| Hotline: 0983.970.780

Sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc: Thay đổi và chớp thời cơ

[Bài 2] Càng chuyên nghiệp, nông dân càng mừng

Thứ Năm 16/06/2022 , 10:07 (GMT+7)

Những nông dân có vườn quy mô lớn, nói họ trông chờ cơ hội để trái sầu riêng 'đàng hoàng' đi Trung Quốc, tránh làm ăn chụp giật.

Tách cơm sầu riêng đông lạnh xuất khẩu. Ảnh: Minh Đảm.

Tách cơm sầu riêng đông lạnh xuất khẩu. Ảnh: Minh Đảm.

Sầu riêng chỉ dành cho nông dân có tâm, có tầm

Tổng kết sau hơn 10 năm gắn bó với sầu riêng ở xóm cù lao ấp Hòa Hảo, ông Huỳnh Tấn Lộc, Giám đốc HTX sầu riêng Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang), cho biết: “Thực ra sầu riêng không dễ mà trồng quy mô được. Nếu không thật sự bỏ tâm sức, bỏ vốn tiền tỷ, chắc chắn thất bại”.

Bài liên quan

Lão nông ngoài 50 tuổi cho biết khi khởi nghiệp với sầu riêng, ông và nhiều người trong HTX đều phải đi vay vốn. Vốn đó, là “xương máu”, nên nông dân buộc phải chăm sóc sầu riêng với hết tâm sức của mình. Nếu không, cuối mùa, họ sẽ chỉ thu về được “sầu đau”.

Xóm cù lao giữa sông Tiền đang thay da đổi thịt từng ngày nhờ sầu riêng. Rất nhiều ngôi nhà đang xây dở, quy mô gần với biệt thự sinh thái. Đầy đủ vườn cây, nội thất khang trang, và lợi thế nằm cạnh sông.

Nông dân trồng sầu riêng ở Ngũ Hiệp còn đang hy vọng nhiều hơn nữa, khi trái sầu riêng “đàng hoàng” đi Trung Quốc. Dấu ấn của thị trường hơn tỷ dân bắt đầu xuất hiện ở nhà ông Lộc. Đó là bộ bàn trà trị giá gần 5 triệu đồng, do thương lái Trung Quốc tặng khi sang thăm vườn, ký hợp đồng bao tiêu hơn 2.000 tấn sầu riêng.

"Khả năng cung ứng của HTX là 5.000 tấn. Mà trái sầu riêng thì Trung Quốc không trồng được. Họ buộc phải dựa vào nguồn cung từ Việt Nam. Mặt khác, tôi cho đây là cơ hội phát triển thêm thành viên vì hợp đồng rõ ràng, rành mạch. Có nguồn bao tiêu thì sẽ có nguồn cung ứng”, ông Lộc nói.

Ông Huỳnh Tấn Lộc, Giám đốc HTX sầu riêng Ngũ Hiệp cho biết HTX đang xây dựng mã số vùng trồng, mã số nhà đóng gói để xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc. Ảnh: Võ Việt.

Ông Huỳnh Tấn Lộc, Giám đốc HTX sầu riêng Ngũ Hiệp cho biết HTX đang xây dựng mã số vùng trồng, mã số nhà đóng gói để xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc. Ảnh: Võ Việt.

Trong thời gian chờ đợi, HTX Ngũ Hiệp đã chuẩn bị sẵn kho lạnh, lột vỏ trái sầu riêng lấy cơm. Bình quân 4kg trái sẽ được 1 kg cơm. Sau đó đóng túi chân không, cấp đông, chờ ngày “bung lụa”, như cách nói của Giám đốc Lộc.

Ông Lộc cũng tính tới làm thí điểm mô hình trái sầu riêng chín tự nhiên. Khi đó, nông dân sẽ mắc lưới quanh cây hứng trái rụng. Mô hình này cho chất lượng cao hơn, song khá tốn công, và phải có nguồn thu mua lập tức.

“Dù theo hướng nào thì HTX cũng đang đứng trước thời cơ phát triển mạnh. Tính ra mỗi cây sầu riêng sau 7 năm bắt đầu cho thu hoạch rộ, mỗi cây cho từ 100 kg trái trở lên. Nếu giá sầu riêng 50.000 đồng/kg là bắt đầu có lãi”, ông Lộc nói.

Ở HTX Ngũ Hiệp, hộ nào ít cũng có từ 1 công (1.000m2) sầu riêng trở lên. Mỗi công trồng được 20 cây, để đảm bảo cây phát triển khỏe. Việc liên kết với nhau, giúp họ được ưu đãi về phân bón, giống và cả nguồn thu mua.

