| Hotline: 0983.970.780

Những mô hình HTX 'làm dịch vụ, vì thành viên' tại Đồng Tháp

[Bài 5]: Điển hình hợp tác xã chuyển đổi tư duy sản xuất

Thứ Năm 21/09/2023 , 09:32 (GMT+7)

Đồng Tháp Tự nghiên cứu, lai tạo thành công nhiều giống lúa theo tiêu chí 'dinh dưỡng, sức khỏe' và hướng dẫn thành viên sản xuất theo hợp đồng của doanh nghiệp, mang lại lợi nhuận cao.

HTX có nhiều giống lúa bán giá cao ngất ngưởng

Theo chân anh Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Giống nông nghiệp Định An (xã Định An, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) đi quanh khu ruộng rộng 2,5ha để nghiên cứu, sản xuất lúa giống được thiết kế như resort khiến chúng tôi mê mẩn. Đê bao vây quanh được bê tông hóa, hai bên đường đi kẹp mé ruộng trồng rất nhiều hoa, với hơn 3.000 gốc bông trang (hoa mẫu đơn), trên 1.000 gốc dừa, dưới mé nước là bông điên điển và bảo tồn nhiều loại cá đồng tự nhiên. Xung quanh ruộng có đường mương để tôm, cá tự nhiên sinh sản. Vừa đi anh vừa kể về cuộc đời mình. Chúng tôi không thể ngờ được tác giả của nhiều giống lúa nổi tiếng lại từng là “người ngoại đạo” không biết tí gì về nông nghiệp.

TS Trần Minh Hải (phía xa), Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn khảo sát, hỗ trợ HTX Định An trong khuôn khổ đề tài 'Nghiên cứu, đề xuất giải pháp xây dựng và hoàn thiện mô hình Hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới hoạt động có hiệu quả trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp'. Ảnh: Trung Chánh.

TS Trần Minh Hải (phía xa), Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn khảo sát, hỗ trợ HTX Định An trong khuôn khổ đề tài “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp xây dựng và hoàn thiện mô hình Hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới hoạt động có hiệu quả trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp”. Ảnh: Trung Chánh.

Bài liên quan

Đầu năm 2000, anh Dũng giã từ cuộc đời binh nghiệp, súng gươm gác lại về cầm cày cầm cuốc. Là người ngoại đạo nên anh đã nếm thất bại khi mới chân ướt chân ráo bước vào nghề nông với 5.000m2 đất của nhà vợ cho để trồng lúa. Lúa gieo sạ xuống chết quá nửa, số còn lại thì còi cọc, đến khi thu hoạch không đủ bù chi phí nên lỗ nặng.

Tuy nhiên, bằng sự đam mê nghề nông vô bờ, anh Dũng không nản chí mà khăn gói lên huyện, lên tỉnh “tầm sư học đạo”. Năm 2003, anh được ngành nông nghiệp Đồng Tháp chọn vào lớp học làm lúa giống nông hộ. Kiến thức học được anh đem về ruộng nhà mình áp dụng, dần dà tích lũy kinh nghiệm. Rồi từ đó, lại đi truyền đạt lại cho nông dân trong vùng. Rồi anh lên cả Đại học Cần Thơ báo cáo chuyên đề về sản xuất lúa giống, tham gia báo cáo ở các diễn đàn về sản xuất lúa; được chọn đi đào tạo ngắn hạn ở Viện Lúa Quốc tế - IRRI tại Philippines, đi Thái Lan, Campuchia, Myanmar tham quan học tập về các mô hình nông nghiệp…

Giám đốc HTX Giống nông nghiệp Định An Nguyễn Anh Dũng là tác giả của nhiều giống lúa được đặt tên khá ấn tượng: Ngọc Đỏ Hương Dứa, Huyền Ngọc Định An, Ngọc Sen Hồng, đang được nhiều doanh nghiệp đặt hàng sản xuất và ký hợp đồng bao tiêu với giá cao. Ảnh: Trung Chánh.

Giám đốc HTX Giống nông nghiệp Định An Nguyễn Anh Dũng là tác giả của nhiều giống lúa được đặt tên khá ấn tượng: Ngọc Đỏ Hương Dứa, Huyền Ngọc Định An, Ngọc Sen Hồng, đang được nhiều doanh nghiệp đặt hàng sản xuất và ký hợp đồng bao tiêu với giá cao. Ảnh: Trung Chánh.

