| Hotline: 0983.970.780

Trung Quốc - 'Gã khổng lồ' sản xuất và tiêu thụ thủy sản

[Bài 3]: Rộng cửa cho thủy sản Việt Nam

Thứ Năm 24/08/2023 , 09:50 (GMT+7)

Với nhu cầu tiêu thụ thủy sản dự báo còn tiếp tục tăng, vị trí địa lý gần, chi phí logistics thấp…, Trung Quốc vẫn là điểm đến tiềm năng của thủy sản Việt Nam.

Mở cửa hơn nữa cho thủy sản chất lượng cao

Trong chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và tham dự Diễn đàn kinh tế thế giới các nhà tiên phong năm 2023 tại TP. Thiên Tân (WEF Thiên Tân) của Thủ tướng Phạm Minh Chính cuối tháng 6/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Cường đã có cuộc hội đàm thành công với nhiều nội dung quan trọng được thảo luận, thống nhất.

Thủ tướng Lý Cường nhận định hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước có mức độ bổ trợ cao và còn tiềm năng rất lớn; cho biết Trung Quốc sẽ mở cửa hơn nữa thị trường cho hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là nông thủy sản, hoa quả chất lượng cao của Việt Nam, phối hợp tạo điều kiện thuận lợi về kiểm dịch, thông quan hàng hóa, sẵn sàng phối hợp thúc đẩy giải quyết vướng mắc về thể chế, chính sách, để quan hệ thương mại hai nước tiếp tục tăng trưởng bền vững và đạt thành quả mới…

Bộ NN-PTNT đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc sớm hoàn tất thủ tục ký nghị định thư giữa Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Bộ NN-PTNT Việt Nam về yêu cầu an toàn thực phẩm, kiểm dịch và kiểm tra đối với sản phẩm thủy sản xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc. Ảnh: Hoàng Vũ.

Bộ NN-PTNT đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc sớm hoàn tất thủ tục ký nghị định thư giữa Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Bộ NN-PTNT Việt Nam về yêu cầu an toàn thực phẩm, kiểm dịch và kiểm tra đối với sản phẩm thủy sản xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc. Ảnh: Hoàng Vũ.

Trước đó, ngày 8/6, Bộ NN-PTNT cũng đã có công hàm gửi Tổng cục Hải quan Trung Quốc về đề xuất một số giải pháp thúc đẩy giao thương nông sản và tháo gỡ tình trạng ùn tắc. Cụ thể, Bộ NN-PTNT đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc sớm hoàn tất thủ tục ký nghị định thư giữa Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Bộ NN-PTNT Việt Nam về yêu cầu an toàn thực phẩm, kiểm dịch và kiểm tra đối với sản phẩm thủy sản xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Xem xét bổ sung một số trái cây, loài, sản phẩm thủy sản và một số doanh nghiệp được phép xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc đã được cơ quan chức năng phía Việt Nam kiểm tra đạt yêu cầu theo quy định Lệnh 248, 249 của Hải quan Trung Quốc và đề xuất.

Cho phép xuất khẩu thủy sản sống qua các cửa khẩu tại tỉnh Vân Nam nhằm giảm áp lực thông quan giữa các cửa khẩu và tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp.

Liên quan đến thị trường Trung Quốc, ngày 26/12/2022, Trung Quốc phát đi thông tin sẽ mở cửa biên giới và dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp cách ly phòng dịch Covid-19 kể từ ngày 8/1/2023. Quyết định này là bước đi cuối cùng của Trung Quốc trong việc hủy bỏ chính sách ‘Zero Covid’ được nước này áp dụng trong suốt 3 năm qua.

Sự mở cửa của thị trường 1,4 tỷ dân cùng với những nỗ lực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban, ngành liên quan được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Tiêu thụ 65 triệu tấn vào năm 2030

Ông Nguyễn Duy Kiên, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương), cho biết: Trung Quốc là một trong những quốc gia có mức tiêu thụ thủy sản lớn nhất thế giới. Thị trường thủy sản đang bùng nổ ở Trung Quốc mang đến cơ hội lớn cho các nhà xuất khẩu thủy sản quốc tế. Nhu cầu tiêu dùng ngày càng gia tăng của người dân Trung Quốc cùng với sự thiếu hụt nguồn cung thủy sản trong nước của nước này đã khiến nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc gia tăng mỗi năm.

Còn theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ước tính hiện mức tiêu thụ thủy sản của Trung Quốc đạt khoảng 39 - 40 kg/người (đạt xấp xỉ 60 triệu tấn). Theo tốc độ tiêu thụ như hiện nay, dự đoán vào năm 2030, lượng tiêu thụ thủy sản của nước này sẽ xấp xỉ 65 triệu tấn.

