| Hotline: 0983.970.780

Chông chênh những ngôi làng tái định cư thuỷ điện

[Bài 3]: Tiền vào nhà nghèo như gió lùa đồng trống

Thứ Hai 21/08/2023 , 08:55 (GMT+7)

Cầm vài trăm triệu tiền đền bù, hỗ trợ trong tay, những người dân ở Đắk P’lao (cũ) chưa kịp nghĩ sẽ làm gì, đầu tư gì, đã bay sạch, trở lại trắng tay.

Tổ hợp thuỷ điện Đồng Nai 3, Đồng Nai 4 do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư, tổng công suất 520MW, tổng vốn đầu tư gần 12.000 tỷ đồng. Riêng số tiền đầu tư cho dân di dời, tái định cư 800 tỷ đồng. Đây không phải là một số tiền lớn, nhưng mấy trăm hộ dân xã Đắk P’lao cũ, mỗi hộ cũng được trên dưới 1 tỷ đồng tiền bồi thường di dời. Nhưng chẳng được bao lâu thì hầu hết mọi người đã quay trở về điểm xuất phát.

Tiền đến rồi vụt bay 

Trong lúc chúng tôi đi dọc con đường chính ở khu tái định cư, tình cờ thấy một nhóm phụ nữ đang ngồi trò chuyện trước hiên nhà một căn nhà tái định cư, nét mặt ai nấy có vẻ đang vui, nên ghé vào. Hỏi thăm mới biết, họ vừa từ trung tâm huyện Đắk Glong (Đăk Nông) về. Họ được người quen ở TP.Gia Nghĩa tặng phần quà từ thiện gồm mì gói, gạo, thuốc men. “Bây giờ về đây không có gì làm, nên khổ hơn ngày xưa rồi”, người phụ nữ tên Giàng Thị Hương, năm nay 45 tuổi, nói.

Chị Giàng Thị Hương (bìa phải): 'Nhận tiền đền bù nhiều nhưng phải mua nhiều thứ nên giờ hết rồi'. Ảnh: Phúc Lập.

Chị Giàng Thị Hương (bìa phải): "Nhận tiền đền bù nhiều nhưng phải mua nhiều thứ nên giờ hết rồi". Ảnh: Phúc Lập.

Anh K’Bảy, trưởng bon B’Nơm đi cùng chúng tôi cho biết, chị Hương là vợ ông K’Liêng, ở cùng thôn với anh, một trong những người nhiều đất rẫy nhất làng khi còn ở Đắk Plao cũ. Tôi nghe vậy ngỏ ý muốn đến nhà gặp ông K’Liêng, chị Hương bảo: “Chồng vào rẫy làm lâu lắm rồi, lâu lâu mới về. Phải vào trong đó canh tác thôi chứ ở đây có mấy sào, không đủ làm, không đủ ăn”. Nghe tôi hỏi: “thấy bảo ngày xưa nhà K’Liêng nhiều rẫy nhất làng, được nhà nước đền bù nhiều tiền lắm mà, sao phải nhận quà từ thiện?”, chị cười gượng, đáp: “Cũng nhiều tiền, nhưng mà hết lâu rồi”.

Khi tôi hỏi cụ thể ngày xưa có bao nhiêu đất, được đền bù bao nhiêu tiền, thì chị Hương không nhớ, nhưng giơ 2 bàn tay lên, đáp: “Đất nhiều, có khi phải chục mẫu đấy. Được nhà nước đền bù mấy lần, mỗi lần mấy trăm triệu đồng”. “Thế nhận tiền xong có đếm lại không?”, tôi cười hỏi. Chị cũng cười, đáp một câu “Có chứ”. Tôi hỏi tiếp: “nhiều tiền thế xài những gì mà giờ hết rồi?”. Chị Hương đáp: “mua đồ dùng trong nhà, chồng mua 3 cái xe máy cho cả nhà, 2 đứa con đi, nhiều thứ lắm. Đến lần lãnh tiền sau thì chia cho các con mỗi đứa một ít. Rồi mấy đứa cháu ngoại nó ốm đau nữa, mình phải cho con gái tiền để nó chữa bệnh cho con nó chứ”.