Bài liên quan

Thấy được tiềm năng về nhu cầu lúa giống tại địa phương, anh Dũng đã đứng ra thành lập Câu lạc bộ sản xuất giống lúa cấp xác nhận và được nông dân đồng tình ủng hộ, bầu làm Chủ nhiệm. Anh Dũng chia sẻ: “Xã Định An nằm ven sông Hậu với diện tích tự nhiên là 1.805ha, trong đó có 866ha đất trồng lúa 3 vụ, lượng lúa giống cần cho sản xuất là trên 2.500 tấn/năm. Nhu cầu giống xác nhận của nông dân trong xã ngày càng cao, chỉ cần cung cấp được khoảng 15 - 20% lượng lúa giống là sống khỏe”.

Câu lạc bộ đã có thương hiệu được đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ, lượng lúa giống bán ra ngày càng nhiều, không chỉ cung cấp cho nông dân trên địa bàn mà cả các tỉnh lân cận, địa bàn xa nhất là Bình Thuận, Nha Trang, qua cả nước bạn Campuchia. Nhờ chủ động được nguồn giống tốt cho nông dân, giúp cho các thành viên trong Câu lạc bộ làm ăn ngày càng khá lên, nhiều hộ nay đã biết cách làm giàu từ sản xuất lúa giống.

Sau khi được UBND tỉnh Đồng Tháp chọn đi học tập kinh nghiệm mô hình HTX ở Thái Lan, trở về anh Dũng đã mạnh dạn đứng ra vận động bà con trong vùng thành lập HTX Giống nông nghiệp Định An (tháng 12/2012) và được bầu làm Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Giám đốc. HTX đi vào hoạt động với 17 thành viên, vốn góp điều lệ 250 triệu đồng, ngành nghề chính của HTX là nghiên cứu khoa học lai tạo giống lúa mới theo hướng dinh dưỡng, sức khỏe. Buôn bán, kinh doanh lúa giống và dừa giống. Liên kết tiêu thụ lúa, khảo nghiệm chất lượng phân bón, dịch vụ kỹ thuật sản xuất. Dịch vụ lao động với tổ nông vụ để gieo sạ, bón phân, phun thuốc cho thành viên HTX. Ngoài ra, HTX còn biến chính khu ruộng chuyên nghiên cứu, sản xuất lúa giống của mình để làm điểm du lịch học đường, du lịch trải nghiệm cho học sinh và sinh viên thực tập.

Qua hơn 10 năm hoạt động, HTX Giống nông nghiệp Định An đã nghiên cứu lai tạo thành công nhiều giống lúa có triển vọng, được thị trường chấp nhận, được doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu ổn định. Ảnh: Trung Chánh.

Qua hơn 10 năm hoạt động, HTX Giống nông nghiệp Định An đã nghiên cứu lai tạo thành công nhiều giống lúa có triển vọng, được thị trường chấp nhận, được doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu ổn định. Ảnh: Trung Chánh.

Qua hơn 10 năm hoạt động, HTX Giống nông nghiệp Định An đã lai tạo thành công nhiều giống lúa có triển vọng, được thị trường chấp nhận. Trong đó, Giám đốc Nguyễn Anh Dũng là tác giả của nhiều giống lúa được đặt tên khá ấn tượng. Điển hình như giống Ngọc Đỏ Hương Dứa, đang được 3 Công ty là Hoàng Kim Group Sài Gòn, Hồng Tân Food và Quốc Anh Hậu Giang ký hợp đồng bao tiêu trong thời gian 5 năm (từ năm 2023 - 2027), với giá cố định 9.000 đồng/kg. Giống Huyền Ngọc Định An được Công ty Cỏ May bao tiêu độc quyền 5 năm (từ 2023 - 2027), với giá 9.500 đồng/kg. Giống Ngọc Sen Hồng, được Công ty Hoàng Kim Group Sài Gòn đặt hàng cho vụ đông xuân 2023 - 2024, với giá dự kiến từ 10.000 đồng/kg trở lên.

Ngoài ra, còn rất nhiều giống khác nữa đang tiếp tục được nghiên cứu, chọn tạo trước khi tung ra thị trường. Trong đó có giống LD2012 (504 mới), giống này siêu năng suất, vụ đông xuân có thể lên đến 13 tấn/ha và vụ hè thu đạt từ 10 - 11 tấn/ha. Riêng sản phẩm gạo từ giống Ngọc Đỏ Hương Dứa đã được tỉnh Đồng Tháp cấp chứng nhận OCOP 3 sao.

Minh bạch hóa quy trình sản xuất

Hiện nay, ngoài diện tích chuyên sản xuất lúa giống, HTX Giống nông nghiệp Định An còn có vùng liên kết với thành viên tổng diện tích 110ha, sản xuất lúa hàng hóa theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Giám đốc Nguyễn Anh Dũng cho biết: “Thành viên/nông dân tham gia sẽ được cung cấp lúa giống với giá rẻ hơn thị trường 1.000 đồng/kg, cho nợ tới cuối vụ và được hỗ trợ chi phí vật tư là 5 triệu đồng/ha. Ký hợp đồng bán lúa giá cố định cho các doanh nghiệp từ đầu vụ, được ứng vốn đặt cọc nên HTX dùng nguồn vốn này cấp lại cho thành viên 5 triệu đồng/ha với lãi suất 0% để đầu tư sản xuất”.

