| Hotline: 0983.970.780

Bình Định chọn 3 giống chủ lực phát triển chăn nuôi

[Bài 1]: Địa phương có đàn bò lai tốp đầu cả nước

Thứ Tư 03/05/2023 , 14:53 (GMT+7)

Trong 3 giống vật nuôi chủ lực được tỉnh Bình Định đặt mục tiêu phát triển trong những năm tới, với con bò sẽ tập trung hướng đến bò thịt chất lượng cao.

Ông Nguyễn Hữu Khúc (đội mũ cối), Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân (Bình Định) thăm trang trại nuôi bò thịt chất lượng cao. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ông Nguyễn Hữu Khúc (đội mũ cối), Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân (Bình Định) thăm trang trại nuôi bò thịt chất lượng cao. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Thành quả sau 7 năm cải tạo đàn bò thịt

Theo ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, trong thời gian tới, để thực hiện Chương trình hành động số 11/CTr-TU của Tỉnh ủy Bình Định về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025, ngành chăn nuôi Bình Định phấn đấu đến năm 2025, tổng đàn bò trên địa bàn tỉnh này đạt 330.000 con, trong đó chiếm 30% là bò thịt chất lượng cao.

Tính đến cuối năm 2022, tổng đàn ở Bình Định đã đạt hơn 303.000 con, tăng 1,9% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, tỷ lệ bò lai chiếm 89,5%, bò thịt chất lượng cao đạt trên 20%. Do đó, mục tiêu đề ra đối với lĩnh vực chăn nuôi trong Chương trình hành động số 11/CTr-TU của Tỉnh ủy Bình Định không còn xa vời.

“Với tỷ lệ bò lai chiếm đến 89,5% trong tổng đàn bò tính đến cuối năm 2022, Bình Định được đánh giá là địa phương có tỷ lệ bò lai cao nhất nước, bởi bình quân tỷ lệ bò lai cả nước hiện chỉ đạt hơn 60%”, ông Huỳnh Ngọc Diệp cho hay.

Cũng theo ông Diệp, để có được kết quả trên, cách đây 7 năm ngành chăn nuôi Bình Định đã chú trọng công tác lai tạo đàn bò. Công tác này được cụ thể hóa bởi Đề án “Phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao nông hộ giai đoạn 2015-2020”.

Bình Định đã hoạch định từng hướng đi rõ ràng trong công tác lai tạo, đặc biệt là tập trung lai tạo giống bò thịt chất lượng cao, chủ yếu là 2 gống Zebu và Droughtmaster. Sử dụng tinh đông lạnh ngoại nhập các giống bò thịt chất lượng cao như: Red Angus, Blanc Bleu Belg (BBB) phối giống nhân tạo với bò cái lai Zebu có tỷ lệ máu lai trên 75% để tạo ra bê lai hướng thịt chất lượng cao.

Vùng phối giống tập trung triển khai trên địa bàn 17 xã ở các huyện Tuy Phước, Tây Sơn và thị xã An Nhơn. Ngoài ra, Bình Định còn mở rộng vùng phối giống bổ sung trên địa bàn 15 xã, phường ở các huyện: Phù Mỹ, Hoài Ân, An Lão, Vân Canh, thị xã Hoài Nhơn và thành phố Quy Nhơn.

Bình Định cũng đồng thời sử dụng tinh đông lạnh bò Zebu lai cải tạo đàn bò nội, lai cấp tiến bò lai Zebu để nâng tỷ lệ máu lai, tạo đàn cái lai làm nền cho công cuộc lai tạo đàn bò thịt chất lượng cao.

Sử dụng tinh đông lạnh bò Droughtmaster phối giống nhân tạo với bò cái nền lai có máu Zebu trên 75% để cho ra bò lai F1 Droughtmaster nuôi thịt và chọn con cái tốt làm giống.

Giống bò BBB được người chăn nuôi Bình Định rất ưa chuộng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Giống bò BBB được người chăn nuôi Bình Định rất ưa chuộng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo ông Trần Văn Hạnh, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp Bình Định, năm đầu thực hiện Đề án “Phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao nông hộ giai đoạn 2015-2020” chỉ có 20.000 con bò được phối các giống chất lượng cao như BBB và Red Angus.

Bê lai sinh ra đạt trọng lượng khoảng 30kg, khả năng thích nghi, sinh trưởng tốt, chất lượng cao, được thị trường ưa chuộng. Bê lai bán cao giá, nên những năm sau đó số bò được phối các giống BBB và Red Angus tăng lên gấp 3 lần.

Đến nay, tổng đàn bò ở Bình Định đã đạt hơn 303.000 con, tỷ lệ bò lai đạt 89,5%. Trong đó, trên 120.000 con bò cái giống, đây là nền tảng để Bình Định tiếp tục đẩy mạnh công tác lai tạo đàn bò trong thời gian tới.

