| Hotline: 0983.970.780

Sáng kiến ở vùng hạn, mặn trồng cây ăn trái: Chiến thuật lạ cứu sầu riêng

Thứ Ba 26/04/2022 , 06:11 (GMT+7)

Ở xã cù lao Tân Phong (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) có ông Mười Nghĩa dùng chiến thuật lạ chống hạn cho sầu riêng mang lại hiệu quả bất ngờ.

Ông Mười Nghĩa giới thiệu thùng nước lọc chống hạn mặn cho sầu riêng. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Mười Nghĩa giới thiệu thùng nước lọc chống hạn mặn cho sầu riêng. Ảnh: Minh Đảm.

Tiếp sức bằng bình nước tưới nhỏ giọt 

Ở mùa khô hạn 2019 - 2020, tỉnh Tiền Giang có trên 3.000ha cây sầu riêng bị nước mặn ảnh hưởng, thiệt hại lớn. Ở xã cù lao Tân Phong, trong khi nhiều vườn cây đang bị “mặn bao vây” thiệt hại gần hết thì lão nông Trần Văn Nghĩa (Mười Nghĩa) ở ấp Tân Luông B (xã cù lao Tân Phong, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) có mô hình chống hạn rất độc đáo.

Ông Mười Nghĩa có 1ha sầu riêng đã hơn 20 năm tuổi đang mang trái. Trong tình thế hết sức nguy ngập, ông đã cầu cứu đến các nhà khoa học ở Trường Đại học Cần Thơ. Các thầy đã mách ông Nghĩa dùng bình nước tưới nhỏ giọt để cứu cây.

Vườn ông có 150 gốc, mỗi gốc dự định đặt 4 bình nên cần cả thảy 600 bình mới đủ. Ông Nghĩa thu gom hết các bình nước lọc dung tích 20 lít trên cả cù lao nhưng không đủ bởi người ta không bán bình cho ông. Sau đó ông tìm đến tận các đại lý đổi nước ngọt ở xã Hậu Mỹ Bắc B, huyện Cái Bè (cách Tân Phong mấy chục cây số) để đặt mua cho đủ số lượng. Có được đủ số lượng bình như dự định, ông ra các đại lý vật tư y tế mua dây truyền dịch để lắp vào bình nước nhỏ giọt đêm ngày cứu cây.

Ông Nghĩa chia sẻ, mỗi bình 20 lít nước tưới nhỏ giọt theo cách trên sẽ dùng được trong một ngày đêm. Mỗi ngày ông cần dùng 12 khối nước để cung cấp cho cây. Năm đó, ông Nghĩa chỉ thuê ghe chở nước vài đợt về dự trữ đã đủ tưới cho 1ha cây sầu riêng cả mùa hạn. Vị chi ông chỉ tốn hơn 40 triệu đồng tiền mua bình và thuê ghe chở nước ngọt nhưng hiệu quả rõ rệt, cây đang mang trái nhưng vượt qua hạn – mặn tốt, không có cây nào thiệt hại. Trong khi nhiều hộ dân thuê ghe chở nước tốn cả trăm triệu đồng hay như một vài hộ mua máy lọc nước mặn tốn 800 triệu nhưng cả vườn gần như chết ráo trọi.

Ông Mười Nghĩa đang tỉa bớt nụ hoa sầu riêng. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Mười Nghĩa đang tỉa bớt nụ hoa sầu riêng. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Nghĩa nói dù phương pháp đơn giản là vậy nhưng điểm mấu chốt để thành công là vị trí đặt bình nước không được xê dịch. Bởi khi tưới nước nhỏ giọt lượng nước chỉ ngấm đủ ở một vùng nhỏ, rễ cây sẽ tập trung lại đây để hút nước. Nếu vị trí xê dịch sẽ không đạt hiệu quả. Trong quá trình này, ông còn dùng dung dịch dinh dưỡng hữu cơ sinh học như đạm cá với liều lượng thấp để bổ sung thêm cho cây.

Với cách làm độc đáo trên, ông Nghĩa đã giúp cho một số hộ nông dân xung quanh và ở cù lao Ngũ Hiệp (cũng thuộc huyện Cai Lậy) vượt hạn - mặn thành công. Vườn ông liên tục 3 năm nay vẫn cho trái đều đặn, dù sau hạn mặn có giảm đôi chút sản lượng. Mùa mặn năm đó, vườn sầu riêng của ông thu hoạch được 15 tấn, bán được giá 46.000 đồng/kg. Gia đình có thu nhập tốt dù đang mặn khốc liệt.

Hai năm nay, tuy mặn có giảm nhưng ông Nghĩa vẫn tập trung đề phòng nước mặn tấn công bất ngờ. Ông tranh thủ nạo vét mương vườn vừa để bồi gốc bổ sung dinh dưỡng vừa tạo không gian trữ nước. Bên cạnh đó, ông cũng xây hồ chứa nước ngọt trữ hơn 50 khối nước để phun thuốc trừ sâu bệnh khi mặn đến. Ông thường xuyên theo dõi độ mặn trên sông để kịp thời tích trữ tránh bị động như năm trước.

