Bạn hàng lớn của thủy sản Việt Nam
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong những năm vừa qua, Trung Quốc vẫn là một trong những thị trường nhập khẩu thủy sản lớn của Việt Nam, là thị trường lớn thứ 3 với kim ngạch luôn trên 1 tỉ USD, bình quân tỷ trọng đạt 14 - 15% kim ngạch xuất khẩu của cả ngành.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc đã vượt qua thị trường EU, trở thành thị trường lớn thứ 2 của xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc giai đoạn này đạt hơn 716 triệu USD, chiếm tỷ trọng hơn 17% tổng kim ngạch xuất khẩu vào Trung Quốc, tuy nhiên so với năm 2022 vẫn giảm hơn 22%. Trong đó xuất khẩu tôm đạt gần 281 triệu USD, giảm 15,7%; xuất khẩu cá tra đạt 281 triệu USD, giảm 34,4%.
Trung Quốc là thị trường được nhiều doanh nghiệp kỳ vọng sẽ phục hồi sớm hơn so với các thị trường khác như Mỹ, EU trong bối cảnh doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản đang phải đối mặt với nhiều thách thức hiện tại. Thế nhưng trái với kỳ vọng, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc 6 tháng đầu năm vẫn giảm mạnh hơn so với xuất khẩu vào Mỹ và EU.
Với mặt hàng tôm, ông Nguyễn Duy Kiên, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương) nhận định: "Hiện nay, nuôi tôm ở Trung Quốc rất khó khăn do chi phí đầu vào tăng cao, giá tôm nguyên liệu giảm nên Trung Quốc sẽ vẫn tăng cường nhập khẩu tôm từ nước ngoài. Nhu cầu nhập khẩu tôm của Trung Quốc dần phục hồi trở lại với lượng tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá tôm nhập khẩu vẫn ở mức thấp trong bối cảnh thị trường toàn cầu suy giảm".
Còn với cá tra, ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gò Đàng (Hậu Giang) chia sẻ, trong 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu cá tra của các doanh nghiệp sang Trung Quốc giảm khoảng 30%. Riêng với Gò Đàng, xuất khẩu cũng giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân là do nhu cầu sụt giảm, sau dịch bệnh Covid-19 tâm lý người dân chưa thoải mái.
Bên cạnh đó, thị trường Mỹ sụt giảm tiêu thụ cá rô phi từ Trung Quốc nên thị trường nội địa còn nhiều và san sẻ bớt nhu cầu tiêu dùng cho mặt hàng này. Hy vọng quý III và IV, tình hình xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ tăng trở lại.
Thời gian tới, VASEP nhận định, trong các mặt hàng xuất khẩu, cá tra sẽ có lợi hơn tôm do doanh nghiệp có sẵn quan hệ thương mại với các đối tác Trung Quốc, cá tra Việt Nam có thể lấp đầy khoảng trống cá thịt trắng từ Nga trong bối cảnh xung đột chính trị vẫn chưa đến hồi kết.
Mặt khác, thời gian gần đây, người tiêu dùng Trung Quốc có xu hướng tiêu thụ cá tra và các loại cá nước ngọt khác nhiều hơn cá rô phi, đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp gia tăng xuất khẩu.
Ưu tiên lựa chọn thủy sản tươi sống
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ thủy sản của Trung Quốc hiện nay là rất lớn, chẳng hạn như ở Quảng Tây, Quảng Đông và Vân Nam. Riêng Quảng Đông, tuy có thể tự cung cấp được một phần hải sản từ biển nhưng lượng này không đáng là bao so với nhu cầu tiêu thụ.
“Thị trường Trung Quốc bao giờ cũng yêu cầu và mong muốn các sản phẩm thủy sản tươi sống, còn đông lạnh hay những sản phẩm ăn liền, tiện dụng thì hiện nay thị trường này cũng đang tiến tới rồi”, ông Dũng cho biết thêm.
