| Hotline: 0983.970.780

'Lá chắn mềm' trên vùng biển Tây Nam bộ

[Bài 1] Dẹp nạn mãi lộ, thu 'phế' để đánh bắt thủy sản trái phép

Thứ Tư 20/09/2023 , 06:14 (GMT+7)

Phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam tham gia tuần tra trên biển cùng Kiểm ngư Vùng V - 'lá chắn mềm trên biển' - điểm tựa giúp ngư dân vững tin trong những chuyến ra khơi.

Tàu Kiểm ngư 506 tuần tra, kiểm soát hoạt động nghề cá trên vùng biển Tây Nam bộ. Ảnh: Kiên Trung.

Tàu Kiểm ngư 506 tuần tra, kiểm soát hoạt động nghề cá trên vùng biển Tây Nam bộ. Ảnh: Kiên Trung.

Vùng biển giông tố

14h ngày 11/9, tàu kiểm ngư 506 (KN506 - Chi cục Kiểm ngư Vùng V) nhổ neo rời bến tàu Phú Quốc thẳng hướng vùng biển An Thới. Những ngày đầu của hành trình, trời yên biển lặng, thi thoảng mới gặp những con sóng to ào qua, tàu bênh mũi rồi ngay lập tức đè sóng lướt tới. Những địa danh mũi Ông Dơi, đảo Hòn Thơm, Kênh 1… của vùng biển An Thới dần bỏ lại phía sau.

Những con tàu dọc hành trình chúng tôi gặp hầu hết là những tàu cá cào đơn (tàu đánh bắt thủy sản bằng cào lưới đơn - phân biệt với tàu đôi, gồm một cặp tàu cái - tàu đực); những tàu câu mực kích thước dưới 15 mét, hai bên chiếc nào chiếc nấy chỉa ra dàn cần trông xa như những chiếc chân của một con bọ biển. Trên nóc tàu, dàn đèn treo tòn ten, lắc lư mỗi khi có gió. Khi đêm xuống, những bóng đèn này sẽ khiến cả con tàu trở nên sáng rực để thu hút những đàn mực tìm vào, giúp cho ngày hôm sau, trên mái che của con tàu câu sẽ phơi đầy những mực.

Cano của đoàn công tác tiếp cận tàu cá trên vùng biển. Ảnh: Kiên Trung.

Cano của đoàn công tác tiếp cận tàu cá trên vùng biển. Ảnh: Kiên Trung.

Sang ngày thứ 3, tàu tới vùng nước rộng mênh mông. Anh Nguyễn Văn Đức, thuyền trưởng tàu KN - 506 cho tàu neo lại trong Vùng nước lịch sử Việt Nam - Campuchia, trên hải đồ được khoanh thành hình tứ giác. Lúc này, những con tàu cá đơn bắt đầu thưa dần, chỉ thi thoảng mới gặp. Đứng trên boong nhìn ra biển cả mênh mông, chúng nhỏ xíu như một chấm xa mờ nổi bên trên một chiếc đĩa nước khổng lồ, phẳng lì. Kế bên, một hòn đảo mờ xanh hiện ra lẩn khuất trong màn sương đùng đục được tạo nên bởi hiện tượng bốc hơi nước dưới sức nóng của mặt trời.

Anh Trần Nam Chung (trưởng đoàn công tác) chỉ trên hải đồ rồi trỏ tay ra điểm xa xanh, giải thích: “Ở chính giữa là hòn Thầy Bói, thấp và nhỏ nhất. Bên phải là Hòn Dưa, hòn Tây Nam, bên trái là các đảo của Campuchia. Hòn Thầy Bói là điểm phân định các đảo của hai nước. Tàu đang nằm ở Vùng nước lịch sử giáp ranh với Campuchia”.

Mục tiêu cũng là nhiệm vụ của tàu KN-506 trong chuyến công tác này, đó là phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm về khai thác hải sản bất hợp pháp đồng thời tuyên truyền, hỗ trợ, động viên, tạo sự yên tâm để ngư dân hoạt động khai thác thủy sản đúng quy định của pháp luật trên các vùng biển Việt Nam, từng bước gỡ thẻ vàng IUU.

Tiếp cận tàu cá vào chiều ngày 13/9. Ảnh: Kiên Trung.

Tiếp cận tàu cá vào chiều ngày 13/9. Ảnh: Kiên Trung.

