| Hotline: 0983.970.780

Sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc: Thay đổi và chớp thời cơ

[Bài 3] Sẵn sàng trước 'thời điểm lịch sử'

Thứ Tư 15/06/2022 , 09:37 (GMT+7)

Để xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc, các doanh nghiệp, nông dân, cơ quan chức năng đang hoàn thành các yêu cầu phía bạn đưa ra.

Người dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương sẵn sàng cho xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc.

Người dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương sẵn sàng cho xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc.

Nông dân sẵn sàng

Hiện nay các thủ tục để xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc đang được cơ quan chức năng ráo riết thực hiện. Doanh nghiệp, người nông dân và chính quyền địa phương đã có những chuẩn bị nhất định.

Khi nhận được thông tin sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, ông Đỗ Viết Hùng (ngụ xã Ea Tar, huyện Cư M’gar, tỉnh Đăk Lăk) đã liên hệ với doanh nghiệp chuyên xuất khẩu để liên kết cấp mã vùng trồng.

Gia đình ông Hùng có hơn 10 ha sầu riêng trồng từ năm 2017 đang vào thời điểm thu hoạch. Năm ngoái, gia đình ông Hùng thu lứa đầu được hơn 110 tấn bán với giá 25.000 đồng/kg.

Bài liên quan

Theo ông Hùng, sầu riêng xưa nay đều được thương lái thu mua, xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc nên giá cả bấp bênh.

"Khi có thông tin xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc chúng tôi rất mừng. Nếu xuất khẩu chính ngạch thì giá cả ổn định”, ông Hùng nói.

Để có sản phẩm chất lượng, lâu nay gia đình ông Hùng trồng sầu riêng theo hướng VietGAP, chú trọng sử dụng phân bón vi sinh.

"Trung Quốc yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, không có dư lượng thuốc BVTV vượt mức cho phép; có biện pháp quản lý phù hợp để loại bỏ các đối tượng dịch hại. Nhằm đạt hiệu quả tôi đã liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng để được cấp mã vùng trồng. Khi được cấp mã thì mọi thông tin về cây sầu riêng của gia đình đều được thể hiện trên đó", ông Hùng chia sẻ.

Còn ông Trần Quang Viên (ngụ xã Ea Tar, huyện Cư M’gar, tỉnh Đăk Lăk) cho biết, gia đình có hơn 2 ha đất với hơn 260 gốc sầu riêng. Năm ngoái gia đình thu hoạch sầu riêng vụ đầu tiên nhưng giá bán không được cao. 

Để chuẩn bị cho sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc, gia đình ông Viên tham gia HTX trên địa bàn. Vào HTX buộc phải tuân thủ quy trình canh tác do HTX đưa ra, đảm bảo yêu cầu từ phía đối tác.

"Trước giờ đầu ra không ổn định, nếu sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc thì người dân có thu nhập ổn định. Tôi sẵn sàng tuân thủ các quy trình canh tác của HTX, đảm quả sầu riêng đạt chuẩn”, ông Viên nói.

Để giúp những hộ dân có diện tích nhỏ đủ điều kiện cấp mã vùng trồng, bà Bùi Thị Thu Phương (ngụ huyện Cư M’gar) đã thành lập HTX Nông nghiệp Thương mại Dịch vụ Tấn Khang. Hiện HTX có 400 thành viên với diện tích hơn 500 ha trồng sầu riêng.

Theo bà Phương, gia đình bà là một trong những hộ trồng sầu riêng lớn tại địa phương. Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, trái cây không được vận chuyển mua bán dẫn đến hàng bị ứ đọng nên thương lái vào ép giá.

“Chúng tôi thành lập HTX, vận động người dân tham gia. Hiện HTX đã phân công các tổ sản xuất hỗ trợ bà con về kỹ thuật cũng như hoàn tất các hồ sơ để cấp mã vùng trồng. Các thành viên có kỷ luật, sản xuất theo một quy trình chuẩn nhằm đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu của phía Trung Quốc”, bà Phương thông tin.

