| Hotline: 0983.970.780

'Thâm cung bí sử' của Indevco và cú 'ngã ngựa' ở vùng than

[Bài 4] ‘Chưa được vạ, má đã sưng’ và sự cay đắng của doanh nghiệp

Chủ Nhật 04/07/2021 , 12:04 (GMT+7)

Lùm xùm tại dự án xử lý chất thải của Indevco là bài học "xương máu" cho các nhà đầu tư khác khi thực hiện những dự án an sinh xã hội tại Quảng Ninh.

Như Báo Nông nghiệp Việt Nam đã nêu trong những kỳ trước, cuối năm 2016, các bãi rác Đèo Sen, Hà Khẩu của Hạ Long, Cẩm Phả (tỉnh Quảng Ninh) bị quá tải, do ô nhiễm nên người dân ở đó phản đối, không cho đổ nữa. Trước tình thế cấp bách vì rác ứ đọng khắp nơi, tỉnh yêu cầu các công ty thu gom rác đổ tạm vào đất của Indevco - gần nghĩa trang An Lạc (Hoành Bồ, nay là TP Hạ Long), đồng thời động viên lãnh đạo Tập đoàn Indevco làm Dự án nhà máy xử lý rác (CTR).

Dã tràng xe... rác Quảng Ninh

Được tỉnh giao trọng trách nặng nề, giữ rác cho nửa triệu dân Quảng Ninh nên Indevco đã cố gắng xoay vốn, đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng nhà máy, nhập khẩu những thiết bị máy móc hiện đại để phục vụ công việc. Gần 1.000 tỷ đầu tư, tất cả đều bằng tiền của Indevo, tỉnh không hỗ trợ đồng nào cả.

Trung tâm xử lý chất thải của Indevco đầu tư gần nghỉn tỷ đồng, hơn 4 năm giữ rác cho nửa triệu dân Quảng Ninh nhưng chưa nhận được phí. 

Trung tâm xử lý chất thải của Indevco đầu tư gần nghỉn tỷ đồng, hơn 4 năm giữ rác cho nửa triệu dân Quảng Ninh nhưng chưa nhận được phí. 

Về quy định, dự án xử lý rác thải phải qua các bước lập quy hoạch, phê duyệt chủ trương đầu tư, lập đánh giá tác động môi trường, thiết kế xây dựng, giao đất cho nhà đầu tư tiến hành xây dựng; sau khi xây xong phải xin cấp phép để chạy thử, đạt các chỉ tiêu về môi trường mới được nghiệm thu đi vào hoạt động. Từ đó dự án mới được tiếp nhận rác vào xử lý và tính tiền.

Nhưng tháng 11/2016, để đóng cửa các bãi rác Đèo Sen, Hà Khẩu nên UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu Indevco khẩn trương hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tiếp nhận và lưu giữ rác của các địa phương vào khu vực dự án. Đến năm 2017 dự án mới được phê duyệt đánh giá tác động môi trường, năm 2018 cơ bản xây xong nhà máy và đến tận tháng 03/2019 tỉnh Quảng Ninh mới có quyết định bàn giao đất cho Indevco làm Dự án CTR.

Do tỉnh đổ rác vào đây khi chưa có nhà máy, rồi sau này nhà máy xây dựng không đúng trình tự pháp lý nên việc tính tiền xử lý rác trở nên bế tắc, 4 năm giữ rác cho tỉnh đến nay Indevco không nhận được đồng phí nào. Doanh nghiệp chưa được "vạ" thì "má đã sưng" rồi!

Dĩ nhiên, rắc rối phần nhiều do quy định pháp lý, còn tỉnh Quảng Ninh đời nào lại có ý định "ăn quỵt" tiền của nhà đầu tư. Lãnh đạo Indevco bộc bạch, "trong việc này tiền không phải là tất cả. Vấn đề ở chỗ khi doanh nghiệp hết lòng vì tỉnh, lúc họ khó khăn lãnh đạo tỉnh nên quan tâm, gặp gỡ, trao đổi cụ thể nguyện vọng, tâm tư, cùng nhau bàn bạc phương hướng giải quyết".

Trụ sở tập đoàn Indevco tại TP Cẩm Phả, Quảng Ninh

Trụ sở tập đoàn Indevco tại TP Cẩm Phả, Quảng Ninh

"Khi Indevco đề nghị xem xét hỗ trợ chi phí lưu chứa rác suốt 4 năm qua thì liên ngành các sở lại thống nhất là đề xuất đó của Indevco không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành nên không có cơ sở để xem xét hỗ trợ", ông Dũng ngậm ngùi.

Việc tỉnh thờ ơ với nhà đầu tư, Tổng Giám đốc Indevco cho rằng là quá bất công, như phủ nhận toàn bộ công sức, tài sản của Indevco trong quá trình đồng hành cùng UBND tỉnh để tháo gỡ vấn đề xử lý chất thải rắn sinh hoạt của các địa phương.

"Thế này khác nào làm phúc phải tội", ông Dũng thất vọng thốt lên rồi cười gượng gạo "bị vụ này chết khiếp luôn".

Tháng 04/2021, "cực chẳng đã" Indevco đã phải ra quyết định bất đắc dĩ: Chính thức ngừng hẳn việc tiếp nhận rác từ 01/05/2021 và bàn giao lại hồ sơ thực hiện phương án cấp bách để tỉnh giao cho đơn vị khác làm. Dù thiệt thòi với tỉnh như thế nhưng khi đóng cửa nhà máy rác, Indevco vẫn "tử tế" cho tỉnh mượn đất và sử dụng hạ tầng giao thông trong dự án làm phương án chứa rác cấp bách cho Cẩm Phả, Hạ Long. Các chi phí đã bỏ ra để nghiên cứu trước đó, Indevco tặng lại cho tỉnh để tiết kiệm thời gian và chi phí triển khai.

Doanh nghiệp mất niềm tin

Quay trở lại câu chuyện khi Indevco quyết định dừng tiếp nhận rác của Hạ Long và Cẩm Phả từ 01/5/2021, nhiều người cho rằng phải chăng Indevco muốn gây áp lực với chính quyền?

Về quan điểm này, ông Đỗ Tiến Dũng - Tổng Giám đốc Indevco nói, đã là doanh nghiệp ai cũng muốn yên ổn làm ăn, không dại gì đi căng thẳng với chính quyền. Nhưng như đã trình bày, hơn 4 năm nay Indevco giữ rác cho nửa triệu dân Quảng Ninh mà không nhận được đồng phí nào, phía tỉnh cũng chưa có động thái tích cực giải quyết cho doanh nghiệp trong khi chí phí đầu tư, tiền nhân công hàng ngày hàng tháng doanh nghiệp vẫn phải chi trả.

Tuy hơn 4 năm qua làm công việc lưu giữ rác cho tỉnh không nhận được đồng nào nhưng Indeco chưa từng nợ lương công nhân viên nhà máy. 

Tuy hơn 4 năm qua làm công việc lưu giữ rác cho tỉnh không nhận được đồng nào nhưng Indeco chưa từng nợ lương công nhân viên nhà máy. 

"Mấy năm đầu chưa được giao đất nên không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng để lựa chọn công nghệ tiên tiến, khi đủ thủ tục về đất đai chúng tôi rất phấn khởi. Lúc tiếp quản lại dự án thì tỉnh cũng vừa giao đất cho công ty được 1 tháng (04/2019), tôi đã tích cực liên hệ với các đối tác nước ngoài để tìm giải pháp công nghệ cho dự án và hợp tác đầu tư. Vì có một sự thật là ở Việt Nam, các dự án xử lý rác mà đầu tư quy củ toàn của nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổng thầu là nước ngoài, chứ Việt Nam mình đâu đã nắm được công nghệ, chỉ là các nhà đầu tư có tiền đi chọn và mua công nghệ thôi. Trong lúc làm việc đó công ty vẫn cố gắng duy trì việc tiếp nhận rác với niềm tin là chính quyền và nhân dân sẽ ghi nhận. Vậy nên khi nhận được câu trả lời của liên ngành là không xem xét chi trả chi phí đã bỏ ra bấy lâu, tôi công bố chuyện này trong công ty, toàn bộ mọi cán bộ công nhân viên đều ngỡ ngàng, đặc biệt là những anh chị em đã vất vả, lao tâm khổ tứ tiếp nhận, trông coi rác cho các địa phương hơn 4 năm qua. Tôi đã phải tự hỏi là công ty có nên tiếp tục hoạt động bằng… niềm tin?”, Tổng Giám đốc Indevco buồn bã nói.

Qua đây, lãnh đạo Indevco muốn gửi lời xin lỗi đến bà con xung quanh nhà máy rác (Vũ Oai, Hòa Bình, TP Hạ Long) vì sự bất tiện, ô nhiễm trong những năm qua do nhà máy không được phép đốt rác.

Máy xé tơi rác nhập từ Phần Lan, máy sàng phân loại kích cỡ của Italia cùng nhiều thiết bị hiện đại khác Indevco mất hàng chục tỷ nhập về nhưng phải 'đắp chiếu' vì không được sử dụng. 

Máy xé tơi rác nhập từ Phần Lan, máy sàng phân loại kích cỡ của Italia cùng nhiều thiết bị hiện đại khác Indevco mất hàng chục tỷ nhập về nhưng phải "đắp chiếu" vì không được sử dụng. 

Ông Đỗ Tiến Dũng chia sẻ: "Tôi luôn coi mình là người Quảng Ninh, vì tôi sinh ra và lớn lên ở đây. Lúc bé chưa đi học, nhà tôi ở Khe Cát, từ khi chỗ đó còn có con suối to chảy qua trước nhà và là lí do tại sao ở đó lại tên là Khe Cát. Tôi vẫn nhớ như in cảnh ngồi trên xe đạp chờ mẹ ở chợ Địa Chất phía bên cổng phụ đi từ đường Lâm Nghiệp vào, mà rất lâu sau tôi mới biết tên chính thức của nó là đường Bái Tử Long. Khi học cấp 1, gia đình tôi chuyển lên cột 8, ở phường Hồng Hà của TP Hạ Long bây giờ, tôi hàng ngày đi bộ đi học ở trường Trần Quốc Toản, sau đó chuyển ra trường Trọng Điểm cũ ở Bãi Xít thì đi xe đạp. Tôi vẫn nhớ khung cảnh dọc đường cột 5, hàng xà cừ rợp bóng và sát bên đường đã là biển. Nhiều lần bạn trong xóm rủ đi tắm ở khu cột 5 trước mặt trụ sở Uỷ ban trước khi san lấp thành khu đô thị, bị hà cắt chảy máu chân tối về không dám khoe ai. Cả tuổi thơ tôi gắn liền với vùng đất này, cho nên tôi rất mong muốn đóng góp công sức để xây dựng phát triển nó.

Những năm đi học tập và làm việc ở nhiều địa phương trong và ngoài nước, tôi luôn mong ngày có thể vận dụng những gì mình học được để góp sức đưa Quảng Ninh phát triển theo một hướng khác, thoát ra khỏi cái cảnh giàu có nhất thời nhờ khai thác tài nguyên. Rồi những dòng tiền có được đó nếu không được tái đầu tư đúng cách sẽ để lại những hệ quả về môi trường cho thế hệ sau. Như anh có thể thấy là phân hóa giàu nghèo tại Quảng Ninh rất rõ nét, trừ một số ít những người thành đạt còn đa số đều là công nhân thu nhập không cao. Và tôi đã từng mong muốn góp sức phần nào thay đổi được hiện trạng đó.

Nhưng sức người có hạn, một mình tôi không thể mãi gánh vác việc xử lý rác thải cho nửa triệu dân của Hạ Long, Cẩm Phả khi vừa phải làm không công, vừa sai quy định pháp luật, bị phủ nhận và mang tiếng xấu như vậy được. Tôi mong dự án của tôi sẽ là bài học kinh nghiệm trong việc kêu gọi các nhà đầu tư khác vào thực hiện các dự án an sinh xã hội để góp phần nâng cao đời sống của người dân Quảng Ninh".

Ngày 25/05, lãnh đạo Indevco, Ban công ích Hạ Long và Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh đã làm việc tại hiện trường các hố chứa rác hơn 4 năm của Indevco và bãi tạm của Ban công ích Hạ Long từ 01/05, nơi cách nhà máy nước Diễn Vọng trong bán kính 300-400m. Tất cả đều ghi nhận tình trạng ô nhiễm và nước rỉ rác chảy tràn ra sông vào nguồn cấp nước của nhà máy. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm vì nhà máy cung cấp nước ăn cho số đông người dân Cẩm Phả và nửa Đông của Hạ Long. Buổi làm việc sau đó đã thống nhất bằng văn bản sẽ gửi báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của tỉnh để nhanh chóng xử lý "quả bom tấn" về môi trường này. Theo lãnh đạo Indevco, nếu tỉnh không có phương án xây dựng bãi chôn lấp hợp vệ sinh kiên cố, thì có lẽ phải di dời toàn bộ gần gần 900 nghìn tấn rác (và còn tăng lên hàng ngày) ra khỏi dự án để đảm bảo an toàn nguồn nước cho người dân 2 thành phố.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.