Từ đề tài hỗ trợ của Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn, thành viên HTX Định An đã được tham gia nhiều khóa tập huấn về thông tin thị trường, kết nối tiêu thụ nông sản, từ đó mạnh dạn đầu tư trồng hàng ngàn cây dừa quanh những đê bao ruộng lúa, hình thành mô hình sản xuất đa tầng, tăng thêm thu nhập trên cùng diện tích canh tác. Ảnh: Trung Chánh. 

Từ đề tài hỗ trợ của Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn, thành viên HTX Định An đã được tham gia nhiều khóa tập huấn về thông tin thị trường, kết nối tiêu thụ nông sản, từ đó mạnh dạn đầu tư trồng hàng ngàn cây dừa quanh những đê bao ruộng lúa, hình thành mô hình sản xuất đa tầng, tăng thêm thu nhập trên cùng diện tích canh tác. Ảnh: Trung Chánh. 

HTX có Tổ nông vụ phục vụ cho bà con trong vùng như kéo lúa theo hàng, bơm nước, bón phân và phun xịt bằng máy, máy gặt đập liên hợp, lò sấy lúa… giải quyết khó khăn về nhân công trong mùa vụ. HTX có khu vực khảo nghiệm chất lượng phân bón của các công ty chào bán hàng trong khu vực HTX. Theo đó, HTX xây dựng 8 khu khảo nghiệm tại trụ sở HTX, mỗi khu 6m2, được trồng cùng 1 loại giống lúa. Sau đó, HTX bón mỗi ô 1 loại phân của một công ty và theo dõi, đánh giá kết quả sinh trưởng của cây lúa. Nhờ bước khảo nghiệm này, HTX và thành viên biết được phân bón của công ty nào phù hợp với điều kiện của HTX và từng thành viên mua được phân bón chất lượng với giá thấp nhất.

Trong khuôn khổ hỗ trợ của đề tài “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp xây dựng và hoàn thiện mô hình Hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới hoạt động có hiệu quả trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp” do Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn thực hiện, HTX được tham gia nhiều khóa tập huấn về thông tin thị trường, kết nối tiêu thụ nông sản. Nhờ những thông tin thị trường của sản phẩm dừa uống nước, HTX đã mạnh dạn vận động nhiều thành viên phá vườn tạp trồng dừa. Đến nay khu vực của HTX đã có hơn 5.000 cây dừa đang cho trái mang lại thu nhập định kỳ cho các thành viên.

Ông Dũng chia sẻ, bí quyết để nhiều công ty tranh nhau ký hợp đồng “giá cao và cố định, ký trước khi xuống giống” với HTX qua nhiều năm liền chính là chữ tín, đã chốt là không có khái niệm bẻ kèo hay so sánh giá khi thu hoạch lúa. Đó là, HTX đóng vai trò làm nhạc trưởng, điều hành hài hòa lợi ích và lợi nhuận cho các bên trong liên kết chuỗi. Thành viên sạ 8 - 10kg lúa giống/công (1.000m2) hoặc cấy 2kg giống/công. Áp dụng phương pháp “tưới ướt khô xen kẽ” và “phao quan trắc mực nước” tự chế của HTX để quan sát mực nước trên ruộng khi nào xuống dưới 15cm thì mới tiếp tục bơm nước. Với cách này, HTX giảm 3 đợt bơm nước/vụ lúa.

khu ruộng rộng 2,5ha của HTX Định An để nghiên cứu, sản xuất lúa giống được thiết kế rất ấn tượng, đê bao vây quanh được bê tông hóa, hai bên đường đi kẹp mé ruộng trồng rất nhiều hoa, dừa, dưới mé nước là bông điên điển và bảo tồn nhiều loại cá đồng tự nhiên. Ảnh: Trung Chánh.

khu ruộng rộng 2,5ha của HTX Định An để nghiên cứu, sản xuất lúa giống được thiết kế rất ấn tượng, đê bao vây quanh được bê tông hóa, hai bên đường đi kẹp mé ruộng trồng rất nhiều hoa, dừa, dưới mé nước là bông điên điển và bảo tồn nhiều loại cá đồng tự nhiên. Ảnh: Trung Chánh.

Kỹ thuật canh tác lúa tiết kiệm nước giúp cây lúa đứng, ít đổ ngã và giảm tổn thất khi thu hoạch. HTX hướng dẫn thành viên dùng nhiều loại phân hữu cơ vi sinh và giảm dần phân hóa học. HTX hợp đồng thu hoạch chung cùng 1 lúc nhiều máy gặt đập liên hợp và yêu cầu chủ máy cho máy cắt chạy chậm 50% so với bình thường, hàm máy cắt mỗi bên siết vào 25 - 50cm tùy mùa, công suất máy tối đa 60%. HTX chấp nhận trả công cắt cho chủ máy cao hơn 100.000 đồng/công.

Phương pháp này đã mang lại rất nhiều lợi ích cho HTX và thành viên. Máy cắt chạy chậm và cắt ít lúa nên giũ sạch, lúa đi theo rơm ít, giảm thất thoát sau thu hoạch từ 18% xuống dưới 8% so với máy cắt chạy nhanh. Máy chỉ chạy khoảng 60% công suất, giúp bông trục máy cắt đập vào bông lúa nhẹ hơn, doanh nghiệp mua lúa của HTX về xay gạo ít bị gạo gãy hơn. Tính ra doanh nghiệp có lời hơn nên sẵn sàng mua lúa của HTX giá cao hơn 20 - 30% so với giá thị trường.  

Giá bán gạo của HTX cao hơn hẳn vì HTX minh bạch mọi hoạt động canh tác lúa thông qua nhật ký sản xuất điện tử, giúp doanh nghiệp giám sát được toàn bộ quá trình sản xuất từ khâu làm đất, xuống giống, bơm nước, bón phân gì, liều lượng bón, loại thuốc bảo vệ thực vật sử dụng sẽ được chụp hình nhãn mác đưa lên nhật ký. Mọi hoạt động đều được HTX ghi chép cụ thể và tự chịu trách nhiệm về thông tin đã công bố nhằm minh bạch toàn bộ quá trình sản xuất, tạo niềm tin với doanh nghiệp. Với cách tổ chức và điều hành của HTX, lợi nhuận của thành viên đạt ít nhất 45 triệu đồng/ha đất sản xuất 2 vụ/năm. Ngoài ra, HTX và thành viên còn có thu nhập từ bán bông trang và dừa uống nước với lợi nhuận/ha cao hơn.

Đây cũng là một trong những kiến thức mà HTX được hỗ trợ tập huấn và hỗ trợ sử dụng từ đề tài “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp xây dựng và hoàn thiện mô hình Hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới hoạt động có hiệu quả trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp” do Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn thực hiện.

Để đảm bảo quy trình canh tác lúa đúng theo yêu cầu đề ra, HTX Định An có phương thức chia sẻ lợi nhuận rất hay và cũng là cách vừa ràng buộc vừa khuyến khích nông dân thực hiện hiệu quả. Giám đốc Nguyễn Anh Dũng chia sẻ: “Với giá doanh nghiệp ký hợp đồng 9.500 đồng/kg, trong đó 500 đồng sẽ chi trả quyền tác giả giống lúa, nông dân hưởng trọn 8.000 đồng/kg. Còn lại 1.000 đồng sẽ chi cho công tác quản lý và cộng thêm cho nông dân từ 500 - 600 đồng/kg nếu thực hiện tốt việc ghi chép nhật ký sản xuất. HTX sẽ cùng doanh nghiệp thường xuyên kiểm tra đột xuất nếu thành viên nào không ghi chép đầy đủ sẽ không được hưởng. Với năng suất lúa đạt khoảng 7 tấn/ha, số tiền hưởng thêm từ việc ghi chép nhật ký đầy đủ là từ 3,5 - 4,2 triệu đồng/ha nên không thành viên nào lơ là việc ghi chép nhật ký”.

Xem thêm
Nuôi dúi má đào, thu tiền tỷ mỗi năm

LÀO CAI Chăn nuôi dúi má đào sinh sản có sức hấp dẫn lớn bởi lợi nhuận cao, trong khi việc chăm sóc, đầu tư chuồng trại không quá tốn kém.

Chia sẻ cách tiếp cận liên ngành theo chuỗi về an toàn thực phẩm

THỪA THIÊN - HUẾ Các đại biểu đã cùng chia sẻ kết quả nghiên cứu về an toàn thực phẩm từ Dự án 'Bảo vệ sức khỏe con người thông qua cách tiếp cận Một Sức Khỏe'.

Tân Lạc thu hoạch trên 1.000 tấn quýt Vân Sơn

HÒA BÌNH Mùa vụ này các nhà nông Mường Bi lại được mùa quýt Vân Sơn, sản lượng cho thu hoạch ước trên 1.000 tấn quả, đạt yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Triển khai dự án chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL

Bộ NN-PTNT đầu tư dự án nghiên cứu chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.