Năm nay, lão nông Mười Nghĩa tự tin cho biết nếu mặn có tấn công ông cũng sẽ dùng các bình nước để lọc để chống hạn khi nước trữ trong mương cạn kiệt. Ông còn mách nước các nhà nông khác nếu muốn dùng biện pháp như của ông có thể cải tiến bằng cách dùng can nhựa 30 lít thay thế bình nước lọc để có chi phí rẻ hơn. Cách này ông đã chỉ cho một nông dân ở xã Ngũ Hiệp áp dụng thành công cũng trong mùa hạn năm đó.

Ông Trần Văn Sang xây hồ chứa nước ngọt chống mặn. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Trần Văn Sang xây hồ chứa nước ngọt chống mặn. Ảnh: Minh Đảm.

Xây hồ trữ nước ngọt

Từ giã lão nông Mười Nghĩa, chúng tôi tiếp tục tìm đến vườn của lão nông Trần Văn Sang ở ấp Tân Bường A. Ông Sang cũng như hầu hết người dân ở Tân Phong đã dùng nhiều biện pháp chở nước ngọt cứu cây sầu riêng trong hơn 3 tháng ròng mùa khô 2019 - 2020 nhưng bất thành. 9 công 15 năm tuổi với 180 gốc của ông Sang bị thiệt hại phân nửa. Cây đang độ thời kỳ năng suất cao, khoảng 2 tấn/công. Gia đình mất hàng trăm triệu đồng thu nhập. Tiếc thì có tiếc nhưng biết làm sao, ông đành đốn bỏ cho người ta làm củi đốt bởi có cây chết hẳn, có cây suy kiệt đến mức không thể phục hồi. Năm ngoái, những cây còn lại năng suất giảm trầm trọng, tiền bán trái chỉ đủ để bù đắp chi phí đầu tư.

Mùa khô trước, dù được dự báo hạn mặn không khốc liệt nhưng ông Sang vẫn không chủ quan thiếu “phòng bị”. Ông đã bỏ ra 120 triệu đồng thuê máy xúc đào sẵn ao diện tích hơn 600m2, sâu 4m chứa được hơn 2.400m3 khối nước ngọt. Đến nay, đang trong đỉnh điểm mùa khô 2021 - 2022, ông tiếp tục bơm nước trữ đầy ao thủ sẵn. “Với 10 lần tưới mỗi tháng, một gốc mất 100 lít nước, tôi dư nước tưới cho sầu riêng nếu đợt mặn này kéo dài 3 tháng như đợt trước” ông Sang vui vẻ nói.

Ông Sang nói, năng suất giảm mạnh do ảnh hưởng của đợt hạn - mặn 2019 - 2020 đến nay chưa phục hồi hoàn toàn. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Sang nói, năng suất giảm mạnh do ảnh hưởng của đợt hạn - mặn 2019 - 2020 đến nay chưa phục hồi hoàn toàn. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Nguyễn Văn Mười, Chủ tịch UBND xã Tân Phong cho biết, xã luôn khuyến khích và tạo điều kiện để người dân đào ao trữ nước chống hạn - mặn. Đa số người dân ở đây ít đất, xã khuyến khích người dân nên hùn đất đào ao. Mùa hạn - mặn 2021 UBND tỉnh Tiền Giang đã đầu tư xây dựng cho xã 8 giếng khoan ở 7 ấp. Bên cạnh đó, địa phương cũng đầu tư gia cố sửa chữa đê bao, cống bọng phục vụ sản xuất tốt hơn.

Có được hồ nước ngọt, ông Sang nói đó là pháo đài phòng thủ vững chắc trước tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng gay gắt. Dù đất đai xây hồ chiếm diện tích khá lớn nhưng ông lão không mấy bận tâm. Không vì tiếc rẻ cái trước mắt mà đánh đổi cái bền vững lâu dài.

Hồ lúc nào cũng chứa đầy nước, lão nông Sang không còn lo lắng nữa. Ông còn kéo bầy cá tai tượng hơn trăm con nuôi gần 10 năm dưới mương lên thả vô ao nuôi chơi. Chiều chiều, ông mang thức ăn ra cho cá ăn. Ông nói bầy cá này để lâu lâu con cháu đi làm xa về hay khách đến bất chợt là có mồi ngon vớt lên mần đãi liền.

Với tinh thần phòng bị chặt chẽ, không chủ quan, nông dân cù lao Tân Phong đang dần phục hồi lại những vườn sầu riêng đặc sản sai trái ngày nào. Chia tay những lão nông chân chất ở xứ trái cây Tân Phong, trên chuyến phà ngang bóng dáng cù lao nhỏ dần nhưng đâu đó vẫn còn đọng lại trong chúng tôi niềm tin rằng dù hạn mặn khốc liệt có xảy ra một lần nữa nông dân nơi đây vẫn thích nghi được tình hình đó, không phải gồng mình chống hạn, không có cây sầu riêng nào phải thành củi khô.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Cargill tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu ngành chăn nuôi Việt Nam

Gần 30 năm gắn bó với Việt Nam, Cargill luôn khẳng định vị thế dẫn đầu về dinh dưỡng và sức khỏe vật nuôi...

Hà Nội công bố bảng giá đất mới, cao nhất gần 700 triệu đồng/m2

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký Quyết định 71 sửa đổi, bổ sung Quyết định 30 về quy định và bảng giá đất trên địa bàn thành phố.