"Vùng biển An Thới (từ phía Đông đảo Thổ Chu và phía Tây hòn Chuối) tập trung chủ yếu tàu cá kéo đôi, kéo đơn của các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre và nghề lồng bẫy. Khu vực này thường xuyên xảy ra tình trạng tranh chấp ngư trường giữa các nghề, tình hình an ninh trật tự tiềm ẩn nhiều phức tạp. Một vài năm gần đây xuất hiện tàu cá của tỉnh Tiền Giang hành nghề lưới kéo đôi hoạt động, các tàu này một số có thể nằm trong danh sách tàu cá mất kết nối giám sát hành trình và có nguy cơ cao vi phạm IUU theo thông báo được cập nhật.

Tại Vùng nước lịch sử Việt Nam - Campuchia, mật độ tàu cá hoạt động khá lớn và đa dạng về loại nghề khai thác hải sản. Vấn nạn lớn nhất là tình trạng tàu cá Việt Nam bị tàu nước ngoài bắt, thu tiền chuộc, tịch thu sản phẩm khai thác vẫn thường xuyên xảy ra tạo nên tâm lý lo lắng của bà con ngư dân khai thác tại khu vực biển này.

Cano tuần tra trên biển của Đoàn tuần tra số 7 Kiểm ngư Vùng V. Ảnh: Kiên Trung.

Cano tuần tra trên biển của Đoàn tuần tra số 7 Kiểm ngư Vùng V. Ảnh: Kiên Trung.

Còn ở vùng biển giáp ranh với Thái Lan - Malaysia tập trung chủ yếu các tàu cá đánh bắt xa bờ với nghề chủ yếu là lưới kéo đôi, lưới kéo đơn, lưới rê và lưới vây. Tại khu vực biển này vẫn còn xuất hiện một vài tàu cá ngư dân lợi dụng đêm tối, trốn tránh lực lượng chức năng để sang vùng biển nước ngoài đánh bắt sai quy định vi phạm khai thác IUU. Đó là những vấn đề nhức nhối mà nhiệm vụ của Kiểm ngư Vùng V được giao phối hợp cùng với các địa phương, các đơn vị chấp pháp cùng nỗi lực xử lý”, trưởng đoàn công tác Trần Nam Chung thông tin.

Mãi lộ trên biển: đóng phí khai thác theo ngày

Sáng 13/9, 5 cán bộ tàu KN-506 hạ xuồng máy tiếp cận tàu cá của tỉnh Kiên Giang mang biển kểm soát KG-93804-TS đang hoạt động trong Vùng nước lịch sử Việt Nam - Campuchia. Anh em báo cáo qua điện đàm cho biết tàu cá này vi phạm nhiều lỗi, trong đó một tài công của tàu “đực” không có chứng chỉ thuyền trưởng, lỗi không ghi nhật ký đánh bắt... Phương án đưa ra, đó là lập biên bản vi phạm tại chỗ rồi mời tài công (thuyền trưởng tàu “cái” - người điều hành cả cặp tàu cái, tàu đực) sang tàu Kiểm ngư làm việc.

Tài công tàu cá Kiên Giang KG 93804TS (áo đỏ) làm việc với cán bộ Kiểm ngư tàu 506 chiều ngày 13/9. Ảnh: Kiên Trung.

Tài công tàu cá Kiên Giang KG 93804TS (áo đỏ) làm việc với cán bộ Kiểm ngư tàu 506 chiều ngày 13/9. Ảnh: Kiên Trung.

Tài công tàu KG-93804-TS là anh Hồ Văn Bướn (SN 1977, quê ở Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang), gương mặt mệt mỏi của nhiều đêm không ngủ. Trấn an sự bối rối, lo lắng của anh Bướn, trưởng đoàn Trần Nam Chung mời anh uống nước, nghỉ ngơi để trấn tĩnh rồi mới làm việc. Sau khi kiểm tra giấy tờ, yêu cầu tài công trình bày các lý do, anh Chung lý giải các yêu cầu về các giấy tờ, thủ tục hành chính cần phải có để một tàu cá được phép hoạt động ngoài khơi vùng xa bờ. Tài công Hồ Văn Bướn đã thừa nhận các lỗi vi phạm. 

