| Hotline: 0983.970.780

'Lá chắn mềm' trên vùng biển Tây Nam bộ

[Bài 4] Những người đi 'gỡ' thẻ vàng IUU

Thứ Hai 25/09/2023 , 14:22 (GMT+7)

Sóng lừng, gió mùa Tây Nam, những cơn giông bất chợt... là những 'đặc sản' không lường trước trên hành trình tuần tra của những Kiểm ngư Vùng V đi gỡ thẻ vàng IUU.

Trưởng đoàn công tác số 7 (tàu Kiểm ngư 506) Trần Nam Chung trên hải trình công tác. Ảnh: Kiên Trung.

Trưởng đoàn công tác số 7 (tàu Kiểm ngư 506) Trần Nam Chung trên hải trình công tác. Ảnh: Kiên Trung.

Tháng 10/2017, Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo thẻ vàng (IUU) với Việt Nam liên quan tới việc khai thác thủy sản bất hợp pháp (gồm hoạt động đánh bắt cá trái phép; không báo cáo và không được quản lý). Quy định này ảnh hưởng trực tiếp tới đầu ra của thủy sản Việt Nam đối với thị trường này. Các cơ quan chức năng thời gian qua đang nỗ lực đi “gỡ” thẻ vàng IUU, trong đó có lực lượng Kiểm ngư.

Lao vào "điểm nóng"

Trước khi bước chân xuống tàu KN-506 để tham gia Đoàn công tác số 7, tôi tự tin với kinh nghiệm từng hai lần đi công tác dài ngày ở Trường Sa nên nghĩ rằng, chuyến đi biển lần này sẽ không có gì quá bất ngờ. Cùng với việc được nghe phổ biến kế hoạch tuần tra tại vùng biển Tây Nam bộ - ngư trường truyền thống mà bao nhiêu năm qua cha ông còn xa khơi bằng những phương tiện tàu thuyền thô sơ…, thì chuyến đi này cũng giống như một cuộc trải nghiệm không nhiều khó khăn. Nhưng, thực tế hoàn toàn khác.

1h sáng ngày 14/9, khi tàu đang neo đậu tại Vùng nước lịch sử Việt Nam - Campuchia làm nhiệm vụ lập chốt kiểm soát trên biển thì một cơn giông bất ngờ kéo tới kèm theo mưa mau hạt. Biển đêm sâu thẳm và đen đặc. Mặt biển ban ngày bừng sáng bao nhiêu thì giờ đây là một khoảng tối sầm. Gió tìm bất kỳ khe hở nào trên tàu để rít lên những tiếng ù ù ma mị. Tàu tròng trành rồi lắc dữ dội, nghiêng bên này, vật bên kia... Đồ đạc trên tàu bị xô đẩy nghiêng ngả…

Lai dắt tàu cá BT-97877-TS về tàu chỉ huy để kiểm tra hoạt động nghề cá trên biển. Ảnh: Kiên Trung.

Lai dắt tàu cá BT-97877-TS về tàu chỉ huy để kiểm tra hoạt động nghề cá trên biển. Ảnh: Kiên Trung.

Tất cả mọi người trên tàu bị đánh thức. Nằm tơ hơ trên chiếc giường sắt cá nhân, không có chỗ nào bám, khi tàu lắc, ai nấy đều lăn lông lốc như những củ khoai. Tôi bấu chặt tay vào thành giường để người không bị quăng quật. Anh Trần Nam Chung trấn an tôi: “Giông biển đấy, một lúc là sẽ tan ngay thôi. Còn tàu lắc là do sóng lừng đánh”.

Sóng lừng! Lần đầu tiên tôi được nghe tên gọi. Anh Chung giải thích: hiểu nôm na, nó là những đợt sóng ngầm ở lưng chừng nước, không đánh nổi như những đợt sóng bạc đầu, nhưng mà kéo dài hết đợt nọ tới đợt kia. Khoảng cách của sóng lừng vừa đúng với phần chìm của thân tàu, nên giống như cái cây bị lay tận gốc, không có điểm tì, thành ra lắc giật dữ dội. Gió mùa Tây Nam và những cơn giông trên vùng biển Tây Nam bộ là những thứ còn đáng sợ hơn cả bão tố!

Kiểm ngư Vùng V tiếp cận tàu cá đánh bắt xa bờ. Ảnh: Kiên Trung.

Kiểm ngư Vùng V tiếp cận tàu cá đánh bắt xa bờ. Ảnh: Kiên Trung.