Phổ biến, ghi chép nhật ký canh tác.

Phổ biến, ghi chép nhật ký canh tác.

Thời điểm lịch sử

Chuẩn bị xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, Công ty Cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn (Đăk Lăk) đang gấp rút liên kết với các hộ dân, HTX để triển khai mã số vùng trồng. Hiện Công ty đã liên kết với 6 huyện, 15 HTX trên diện tích 6.000 ha.

“Việc triển khai vùng nguyên liệu sẽ mang lại lợi ích vô cùng lớn cho người nông dân. Về tổng quan khi xuất khẩu được chính ngạch, nông dân tuân thủ nghiêm các tiêu chuẩn thì kết quả cuối cùng là ngành sầu riêng Việt Nam có lợi thế cạnh tranh đối với các quốc gia khác”, ông Lê Anh Trung - Giám đốc phụ trách vùng nguyên liệu, Công ty Dũng Thái Sơn nêu quan điểm.

Vị này cho biết thêm, trước giờ chất lượng sầu riêng Việt Nam được khách hàng đánh giá rất tốt. Tuy nhiên, người dân chưa quen với việc sản xuất theo quy trình có kiểm soát. Do đó, công ty đã chuẩn bị những nền tảng ứng dụng truy xuất nguồn gốc giúp quản lý về sản xuất, kết nối được với khách hàng.

Đông đảo hộ trồng sầu riêng nghe hướng dẫn ghi chép nhật ký canh tác.

Đông đảo hộ trồng sầu riêng nghe hướng dẫn ghi chép nhật ký canh tác.

“Cái khó khăn lớn nhất đối với người nông dân là trình độ canh tác. Đặc biệt diện tích canh tác của người dân manh mún, nhỏ lẻ. Do đó, công ty phải tổ chức lại sản xuất, tổ chức các chuỗi liên kết để tập huấn cho nông dân về quy trình sản xuất nhằm thiết lập hồ sơ mã số vùng trồng. Công ty cử đội ngũ cán bộ lớn xuống tận vườn tập huấn, thường xuyên cầm tay chỉ việc. Về lâu dài, công ty sẽ cố gắng xây dựng nhà máy sơ chế đóng gói bảo quản ở những huyện có vùng nguyên liệu lớn. Một mặt, công ty cũng mở rộng quy mô, chuỗi liên kết, nâng cao năng lực sản xuất của vùng nguyên liệu”, ông Trung nói thêm.

Còn tại Đắk Nông, Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Nghiệp Xuân (TP Gia Nghĩa) cho biết, doanh nghiệp đã gửi hồ sơ đến cơ quan chức năng để xin cấp mã vùng trồng cho cây sầu riêng.

Theo bà Lầu Kiều Vân, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Nghiệp Xuân, hiện nay, doanh nghiệp đã liên kết với các hộ dân để làm thủ tục đăng ký mã số vùng trồng. Đối với xưởng đóng gói thì đơn vị đầu tư từ 5 năm trước, bây giờ doanh nghiệp sẽ tiến hành sửa chữa để đáp ứng theo yêu cầu phía Trung Quốc.

“Hiện tại bên phía Trung Quốc chưa yêu cầu quả sầu riêng phải đạt chuẩn về VietGAP hay GlobalGAP nhưng về chất lượng hàng phải đảm bảo đủ độ già và kiểm soát sâu bệnh hại”, bà Vân nói.

Tập huấn, hướng dẫn nông dân cài đặt phần mềm nhật ký điện tử truy xuất nguồn gốc sầu riêng.

Tập huấn, hướng dẫn nông dân cài đặt phần mềm nhật ký điện tử truy xuất nguồn gốc sầu riêng.

