Thu thập 1.533 nguồn gen đậu nành quý, Vinasoy đứng trước cơ hội lớn tạo ra những giống đậu nành năng suất cao và chất lượng, mở rộng các vùng nguyên liệu bền vững.

Thu thập nguồn gen quý

Ngay từ khi mới tham gia vào thị trường sữa đậu nành, Công ty Sữa đậu nành Việt Nam (Vinasoy) đã hướng tới việc phải xây dựng được vùng nguyên liệu.

Ông Huỳnh Sơn Hải, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng đậu nành Vinasoy (VSAC) cho biết: “Ngay từ buổi đầu thành lập, Vinasoy đã quyết tâm đầu tư đến cùng cho vùng nguyên liệu để chủ động được nguồn đậu nành thơm ngon, giàu dinh dưỡng. Vì vậy, Vinasoy đã đầu tư vào đội ngũ kỹ sư, nhà khoa học giỏi nhất, vào công nghệ nghiên cứu tiên tiến nhất trong lĩnh vực đậu nành để mang lại những điều tốt đẹp cho xã hội”.

Đánh giá nguồn gen làm nền tảng chọn ra những giống đậu nành năng suất cao. Ảnh: VNS.

Đánh giá nguồn gen làm nền tảng chọn ra những giống đậu nành năng suất cao. Ảnh: VNS.

Để xây dựng được vùng nguyên liệu, trước hết phải có được nguồn giống đậu nành tốt, được lai tạo từ các giống đậu nành truyền thống của Việt Nam. Bởi các giống đậu nành truyền thống có mùi vị thơm ngon đặc trưng cùng chất lượng dinh dưỡng trong đậu nành tốt. Đây là điều khác biệt của đậu nành Việt Nam so với đậu nành nhập khẩu vốn không có hương vị đặc biệt.

Để có được những giống đậu nành như mong muốn, cách đây gần 10 năm, vào ngày 13/11/2013, Vinasoy đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng đậu nành Vinasoy (VSAC), mục tiêu là đầu tư chuyên sâu nghiên cứu về hạt đậu nành phục vụ cho việc phát triển kinh doanh bền vững, với sự hợp tác chiến lược của nhiều trường đại học, viện nghiên cứu về đậu nành trong và ngoài nước.

Ngay từ khi mới thành lập, VSAC đã bắt đầu thu thập, nghiên cứu các nguồn gen đậu nành quý trên cả nước cũng như ở nước ngoài. Sau 10 năm thu thập các nguồn gen bản địa từ khắp mọi miền đất nước, đồng thời trao đổi nguồn gen đậu nành không biến đổi gen từ nước ngoài, các kỹ sư của VSAC đã có trong tay bộ sưu tập lên tới 1.533 nguồn gen quý, trong đó có cả những dòng/giống đậu nành hoang dại với những đặc tính tự nhiên rất có giá trị.

Vinasoy đang phát triển các giống đậu nành mới có năng suất cao, chất lượng tốt từ nguồn gen giống đậu nành bản địa, không biến đổi gen tại nhiều vùng nguyên liệu lớn. Ảnh: VNS.

Vinasoy đang phát triển các giống đậu nành mới có năng suất cao, chất lượng tốt từ nguồn gen giống đậu nành bản địa, không biến đổi gen tại nhiều vùng nguyên liệu lớn. Ảnh: VNS.

Khảo nghiệm, đánh giá toàn bộ nguồn gen

Để tiến hành nghiên cứu, chọn tạo, khảo nghiệm giống đậu nành, VSAC đã quyết định thành lập Trạm Khảo nghiệm đậu nành Tây Nguyên tại huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông. Trạm là nơi để tiến hành nghiên cứu chọn tạo giống, khảo nghiệm kỹ thuật canh tác để phát triển giống mới cho các vùng nguyên liệu đậu nành trên cả nước.

Sở dĩ VSAC chọn Cư Jút vì nơi đây có lợi thế về khí hậu, đất đai thổ nhưỡng, không bị bão hay lũ lụt như ở các nơi khác. Với những yếu tố tự nhiên rất tốt như vậy, ở Cư Jút có thể gieo trồng 3 - 4 mùa đậu nành trong năm, giúp cho việc thử nghiệm đánh giá diễn ra thuận lợi và nhanh chóng hơn.

Với những yếu tố thuận lợi tại Cư Jút, cộng với việc ứng dụng công nghệ sinh học phân tử để xác định con lai nhanh và chính xác, Vinasoy đã rút ngắn được thời gian chọn tạo giống mới và phát triển được giống tốt chỉ sau 4 - 5 năm, thay vì 8 - 10 năm mới có được giống mới như trước đây.

VSAC giới thiệu đợt khảo nghiệm đánh giá 1.533 nguồn gen đậu nành quý Cư Jút. Ảnh: VNS.

VSAC giới thiệu đợt khảo nghiệm đánh giá 1.533 nguồn gen đậu nành quý Cư Jút. Ảnh: VNS.

Để có thể ghi nhận các đặc tính nông học cũng như phẩm chất hạt của ngân hàng nguồn gen đậu nành đã sưu tập nhằm làm vật liệu lai tạo, vào mùa hè năm nay, Trạm Khảo nghiệm đậu nành Tây Nguyên đã chính thức gieo trồng, khảo nghiệm và đánh giá 1.533 nguồn gen đậu nành quý.