“Vùng biển này, giông hình thành rất nhanh và cục bộ. Điều này khiến các thiết bị quan trắc, dự báo thời tiết không tài nào cảnh báo được. Tuy nhiên, giông chỉ nổi ở một điểm hẹp, không lan rộng. Chỗ này có thể đang giông nhưng kế bên lại quang đãng như không có gì xảy ra”, thuyền trưởng tàu KN-506 Nguyễn Văn Đức giải thích thêm.

Anh Đức quyết định nổ máy cho tàu dời khỏi vị trí neo đậu để tránh cơn giông ngay nửa đêm. Đó là ngày thứ 3 trong chặng hành trình kéo dài gần 3 tuần của Đoàn công tác số 7. Gần một giờ đồng hồ, tàu “cắt đuôi” được cơn giông và những đợt sóng lừng. Anh Chung bảo tôi cố gắng chợp mắt một chút để lấy sức, vì còn cả một chặng đường dài phía trước, nhưng tôi không tài nào ngủ được. Bên ngoài, biển đã thức giấc!

Khoảnh khắc tàu KN-506 trong buổi hoàng hôn trên vùng biển Tây Nam bộ. Ảnh: Kiên Trung.

Khoảnh khắc tàu KN-506 trong buổi hoàng hôn trên vùng biển Tây Nam bộ. Ảnh: Kiên Trung.

Mặt biển như tráng gương bởi những vầng sáng đầu tiên hắt lên từ phía trời xa. Những chùm sáng hình rẻ quạt hắt lên từ mặt biển như thể làm nhiệm vụ dọn dẹp để mặt trời từ từ trồi lên từ chân nước. Những đám mây trở nên lấp lánh muôn sắc màu, có những đám phơn phớt hồng, có những đám long lanh ngũ sắc… Những chiếc tàu cá tình cờ lướt qua khung cảnh hùng vĩ ấy, tựa như những thiên sứ được trao cho nhiệm vụ chở ánh sáng đem rải khắp mặt biển…

Dường như, đó là sự bù đắp của cơn giông tố và những đợt sóng ngầm “đánh du kích” đêm qua. Bình minh trên biển là một thứ xứng đáng để đánh đổi, bởi bạn sẽ được quan sát nó ở một không gian phẳng, không bị án ngữ bởi bất kỳ thứ gì. Nó khác với những bình minh trên đất liền hay trên núi…

Những người đi “gỡ” thẻ vàng IUU

Anh Trần Nam Chung, trưởng đoàn, sinh năm 1980, quê Mỹ Hào, Hưng Yên thuộc thế hệ đầu tiên của Kiểm ngư Vùng V khi đơn vị mới được thành lập từ năm 2016. Mấy tháng trước, anh vừa được “rút” về Phòng Pháp chế của Cục Kiểm ngư nhưng đã có mặt để tham gia chuyến công tác cùng đơn vị cũ. Đây là giai đoạn Chi cục Kiểm ngư Vùng V tăng cường các hoạt động tuần tra, giám sát, kiểm soát các hoạt động nghề cá trên vùng biển Tây Nam bộ - khu vực có số lượng tàu cá đánh bắt xa bờ lớn nhất cả nước, và cũng là “điểm nóng” của các vi phạm IUU. Theo kế hoạch, có 15 đợt ra quân trong năm 2023.

Tổ tuần tra tiếp cận tàu cá để kiểm tra việc tuân thủ IUU. Ảnh: Kiên Trung.

Tổ tuần tra tiếp cận tàu cá để kiểm tra việc tuân thủ IUU. Ảnh: Kiên Trung.

"Vùng biển này mình thuộc nằm lòng từng khu vực, từng vị trí. Tàu cá được đánh bắt ở khu vực nào, dụng cụ khai thác bằng gì, có nguy cơ vi phạm các quy định hay không…, nhìn từ xa mình có thể nhận định được”, anh Chung chia sẻ cùng tôi trong lúc đưa ống nhòm lên quan sát các mục tiêu.

Bước sang ngày thứ 4. Những địa danh như mũi Ông Dơi, đảo Hòn Thơm, Kênh 1… của vùng biển An Thới đã bị bỏ lại phía sau tàu. Hòn Thầy Bói nhìn từ xa như một viên sỏi nhô lên mặt biển, chếch sang kế bên là Hòn Dưa, hòn Tây Nam - chạm khu vực Vùng nước lịch sử giáp ranh với Campuchia. Các địa danh Hòn Vai, Hòn Ông, điểm O (thuộc phía tây bắc đảo Thổ Chu) dần hiện ra. Từ điểm O (giáp vùng biển Campuchia) đến điểm K (giáp vùng biển Thái Lan), tàu tới đường phân định ranh giới trên biển của Thái Lan - Việt Nam. Trên hành trình, sẽ thấy bãi cạn Cà Mau cách mũi Cà Mau khoảng 69 hải lý…

Thuyền trưởng tàu KN-506 Nguyễn Văn Đức (người ngồi giữa) cùng anh em đang làm nhiệm vụ. Ảnh: Kiên Trung.

