Công khai buôn bán con giống gia cầm Trung Quốc
Từ chỉ dẫn của các tiểu thương kinh doanh giống gia cầm Trung Quốc tại Cao Bằng, phóng viên tìm đến cơ sở kinh doanh Xuyến gà, ở xã Quỳnh Ngọc, Quỳnh Phụ, Thái Bình.
Khu trại gia cầm của Xuyến nằm ngay trong khu dân cư, có quy mô diện tích lên tới hàng nghìn mét vuông với hơn 40 dãy chuồng. Mỗi dãy chuồng có hàng vạn con gia cầm, gồm các giống gà chíp, gà K9, vịt bơ, vịt pha ngan.
Bà Xuyến vừa dẫn chúng tôi tham quan chuồng trại vừa khoe, con giống mới được nhập về từ đêm hôm qua, đẹp keng.
Xuyến nói: "Con bơ Tàu có chết con nào thì chết, còn về sau thì to cân lắm. Chứ con bơ ta thì lại kém cân". Khi biết chúng tôi muốn mua gà để vào trại, Xuyến mách sang nuôi giống chíp vừa ít thời gian nuôi lại đạt biểu cân.
"Con chíp mình nuôi nếu mà thời tiết tốt, cho ăn tốt thì chỉ 3 tháng 10 ngày là đạt 3,6 kg". Khi chúng tôi hỏi về nguồn gốc con giống cũng như các giấy tờ kiểm dịch liên quan, thì người phụ nữ này liền lắc đầu và thừa nhận “con giống gia cầm không được tiêm vacxin”.
“K8, K9 của Trung Quốc hết. Con chị đang gột cũng là con ngan Trung Quốc. Những con này nó không vào vacxin đâu”, Xuyến thừa nhận trước ống kính của phóng viên, "K9 là đi Lai Châu. Dân Lai Châu nó thích con đấy lắm. Cứ bảo dân tộc, chứ nó sành điệu lắm. Ở dưới mình con chân trắng, béo là bán được nhưng lên trên đấy chân phải đỏ, mập mới được".
Là dân kinh doanh lõi đời nên Xuyến thừa hiểu những rủi ro của việc bán hàng “kém chất lượng” cho các trại. Người phụ nữ nói thẳng, con giống không tiêm vacxin mà bán vào trại, nhỡ có mệnh hệ gì thì cả người bán lẫn người mua đều bị ảnh hưởng.
“Mình không làm tí vacxin nào, nên ai đến mua giống vào trại thì cũng bảo với người ta là không làm marek đâu, mua thì mua không mua thì thôi. Còn người dân nuôi có 10, 20 con thì chẳng may có chết cũng chẳng sao cả. Một đàn gà có nhà chết nhà sống”, Xuyến chia sẻ.
Mỗi ngày trại gà, vịt của bà Xuyến vận chuyển hàng vạn con giống gia cầm lên tiêu thụ ở các tỉnh Lai Châu và Điện Biên.
Chủ cơ sở này tiết lộ thêm: Thành phố Lai Châu với huyện Tân Uyên, Than Uyên mình giao nhiều đấy. Nhưng mà cậu ở phòng Nông nghiệp Than Uyên vừa rụng mất rồi. Cậu tham quá thế là đứt. Làm dự án cho người ta. Giống gà Ai Cập người ta đặt 50% con trống và 50% con mái, nhưng cậu lại đặt mua xô, xong bắt mình gửi toàn con trống. Nuôi hơn chục ngày là nó bật lên hết mào và gáy te te rồi, bảo sao chả lộ. Tham quá! Có mấy trăm triệu tiền hàng mà đi tù mấy tháng.
Theo lời của Xuyến, dù khách hàng ở tận các tỉnh biên giới phía Bắc thì vẫn gửi được hàng bằng xe khách. Số lượng 1.000 - 2.000 con nhà xe cũng nhận. "Xe khách có người đâu, toàn chở gà, vịt hết. Mà lắm hôm cái xe đầy trong cốp nó còn để lên nóc và chằng bạt. Đi ban đêm nó mát, chỉ sợ mưa thôi. Mưa nó tốc bạt lên, như năm ngoái 34 nghìn một con gà mà lắm đứa chết hơn 1 nghìn con một đêm, nhà xe đền vỡ mồm ra. Đấy là tháng 5, tháng 6 mưa rào", Xuyến kể.
Khi hỏi về giá gà giống Trung Quốc, Xuyến nói: "Con (gà) tàu thì nó không như con mình. Đợt tháng giêng con chíp vàng nở giá 7 nghìn, 8 nghìn, 9 nghìn. Đến phiên vừa rồi thì bật lên 17 nghìn, xong dân nuôi lỗ quá thì lại xuống 14 nghìn,..."
Theo dân buôn gà giống, lý do hàng Trung Quốc bán chạy ở các khu chợ vùng cao, bởi người dân tộc thiểu số, đặc biệt là người lớn tuổi trên đó khó nhận biết đâu là giống gà nội, đâu là giống gà ngoại, cũng không biết đâu là con giống kém chất lượng. Và, các “gian thương” cũng dễ thổi giá với người dân hơn dưới đồng bằng.
“Trên miền ngược họ cứ có gà gọi là gà, ngan gọi là ngan là được. Mà nó chết thì bảo là tại người ta không biết nuôi mới chết chứ tại gì gà. Con gà Trung Quốc thì nó đi mấy ngày rồi mới về đến Việt Nam thì làm sao mà làm vacxin được, không vacxin thì chết là đương nhiên” chủ một trang trại chăn nuôi ở gần nhà Xuyến chia sẻ với phóng viên.
Gian dối trong kinh doanh con giống gia cầm
Rời Quỳnh Phụ, chúng tôi tìm đến xã Văn Cẩm, huyện Hưng Hà để tìm ngôi nhà 3 tầng lợp mái tôn xanh, bên trong là các dãy nhà kho kiên cố. Chủ cơ sở kinh doanh giống gia cầm này là người phụ nữ tên Thúy - một nhà cung cấp con giống lớn trong xã.
Người dân ở khu vực này cho biết, cứ tầm 5h, 6h chiều là xe tải chở con giống từ cơ sở của Thúy được gửi đi các tỉnh. Yên tâm cứ vào đấy muốn mua con gì cũng có.
Tại đây, những sọt gà to oạch được bày công khai ngay trước cửa nhà, thay thế cho biển hiệu kinh doanh. Từ cổng đến kho hàng có 4 ô tô cùng 5 xe máy chở hàng ra vào tấp nập. Chúng tôi chứng kiến chiếc xe mang biển 90B.xxxxx của Hà Nam đang chở gần 1.000 sọt nhựa cho chủ đại lý kinh doanh để đóng hàng.
Khi chiếc xe này vừa xuất hiện, chủ cơ sở ngay lập tức có mặt để bốc dỡ sọt ra khỏi xe. Số lượng nhiều đến quá cả đầu người.
Nhìn số lượng sọt như này, cũng dễ hiểu vì sao chủ cơ sở kinh doanh lại tự tin nói rằng cơ sở của mình là "thế giới gà".
Giá của con giống sẽ theo từng hôm, nếu muốn lấy khách hàng phải báo trước, bởi vì hàng về đều đặn vào thứ 3 và thứ 6 mỗi tuần. Sau khi về, con giống sẽ nhanh chóng được phân phối cho các chủ cơ sở gột gà, vịt trên địa bàn huyện.
Người phụ nữ tay vừa bắt gà để chuẩn bị con giống có nguồn gốc Trung Quốc để gửi hàng cho khách, vừa giới thiệu cho chúng tôi nhiều con giống với mẫu mã đẹp, nuôi là lãi.
"Đây là K8. Biểu cân 3kg - 3,2kg... Còn đây là con chíp". Chúng tôi hỏi Thúy là đóng hàng đi đâu, thì chủ cơ sở này trả lời: "Đây là đóng để đi miền ngược".
“Mấy con này về cứ lớn như thổi, gột thế này là được 17 ngày rồi. Con gà chíp choai này được 15 ngày rồi. Đây, gà nó khỏe, chân mào nó cứ đỏ thế này nuôi lên đẹp, cứ thế bán vèo vèo”, Thúy không tiếc lời chào mời đối tác mua hàng.
Đây cũng là chiêu trò quảng cáo thường thấy của các “con buôn” ở Thái Bình. Họ khoe ra những con giống đẹp mã nhất để thu hút những khách hàng nhẹ dạ cả tin. Khách hàng khó nhận biết chất lượng thực sự của từng con giống.
Chỉ vài phút ngắn ngủi trò chuyện, chúng tôi đã chứng kiến hàng chục lượt cả xe tải lẫn xe máy thay nhau ra vào kho để bốc hàng chở ra điểm chung chuyển vòng xuyến Đồng Tu, thị trấn Hưng Hà để chờ các xe đến vận chuyển đi các tỉnh.
Những chuyến xe chở con giống gà, vịt lên các tỉnh vùng cao tiêu thụ thì người chăn nuôi vẫn phải oằn mình gánh chịu hậu quả vì nuôi con giống gia cầm không rõ nguồn gốc. Có lẽ chưa khi nào mà người chăn nuôi lại khó khăn đi tìm quả trứng cho bữa ăn của gia đình mình đến vậy.