Đồng quan điểm, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy sản Thuận Phước (Đà Nẵng) cho hay, người tiêu dùng Trung Quốc thích thủy sản tươi sống như tôm hùm, các loài cá đặc sản…, đặc biệt ưa chuộng cá tra bởi đây là loài cá giá rẻ, dễ chế biến, phù hợp khẩu vị lại chưa có nhiều nhà xuất khẩu.
“Trung Quốc hiện nay vẫn là thị trường "béo bở", phù hợp với tập quán của người Việt Nam. Chẳng hạn như, cách ăn của người Trung Quốc rất gần gũi với người Việt Nam. Mực, bạch tuộc… là những loài mà người tiêu dùng Trung Quốc đánh giá cao, đây cũng là những loài mà Việt Nam mình có. Thủy sản Việt Nam rất dễ xuất khẩu qua Trung Quốc, nhưng chủ yếu là hàng thô, càng tươi sống chừng nào thì giá trị càng cao chừng ấy. Người Trung Quốc là vậy, thà bỏ tiền ra mua một con tôm tươi sống, nguyên con còn hơn là mua một con tôm đã bóc vỏ hay chế biến rồi”, ông Lĩnh nói thêm.
Ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nhận định, sản phẩm thủy sản tươi sống của Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Thứ nhất, Việt Nam có biên giới đất liền, nhiều cửa khẩu chính thức với Trung Quốc là một thuận lợi lớn đối với xuất khẩu mặt hàng sống. Thứ hai, người dân, nhà hàng Trung Quốc ưa thích các mặt hàng thủy sản tươi sống để chế biến theo khẩu vị địa phương. Thứ ba, các mặt hàng tươi sống của Việt Nam có giá phù hợp, chất lượng cao.
Đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu
Tuy nhiên theo ông Lê Bá Anh, bên cạnh những cơ hội thì việc xuất khẩu các mặt hàng thủy sản tươi sống sang thị trường Trung Quốc cũng có nhiều khó khăn, như: Vận chuyển hàng thủy sản sống phức tạp, chi phí cao hơn. Phải duy trì tỷ lệ sống trong quá trình vận chuyển và thời gian chờ thực hiện thủ tục xuất khẩu nên rủi ro cao hơn mặt hàng khác…
Ông Lê Bá Anh cho hay, Trung Quốc hiện cho phép 48 loài thủy sản sống và 128 sản phẩm thủy sản của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường này. Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đã gửi hồ sơ đề nghị Trung Quốc bổ sung một số đối tượng vào danh sách được phép xuất khẩu vào Trung Quốc như sứa muối, ghẹ đỏ… Tuy nhiên, quá trình thẩm định bổ sung doanh nghiệp, bổ sung sản phẩm của phía Trung Quốc thường mất nhiều thời gian.
Cũng theo ông Lê Bá Anh, doanh nghiệp muốn xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc cần lưu ý một số vấn đề, như: Phải nằm trong danh sách được Trung Quốc công nhận. Các loài, sản phẩm phải nằm trong 48 loài và 128 sản phẩm được Trung Quốc cấp phép. Sản phẩm được bao gói, ghi nhãn đủ thông tin theo yêu cầu của Trung Quốc để truy xuất nguồn gốc. Từng lô hàng xuất khẩu vào Trung Quốc được thẩm định, cấp chứng thư an toàn thực phẩm. Cơ quan thẩm quyền Trung Quốc thanh tra hàng năm, trực tiếp hoặc trực tuyến (xác suất) doanh nghiệp xuất khẩu vào Trung Quốc hoặc khi doanh nghiệp có vi phạm.
Ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho biết: “Trung Quốc là thị trường có yêu cầu chặt chẽ về kiểm soát an toàn thực phẩm. Tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm của Trung Quốc về cơ bản phù hợp với thông lệ quốc tế (Codex). Hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh của Trung Quốc được tổ chức thống nhất và chặt chẽ, do Tổng cục Hải quan trực tiếp quản lý”.