Thuyền trưởng tàu KN-506 Nguyễn Văn Đức (người ngồi giữa) cùng anh em đang làm nhiệm vụ. Ảnh: Kiên Trung.

Những tàu cá luôn là những mục tiêu di chuyển. Ngư dân chạy theo luồng cá, đi tìm luồng cá từ ngư trường này tới ngư trường khác. Nhiệm vụ của tàu kiểm ngư, theo đó mà cũng phải “lang thang” hết các ngư trường - nơi các tàu cá đang hoạt động để kiểm tra, kiểm soát, phát hiện các vi phạm, nhắc nhở để tàu cá không “ham cá” mà vượt sang vùng biển của nước khác.

Nguyễn Văn Đức, thuyền trưởng tàu KN-506, sinh năm 1982 (quê Tứ Kỳ, Hải Dương). Anh từng là giảng viên của Đại học Hàng hải (TP. Hải Phòng), từng chạy tàu vận hàng quốc tế, nhưng cuối cùng anh lại bắt duyên với Kiểm ngư. Năm 2017, anh về công tác tại Kiểm ngư Vùng V, bồng bế cả gia đình vào Phú Quốc sinh sống, và chọn đất này làm quê hương thứ hai.

Đoàn công tác số 7 làm việc với các tài công trên tàu chỉ huy. Ảnh: Kiên Trung.

Đoàn công tác số 7 làm việc với các tài công trên tàu chỉ huy. Ảnh: Kiên Trung.

Tổ công tác có 15 thành viên, hầu hết đều quê ngoài Bắc, từ Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Bình, chỉ có duy nhất hai người quê tại Kiên Giang. Kiểm ngư viên Nguyễn Văn Kháng - Nguyễn Văn Khá, lại là hai chú cháu trong gia đình. Điều thú vị tiếp theo mà mấy ngày sau tôi mới khám phá được, đó là Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Văn Cường (hai giảng viên năm xưa của Đại học Hàng hải), đang chỉ huy trên tàu kiểm ngư, trong số các đồng nghiệp đang đi trên tàu, có cả học trò mà các anh từng dạy.

Trải qua mấy ngày trên biển, tôi tự nhận thấy một điều, khi phát hiện tàu cá, tàu kiểm ngư đều phải neo đậu cách xa tàu cá một khoảng cách an toàn, sau đó tổ công tác gồm 3-4 thành viên xuống cano tách khỏi tàu chỉ huy để sang tiếp cận. Thành viên làm nhiệm vụ báo cáo trực tiếp qua đàm về chỉ huy để xin ý kiến. Những trường hợp tàu cá vi phạm, tổ này sẽ mời tài công về tàu chỉ huy để tiến hành kiểm tra giấy tờ, chỉ ra và phân tích các lỗi vi phạm, tiếp đến lập biên bản xử lý…

Các tài công Hồ Văn Bướn, Nguyễn Văn Mười Hai, Nguyễn Luân Trường, Nguyễn Văn Vĩ… được mời về tàu chỉ huy để làm việc là những trường hợp như thế. Khi tiếp cận tàu cá của ngư dân, cano đều đánh một vòng rộng rồi mới tiếp cận mạn tàu.

“Đó là để tránh ảnh hưởng tới dây kéo lưới của ngư dân. Mọi việc kiểm tra của kiểm ngư không được phép cản trở các hoạt động đánh bắt của bà con trên biển, đó là quy định”, anh Chung giải thích.

Bên cạnh việc kiểm tra, xử lý các tàu cá vi phạm IUU...

Bên cạnh việc kiểm tra, xử lý các tàu cá vi phạm IUU...

“Có khoảng 14-15 các danh mục phải kiểm tra, như giấy tờ tàu (gồm đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác…), giấy tờ người (văn bằng chứng chỉ tàu trưởng, máy trưởng (tài công, tài cãi); an toàn kỹ thuật tàu cá (bảo hiểm, trang thiết bị an toàn, phao cứu sinh, cứu hỏa, thiết bị giám sát hành trình…); việc tuân thủ các quy định về ghi nhật ký đánh bắt, vùng biển được đánh bắt (theo kích cỡ tàu), quy định về việc treo cờ Tổ quốc trên tàu…, kiểm ngư viên phải thực hiện đầy đủ, không bỏ sót. Ngoài việc xử lý những vi phạm, nhiệm vụ quan trong khác là tuyên truyền, vận động bà con tuân thủ các quy định, không vi phạm IUU”.

