| Hotline: 0983.970.780

Đầu tư chế biến gỗ tương xứng tiềm năng, lợi thế

Thứ Ba 21/03/2023 , 10:45 (GMT+7)

Tỉnh Quảng Ninh đã và đang xây dựng kế hoạch thu hút đầu tư chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ để tương xứng với tiềm năng, lợi thế đang có.

Tỉnh Quảng Ninh tập trung nguồn lực trồng mới rừng gỗ lớn. Ảnh: Nguyễn Thành.

Tỉnh Quảng Ninh tập trung nguồn lực trồng mới rừng gỗ lớn. Ảnh: Nguyễn Thành.

Tiềm năng tài nguyên rừng

Quảng Ninh có tổng diện tích tự nhiên 617.779ha, trong đó diện tích rừng và đất lâm nghiệp chiếm gần 70% diện tích tự nhiên của tỉnh, độ che phủ rừng duy trì ổn định 55%, hệ sinh thái rừng phong phú, đa dạng bao gồm cả trên cạn, ven biển và trên các đảo.

Đây là lợi thế để tỉnh đẩy mạnh việc phát triển ngành lâm nghiệp, nhất là trồng rừng gỗ lớn. Qua đó, góp phần quan trọng trong phát triển bền vững kinh tế, xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh các khu vực biên giới, miền núi, hải đảo.

Hàng năm, tỉnh Quảng Ninh bố trí tối thiểu 3% tổng chi ngân sách thường xuyên đầu tư cho phát triển lâm nghiệp. Đặc biệt, ngày 28/11/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 19-NQ/TU về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Đơn cử như huyện Ba Chẽ đã xây dựng đề án phát triển rừng gỗ lớn trên địa bàn giai đoạn 2019-2025, theo đó, đến năm 2025 sẽ hình thành và phát triển ổn định vùng gỗ lớn với quy mô 5.000ha. Đề án được kỳ vọng sẽ tạo ra vùng nguyên liệu đáp ứng cho sản xuất, chế biến sâu, nâng cao giá trị về gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

Từ nguồn hỗ trợ của các cơ quan, doanh nghiệp, Ba Chẽ đẩy nhanh tiến độ trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo hiệu quả, kịp mùa vụ trồng rừng. Cùng với đó là công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các chủ rừng việc triển khai trồng rừng trên địa bàn đúng kỹ thuật, mật độ trồng, bón phân, chăm sóc, bảo vệ rừng trồng đảm bảo thành rừng.

Không riêng Ba Chẽ, nhiều địa phương trên toàn tỉnh đã tập trung thực hiện, đạt tỷ lệ cao như: Tiên Yên, Vân Đồn, Hải Hà... Vì vậy, ngành lâm nghiệp Quảng Ninh đã có những chuyển biến tích cực theo hướng bền vững hơn.

Giai đoạn 2020 - 2021, toàn tỉnh trồng được 23.738ha rừng tập trung, trong đó có 1.473ha rừng gỗ lớn; giá trị sản xuất đạt hơn 1.200 tỷ đồng/năm (tăng gần 10% so với giai đoạn 2018-2019); khai thác và tiêu thụ 1.086.815m3/năm (tăng gần 20% so với giai đoạn 2018-2019, tăng 14% so với chỉ tiêu hằng năm theo tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TU); thu nhập bình quân của lao động lâm nghiệp đạt trên 70 triệu đồng/năm. 

Quảng Ninh là tỉnh có cửa ngõ thông thương với Trung Quốc qua cửa khẩu Quốc tế Móng Cái và thuộc tuyến hành lang kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Quảng Ninh có rất nhiều thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, xã hội nói chung và ngành lâm nghiệp nói riêng, có điều kiện xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm sản.

Các sản phẩm từ gỗ của tỉnh Quảng Ninh hiện chủ yếu vẫn là dăm và bán gỗ dăm. Ảnh: Viết Cường.