Ông K’Lâm, nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Đắk P’lao: Lúc người dân nhận tiền đền bù, chính quyền cũng tuyên truyền cho họ cách tiêu tiền, nhưng tiền của dân, họ xài thế nào mình không thể ngăn cản họ được', Ảnh: Phúc Lập. 

Ông K’Lâm, nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Đắk P’lao: Lúc người dân nhận tiền đền bù, chính quyền cũng tuyên truyền cho họ cách tiêu tiền, nhưng tiền của dân, họ xài thế nào mình không thể ngăn cản họ được", Ảnh: Phúc Lập. 

Hỏi ra mới biết, vợ chồng ông K’Liêng có 5 đứa con, đều đã lập gia đình, trong đó, 2 người con trai lập gia đình xong cũng chia 1 sào đất của gia đình được cấp để dựng nhà ở, tách hộ. Còn 3 con gái lấy chồng ở xã Đắk Som, nhưng đều nghèo. “Ban đầu về khu tái định cư chỉ có một hộ ông K’Liêng với 7 khẩu thôi, bây giờ 2 con trai có gia đình riêng, tách hộ, thành 3 khẩu với hơn chục khẩu rồi. Nhưng đất ở thì chỉ có 1 sào, đất canh tác 5 sào, không nghèo sao được”, anh K’Bảy nói. “Hồi đó mua mấy cái xe máy mới, còn xe cũ thì vứt góc vườn, phơi mưa phơi nắng, đến lúc hết tiền, xe mới mang đi cầm, rồi bán cho tiệm hết, về lấy xe cũ ra dùng”, chị Hương kể.

Ông K’Lâm, nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Đắk P’lao kể, hồi mới về khu tái định cư, người dân bắt đầu được nhận tiền đền bù, người ít thì vài trăm, nhiều khoảng 1 tỷ, cũng có những người nhiều đất được đền bù cả mấy tỷ đồng. Nhưng bên dự án họ không trả 1 lần, mà trả nhiều lần, mỗi lần vài trăm triệu. Lúc đó, chính quyền địa phương cũng liên tục tuyên truyền cho người dân tiêu xài tiết kiệm, dùng tiền đầu tư làm ăn. Nhưng cũng chỉ tuyên truyền chung chung vậy thôi chứ không có giải pháp gì cụ thể. Mà cũng khó, tiền là của họ, mình góp ý vậy thôi chứ làm sao cấm họ tiêu xài được? Trong khi đó, người dân họ không chỉ hiểu biết hạn chế mà đa số là hộ nghèo, phần lớn chưa từng cầm số tiền vài trăm triệu trong tay. Vì thế, nhiều người khi cầm tiền trong tay, không biết làm gì, mua vườn, rẫy thì không đủ, gửi nhân hàng thì quá ít. Vì thế, họ mua xe máy, sắm sửa đồ đạc trong nhà, ăn nhậu... Một gia đình 5-6 người, thu nhập gần như không có, lại tiêu xài không tính toán, thì núi tiền cũng hết chứ vài trăm với 1 tỷ thì được bao lâu đâu”.

Đi ngang qua một căn nhà tái định cư ở thôn B'Nơm, Đắk P'lao, thấy người phụ nữ ngồi trước cửa, nét mặt ưu tư, tôi dừng lại chào đến lần thứ 3 mà chị không nghe. Ảnh: Phức Lập.

Đi ngang qua một căn nhà tái định cư ở thôn B'Nơm, Đắk P'lao, thấy người phụ nữ ngồi trước cửa, nét mặt ưu tư, tôi dừng lại chào đến lần thứ 3 mà chị không nghe. Ảnh: Phức Lập.