Ông Lê Hoàng Duy, Phó Giám đốc VSAC cho biết, đây là lần đầu tiên Vinasoy đem toàn bộ ngân hàng nguồn gen đã thu thập được ra để khảo nghiệm, đánh giá. Toàn bộ nguồn gen được đánh giá, ghi nhận dữ liệu trên cùng mùa vụ với điều kiện thời tiết, đất đai thổ nhưỡng, chế độ chăm sóc tương đồng.

Ông Đặng Công Chiều, một nông dân trồng đậu nành ở Cư Jút cho biết, trước đây gia đình ông trồng giống đậu nành truyền thống, năng suất không cao. Trên diện tích 1,3ha chỉ thu được 2,1 - 2,4 tấn/vụ. Từ khi chuyển sang trồng giống đậu nành của Vinasoy, cũng trên diện tích đó, mỗi vụ, gia đình ông thu được gần 4 tấn, tương đương với năng suất hơn 3 tấn/ha.

Cơ hội vàng tạo ra những giống tốt

Từ kết quả của đợt khảo nghiệm, đánh giá này, các nhà khoa học của VSAC sẽ lựa chọn những nguồn gen đậu nành có đặc tính tốt nhất, phẩm chất hạt phù hợp làm vật liệu lai tạo để phát triển giống mới cho các vùng nguyên liệu. Cụ thể, VSAC sẽ chọn ra những nguồn gen có đặc tính tốt làm cây bố mẹ, thực hiện lai tạo tại Trạm Khảo nghiệm Nghĩa Hành (Quảng Ngãi).

Thế hệ F1 được xác định chính xác là con lai từ các cặp bố mẹ đã lựa chọn bằng chỉ thị di truyền phân tử. Các thế hệ tiếp theo từ F2 - F4 được phát triển quần thể tại Trạm Khảo nghiệm đậu nành Tây Nguyên. Đến thế hệ F5 - F6, sẽ được đánh giá sơ khởi để lựa chọn các dòng triển vọng tại các vùng nguyên liệu ở Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Miền Trung và Đồng bằng sông Hồng. Từ đó chọn lọc khoảng 20 dòng triển vọng để đánh giá năng suất, chất lượng và chọn ra những giống tốt nhất nhằm phát triển các vùng nguyên liệu.

Ông Đinh Công Chính, Phó trưởng phòng Phòng cây Lương thực và Cây thực phẩm (Cục Trồng trọt) tham quan Trạm Khảo nghiệm Đậu nành Tây Nguyên. Ảnh: VNS.

Ông Đinh Công Chính, Phó trưởng phòng Phòng cây Lương thực và Cây thực phẩm (Cục Trồng trọt) tham quan Trạm Khảo nghiệm Đậu nành Tây Nguyên. Ảnh: VNS.

Có mặt tại Trạm Khảo nghiệm đậu nành Tây Nguyên trong sự kiện Vinasoy giới thiệu chương trình khảo nghiệm, đánh giá 1.533 nguồn gen đậu nành quý hồi đầu tháng 7/2022, ông Đinh Công Chính, Phó trưởng phòng Phòng cây Lương thực và Cây thực phẩm (Cục Trồng trọt) chia sẻ: “Sau 10 năm thu thập, Vinasoy đã có được 1.533 nguồn gen đậu nành. Đây là nguồn vật liệu rất lớn đối với các đơn vị nghiên cứu. Với nguồn vật liệu lớn như vậy, xác suất để Vinasoy tạo ra các giống đậu nành có chất lượng tốt, năng suất cao và có các đặc tính nông học quý là rất cao”.

Sự kiện nói trên của Vinasoy cũng thu hút được sự quan tâm của chính quyền địa phương, các hợp tác xã, nông dân trồng đậu nành trong vùng, với mong muốn Vinasoy tiếp tục nghiên cứu, chọn tạo thêm nhiều giống đậu nành tốt hơn nữa bởi Cư Jút là vùng có truyền thống trồng đậu nành lâu năm và đang có diện tích đậu nành lớn nhất tỉnh Đắk Nông cũng như Tây Nguyên.

Thu thập nguồn gen quý, từ đó nghiên cứu, chọn tạo ra những giống đậu nành tốt, không biến đổi gen, chuyển giao giống, hỗ trợ kỹ thuật canh tác và bao tiêu sản phẩm đậu nành hạt đạt chất lượng với giá cạnh tranh so thị trường, Vinasoy đã tạo được niềm tin với nông dân ở những vùng trồng đậu nành trọng điểm. Qua đó, thúc đẩy hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã của những nông dân trồng đậu nành để liên kết sản xuất bền vững với công ty. Đây là con đường đầy triển vọng của Vinasoy trong việc hình thành nên các vùng nguyên liệu ở nhiều vùng miền trong cả nước.

Có cơ hội lớn để tạo ra những giống đậu nành tốt từ 1.533 nguồn gen quý, Vinasoy sẽ phát triển các vùng nguyên liệu đậu nành bền vững ra sao? Xin mời quý độc giả đón xem ài 2 – Phát triển vùng nguyên liệu để có những sản phẩm thơm ngon, xuất bản vào ngày 3/8/2022.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.