Đôi mắt u buồn, anh Bướn cho hay mình là lao động chính trong gia đình, một vợ hai con, con lớn 16 tuổi, bé 8 tuổi. Trong đợt dịch Covid-19, các hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản đều phải dừng để tuân thủ quy định chống dịch, hết dịch, anh đi biển lại từ năm ngoái. Được vài tháng, má mất, anh lại quay về đất liền để lo công việc, và mới quay trở lại được vài tháng nay…

“Mình đâu có vốn mua tàu, đi chạy thuê thôi. Chủ tàu xuất tiền mua dầu, thực phẩm, mướn  thuyền viên, tui là thuyền trưởng điều hành. Chi phí hết bao nhiêu, còn lại mới ăn chia theo tỷ lệ, chủ tàu lấy 70%, tài công, tài cãi (máy trưởng), thuyền viên... 30% còn lại. Nghề này cực lắm, xa vợ con, trong đất liền không có ruộng đất, cả nhà đều trông chờ vào người đi biển. Đánh trúng luồng cá, có dư mới có thu nhập, còn không thì không đủ tiền dầu, không có tiền chia anh em”, anh Bướn giãi bày.

Tàu cá hoạt động trên vùng biển An Thới. Ảnh: Kiên Trung.

Tàu cá hoạt động trên vùng biển An Thới. Ảnh: Kiên Trung.

Một cặp tàu đôi, cả tài công, tài cãi, thuyền viên khoảng 20 người. Trong bối cảnh hiện tại, giá dầu leo thang, hoạt động đánh bắt xa bờ càng khó khăn: “Bữa này dầu mắc quá, 20 ngàn/lít. Cặp tàu đôi mỗi ngày chạy hết 1.500 lít dầu, tụi tui không đánh được 50 - 60 triệu tiền cá/ngày thì ngày đó coi như không có cái ăn”.

Cặp tàu đôi do anh Bướn điều hành ra khơi từ ngày 23/8, tới nay được gần một tháng. Số tiền bán cá cho tàu thu mua mới được 250 triệu đồng. “Cứ như này là anh em đói rồi, không có tiền chia” – anh Bướn thở dài buồn bã.

Nhưng, ngoài những áp lực, gánh nặng trên, một khoản phí mà nhiều tàu cá Việt Nam đang phải gánh, đó là vấn nạn tàu nước ngoài (chủ yếu là tàu Campuchia) xuất hiện khu vực Vùng nước lịch sử bên địa phận của Campuchia thu phí đánh bắt theo ngày hoặc theo tháng.

“Những tàu cá muốn đánh bắt ở vùng biển của Campuchia phải đóng tiền theo tháng (khoảng 100 triệu đồng/tháng) hoặc đóng theo ngày (3 triệu đồng/ngày) sẽ được khai thác. Vì bên đó nhiều cá hơn, khai thác được nhiều hơn nên nhiều tàu cá đã chấp nhận “đóng phế”. Như tàu của tụi tui đóng theo ngày, nếu có tiền và thấy có cá thì đóng để khai thác thôi”, anh Bướn chia sẻ.

Tổ tuần tra đưa tài công Hồ Văn Bướn về tàu KN-506 để kiểm tra giấy tờ đánh bắt trên biển. Ảnh: Kiên Trung.

Tổ tuần tra đưa tài công Hồ Văn Bướn về tàu KN-506 để kiểm tra giấy tờ đánh bắt trên biển. Ảnh: Kiên Trung.

Xác nhận thông tin, anh Trần Nam Chung, kiểm ngư viên (Cục Kiểm ngư Việt Nam), trưởng đoàn công tác giải thích: “Vùng biển Campuchia ít tàu cá hoạt động đánh bắt như vùng biển Việt Nam, do đó bên đó biển giàu hơn, nhiều hải sản hơn. Việc “đóng phí” để khai thác trên vùng biển nước ngoài là trái phép, vi phạm pháp luật và sẽ bị đánh thẻ vàng IUU, nhưng vì lợi nhuận, nhiều chủ tàu vẫn vi phạm. Rất nhiều vụ việc tàu cá Việt Nam khai thác, đánh bắt trên vùng biển Campuchia dù đã “đóng phí” cho các đối tượng nước ngoài, nhưng lực lượng chấp pháp trên biển của Campuchia bắt được sẽ xử phạt bình thường, và xử phạt rất nặng. Điều lo ngại hơn, nếu như họ tố cáo ra cộng đồng quốc tế thì thẻ vàng IUU chúng ta sẽ không gỡ bỏ được, từ đó gây hệ lụy cho ngành thủy sản trong nước”, anh Chung phân tích.