“Hồi mới về đây, nhà nào cũng có tiền đền bù nên ở đây nhộn nhịp, sầm uất lắm, xe máy chạy loạn xạ ngoài đường, trẻ em đứa nào cũng quần áo mới xúng xính, ngày nào cũng có những tốp đàn ông ăn nhậu, hát hò ầm ĩ. Đoạn đường ngắn ở trung tâm xã, có cả chục cửa hàng xe máy, điện thoại, quần áo, điện gia dụng…Được chừng hơn năm thì những cửa hàng này rút dần, thay vào đó là tiệm cầm đồ. Rất nhiều người dân mang đồ mới mua ra cầm, coi như bán luôn”, anh Giàng A Sì, trưởng thôn B’Nơm.

Không hoang phí, chăm chỉ vẫn nghèo

Tuy nhiên, không phải rất cả người dân ở khu tái định cư Đắk P’lao đều tiêu xài hoang phí, có nhiều người không chỉ tiết kiệm, mà còn rất chăm chỉ làm ăn, nhưng cái nghèo vẫn cứ đeo bám, và dường như ngày càng nặng hơn.

 “Nhà tôi đông con, đất không có nhiều, lại xấu nữa, nên canh tác không hiệu quả. Vì thế, làm quần quật quanh năm mà vẫn thiếu thốn. Chứ lúc nhận được mấy trăm triệu tiền bồi thường, gia đình tôi không có mua sắm, tiêu xài hoang phí đâu. Nhưng mà cũng nhiều thứ phải chi tiêu lắm. Mấy khoản chi nhiều là khoan giếng nước, làm sổ đỏ nhà, hết cả hơn 2 trăm triệu rồi chứ không ít. Mà cũng không ai lười đâu, chỉ là không biết cách sử dụng đồng tiền cho đúng thôi”, anh Giàng A Sì nói.

Ông Hồ Gấm (bìa trái), Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông: 'Tôi sẽ nghiên cứu tìm cách thay đổi lối canh tác của bà con, xem loại cây gì phù hợp với thổ nhưỡng ở đây để hỗ trợ'. Ảnh: Phúc Lập.

Ông Hồ Gấm (bìa trái), Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông: "Tôi sẽ nghiên cứu tìm cách thay đổi lối canh tác của bà con, xem loại cây gì phù hợp với thổ nhưỡng ở đây để hỗ trợ". Ảnh: Phúc Lập.

Hoặc như gia đình anh Nguyễn Văn Bảy, dân tộc Tày, không chỉ làm ăn giỏi từ khi còn ở Đắk P’lao cũ, mà khi về khu tái định cư, được đền bù số tiền kha khá, anh bỏ thêm tiền nhà ra mua 5ha đất trồng sầu riêng. Hiện căn nhà ở khu tái định cư anh cho người thân ở nhờ, còn gia đình anh ở trong căn biệt thự giữa vườn sầu riêng. Có lẽ, anh Nguyễn Văn Bảy là người giàu nhất ở Đắk P’lao hiện nay.

“Tiền làm sổ đỏ là sao?”, tôi hỏi. “Là cái nhà anh đang ngồi đấy. Chưa có sổ thì mình phải đi làm, mà làm thì phải tốn tiền thôi chứ bên dự án họ chỉ giao đất với căn nhà không có sổ vậy thôi”, anh Giàng A Sì đáp. “Tưởng nhà này bên dự án thủy điện họ làm chủ quyền cho mình?”, tôi thắc mắc. Anh đáp: “Đâu có đâu, họ chỉ xây nhà lên thôi, còn sổ nhà mình phải tự đi làm. Ai không muốn làm thì cứ để vậy ở cũng không sao mà”.

Anh Nguyễn Văn Bảy, Chủ tịch Hội nông dân xã cho biết thêm: “Mỗi suất tái định cư được 400m2 đất ở, trên đó có căn nhà 40m2. Bên dự án thuỷ điện nói chi phí xây căn nhà hết 120 triệu đồng, ban đầu họ tính trừ vào tiền đền bù, nhung sau đó nhiều ý kiến phản đối quá nên cuối cùng họ không lấy nữa. Để chuyển hết 400m2 đất sang thổ cư thỉ tốn nhiều tiền lắm, đa số người ta không làm, một số ít người chuyển căn nhà, thêm ít đất nữa, tổng cộng chừng 100m2 thôi, cũng hết cả trăm triệu rồi”.

Với điều kiện sống thiếu thốn mọi bề như ở Đắk P'lao, các cha mẹ thường phải bươn trải khắp nơi mưu sinh, nên tương lai những đứa trẻ này rồi sẽ ra sao? Ảnh: Phúc Lập.

Với điều kiện sống thiếu thốn mọi bề như ở Đắk P'lao, các cha mẹ thường phải bươn trải khắp nơi mưu sinh, nên tương lai những đứa trẻ này rồi sẽ ra sao? Ảnh: Phúc Lập.

Không chỉ thiếu đất sản xuất, mà nhiều diện tích đất cấp cho các hộ dân tái định cư dù đủ điều kiện sản xuất, nhưng người dân cũng không thể canh tác. Lý do là những diện tích này là đất “đã có chủ”, tức là đất khai hoang của người dân xã Quảng Khê, Đắk Som. Dù những đất này không phải “chính chủ”, tức không có giấy tờ nhưng họ cũng đã canh tác từ lâu, nay nhà nước giao cho các hộ tái định cư, nhưng không có các bước thu hồi rõ ràng, chỉ giao trên giấy cho dân, đến khi những hộ được giao đến canh tác thì mới biết đất đó đã có chủ.

Cuối cùng, người đến sau phải nhượng bộ, còn chính quyền địa phương cũng không có hướng giải quyết dứt khoát. “Rốt cuộc, người chịu thiệt thòi kéo dài vẫn là dân thôi. Mình cũng có đất khai hoang mình biết, người ta bỏ bao nhiêu công sức mới có cái rẫy đó, giờ mình nhảy vào làm, họ tức là đúng thôi. Nên mình tìm cách khác thôi chứ không nhận đất đó đâu”, những người đàn ông ở Đắk P’lao tôi gặp đều có suy nghĩ như vậy.

“Hiện nay, phía dự án thuỷ điện Đồng Nai 3 đã chuyển giao việc giải quyết các tồn đọng liên quan đến khu tái định cư Đắk P’lao cho chính quyền huyện Đắk Glong giải quyết. Huyện đã lập “Ban quản lý giải quyết các tồn đọng vướng mắc của công trình thuỷ điện Đồng Nai 3 và 4”. Hàng ngày có rất nhiều người dân Đắk P’lao đến đây để thắc mắc, khiếu nại. Chính quyền huyện, và cả tỉnh Đắk Nông, cũng đã nhiều lần họp bàn, ban hành một số văn bản về hướng giải quyết, nhưng đến nay, mọi thứ vẫn chưa có gì khởi sắc cả”, ông K’Lớ, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đắk P’lao.

Xem thêm
Phú Thọ dự kiến giảm 48 đơn vị hành chính cấp xã

Trong giai đoạn 2023-2025 tỉnh Phú Thọ dự kiến sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 32 đơn vị hành chính, sau sắp xếp giảm 48 đơn vị.

Chia nước theo thứ tự ưu tiên

Do nắng hạn kéo dài, không có mưa đã khiến các hồ đập cạn kiệt nguồn nước, tỉnh Bình Thuận dự kiến sẽ cắt giảm hơn 15.000ha lúa trong vụ hè thu tới.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hơn 300 cơ sở ở Thái Nguyên vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, tỉnh Thái Nguyên đã phát hiện hơn 320 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh vi phạm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bình luận mới nhất