Theo anh Chung, vi phạm IUU thường xảy ra ở các vùng chồng lấn, chưa phân định chủ quyền trên biển của Việt Nam với các nước Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Campuchia. Tại Vùng nước lịch sử thường xảy ra tình trạng các tàu cá bị bắt do vượt phạm vi đánh bắt, bị yêu cầu tiền chuộc và bị tịch thu sản phẩm; có cả những vấn đề phát sinh khác như công nhân theo tàu đánh bắt xa bờ nhận tiền ứng trước của chủ tàu nhưng khi ra tới biển lại trốn, không thực hiện theo cam kết...

“Giai đoạn trước năm 2018 còn tồn tại các vấn nạn như đánh bắt cá bằng kích điện, cào banh-long (loài hải sản sống dưới bùn), sử dụng lưới vét xâm hại các rạn san hô… Từ năm 2018, Kiểm ngư Vùng V mở các cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử lý… đã dẹp hết sạch vào cuối năm 2019. Các ngành nghề hạn chế, cấm đánh bắt (như dùng mìn để khai thác cá) cũng đã dẹp yên. Vi phạm IUU cũng đã giảm rất nhiều, những trường hợp còn vi phạm đều là do chạy theo lợi nhuận nên cố tình và bất chấp. Chế tài xử lý của chúng ta hiện đã đủ mạnh, nhiều vụ việc còn truy tố khiến các tàu cá đã buộc phải tuân thủ”, trưởng đoàn Trần Nam Chung cho biết.

Quyết liệt xử lý vi phạm nhưng lực lượng Kiểm ngư cũng phải là điểm tựa để ngư dân vững tin xa khơi. Ảnh: Kiên Trung.

Quyết liệt xử lý vi phạm nhưng lực lượng Kiểm ngư cũng phải là điểm tựa để ngư dân vững tin xa khơi. Ảnh: Kiên Trung.

Ngày thứ 5 của chuyến công tác, tổ tuần tra tiếp cận với một tàu lưới đơn đang hoạt động ở Vùng nước lịch sử. Qua máy đàm, tài công Tiêu Văn Nến (SN 1984) giọng Bến Tre đặc thù tranh thủ tám chuyện. Rất hồn nhiên, Nến nói như hét qua bộ đàm: “Mấy chú kiểm ngư ơi, con tặng các chú bài hát này cho đỡ buồn nghen” rồi đổ một câu vọng cổ ngọt lịm.  

“Mấy cha này vui tính lắm anh. Lênh đênh trên biển miết, mấy ổng gặp người là ham tám chuyện lắm, mà trên tàu họ cũng nói chuyện với nhau cả ngày, triền miên không dứt. Chắc là để đỡ nhớ đất liền!”, Triều, cậu kiểm ngư có thân hình vạm vỡ, chắc nịch, quê Thái Bình, người luôn giữ thói quen mỗi buổi chiều khi đã hết giờ và đã dọn dẹp xong xuôi mọi thứ, đều đi mấy bài quyền đẹp mắt - nói với tôi trong lúc Tiêu Văn Nến vẫn mải mê đổ vọng cổ. Triều cũng là học trò của “thầy Đức, thầy Cường” tại Đại học Hàng hải…

Các kiểm ngư tàu KN-506 trở thành các 'anh nuôi' sau mỗi ngày làm việc vất vả. Ảnh: Kiên Trung.

Các kiểm ngư tàu KN-506 trở thành các "anh nuôi" sau mỗi ngày làm việc vất vả. Ảnh: Kiên Trung.

Lúc này, khi đã hết giờ, anh em kiểm ngư thay đồng phục ngành để “hoá vai” thành các đầu bếp, anh nuôi: ai nấy tất bật nhặt rau, rửa nồi, vo gạo…, xúm xít nấu bữa tối cho cả đoàn. Một số đi thu dọn quần áo phơi trên nóc tàu, hay như Thiện - thành viên trẻ tuổi nhất sinh năm 1993 (quê Yên Dũng, Bắc Giang) lúi húi rang vừng, lạc, rồi khéo léo làm lọ muối vừng để sớm mai cả tàu sẽ ăn sáng bằng cơm nguội hâm nóng với muối vừng, khi đã chán cơm rang, mì tôm và muốn “đổi gió”…

Đó là công việc của những kiểm ngư đi “gỡ” thẻ vàng IUU trên vùng biển Tây Nam bộ, một ngày của họ là như thế!

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.