Quảng Trị có trên 120 nghìn ha rừng trồng sản xuất. Trong những năm qua, phong trào trồng rừng sản xuất đã và đang phát triển rộng khắp, bước đầu giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng vạn lao động, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người làm nghề rừng.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 cũng đề ra mục tiêu xây dựng Quảng Trị trở thành Trung tâm cung cấp nguyên liệu, chế biến gỗ rừng trồng của khu vực miền Trung. Để thực hiện mục tiêu này, giai đoạn 2022 – 2025 tỉnh xây dựng 5 nghìn ha rừng gỗ lớn FSC tại 5 huyện Hải Lăng, Cam Lộ, Triệu Phong, Gio Linh và Vĩnh Linh và phấn đấu có 30 nghìn ha vào năm 2030.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị, từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, hợp tác với các tổ chức quốc tế nhằm tập trung phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng, phát triển kinh tế rừng, đẩy mạnh trồng rừng thâm canh theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng góp phần khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai.
Nhiều mô hình đã được chuyển đổi từ rừng gỗ dăm sang rừng gỗ lớn có chứng chỉ FSC. Nhiều chuỗi liên kết tiêu thụ gỗ rừng trồng có chứng chỉ FSC với giá cao hơn với so với giá gỗ không có chứng chỉ từ 10-12%. Quảng Trị là một trong những tỉnh đầu tiên tại Việt Nam được cấp chứng chỉ FSC cho các tổ chức, mô hình nhóm hộ gia đình.
Tuy nhiên, trong số trên 16 nghìn ha rừng keo được cấp chứng chỉ FSC, các hợp tác xã và nhóm hộ gia đình chỉ có gần 2,9 nghìn ha. Số còn lại chủ yếu tập trung tại các công ty lâm nghiệp.
Điều đó cho thấy, người dân Quảng Trị vẫn chưa thực sự mặn mà với rừng gỗ lớn, rừng FSC. Đó là những khó khăn tỉnh Quảng Trị đang vấp phải khi có tham vọng trở thành trung tâm gỗ nguyên liệu của miền Trung.
Ông Lê Chí Nghĩa, Phó phòng Quản lý sử dụng rừng – Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị cho rằng, ngoài tập quán canh tác, mấu chốt của việc rừng gỗ lớn có chứng chỉ FSC chưa được người dân mặn mà là do đời sống người trồng rừng hiện vẫn còn khó khăn. Điều này không những khiến diện tích rừng gỗ lớn FSC chững lại mà còn gây khó khăn trong việc áp dụng quản lý, truy xuất gỗ rừng trồng để tham gia thị trường quốc tế.
“Theo quy định về quản lý rừng sản xuất, chủ rừng được quyền quyết định thời gian và phương thức khai thác. Thị trường quốc tế (FSC) đòi hỏi phải có truy xuất lâm sản. Nhưng FSC mang tính tự nguyện, người dân lại chủ yếu bán gỗ dăm, ít trồng gỗ lớn trong khi thị trường quốc tế cần gỗ lớn, đạt chứng chỉ FSC để sản xuất thành phẩm” – ông Nghĩa cho hay.
Cũng theo ông Nghĩa, việc hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn mặc dù đã có chính sách nhưng triển khai còn chậm khiến người trồng rừng chưa được hỗ trợ nhiều.
Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách phát triển lâm nghiệp trong đó có việc hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn 8 triệu đồng/ha/chu kỳ. Tuy nhiên, khi ban hành các chính sách này thì nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2015 -2021 đã được phê duyệt. Vì vậy, giai đoạn 2021 -2025 Quảng Trị mới đưa vào chính sách hỗ trợ phát triển 1 nghìn ha gỗ lớn với mức hỗ trợ 8 triệu đồng/ha/chu kỳ.
Tuy nhiên, nguồn ngân sách tỉnh Quảng Trị hạn chế nên UBND tỉnh Quảng Trị đề xuất Trung ương hỗ trợ và theo kế hoạch phải đến năm 2023 mới bắt đầu triển khai. Bên cạnh đó, một số chính sách khuyến khích phát triển rừng gỗ lớn, rừng FSC của tỉnh Quảng Trị, do một số vướng mắc hiện vẫn còn triển khai chậm.
Cần "chất xúc tác" để người dân mạnh dạn trồng rừng gỗ lớn
“Theo Nghị quyết 162 của HĐND tỉnh Quảng Trị, người trồng rừng gỗ lớn sẽ được hỗ trợ 4 triệu đồng/ha, hỗ trợ phát triển tối đa 1 nghìn ha/năm nhưng hiện vẫn chưa thực hiện. Ngoài ra, Chính phủ có nhiều chính sách tín dụng phát triển lâm nghiệp nhưng các ngân hàng thường ngại cho vay khi tài sản thế chấp là rừng và đất rừng luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro”, ông Lê Chí Nghĩa, Phó phòng Quản lý sử dụng rừng – Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị.