| Hotline: 0983.970.780

Chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn lợi đủ đường

Thứ Tư 01/03/2023 , 15:32 (GMT+7)

Chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn đang trở thành hướng phát triển bền vững trong lĩnh vực kinh tế lâm nghiệp của Yên Bái.

Rừng keo lai sau khi được chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn. Ảnh: Tuấn Anh.

Rừng keo lai sau khi được chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn. Ảnh: Tuấn Anh.

Hướng phát triển kinh tế lâm nghiệp mới

Trong bối cảnh quỹ đất dành cho phát triển lâm nghiệp khó mở rộng, tỉnh Yên Bái đang tập trung phát triển trồng rừng gỗ lớn. Đây được xác định là hướng đi mới giải quyết sinh kế, nâng cao đời sống của người dân, góp phần bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu.

Trồng, chuyển hóa từ rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho người dân, tiết kiệm cây giống, giảm chi phí trồng, chăm sóc mà còn giảm sâu bệnh, hạn chế suy thoái đất và bảo vệ môi trường rừng.

Ông Kiều Tư Giang, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái cho biết: Hàng năm tỉnh Yên Bái trồng mới thay thế khoảng 15.000ha rừng các loại. Mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ che phủ rừng đạt 65%, sản lượng gỗ rừng trồng khai thác hàng năm đạt nửa triệu m3. Với mục tiêu đã xác định, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái đã sớm ban hành các chính sách, hỗ trợ người dân tuy nhiên vẫn còn gặp một số khó khăn.

Sau khi có Quyết định số 774/QĐ-BNN-TCLN ngày 18/4/2014 của Bộ NN-PTNT về việc phê duyệt kế hoạch hành động nâng cao năng suất và giá trị rừng trồng. Trong đó, có một mục tiêu quan trọng là chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn. Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái đã lập kế hoạch, chỉ đạo cụ thể để phát triển rừng gỗ lớn.

Qua đó, giai đoạn 2016 - 2019 triển khai chuyển hóa rừng gỗ lớn tại một số địa phương có thế mạnh về đât rừng như: Xã Y Can, Quy Mông, Minh Quân… của huyện Trấn Yên, xã Tân Hương, Đại Đồng… của huyện Yên Bình. Xây dựng mô hình rừng chuyển đổi rừng trồng gỗ nhỏ các loài cây keo tai tượng, keo lai sang rừng gỗ lớn với diện tích rà soát khoảng 2.400ha.

Ông Kiều Tư Giang, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái kiểm tra mô hình chuyển đổi rừng trồng. Ảnh: Tuấn Anh.

Ông Kiều Tư Giang, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái kiểm tra mô hình chuyển đổi rừng trồng. Ảnh: Tuấn Anh.

Theo ông Kiều Tư Giang, so với trồng rừng gỗ nhỏ, lợi nhuận từ rừng trồng cây gỗ lớn cao hơn nhiều lần tùy theo tuổi khai thác và đường kính cây cây. Chỉ tính riêng với cây keo, khai thác ở năm thứ 5 - 6 chỉ có thể bán làm dăm gỗ, bóc lấy ván… giá trị chỉ đạt khoảng 60 - 80 triệu đồng/ha, thu nhập bình quân từ 10 - 12 triệu đồng/ha/năm.

Nhưng với diện tích đó khi chuyển sang thành rừng trồng gỗ lớn, cây từ 10 - 14 năm trồng mới khai thác, cây đều đạt đường kính khoảng 20cm trở lên, sản lượng gỗ đạt từ 180 - 220m3/ha. Lúc này gỗ được bán theo giá gỗ chế biến, gỗ xẻ với giá từ 1,6 - 2,4 triệu đồng/m3, tương đương 250 triệu đồng/ha, lợi nhuận bình quân 20 triệu đồng/năm/ha.

Việc trồng rừng gỗ lớn vừa giảm chi phí so với rừng trông gỗ nhỏ mà còn hạn chế được việc các doanh nghiệp thu mua ép giá, tạo được vùng nguyên liệu tập trung, đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp chế biến gỗ, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, hạn chế sói mòn đất.

Yên Bái là một trong số những tỉnh miền núi phía Bắc có thế mạnh về phát triển kinh tế đồi rừng. Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái xác định xây dựng khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Trung du và miền núi phía Bắc tại tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đưa Yên Bái trở thành một trong 3 khu công nghệ cao của cả nước theo đúng chủ trương của Chính phủ.

Vì vậy, cần đẩy mạnh xây dựng, phát triển rừng trồng theo hướng quản lý rừng bền vững để nâng cao giá trị. Tổ chức sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi sản phẩm từ trồng rừng, thu mua nguyên liệu, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Tỉnh Yên Bái đã tập trung nguồn lực triển khai nhiều chương trình hỗ trợ trồng rừng sản xuất theo quy mô tập trung, hình thành các vùng nguyên liệu phục vụ chế biến lâm sản.

Lợi ích thiết thực khi trồng rừng gỗ lớn

Để nâng cao chất lượng gỗ, tỉnh Yên Bái tập trung vào việc nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng bằng việc chuyển hóa rừng cây gỗ lớn. Trong đó quy định cụ thể với keo lai có quy mô trồng tập trung và cam kết khai thác sau 10 năm tuổi.

Đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Chiến thôn An Hòa, xã Y Can, huyện Trấn Yên, ông Chiến chia sẻ: "Gia đình tôi có trên 30ha rừng, một phần tôi trồng keo còn lại là trồng quế. Nhờ quay vòng khai thác và tỉa thưa rừng đã mang lại thu nhập ổn định cho gia đình tôi. Với chu kỳ khai thác của người dân thường là 6- 7 năm, nhưng tôi kéo dài chu kỳ hơn 10 năm. Khi khai thác gỗ lớn, có chứng chỉ FSC giá bán cao hơn so với giá gỗ cùng loại."

Rừng keo sau khi chuyển hóa của gia đình ông Nguyễn Văn Chiến, thôn An Hòa, xã Y Can có những cây chu vi lên đến 148cm, có giá bán lên tới 6 triệu đồng. Ảnh: Tuấn Anh.

Rừng keo sau khi chuyển hóa của gia đình ông Nguyễn Văn Chiến, thôn An Hòa, xã Y Can có những cây chu vi lên đến 148cm, có giá bán lên tới 6 triệu đồng. Ảnh: Tuấn Anh.

Theo chân ông Chiến đến thăm rừng keo có thể nói là nhiều tuổi nhất ở Yên Bái thời điểm hiện tại (rừng được trồng từ năm 2005) tận mắt nhìn những thân cây to, thẳng đều tăm tắp, cây to nhất có chu vi đo tại D1.3 đạt 148cm. Ông Chiến cho biết, tại thời điểm này cây keo có giá trị khoảng 6 triệu đồng. Bình quân toàn khu rừng keo có chu vi khoảng 100cm/cây, trữ lượng trên 300m3/ha, có giá trị khoảng 450 triệu/ha.

Chọn giống có nguồn gốc xuất xứ, chăm sóc đúng quy trình và đặc biệt là kéo dài chu kỳ kinh doanh trên 10 năm, rừng đã manh lại thu nhập ổn định cho gia đình ông Chiến. Phát triển kinh tế từ rừng đã mang lại cho gia đình ông cơ ngơi mà bao người mơ ước, nhà cửa khang trang, mua xe hơi phục vụ cho nhu cầu đi lại của gia đình.

Có thể nói làm giàu từ rừng là hướng đi bền vững, chuyển đổi rừng gỗ lớn khi đời sống người vật chất của người dân từng bước được nâng cao, tư duy sản xuất thay đổi. Phát triển rừng gỗ lớn đã góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hâu.

Diện tích rừng trồng thâm canh chất lượng cao dần thay thế các diện tích rừng trồng hiện nay. Rừng được cấp chứng chỉ, năng suất rừng trồng tăng, giá bán gỗ nguyên liệu tăng. Thu nhập của người trồng rừng tăng, chất lượng cuộc sống được cải thiện.

Theo kết quả kiểm kê rừng, hiện toàn tỉnh Yên bái có tổng diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển rừng là 523.073ha. Trong đó, rừng đặc dụng là 36.147,3ha, rừng phòng hộ 152.787,3ha, rừng sản xuất là 281.149,8ha. Giai đoạn 2018 - 2022 độ che phủ của rừng đạt 63%, nằm trong tóp 4 tỉnh có độ che phủ rừng lớn nhất cả nước.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Những công nghệ 'chia lửa' cho lực lượng giữ rừng

Rừng đầu nguồn đóng vai trò quan trọng trong phòng chống thiên tai. Việc ứng dụng công nghệ trong bảo vệ rừng đầu nguồn giúp nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.