Theo bà Vân hiện nay khó khăn là nhiều người dân có diện tích nhỏ lẻ, không đạt đủ yêu cầu 10 ha để được cấp mã vùng trồng. Do đó doanh nghiệp phải đứng ra liên kết các hộ lại. Ngoài ra, hồ sơ cấp mã số vùng trồng được doanh nghiệp gửi đi nhưng đến nay hơn 1 tháng vẫn chưa có kết quả.

“Các đối tác bên Trung Quốc hối doanh nghiệp gửi mã vùng trồng để họ kiểm tra nhưng chúng tôi chưa có. Trong khi mùa sầu riêng tại địa phương gần đến thời điểm thu hoạch. Nếu không được cấp mã sớm thì có thể bỏ lỡ cơ hội xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc trong vụ năm nay”, bà Vân lo lắng.

Việc xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc có thể gọi là thời điểm lịch sử của ngành nông nghiệp vì giá trị của trái sầu riêng rất lớn. Hiện nay, sầu riêng chủ yếu xuất sang Trung Quốc còn các thị trường khác rất nhỏ. “Trung Quốc mở cửa cho trái sầu riêng thì người dân, doanh nghiệp hưởng lợi, cần phải chung tay đảm bảo tốt yêu cầu thị trường”, nữ giám đốc nói thêm.

Chủ động thực hiện các quy định

Đăk Nông đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các cơ sở sản xuất, thu hoạch đóng gói xuất khẩu chủ động thực hiện các quy định phía Trung Quốc.

Thời gian qua, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo đơn vị chuyên môn triển khai công tác kiểm tra việc quản lý, duy trì và sử dụng mã số của các cơ sở sản xuất, xuất khẩu đã được cấp mã. Sở cũng đề nghị Cục BVTV xem xét cấp 5 mã số vùng trồng và 1 mã số cơ sở đóng gói.

Đồng thời, Sở yêu cầu các đơn vị, UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn các cơ sở liên kết sản xuất đáp ứng đủ các yêu cầu xuất khẩu và đăng ký cấp mã số trước khi xuất khẩu nông sản nói chung, sầu riêng nói riêng, nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế.

(Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông)

Tránh gian lận làm mất niềm tin

Ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đăk Lăk cho biết, để chuẩn bị điều kiện đáp ứng những tiêu chuẩn xuất khẩu sầu riêng lớn nhất là Trung Quốc thì đối với vùng trồng, cơ sở được cấp mã số là làm sao hạn chế việc gian lận, mất lòng tin, sản phẩm bị trả về. Đây là vấn đề quan trọng nhất của ngành nông nghiệp.

Sở đã làm tất cả những hoạt động để phía Trung Quốc kiểm tra vùng trồng, cơ sở đóng gói nhằm đáp ứng đủ tiêu chí cho sầu riêng xuất khẩu chính ngạch.

Cơ quan chức năng đã cấp mã số vùng trồng, tổ chức hướng dẫn, tập huấn cho các chủ vườn, chủ cơ sở đóng gói. Sở tăng cường kiểm tra để đảm bảo không có việc gian lận trong hoạt động xuất khẩu. Đây là bước đầu rất quan trọng để sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Xem thêm
Thị trường Trung Quốc - 'Át chủ bài' xuất khẩu trái cây

Kim ngạch xuất khẩu trái cây Việt Nam sang Trung Quốc ngày càng tăng và ước tính, năm 2024 sẽ đạt gần 5 tỷ USD.

Xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y

Bộ NN-PTNT thông báo xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y thuộc Bộ, như sau:

Bổ nhiệm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc

BẮC GIANG Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) vừa bổ nhiệm vị trí Tổng Giám đốc Công ty CP Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc thay ông Nguyễn Đức Ninh nghỉ hưu theo chế độ.

Dự án căn hộ duy nhất ở Tây Nam Linh Đàm đang được săn đón

Không ngạc nhiên khi dự án căn hộ duy nhất đang triển khai tại Tây Nam Linh Đàm, thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội là Hanoi Melody Residences đang được thị trường săn đón...