Các sản phẩm từ gỗ của tỉnh Quảng Ninh hiện chủ yếu vẫn là dăm và bán gỗ dăm. Ảnh: Viết Cường.

Nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ

Hiện nay, các sản phẩm từ gỗ của tỉnh Quảng Ninh hiện nay vẫn còn ở mức khiêm tốn, giá trị thấp, chủ yếu vẫn là băm dăm, bán gỗ dăm. Để nâng giá trị sản phẩm, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp để thu hút đầu tư, đưa dây chuyền công nghệ mới vào chế biến sản phẩm gỗ phục vụ nội địa và xuất khẩu.

Ông Vũ Duy Văn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh cho biết, các cơ quan chức năng đang hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ vốn, đất đai, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất chế biến gỗ, lâm sản ngoài gỗ.

Xây dựng và cơ chế hỗ trợ chuỗi liên kết trong chế biến gỗ với hạt nhân là các nhà máy sản xuất đồ gỗ ở cụm/khu công nghiệp, xây dựng và hỗ trợ chuỗi liên kết lâm sản ngoài gỗ với một số sản phẩm lâm sản ngoài gỗ trọng điểm của tỉnh.

Xây dựng một số chính sách hỗ trợ các cơ sở chế biến gỗ chuyển vào cụm/khu công nghiệp như miễn giảm tiền thuê mặt bằng; hỗ trợ di chuyển lắp đặt, hỗ trợ kinh phí thời gian nghỉ sản xuất do di chuyển, chính sách khuyến khích ưu đãi các doanh nghiệp chế biến gỗ quy mô vừa và lớn, các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ xuất khẩu, MDF, WPC đặt nhà máy cụm/khu công nghiệp.

Cũng theo ông Văn, tỉnh sẽ đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường, công nghệ sử dụng phế thứ liệu lâm sản, công nghệ cao, công nghệ tự động hóa, số hóa trong chế biến lâm sản, số hóa trong quản lý điều hành sản xuất kinh doanh và thị trường.

Hỗ trợ doanh nghiệp liên kết, hợp tác, ứng dụng khoa học, công nghệ, đáp ứng nhu cầu đổi mới công nghệ; hỗ trợ đào tạo, tập huấn về công nghệ thông tin, xây dựng và áp dụng chứng chỉ chuỗi hành trình sản phẩm.

Ngoài ra, cần ưu tiên dành diện tích đất cho doanh nghiệp chế biến gỗ, đặc biệt khâu dự trữ nguyên liệu và khu vực kho bãi. Đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đường giao thông, điện, nước cho những vùng có nguồn nguyên liệu phong phú để thu hút các đầu tư vào chế biến gỗ ở khu vực này.

Xây dựng hệ thống phụ trợ cho công nghiệp chế biến lâm sản ngay định hướng nâng cấp, mở rộng. Xây dựng nhà dịch vụ cho người lao động của ngành công nghiệp chế biến lâm sản.

Áp dụng các giải pháp kỹ thuật nâng cao chất lượng giống, gỗ rừng trồng đáp ứng yêu cầu của các lĩnh vực sản xuất đồ gỗ, phát triển vùng sản xuất giống cho từng loài. Từ đó, hình thành cơ chế tạo sự hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu sản phẩm gỗ với người trồng rừng để nâng cao năng suất và chất lượng gỗ rừng trồng. Hạn chế và tiến tới dừng việc xuất khẩu dăm gỗ.

Quảng Ninh chuẩn bị các điều kiện để thành lập Hiệp hội gỗ và lâm sản ngoài gỗ nhằm kết nối các cơ sở chế biến lâm sản trong tỉnh, ngoài tỉnh, kết nối các cơ sở chế biến lâm sản trong tỉnh với các ngành nghề khác, với các tổ chức, chính quyền địa phương.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Xây dựng vườn ươm cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp

QUẢNG TRỊ Các vườn ươm cải tiến cung cấp 1,8 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho trồng rừng bền vững gắn với thực hiện chứng chỉ rừng vùng nguyên liệu.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.