Đối với việc áp dụng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc cùng nhiều tiêu chuẩn khác, ông Lộc nói HTX “coi đó là mừng”, bởi việc này càng giúp cây cho thu hoạch nhiều hơn, bền vững hơn.

“Càng chuyên nghiệp, nông dân càng mừng”

Theo Sở NN-PTNT Tiền Giang, trên địa bàn tỉnh, tính đến cuối năm 2021, có trên 90 cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến sầu riêng công suất ước trên 225.000 tấn/năm. Sầu riêng Tiền Giang tiêu thụ ở 4 thị trường chính: xuất khẩu, các tỉnh ĐBSCL, các tỉnh phía Bắc và TP.HCM. Xuất khẩu chiếm 70% tổng sản lượng sầu riêng trên địa bàn, trong đó thị trường chính là Trung Quốc (chiếm khoảng 80%).

Hiện nay, hình thức tiêu thụ sầu riêng được nông hộ lựa chọn là bán cho thương lái tại vườn theo hình thức “mua đứt bán đoạn” (khoảng 90%) theo từng đợt thu hoạch trên vườn sầu riêng thông qua việc thỏa thuận bằng miệng giữa chủ vườn và thương lái về giá cả theo giá thị trường và theo thời điểm.

Ngược lại, có nhưng rất ít trường hợp thoả thuận với nông dân thông qua hình thức ứng trước tiền mặt hoặc vật tư cho chủ vườn. Nhà vườn thỏa thuận với thương lái theo một đơn giá, không phân loại.

Nông dân sản xuất sầu riêng ở Cai Lậy đa số bán trực tiếp cho thương lái, chưa có sự liên kết với doanh nghiệp. Ảnh: Minh Đảm.

Nông dân sản xuất sầu riêng ở Cai Lậy đa số bán trực tiếp cho thương lái, chưa có sự liên kết với doanh nghiệp. Ảnh: Minh Đảm.

Thông thường thương lái sẽ thanh toán cho chủ vườn bằng tiền mặt trước khi vận chuyển sầu riêng đi. Còn lại, một số ít tự thu hoạch (cắt khi sống hoặc để rụng khi chín) và chở đi bán cho các thương lái. Đây là những hộ có diện tích trồng sầu riêng nhỏ, ở quá xa, thương lái không đến vườn để thu mua nên phải lựa chọn hình thức bán này.

Việc phân loại sầu riêng gần như chỉ được thực hiện từ hộ kinh doanh hay doanh nghiệp. Khi thu mua sầu riêng, hầu hết thương lái đều chọn lựa kỹ về chất lượng, mẫu mã. Sầu riêng được thu hoạch khi trái đã già do thời điểm này không ảnh hưởng đến chất lượng trái chín và vận chuyển đi xa, dễ bảo quản.

Tuy nhiên, những năm trước, không ít nông dân từng ngậm trái đắng vì nạn ép giá của thương lái. Với việc sầu riêng xuất khẩu chính ngạch, nông dân cù lao Ngũ Hiệp nói họ “rất mong chờ”. Bên cạnh đó, nông dân cũng kiến nghị chính quyền có các biện pháp mạnh tay với nạn gian lận.

“Ở Thái Lan, tôi nghe nói họ xử phạt rất nặng những nông dân, thương lái cắt trái non đem bán. Đó không chỉ là hành vi trục lợi trái phép, mà còn gây ảnh hưởng uy tín nặng nề đến thương hiệu sầu riêng mà bao nông dân ngày đêm xây dựng”, anh Nguyễn Minh Khôi, nông dân trồng sầu riêng ấp Hòa An, xã Ngũ Hiệp, nói.

Anh Nguyễn Minh Khôi cho biết cá biệt có những thương lái cả người Việt lẫn người Trung Quốc, thường dụ nông dân bán sớm sầu riêng với giá cao.

“Ví dụ như trái sầu riêng thì sau 85 ngày cơm mới chín. Một số thương lái đưa ra giá cao hơn thị trường, gạ nông dân cắt trái non đem bán. Ít lâu sau, họ về nói sầu riêng rớt giá, nông dân buộc phải bán cho họ với giá thấp. Một, hai người được lợi nhất thời, nhưng cả ấp, cả xã gánh hậu quả”, nông dân này bức xúc.

