Đây là giống đậu nành đã được Bộ NN-PTNT cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng năm 2019 và chấp nhận công bố lưu hành giống tại khu vực Tây Nguyên và miền Trung vào năm 2020. Đến nay, Vinasoy 02-NS tiếp tục được phép sản xuất, kinh doanh tại khu vực Đồng bằng sông Hồng.
Vinasoy 02-NS là giống đậu nành không biến đổi gen được Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng đậu nành Vinasoy (VSAC) lai tạo và chọn lọc bằng phương pháp lai hữu tính từ giống địa phương Cư Jút hoa trắng sưu tập tại huyện Cư Jút (Đắk Nông) với giống mới có đặc tính nổi trội. Giống Vinasoy 02-NS có nhiều ưu điểm như hàm lượng đạm cao, hương vị đặc trưng, quả chín đồng đều, kích thước hạt lớn, năng suất đạt từ 25-35 tạ/ha, cao hơn từ 10-20% so với giống địa phương.
Cột mốc Vinasoy 02-NS vừa được Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) chính thức ra thông báo chấp nhận tự công bố lưu hành giống tại khu vực Đồng bằng sông Hồng, đã đánh dấu bước tiến mới trong công tác chọn tạo giống đậu nành của Vinasoy và đang từng bước khôi phục lại vùng trồng đậu nành trong nước.
Đại diện của Vinasoy cho biết, hiện công ty đang sở hữu ngân hàng nguồn gen đậu nành đa dạng nhất Đông Nam Á với hơn 1.500 dòng/giống khác nhau, trong đó có rất nhiều nguồn gen quý cả trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, Vinasoy còn hợp tác với Kubota Việt Nam thử nghiệm thành công máy gặt đậu nành tại Việt Nam, nhằm hỗ trợ cơ giới hóa sản xuất đậu nành; đồng thời hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, có trách nhiệm với cộng đồng.
Theo số liệu của Nielsen Việt Nam, sau hơn 10 năm thực hiện chiến lược tập trung vào giá trị dinh dưỡng từ hạt đậu nành, Vinasoy đang dẫn đầu thị trường sữa đậu nành tại Việt Nam, với 85% thị phần. Đồng thời, trong nhiều năm qua, Fami - nhãn hàng sữa đậu nành chủ lực của Vinasoy liên tục nằm trong Top thương hiệu của ngành hàng sữa Việt Nam. Điều này chứng tỏ sữa đậu nành vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển và những nỗ lực không ngừng của Vinasoy đã được ghi nhận.