Thị trường thủy sản đang bùng nổ ở Trung Quốc mang đến cơ hội lớn cho các nhà xuất khẩu thủy sản quốc tế, trong đó có Việt Nam. Ảnh: Huy Hùng.

Thị trường thủy sản đang bùng nổ ở Trung Quốc mang đến cơ hội lớn cho các nhà xuất khẩu thủy sản quốc tế, trong đó có Việt Nam. Ảnh: Huy Hùng.

Ông Hòe nói thêm, là quốc gia đông dân số với hơn 1,4 tỷ dân, đời sống người dân ngày càng được cải thiện nên nhu cầu tiêu thụ thực phẩm và thủy sản của Trung Quốc cũng ngày càng cao. Dự kiến Trung Quốc sẽ tiêu thụ khoảng 36% tổng sản lượng toàn cầu vào năm 2028, với mức tiêu thụ bình quân đầu người đạt khoảng 44,3 kg, tăng so với 39,3 kg trong giai đoạn hiện nay, trong khi sản xuất thủy sản nội địa bị hạn chế vì yếu tố môi trường trong cả khai thác và nuôi trồng, nguồn cung không đủ đáp ứng cho nhu cầu.

“Với sự cải thiện mức thu nhập của người dân, sự phát triển của dịch vụ hậu cần…, thị trường tiêu thụ thủy sản của Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng trong dài hạn. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng là quốc gia có tốc độ phát triển thương mại điện tử vượt bậc, việc phát triển nhiều kênh thương mại điện tử sẽ góp phần đẩy mạnh việc tiêu thụ thủy sản từ người tiêu dùng Trung Quốc”, ông Hòe nhận định.

Dịch vụ logictis khá đa dạng và cạnh tranh

Theo ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gò Đàng (Hậu Giang): “Xuất khẩu sang Trung Quốc khá thuận lợi vì đây là thị trường gần nên chi phí vận chuyển thấp, các thủ tục giấy tờ cũng nhẹ nhàng hơn so với châu Âu, tuy nhiên về mặt chất lượng, thị trường này cũng kiểm soát rất chặt chẽ”.

Còn theo ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc rất tiềm năng và hiện có thể xem Trung Quốc đang là một trong những khách hàng lớn nhất của Việt Nam về thủy hải sản và trái cây.

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào Trung Quốc năm 2022 đạt 1,57 tỉ USD, tăng 32% về sản lượng và 61% về giá trị so với năm 2021, trong đó nổi lên mặt hàng cá tra tăng trưởng đáng kể và đây lại là mặt hàng thế mạnh của Việt Nam.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc có tỷ lệ xuất khẩu chính ngạch cao. Đây là hình thức thương mại quốc tế bài bản cả về mức độ đáp ứng dịch vụ logistics.

"Hiện nay thị trường vận tải đường biển bằng phương thức container từ các cảng Việt Nam đến Trung Quốc khá đa dạng và cạnh tranh. Có đến hơn 20 hãng tàu container đang khai thác dịch vụ trực tiếp từ Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM đến hầu hết các cảng chính của Trung Quốc. Về vận tải hàng không, hiện các hãng hàng không Việt Nam và quốc tế đang khai thác hàng ngày, hàng tuần từ TP.HCM và Hà Nội đến các sân bay lớn của Trung Quốc với lượng tải nhất định. Ngoài ra hiện cũng đang khai thác tuyến đường sắt”, ông Hiệp nói thêm.

Trong bối cảnh lạm phát toàn cầu gia tăng, Trung Quốc vẫn là điểm đến tiềm năng nhất của các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam trong năm 2023 và cả 2024 nhờ nhu cầu bùng nổ, vị trí địa lý gần, chi phí logistics và rủi ro thấp hơn các thị trường khác. Tuy nhiên, khi xuất khẩu vào thị trường này, các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ thị trường, đối tác để tránh những rủi ro.

Ông Nguyễn Duy Kiên, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công thương, cho biết: “Cùng với sự phát triển của nền kinh tế quốc gia và sự gia tăng thu nhập của người dân Trung Quốc, nhu cầu của người dân nước này đối với các sản phẩm thủy sản sạch, chất lượng cao tiếp tục tăng cao, do vậy tiềm năng nhu cầu thị trường rất lớn, dự kiến nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng nhanh vào năm 2023”.

Xem thêm
Một số nơi phát triển nóng nuôi cá nước lạnh

Cá nước lạnh đang có lợi thế phát triển mạnh ở nước ta. Tuy nhiên, việc sản xuất gặp không ít khó khăn về môi trường, dịch bệnh..., một số nơi phát triển nóng.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.