Với việc buộc phải dùng mã số vùng trồng, nông dân Ngũ Hiệp đặt niềm tin vào cơ hội làm ăn chuyên nghiệp hơn.

"Phía Trung Quốc họ chỉ ký hợp đồng với những đơn vị đạt yêu cầu, do đó nông dân phải vào HTX để được thu mua với giá cả hợp lý. Ở đây ai cũng mong giữ vững thương hiệu sầu riêng Cai Lậy. Chuyện mã số vùng trồng, quy trình chăm bón, không có gì khó cả. Thực ra tụi tui làm lâu rồi, cây của mình, mình phải chăm bón cẩn thận mới bền lâu. Nay chuyên nghiệp hơn thì càng mừng”, anh Nguyễn Minh Khôi nói.

Ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN-PTNT Tiền Giang cho biết, địa phương đã và đang thực hiện nhiều giải pháp phát triển bền vững cây sầu riêng. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN-PTNT Tiền Giang cho biết, địa phương đã và đang thực hiện nhiều giải pháp phát triển bền vững cây sầu riêng. Ảnh: Minh Đảm.

Để ngành hàng sầu riêng ở Tiền Giang phát triển chuyên nghiệp hơn, ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, tỉnh đã xây dựng, triển khai nhiều giải pháp, trong đó địa phương chú trọng đào tạo, trang bị kiến thức chuyên ngành và cập nhật thông tin về tiến bộ kỹ thuật mới để tập huấn cho nông dân, hướng dẫn nông dân sản xuất theo hướng canh tác tiến tiến, hiệu quả; chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật hỗ trợ nông dân trong việc phòng, chống dịch bệnh.

Bên cạnh đó, thông qua các chính sách đầu tư về vay vốn để khuyến khích doanh nghiệp, công ty đầu tư xây dựng cơ sở, kho, bãi thu mua, sơ chế, ưu tiên ứng dụng công nghệ cao trong khâu chế biến.

Cùng với đó, tập trung nghiên cứu, sử dụng các công nghệ mới trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản chế biến sau thu hoạch, ưu tiên phát triển công nghệ cao, ứng dụng cơ giới hoá và sản xuất... để đảm bảo chất lượng sản phẩm hướng đến các thị trường yêu cầu cao. Đồng thời, đẩy mạnh sản xuất sầu riêng theo hướng an toàn; áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt…

Xây dựng nhãn hiệu tập thể "Sầu riêng Cai Lậy"

Ông Lê Quang Khôi, Phó Giám đốc Sở KH-CN Tiền Giang, cho biết, từ năm 2018-2019, tỉnh đã tạo lập quản lý và quảng bá nhãn hiệu tập thể “Sầu riêng Cai Lậy". Đến nay đã ban hành quy trình canh tác sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể, biểu trưng (logo) nhãn hiệu tập thể "Sầu riêng Cai Lậy", bản đồ xác định khu vực địa lý mang địa danh Cai Lậy, quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể "Sầu riêng Cai Lậy", giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp.

Đồng thời thiết kế tem nhãn, bộ nhận diện gồm: pano, tờ rơi, băng-rôn, biển quảng cáo, video cho nhãn hiệu tập thể "Sầu riêng Cai Lậy" được thống nhất, áp dụng và quảng bá. Thông tin về nhãn hiệu tập thể và sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể cũng được giới thiệu trên cổng thông tin điện tử của Sở KH-CN. Đối với thương hiệu tập thể sầu riêng Sầu riêng Cai Lậy, tỉnh giao cho Hội Làm vườn tỉnh Tiền Giang quản lý và khai thác.

Xem thêm
Xuất khẩu tới hơn 100 quốc gia, chè Việt Nam vẫn cần lưu ý điều gì?

Nhìn chung các thị trường đều yêu cầu ngày càng cao đối với an toàn thực phẩm, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc, theo Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường.

Xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y

Bộ NN-PTNT thông báo xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y thuộc Bộ, như sau:

Phương Đông Asahi ghi dấu ấn với các khách hàng ở thủ đô

Tổ hợp Y tế Phương Đông đã ghi dấu ấn sâu sắc với những dịch vụ y tế chất lượng cùng các chương trình tư vấn sức khỏe, nghỉ dưỡng - dưỡng lão.

Dự án căn hộ duy nhất ở Tây Nam Linh Đàm đang được săn đón

Không ngạc nhiên khi dự án căn hộ duy nhất đang triển khai tại Tây Nam Linh Đàm, thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội là Hanoi Melody Residences đang được thị trường săn đón...