Giai đoạn năm 2019, tình trạng tàu cá Việt Nam bị tàu Campuchia “làm luật” khá nhiều. Thông thường, các đối tượng đi trên tàu máy tiếp cận tàu cá Việt Nam, cũng mặc trang phục của lực lượng chấp pháp Campuchia nhưng không ai kiểm chứng được đó có phải lực lượng “thật” hay không, vì rất nhiều đối tượng mạo danh, lợi dụng vùng biển rộng lớn để đi dọa các tàu cá hành nghề trên biển. Nếu ngư dân không nghe sẽ bị kéo tàu về, tịch thu tài sản, hiện vật, rồi sau đó bắt tiền chuộc số tiền 50 triệu đồng/người.

Những cặp tàu đôi hoạt động trên Vùng nước lịch sử Việt Nam - Campuchia. Ảnh: Kiên Trung.

Những cặp tàu đôi hoạt động trên Vùng nước lịch sử Việt Nam - Campuchia. Ảnh: Kiên Trung.

“Có những vụ việc, ngư dân Việt Nam đang hoạt động trong vùng biển nội thủy, tàu nước ngoài xuất hiện kéo sang vùng biển của họ rồi quay phim, chụp ảnh làm bằng chứng giả, sau đó kéo tàu, tịch thu tài sản, lấy hết cá đánh bắt được của bà con. Những đối tượng này 100% không phải lực lượng chấp pháp, mà là những đối tượng giả danh.

Nhận được thông tin phản hồi của bà con ngư dân, Kiểm ngư Vùng V đã tổ chức tăng cường tuần tra, kiểm soát vùng biển để ngăn chặn tình trạng trên. Sự xuất hiện của lực lượng kiểm ngư trên biển đã khiến tình trạng trên giảm rất nhiều, các đối tượng trên không dám hoạt động, hoặc là bỏ chạy khi thấy bóng dáng tàu Kiểm ngư Việt Nam.

Ngư dân kéo lưới trên tàu cá ngoài khơi giáp ranh với Thái Lan. Ảnh: Kiên Trung.

Ngư dân kéo lưới trên tàu cá ngoài khơi giáp ranh với Thái Lan. Ảnh: Kiên Trung.

“Vùng biển mênh mông, rộng lớn như thế này, ngư dân hoạt động đánh bắt không được sử dụng các dụng cụ, vũ khí, chỉ có các công cụ phục vụ nghề cá. Trong khi đó, các tàu nước ngoài giả danh nói trên có trạng bị vũ khí, và sẵn sàng nổ súng thật, nên bà con ngư dân rất lo lắng. Nếu có hành động chống đối, quay phim chụp ảnh sự việc, chúng sẽ không ngần ngại “xử” tại chỗ”.

Đa số các chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm đều vì khai thác hải sản trên vùng biển Việt Nam hiệu quả không cao; có trường hợp do áp lực trả nợ ngân hàng khi đầu tư phương tiện hành nghề trên biển cho nên cố tình đưa tàu cá sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép.

Báo cáo sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của Cục Kiểm ngư, tình hình tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài (Thái Lan, Malaysia, Indonesia) bị bắt giữ, xử lý vẫn xảy ra tinh vi nhằm trốn tránh thực thi pháp luật, bảo vệ ngư dân của lực lượng kiểm ngư. Từ tháng 10/2022, sau đợt thanh tra lần thứ 3 của Đoàn Thanh tra EC đến nay đã xảy ra 27 tàu, 132 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý, trong đó từ đầu năm 2023 đến nay đã xảy ra 14 tàu, 84 ngư dân, giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2022.

Năm 2021, lực lượng chấp pháp nước ngoài kiểm soát 26 vụ, 40 tàu của ngư dân Việt Nam, tập trung chủ yếu ở khu vực vùng biển quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, khu vực vùng biển vịnh Bắc Bộ và vùng nước lịch sử Việt Nam - Campuchia.

Xem thêm
Nghệ An: Tôm chết hàng loạt, nghi do bệnh mới

Tôm chết nhiều trên diện tích khoảng 25ha, trong đó phần đa xuống giống chưa được bao lâu. Đây là hồi chuông báo động đối với nghề hoàng kim một thời ở Nghệ An.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm