| Hotline: 0983.970.780

Những mô hình HTX ‘làm dịch vụ, vì thành viên’ tại Đồng Tháp

[Bài 1]: Dịch vụ đa dạng, xã viên nhàn tênh

Chủ Nhật 17/09/2023 , 08:10 (GMT+7)

Câu chuyện nông dân cả xã tham gia Hợp tác xã Tân Bình và thành viên giao luôn ruộng cho đội dịch vụ làm, có lợi nhuận cao, khiến chúng tôi khá tò mò.

LTS: Liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị là xu hướng tất yếu, mang lại lợi ích cho cả nông dân, doanh nghiệp, trong đó hợp tác xã (HTX) đóng vai trò chủ chốt, là mắt xích quan trọng nhất, vừa là đơn vị trực tiếp tổ chức sản xuất vừa là tổ chức đại diện cho thành viên và nông dân để ký hợp đồng “mua chung đầu vào” (giống, phân bón, thuốc BVTV…), “bán chung” sản phẩm và làm dịch vụ cho cả doanh nghiệp và thành viên.

Ghi nhận thực tế của TS Trần Minh Hải, Phó hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn cùng phóng viên báo Nông nghiệp Việt Nam tại tỉnh Đồng Tháp.

Bắt đầu câu chuyện nông dân cả xã tham gia Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Bình (xã Tân Bình, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp), sử dụng dịch vụ nông nghiệp do HTX cung cấp qua nhiều năm. Đặc biệt, có nhiều thành viên giao luôn ruộng cho HTX quản lý, chăm sóc qua các tổ cung cấp dịch vụ nông nghiệp của HTX. Với phương pháp này, HTX cung cấp được nhiều dịch vụ cho thành viên, nông dân nhàn tênh khỏi hằng ngày chăm sóc lúa, giành thời gian rảnh đi làm việc khác của gia đình, lợi nhuận và lợi ích cao cho cả thành viên và HTX.

HTX cung cấp đa dạng dịch vụ, thành viên nhàn tênh

Nằm trải mình giữa sông Tiền, Cù lao Tây là một cù lao lớn do phù sa bồi đắp, gồm 5 xã của huyện Thanh Bình tỉnh Đồng Tháp là Tân Bình, Tân Quới, Tân Hòa, Tân Huề và Tân Long. Phà cập bến, Cù lao Tây hiện ra trước mắt chúng tôi với ruộng vườn, cây trái tốt tươi.

Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Bình là địa chỉ được nông dân tin cậy, tạo dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản hiệu quả. Ảnh: PV.

Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Bình là địa chỉ được nông dân tin cậy, tạo dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản hiệu quả. Ảnh: PV.

Trụ sở HTX Tân Bình nằm trên tuyến đường nông thôn bao quanh cù lao, cũng là đê bao bảo vệ sản xuất khá vững chãi. Theo ông Tạ Văn Bông, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Tân Bình thì trước đây khu vực này có tới 3 HTX nông nghiệp nhưng quy mô nhỏ. Đến đầu năm 2003 thì hợp nhất thành một như bây giờ, quy mô bao trùm toàn bộ diện tích của xã Tân Bình và số hộ nông dân trong xã, với 1.034 thành viên. Diện tích canh tác nông nghiệp là 712 ha, trong đó diện tích sản xuất lúa 600 ha/vụ, còn lại là cây ăn trái, rau màu…

Bài liên quan

Ngồi lật giở từng trang của cuốn kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh năm 2023, Giám đốc Tạ Văn Bông bảo: “Bí quyết để tất cả nông dân trong xã đều tham gia thành viên HTX chính là chuỗi liên kết hiệu quả, dịch vụ thiết thực, đúng với nhu cầu thành viên HTX”. Hợp tác xã Tân Bình có 8 dịch vụ chính (bơm tưới, làm đất, bán phân bón và thuốc BVTV, tín dụng nội bộ, thu hoạch (máy gặt đập liên hợp), nước sinh hoạt nông thôn, cung cấp giống (lúa và ớt), phơi sấy và tồn trữ (lúa) và một số dịch vụ phụ để hỗ trợ thành viên (sản xuất phân hữu cơ từ phế phẩm nông nghiệp, trang phẳng mặt ruộng bằng tia laser, mua xe cứu thương đưa thành viên đi khám sức khỏe, bê tông hóa kênh dẫn nước nội đồng…), HTX đã đáp ứng mọi nhu cầu dịch vụ để phát triển sản xuất cho tất cả thành viên HTX.

Có được kết quả như ngày hôm nay, HTX Tân Bình đã kế thừa thành quả qua nhiều thế hệ lãnh đạo HTX, được sự hỗ trợ và tư vấn của nhiều cơ quan cấp xã, huyện, tỉnh, viện trường và một số tổ chức quốc tế khác. Đặc biệt, từ 2020 đến nay, HTX tham gia và hưởng thụ các hướng dẫn từ đề tài Nghiên cứu, đề xuất giải pháp xây dựng và hoàn thiện mô hình Hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới hoạt động có hiệu quả trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp” do Trường Chính sách công và phát triển nông thôn, Bộ NN-PTNT, hỗ trợ với nhiều thông tin thị trường, kết nối doanh nghiệp, tập huấn quản lý điều hành và tổ chức dịch vụ theo nhu cầu thành viên.

Với việc tự đầu tư mua sắm trang thiết bị và tiếp nhận từ các nguồn tài trợ, các đề án của ngành nông nghiệp, hiện HTX có máy làm đất được gắn thiết bị laser để trang phẳng mặt ruộng hoạt động hiệu quả, tạo mặt phẳng tuyệt đối thuận lợi cho sản xuất. Máy kobe để múc mương, làm đê bao, gia cố cống đập, nạo vét kênh mương thủy lợi nội đồng, đảm bảo cho việc tưới tiêu phục vụ sản xuất… Ngoài ra, còn làm móng nền để xây dựng đường nước bê tông.

Dịch vụ bơm tưới có 12 trạm bơm điện phân bổ ở 5 đội sản xuất, phục vụ tưới tiêu cho toàn bộ diện tích sản xuất đạt 100% bằng bơm điện. Đặc biệt, có 8 trạm bơm thông minh (ứng dụng công nghệ mới, đầu tư hệ thống bơm thông minh công suất lớn nhưng tiêu thụ điện năng giảm, giúp tiết kiệm 25-30% chi phí tiền điện bơm nước), Tân Bình là HTX đầu tiên của tỉnh Đồng Tháp đầu tư 10.000 mét mương nội đồng được bê tông hóa để bơm tưới và bơm tiêu nước giúp giảm thất thoát, giảm chi phí, giá thành rẻ. Ngoài ra, HTX Tân Bình còn hùn vốn với số tiền 1,2 tỷ đồng đầu tư hệ thống bơm liên vùng, đáp ứng nhu cầu tiêu úng cho toàn vùng Cù lao Tây.

Giám đốc HTX Tân Bình Tạ Văn Bông tự hào khi nói về dịch vụ “mua chung” phân bón và thuốc BVTV: “Đây là dịch vụ thế mạnh của HTX, phục vụ trực tiếp cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp của thành viên. Yếu tố thành công của dịch vụ là “mua chung phân bón và thuốc, vật tư nông nghiệp” với nhiều lợi ích và lợi nhuận. Cụ thể: HTX mua sản lượng lớn nên đàm phán giá mua trực tiếp tại công ty với giá có lợi nhất; yêu cầu công ty phân bón và thuốc BVTV cho HTX lấy mẫu sản phẩm gửi phân tích kiểm tra chất lượng, HTX mang về bán thiếu chịu cho thành viên, giúp thành viên mua được vật tư chất lượng đảm bảo, chi phí thấp hơn so với mua bên ngoài bị tính lãi”.

Ông Tạ Văn Bông, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã Tân Bình (ngoài cùng, bên phải) trao đổi kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh và bí quyết thành công trong chuỗi liên kết của HTX. 

Ông Tạ Văn Bông, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã Tân Bình (ngoài cùng, bên phải) trao đổi kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh và bí quyết thành công trong chuỗi liên kết của HTX. 

Một thế mạnh nữa của HTX Tân Bình là dịch vụ giống cây trồng. Về lúa giống, HTX có Câu lạc bộ giống hoạt động thường xuyên gồm 21 thành viên, diện tích 18 ha. Hằng vụ, Chủ nhiệm câu lạc bộ liên hệ với các Viện, Trường tìm nguồn giống tốt về phân bổ cho các thành viên sản xuất ra giống xác nhận và cung cấp cho thành viên, bà con sản xuất. Nhờ làm tốt công tác giống nên sản phẩm làm ra được bà con tin dùng, dễ dàng tiêu thụ. Ngoài việc cung cấp cho các thành viên trong HTX, hằng năm còn bán ra bên ngoài hàng chục tấn lúa giống, giúp nâng cao thu nhập cho các thành viên.

Bên cạnh đó, HTX Tân Bình sản xuất giống cây rau màu, đầu tư nhà lưới để phục vụ sản xuất cây giống sạch bệnh, chủ yếu là cây ớt và một số loại rau ăn lá. Cây giống chất lượng đảm bảo nên ngày càng có nhiều người tìm đến đặt mua. Năm 2023, HTX có khả năng sản xuất và cung ứng hơn 1 triệu cây giống, phục vụ nhu cầu cây giống cho người dân Cù lao Tây và các xã lân cận…

Ngoài ra, HTX còn có dịch vụ thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp, với 4 máy cắt của Nhật. Dịch vụ phơi sấy và lưu kho sức chứa lên đến 1.000 tấn, tạo điều kiện để ký liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp, giải quyết bài toán đầu ra hiệu quả cho thành viên. Hiện nay, HTX đã tổ chức sản xuất cánh đồng liên kết diện tích 150 ha, thực hiện chuỗi sản xuất khép kín từ sản xuất đến cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ đầu ra.

Dịch vụ tín dụng trong HTX rất thành công và mang lại lợi ích cho thành viên. HTX cho thành viên vay sản xuất 10-15 triệu đồng/công 1.000 m2. Đây là mức cho vay khá cao đối với tín dụng của một HTX. Việc mở ra dịch vụ hoạt động tín dụng nội bộ nhằm giúp các thành viên vay vốn dễ dàng để mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất và đời sống gia đình. Được tiếp cận nguồn vốn vay với thủ tục nhanh gọn (thủ tục của HTX đơn giản hơn nhiều, chi phí tiếp cận nguồn vốn thấp hơn nhiều so với vay qua các ngân hàng), sử dụng đúng mục đích giúp phát triển kinh tế gia đình, bà con thành viên đồng tình, trả nợ đúng kỳ hạn, không có tình trạng nợ xấu.

Hợp tác xã là trung tâm chuỗi liên kết

Phát huy sức mạnh của cộng đồng và những lợi thế của kinh tế hợp tác, HTX Tân Bình đang tập trung xây dựng chuỗi liên kết sản xuất lúa bền vững, đặt mục tiêu mở rộng diện tích và số thành viên sản xuất lúa theo tiêu chuẩn chất lượng bền vững SRP.

Anh Trần Thanh Long, Phó Giám đốc kinh doanh HTX Tân Bình cho biết: “Mặc dù nông dân vẫn trực tiếp sản xuất, làm chủ trên mảnh ruộng của mình nhưng do HTX tổ chức được tất cả dịch vụ liên quan đến sản xuất lúa, kí hợp đồng liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp nên thành viên/nông dân không phải động chân động tay trong suốt mùa vụ, nếu có ra đồng thì chỉ ra 1 lần là ngày bán lúa để thu tiền mang về.

Theo đó, HTX cung cấp toàn bộ dịch vụ cho thành viên từ khâu đầu tư giống, tín dụng, vật tư, cơ giới, chăm sóc, thu hoạch và tiêu thụ. HTX lo tất cả các khâu trong quy trình sản xuất lúa từ chuẩn bị đất – xuống giống - chăm sóc - thu hoạch - tiêu thụ… Nông dân chỉ chờ đến cuối vụ tất toán dịch vụ với HTX và thu lợi nhuận, có nhiều thời gian để làm việc khác”.

Ông Tạ Văn Bông, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã Tân Bình bên chiếc máy phục vụ sản xuất phân bón hữu cơ do tổ chức quốc tế tài trợ, giúp mở rộng thêm dịch vụ phục vụ xã viên. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Tạ Văn Bông, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã Tân Bình bên chiếc máy phục vụ sản xuất phân bón hữu cơ do tổ chức quốc tế tài trợ, giúp mở rộng thêm dịch vụ phục vụ xã viên. Ảnh: Trung Chánh.

Nói về mục tiêu phát triển sản xuất, Giám đốc HTX Tân Bình Tạ Văn Bông cho biết, HTX tiếp tục thực hiện theo đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2023 và tầm nhìn đến năm 2030, Kế hoạch về phát triển nông nghiệp của huyện Thanh Bình. Tại xã Tân Bình, kinh tế chủ yếu của người dân là sản xuất nông nghiệp, lấy cây lúa làm nền tảng cho sự phát triển. HTX tiếp tục tuyên truyền, vận động thành viên áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thông qua các lớp tập huấn về 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, mô hình sản xuất giảm chi phí, hạ giá thành, gắn với các cánh đồng sản xuất liên kết và tiêu thụ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Từ những hoạt động hiệu quả vì cộng đồng, HTX Tân Bình đã được dự án Trung tâm đổi mới sáng tạo xanh – GIC Việt Nam hỗ trợ máy đảo trộn để làm phân hữu cơ từ rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp và đã sản xuất thành công mẻ phân hữu cơ đầu tiên cung ứng cho thành viên. Nhờ đó, toàn bộ nguồn rơm rạ sau mỗi vụ lúa của thành viên sẽ được thu gom để sản xuất phân bón. Mục tiêu của HTX là tiến tới sản xuất lúa an toàn theo tiêu chuẩn SRP, hướng đến sản xuất lúa phát thải cacbon thấp. Đến năm 2025 sẽ cho ra thị trường sản phẩm gạo an toàn, tiến tới xây dựng thương hiệu “Nông sản Cù lao Tây” trong những năm tiếp theo…