“Hiện, mô hình nuôi bò thịt chất lượng cao đang được nhân rộng tại Bình Ðịnh. Hàng ngàn hộ nông dân đã thật sự đổi đời từ mô hình này. Không chỉ các hộ chuyên nuôi bò, các ngành nghề phụ trợ lĩnh vực này cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao như nghề phối giống thụ tinh nhân tạo cho bò, trồng cỏ voi, bán hèm rượu làm thức ăn cho bò…”, ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định chia sẻ.

Người chăn nuôi Bình Định quan tâm đến công tác tiêm phòng để phòng dịch bệnh cho đàn bò. Ảnh: Lê Khánh.

Người chăn nuôi Bình Định quan tâm đến công tác tiêm phòng để phòng dịch bệnh cho đàn bò. Ảnh: Lê Khánh.

Hướng đến bò thịt chất lượng cao

Tháng 5/2020, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Chứng nhận đăng ký sở hữu trí tuệ bò thịt chất lượng cao Bình Định, đây là tiền đề để người dân tỉnh này mạnh dạn đầu tư chăn nuôi bò theo hướng bền vững.

Theo ông Trần Văn Hạnh, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp Bình Định, trong 7 năm qua, số lượng bê thịt chất lượng cao gồm các giống BBB và giống Red Angus trung bình mỗi năm sinh ra hơn 15.000 con. Phần lớn bê giống được nông dân bán cho người chăn nuôi các tỉnh lân cận, khoảng 30% số bê giống được cung ứng cho người chăn nuôi ở Bình Định phát triển thành bò thịt chất lượng cao.

“Bình Định đang có lợi thế được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận đăng ký sở hữu trí tuệ bò thịt chất lượng cao. Thêm vào đó, những năm qua Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh cũng đã xây dựng hệ thống chợ bò nên ngành chăn nuôi Bình Định đang kết nối tiêu thụ số bò trong những mô hình nuôi bò thịt vỗ béo trên địa bàn tỉnh”, ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định cho hay.

Cũng theo ông Diệp, để đáp ứng yêu cầu về năng suất và chất lượng đàn bò, trong thời gian tới Bình Định tiếp tục cải thiện điều kiện chăm sóc và thức ăn, đồng thời chuyển giao những công nghệ mới về chăn nuôi, đặc biệt chú trọng đưa vào sản xuất những giống bò thịt cao sản để nâng cao năng suất và chất lượng thịt bò, thông qua chương trình cải tạo giống bò bằng công nghệ truyền giống nhân tạo. Đó là cách để Bình Định phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao một cách bền vững.

Trang trại nuôi 100 con bò thịt chất lượng cao ở huyện Hoài Ân (Bình Định). Ảnh: Lê Khánh.

Trang trại nuôi 100 con bò thịt chất lượng cao ở huyện Hoài Ân (Bình Định). Ảnh: Lê Khánh.

Để phục vụ công tác lai tạo đàn bò, hàng năm, Trung tâm Giống nông nghiệp Bình Định thường xuyên mở lớp đào tạo mới dẫn tinh viên thụ tinh nhân tạo bò để bổ sung cho các địa phương còn thiếu lực lượng và thay thế cho những dẫn tinh viên đã nghỉ việc.

Về nguồn kinh phí để mua vật tư phục vụ cho công tác lai tạo đàn bò thì nitơ lỏng được ngân sách của tỉnh, huyện và thành phố đảm bảo 100%, còn dụng cụ phối giống và tinh bò đông lạnh sản xuất trong nước đối với nhóm bò Zebu và tinh bò nhập ngoại các giống Red Angus và BBB người chăn nuôi đối ứng kinh phí 50%, ngân sách địa phương hỗ trợ 50%.

Trong đó, ở Quy Nhơn ngân sách thành phố tự đảm bảo 100% kinh phí, đối với 3 huyện miền núi là Vân Canh, Vĩnh Thạnh và An Lão ngân sách tỉnh đảm bảo 100%, đối với 2 huyện trung du Tây Sơn và Hoài Ân ngân sách tỉnh chi 70% còn ngân sách huyện chi 30%, các huyện và thị xã còn lại ngân sách tỉnh chi 50% và  ngân sách huyện, thị xã chi 50% kinh phí còn lại.

“Trong thời gian tới, ngành chăn nuôi Bình Định sẽ tiếp tục đầu tư và nâng cấp hệ thống thụ tinh nhân tạo bò trên địa bàn tỉnh, khuyến khích người chăn nuôi nhân rộng mô hình chăn nuôi bò thịt chất lượng cao. Tạo điều kiện cho nhiều người dân tham quan, học hỏi kinh nghiệm nhằm đưa chăn nuôi bò thịt chất lượng cao trở thành vật nuôi chủ lực trong phát triển chăn nuôi của tỉnh, nâng tầm thương hiệu bò thịt Bình Định cả về chất lượng thịt lẫn con giống", ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định cho biết.

Xem thêm
Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Hà Nội có 124 cơ sở được cấp mã số vùng trồng với 794 ha

Mã số vùng trồng được cho là phương pháp quản lý tận gốc chất lượng nông sản, tuy nhiên câu chuyện thực hiện và giám sát nó hiện vẫn còn nhiều khó khăn.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.