| Hotline: 0983.970.780

Bình Định chọn 3 giống chủ lực phát triển chăn nuôi

[Bài 2]: Tăng nuôi heo quy mô trang trại công nghệ cao

Thứ Năm 04/05/2023 , 14:41 (GMT+7)

Heo là một trong ba vật nuôi chủ lực được Bình Định phát triển mạnh trong thời gian tới, nhưng sẽ giảm nuôi nông hộ, tăng quy mô trang trại áp dụng công nghệ cao.

Trong thời gian tới, vùng đồng bằng ở Bình Định sẽ tập trung phát triển trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Trong thời gian tới, vùng đồng bằng ở Bình Định sẽ tập trung phát triển trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Lợi thế về con giống

Hiện, tổng đàn heo trên địa bàn Bình Định gần 664.000 con, tăng 0,8% so cùng kỳ 2022. Theo Chương trình hành động số 11/CTr-TU của Tỉnh ủy Bình Định về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025, đến năm 2025 Bình Định sẽ tăng tổng đàn heo lên 1,1 triệu con, trong đó heo nuôi trong trang trại áp dụng công nghệ cao chiếm 22%.

Theo ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, tỉnh này có điều kiện lớn để tăng trưởng đàn heo nhờ chủ động con giống chất lượng cao. Hiện, trên địa bàn tỉnh đang có 14 cơ sở chuyên sản xuất con giống heo thương phẩm, lượng giống đủ cung ứng cho các cơ sở chăn nuôi heo thịt trên địa bàn.

Trong đó, có trang trại heo giống của THACO Group đóng tại xã Cát Lâm (huyện Phù Cát) với quy mô 13.000 con heo nái sinh sản, trong đó có trên 2.500 con heo giống cụ kỵ, hơn 10.000 con heo giống ông bà, bố mẹ.

“Sắp tới, THACO Group sẽ tiếp tục xây dựng thêm trang trại sản xuất với quy mô 24.000 con. Trang trại nuôi heo giống có đàn heo cụ kỵ, ông bà và bố mẹ lớn như THACO Group được đánh giá là cơ sở nuôi heo giống quy mô lớn nhất miền Trung hiện nay. Sự có mặt của trang trại này càng thêm phần thuận lợi về con giống cho ngành chăn nuôi heo Bình Định phát triển”, ông Huỳnh Ngọc Diệp nhấn mạnh.

Cũng theo ông Diệp, hiện ở Bình Định có nhiều mô hình liên kết nuôi heo thịt giữa doanh nghiệp và nông dân. Doanh nghiệp cung ứng con giống, thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Trong khi đó, nông dân nuôi heo gia công cho doanh nghiệp lo đầu tư xây dựng chuồng trại, đáp ứng quy trình nuôi heo áp dụng công nghệ cao gồm, chuồng lạnh, hệ thống cho ăn tự động, kiểm soát nhiệt độ…

Ví như mô hình liên kết nuôi heo gia công giữa Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam với nhiều nông dân Bình Định. Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam cũng đang xây dựng xong nhà máy giết mổ, pha lóc heo với quy mô 350.000 con/năm, tương đương 1.000 con/ngày tại Khu công nghiệp Nhơn Hòa (thị xã An Nhơn, Bình Định).

“Ngoài ra, ở Bình Định hiện cũng còn nhiều hình thức liên kết khác như Công ty Greenfeed, Japfa Comfeed Bình Định… liên kết với bà con chăn nuôi theo phương thức cung ứng con giống, thức ăn chăn nuôi và hỗ trợ kỹ thuật, dù không bao tiêu sản phẩm, nhưng doanh nghiệp sẽ hỗ trợ tìm nơi tiêu thụ giúp cho bà con”, ông Diệp cho biết thêm.

Chương trình hành động về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bình Định cũng đặt ra chỉ tiêu xây dựng 25 trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, xây dựng Khu chăn nuôi Nhơn Tân (thị xã An Nhơn) thành vùng chăn nuôi công nghệ cao và xây dựng nhãn hiệu “Heo Hoài Ân”…

“Bình Định ngoài có nhiều cơ sở chuyên sản xuất heo giống áp dụng công nghệ cao, tại vùng chăn nuôi heo mạnh nhất tỉnh là huyện Hoài Ân, bà con nuôi heo ở đây có truyền thống chủ động lựa chọn những con nái giống tốt để nuôi sinh sản. Nhờ đó, heo thịt được nuôi trong nông hộ ở Hoài Ân vẫn đảm bảo chất lượng, heo nuôi ở đây rất được người tiêu dùng ưa chuộng, đó là điều kiện để huyện này xây dựng nhãn hiệu "Heo Hoài Ân”, ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định chia sẻ.

Thời gian tới, vùng đồng bằng ở Bình Định giảm chăn nuôi nông hộ. Ảnh: Lê Khánh.

Thời gian tới, vùng đồng bằng ở Bình Định giảm chăn nuôi nông hộ. Ảnh: Lê Khánh.

Ưu tiên phát triển trang trại nuôi heo công nghệ cao

Bình Định được đánh giá là địa phương có ngành chăn nuôi heo mạnh nhất khu vực Duyên hải Nam Trung bộ. Do đó, mật độ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh này là rất cao. Hiện mật độ chăn nuôi ở Bình Định đã đạt 0,97, đến năm 2030 mật độ chăn nuôi ở Bình Định được quy định chỉ là 1 (mỗi đơn vị vật nuôi tương đương với 500kg khối lượng vật nuôi sống, còn mật độ chăn nuôi được tính bằng tổng số đơn vị vật nuôi trên 1ha đất nông nghiệp), do đã gần chạm ngưỡng nên trong thời gian tới phát triển chăn nuôi ở tỉnh này phải đi theo định hướng quy hoạch chung.

“Trong thời gian tới, Bình Định sẽ ưu tiên phát triển chăn nuôi heo ở các huyện miền núi và trung du, các huyện đồng bằng chỉ tập trung phát triển các trang trại chăn nuôi áp dụng công nghệ cao. Kể cả những dự án chăn nuôi heo đang triển khai tại các vùng đồng bằng, ngành chức năng cũng định hướng cho nhà đầu tư đi theo hướng công nghệ cao, không để ngành chăn nuôi heo phát triển tràn lan như hiện nay”, ông Huỳnh Ngọc Diệp cho hay.

Heo nuôi ở Hoài Ân (Bình Định) xuất bán đi Đà Nẵng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Heo nuôi ở Hoài Ân (Bình Định) xuất bán đi Đà Nẵng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ngành chăn nuôi heo ở huyện trung du Hoài Ân đã đi đúng hướng từ nhiều năm nay. Địa phương này được mệnh danh là vựa heo lớn nhất miền Trung với số lượng đàn hàng năm lên đến hơn 300.000 con, đó là con số thống kê, chứ thực tế đàn heo nuôi trong dân còn lớn hơn.

Ở Hoài Ân, có thể nói là nhà nhà nuôi heo, người người nuôi heo. Ngành chăn nuôi ở Hoài Ân chiếm tới 67,4% trong cơ cấu ngành nông nghiệp của toàn huyện và luôn đứng đầu tỉnh Bình Định về tổng đàn và chất lượng.

Hiện, toàn huyện Hoài Ân có 32 trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn, trong đó có 5 trang trại chăn nuôi theo hướng công nghệ cao. Nổi bật trong đó có trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao Phú Hưng tại xã Ân Mỹ với qui mô trên 2.400 nái sinh sản, hàng năm xuất chuồng 24.500 heo con giống, doanh thu trên 75 tỷ đồng. Huyện này còn có 1.960 trang trại quy mô vừa và nhỏ áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, áp dụng công nghệ trong xử lý môi trường.

Hoài Ân xác định chuỗi liên kết là xu hướng tất yếu để phát triển ngành chăn nuôi nên từ lâu, địa phương này đã hình thành chuỗi tiêu thụ sản phẩm heo thịt với thương lái ở thành phố Đà Nẵng. Để tham gia chuỗi liên kết, các trang trại có quy mô lớn, vừa và nhỏ cùng hộ chăn nuôi heo ở Hoài Ân buộc phải thực hiện đảm bảo các quy định về an toàn phòng dịch và an toàn thực phẩm.

Heo nuôi ở Bình Định được giết mổ tập trung, chuẩn bị đưa ra thị trường. Ảnh: Lê Khánh.

Heo nuôi ở Bình Định được giết mổ tập trung, chuẩn bị đưa ra thị trường. Ảnh: Lê Khánh.

“UBND huyện Hoài Ân chỉ đạo ngành nông nghiệp huyện phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bình Định trong công tác kiểm tra, thẩm định, lấy mẫu để xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, cấp giấy chứng nhận cho các trang trại vừa và nhỏ trên địa bàn.

Đồng thời, xây dựng mối liên kết chặt chẽ với các thương lái thu mua heo ở thành phố Đà Nẵng với người chăn nuôi trên địa bàn huyện Hoài Ân, đảm bảo mối liên kết hài hòa và đảm bảo quyền lợi đôi bên”, ông Võ Duy Tín, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân cho hay.

Theo ông Huỳnh Ngọc Diệp, trong thời gian tới, vùng đồng bằng của tỉnh này sẽ tập trung phát triển trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao, giảm chăn nuôi nông hộ để đảm bảo mật độ chăn nuôi. Những dự án chăn nuôi heo ở đồng bằng phải đảm bảo môi trường, đảm bảo khoảng cách, đặc biệt là phải chăn nuôi theo hướng công nghệ cao.

Vùng trung du tiếp tục phát triển chăn nuôi quy mô trang trại, ưu tiên chăn nuôi công nghệ cao quy mô lớn. Ngoài ra, ngành chức năng còn khuyến khích đồng bào miền núi Bình Định phát triển loài vật nuôi bản địa mang tính đặc sản như heo đen ở huyện miền núi An Lão.

“Hiện giá heo hơi đang thấp, người chăn nuôi nông hộ đang dè dặt tái đàn, chỉ những trang trại quy mô lớn nuôi theo hướng công nghệ cao mới tiếp tục duy trì, đây vừa là khó khăn nhưng cũng là thời cơ để ngành chăn nuôi Bình Định định hướng lại chăn nuôi, thúc đẩy phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại quy mô lớn áp dụng công nghệ cao”, ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định.

Xem thêm
Cảnh giác với dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết

Thái Nguyên tăng cường phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm các tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Nông dân Cao Phong chuyển đổi hàng ngàn bể phun thuốc vuông sang tròn

Hầu hết bể phun thuốc hình vuông sau một thời gian sử dụng đều bị nứt nhưng bể hình tròn thì không. Sáng kiến của ông Cường đã được hàng ngàn nhà vườn áp dụng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.