Hợp tác xã Tân Bình được dự án Trung tâm đổi mới sáng tạo xanh – GIC Việt Nam hỗ trợ máy đảo trộn để làm phân hữu cơ từ rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp và đã cho ra lò mẻ phân bón hữu cơ đầu tiên phục vụ xã viên. Ảnh: Trung Chánh.

Hợp tác xã Tân Bình được dự án Trung tâm đổi mới sáng tạo xanh – GIC Việt Nam hỗ trợ máy đảo trộn để làm phân hữu cơ từ rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp và đã cho ra lò mẻ phân bón hữu cơ đầu tiên phục vụ xã viên. Ảnh: Trung Chánh.

Hiện nay, với sự hỗ trợ kiến thức và thông tin từ đề tài Nghiên cứu, đề xuất giải pháp xây dựng và hoàn thiện mô hình Hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới hoạt động có hiệu quả trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp” của Trường Chính sách công và phát triển nông thôn, HTX Tân Bình đã mở rộng đàm phán với nhiều doanh nghiệp đầu vào và đầu ra, tiến hành xây dựng cánh đồng liên kết sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn SRP (tiêu chuẩn sản xuất lúa gạo bền vững), diện tích 200 ha, gắn với hợp đồng tiêu thụ sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm và tiếp tục nhân rộng với quy mô diện tích lớn hơn. HTX còn đang bắt tay xây dựng mô hình sản xuất lúa giảm chi phí, hạ giá thành với quy mô 250 ha.

Với việc áp dụng tốt các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, các thành viên HTX Tân Bình đã có 5 vụ lúa liên tiếp không phải sử dụng thuốc trừ sâu, chỉ sử dụng thuốc trừ mầm bệnh. Nhờ đó, chi phí sản xuất giảm khoảng 30%, giúp tăng lợi nhuận.

Kết quả khảo sát 100% HTX nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp của đề tài Nghiên cứu, đề xuất giải pháp xây dựng và hoàn thiện mô hình Hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới hoạt động có hiệu quả trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp”, phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến hài lòng của thành viên HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh bằng phương pháp phân tích hồi quy tương quan (nhân tố EFA), cho thấy có các nhân tố sau đây ảnh hưởng đến mức độ hài lòng của thành viên HTX, gồm: Hội đồng quản trị và ban giám đốc, hoạt động cung cấp đa dạng dịch vụ cho thành viên, hoạt động mua chung, hoạt động đào tạo huấn luyện thành viên, vai trò làm đại diện nông dân của HTX.

Trong các yếu tố trên, nhóm biến hoạt động cung cấp đa dạng dịch vụ cho thành viên có số điểm cao nhất 0,353 điểm. Có nghĩa là HTX cứ cung cấp thêm mỗi dịch vụ cho thành viên là số điểm về hài lòng của thành viên đối với HTX tăng lên 0,353 điểm. Điều này lý giải về mặt khoa học tại sao HTX Tân Bình cung cấp càng nhiều dịch vụ nội bộ cho thành viên thì sự hài lòng của thành viên đối với HTX càng tăng và tăng đến mức “thành viên giao đất cho HTX sản xuất thay cho thành viên”.

Đây là điểm thành công mới trong phát triển HTX nông nghiệp tại tỉnh Đồng Tháp.

(TS Trần Minh Hải, Phó hiệu trưởng Trường Chính sách công và phát triển nông thôn, Bộ NN-PTNT)

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Trường Sơn Bio tái tạo nông nghiệp sạch vì sức khỏe cộng đồng

ĐBSCL Mục tiêu của TSBIO giúp tái sinh nền đất, cải tạo môi trường nông nghiệp, sản sinh ra các sản phâm nông nghiệp hữu cơ, không còn tồn dư của các loại thuốc BVTV.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất