| Hotline: 0983.970.780

Năng lực cộng đồng trong nuôi tôm nước lợ ở miền Trung còn nhiều hạn chế

[Bài 4] Đầu tư cơ sở hạ tầng, quy hoạch vùng nuôi bài bản

Thứ Tư 24/08/2022 , 09:50 (GMT+7)

Nguồn nước nuôi ngày càng ô nhiễm nên người nuôi tôm cần được nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, đây chính là cách ‘tự cứu mình’ thoát khỏi thua lỗ.

Nâng cao ý thức cho người nuôi tôm

Để nuôi tôm nước lợ hiệu quả cao thì phải triển khai đồng loạt nhiều giải pháp đồng bộ từ cơ sở hạ tầng, con giống, công nghệ và đặc biệt cần có sự tham gia của nhà quản lý, nhà khoa học cũng như người dân vào quá trình nuôi mới đạt hiệu quả.

Đề nuôi tôm an toàn, hạn chế rủi ro rất cần có sự hỗ trợ, liên kết với các doanh nghiệp. Ảnh: L.K.

Đề nuôi tôm an toàn, hạn chế rủi ro rất cần có sự hỗ trợ, liên kết với các doanh nghiệp. Ảnh: L.K.

Theo ông Phạm Thanh Nhân, Trưởng phòng Nuôi trồng Thủy sản thuộc Chi cục Thủy sản Bình Định, để ngành nuôi trồng thủy sản được bền vững trong bối cảnh nguồn nước nuôi ngày càng ô nhiễm, ngành chức năng tỉnh này tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi tôm áp dụng quy trình nuôi an toàn sinh học, thân thiện môi trường, xử lý chất thải đạt các tiêu chuẩn về chất lượng trước khi thải ra môi trường chung.

Thường xuyên kiểm tra các dự án nuôi tôm ứng ụng công nghệ cao tại xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ), các doanh nghiệp nuôi tôm ở đây phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và cam kết thực hiện đúng theo quy định.

Ngành thủy sản Bình Định định kỳ phối hợp Phòng NN-PTNT các địa phương triển khai công tác thanh tra, kiểm tra để nhắc nhở hướng dẫn các cá nhân, doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ nuôi trồng thủy sản tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản theo các quy chuẩn: Kỹ thuật quốc gia về cơ sở nuôi tôm nước lợ, điều kiện bảo đảm vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm; quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cơ sở nuôi cá lồng bè nước ngọt, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường…

Mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc ở Bình Định cho hiệu quả cao. Ảnh: V.Đ.T.

Mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc ở Bình Định cho hiệu quả cao. Ảnh: V.Đ.T.

Thực hiện chương trình bệnh tôm, hàng năm, Chi cục Thủy sản Bình phối hợp với ngành chức năng các địa phương triển khai công tác quan trắc môi trường nước vùng nuôi trồng thủy sản trong tỉnh với 20 đợt tại 11 điểm quan trắc vùng nước cấp của 6 huyện với 11 yếu tố môi trường (nhiệt độ, độ mặn, độ kiềm, pH, COD, Amonia, Nitric, Nitrate, Phosphate, Vibrio và vi tảo) đối với tôm nước lợ  và tôm hùm, 4 yếu tố đối với cá rô phi lồng nước ngọt.

“Trên cơ sở kết quả quan trắc môi trường nước nuôi trồng thủy sản, Chi cục đã đề xuất, khuyến cáo các giải pháp kỹ thuật về môi trường kịp thời và thông tin đến người nuôi; gửi công văn đến các Phòng NN-PTNT, đăng tải trên Website của Sở NN-PTNT, đăng trên Bản tin Nông lâm thủy sản của Sở NN-PTNT. Qua đó, kết quả quan trắc, phục vụ việc quản lý môi trường ao nuôi được đưa đến rộng rãi với người nuôi, tạo điều kiện chủ động trong công tác quản lý ao nuôi, phòng ngừa dịch bệnh, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường”, ông Phạm Thanh Nhân chia sẻ.

Những giải pháp căn cơ

Theo ông Phạm Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Ích (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa), để vực dậy nghề nuôi tôm nước lợ trên địa bàn, địa phương kiến nghị các cơ quan chức năng phải đầu tư cơ sở hạ tầng như có kế hoạch đầu tư nạo vét, quy hoạch lại toàn bộ hệ thống tiêu thoát nước đối với những vùng sản xuất ao đìa nuôi trồng thủy sản.

Cùng với đó quy hoạch cả vùng nuôi trên đầm Nha Phu, bởi diện tích vùng nuôi chưa đảm bảo. Đồng thời có kế hoạch tổ chức di dời hoặc đưa người nuôi hầu vẹm trên đầm Nha Phu vào vùng quy hoạch nhằm đảm bảo thông thoáng của thủy triều.

Hiện nay, các mô hình nuôi tôm sạch, công nghệ cao ở Quảng Nam vẫn còn rất ít. Ảnh: L.K.

Hiện nay, các mô hình nuôi tôm sạch, công nghệ cao ở Quảng Nam vẫn còn rất ít. Ảnh: L.K.

“Toàn bộ vùng nuôi trên địa bàn xã đều lấy nước từ đầm Nha Phu, nếu chúng ta chỉ quy hoạch luồng lạch mà không có kế hoạch, quy hoạch ngoài biển thì sẽ không mang lại hiệu quả. Nước thải cũng chỉ ra tới ngoài biển sẽ không thoát đi theo hệ thống thủy triều, có khả năng sẽ quay trở lại vùng nuôi”, ông Khánh chia sẻ và cho biết thêm, việc đầu tư kênh lấy nước vào và kênh xả nước ra tách biệt trong nuôi tôm là rất cần thiết.

Cũng theo ông Khánh, để bảo vệ môi trường chung trong nuôi trồng thủy sản, trong thời gian tới địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền nâng cao ý thức người dân; đồng thời kiến nghị các nhà khoa học nghiên cứu đối tượng nuôi, chuyển giao quy trình khoa học kỹ thuật để người nuôi áp dụng hình thức nuôi phù hợp, hiệu quả.

“Người nuôi phải chủ động bảo vệ môi trường, bảo vệ ao đìa của mình, bởi vì nuôi tôm qua nhiều thời gian, tạp chất đã thẩm thấu xuống đền đáy ao. Do đó, để nuôi tôm hiệu quả người nuôi phải cải tạo bằng cách cày lên, phơi nắng, rải vôi…đúng thời gian”,  ông Võ Khắc Én, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, nói.

Người nuôi tôm ở Ninh Ích (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) giờ chủ yếu nuôi tôm quảng canh. Ảnh: K.S.

Người nuôi tôm ở Ninh Ích (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) giờ chủ yếu nuôi tôm quảng canh. Ảnh: K.S.

Ở Quảng Nam, để đảm bảo vấn đề về môi trường nuôi, an toàn dịch bệnh, hàng năm, tỉnh này tổ chức xây dựng, triển khai thực hiện Kế hoạch phòng chống dịch bệnh thuỷ sản, Chương trình quan trắc cảnh báo môi trường nuôi trồng thuỷ sản.

Từ năm 2017 đến nay, ngành chức năng địa phương đã lấy trên 4.800 mẫu nước sông, biển, hồ nước ngọt, ao nuôi tôm, cá gửi đến các đơn vị phân tích mẫu kiểm tra các chỉ tiêu lý, hoá, vi sinh (Oxy hoà tan, COD, vi khuẩn gây bệnh ...); mẫu tôm nuôi bị bệnh xét nghiệm dịch bệnh nguy hiểm như đốm trắng (WSSV), bệnh hoại tử gan tuỵ (AHPND).

Ông Võ Văn Long, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, từ những kết quả quan trắc các chỉ số về môi trường này, ngành chức năng sẽ thông báo đến Phòng NN-PTNT, Phòng Kinh tế, UBND các xã, phường có nghề nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh và hộ nuôi có lấy mẫu giám sát; đồng thời cảnh báo bệnh, môi trường trên tôm, cá nuôi có thể xảy ra và hướng dẫn các biện pháp có biện pháp kỹ thuật quản lý ao nuôi và bố trí kế hoạch sản xuất hợp lý.

“Bên cạnh đó, sẽ phổ biến, hướng dẫn người nuôi áp dụng các quy trình kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản, các quy định về nuôi, chủ động phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản theo quy định như Tuân thủ các quy định về điều kiện cơ sở nuôi, xử lý nước thải, chất thải, mùa vụ thả giống, chất lượng con giống được kiểm dịch; áp dụng quy trình kỹ thuật nuôi, quản lý chăm sóc thủy sản nhằm giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh”, ông Võ Văn Long nói.

Xem thêm
Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.

Bình luận mới nhất