Ngày 29/4, tại hộ ông Phan Văn Ba, ấp Tân Thới, xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long diễn ra hội thảo đầu bờ mô hình thử nghiệm liên kết sản xuất đậu nành.
Mô hình do Công ty Sữa đậu nành Việt Nam (Vinasoy) phối hợp với Phòng NN-PTNT huyện Long Hồ triển khai thực hiện với sự tham gia của 20 hộ dân, diện tích 10ha.
Theo các hộ dân tham gia mô hình cho biết, trước đây mỗi năm bà con gieo sạ 3 vụ lúa, hiệu quả kinh tế không cao. Tham gia mô hình, bà con được Vinasoy cung cấp giống đậu nành Vinasoy 02 - NS, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất và bao tiêu toàn bộ sản lượng đầu ra. Bước đầu, mô hình được đánh giá mang lại hiệu quả cao. Bà con nông dân rất hào hứng mở rộng diện tích sản xuất.
Theo đó, mô hình này có ưu điểm sử dụng ít nước (2 lần xuyên suốt cả vụ) và lượng phân bón chỉ bằng 2/3 so với cây lúa trên cùng diện tích. Đậu nành dễ trồng, các khâu từ làm đất đến thu hoạch hầu như hoàn toàn cơ giới nên tiết kiệm công lao động.
Xét về hiệu quả kinh tế, ông Nguyễn Thanh Bình, nông dân tham gia mô hình với diện tích 3.000m2 ở ấp Tân Thới nói: “Vụ này, tiền bán đậu được khoảng 4,8 triệu đồng/công (1.000m2). Trừ hết chi phí còn lãi trên 3 triệu đồng. Nếu trồng lúa hè thu chưa chắc có lãi được 2 triệu đồng/công, bởi bây giờ giá phân bón tăng quá cao nên trồng lúa có khi còn lỗ vốn”.
Cũng theo ông Bình, sau khi kết thúc vụ, rễ cây, thân cây cây đậu đều được trả lại cho đất, giúp tái tạo lại nguồn dinh dưỡng, nhất là đạm tự nhiên. Do đó, lượng phân bón cho cây lúa trên đất trồng đậu đã giảm đáng kể.
Cụ thể, vụ lúa thu đông trước, ông Bình chỉ sử dụng lượng phân bón chỉ 20kg/công, giảm hơn 30%. Còn riêng vụ đông xuân, năng suất lúa tăng đáng ngạc nhiên. Ông Bình nói nếu trước đây lúa trúng lắm chỉ đạt 6 tấn/ha thì vụ rồi đạt hơn 6,5 tấn/ha. Ông đánh giá đưa mô hình luân canh cây đậu nành trên đất lúa giúp thu nhập đạt gấp đôi so với trồng 3 vụ lúa.
Ông Nguyễn Văn Thành, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Long Hồ đánh giá: “Mô hình luân canh giữa đậu nành và lúa mang lại hiệu quả rất thiết thực về kinh tế. Đặc biệt, do sử dụng ít nước nên rất thích hợp với điều kiện biến đổi khí hậu, nhất là xâm nhập mặn và khô hạn như hiện nay".
Cũng theo ông Thành, việc luân canh giữa đậu nành và lúa đã giúp cải tạo đất rất hiệu quả, giảm được đáng kể lượng phân bón vô cơ, giảm chi phí sản xuất cho nông dân, điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh giá phân bón tăng rất cao như hiện nay. Vì vậy sắp tới, Phòng NN-PTNT huyện sẽ phối hợp với Vinasoy tiếp tục mở rộng mô hình ra các ấp còn lại của xã Tân Hạnh và xã Phú Đức.
Ông Lê Hoàng Duy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng đậu nành Vinasoy cho biết: Trong vụ xuân hè 2022, Vinasoy thực hiện mô hình thử nghiệm liên kết sản xuất đậu nành tại ấp Tân Thới (xã Tân Hạnh, Long Hồ) với quy mô 10ha và tại Thị trấn Phú Lộc (huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng) với quy mô 5ha. Đậu sinh trưởng tốt, năng suất khá. Dự kiến năm 2023, Công ty sẽ mở rộng diện tích liên kết tại 2 tỉnh trên lên 300ha, trong đó Long Hồ 200ha, Thạnh Trị 100ha. Vinasoy sẽ cung ứng giống, hỗ trợ kỹ thuật và cam kết bao tiêu toàn bộ sản lượng với giá cạnh tranh.