Ghi nhận thực tế của TS Trần Minh Hải, Phó hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn cùng phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam tại tỉnh Đồng Tháp.
Mở rộng chuỗi liên kết sản xuất lúa
Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp Thuận Tiến (xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) có tổng 577 thành viên, gồm 127 thành viên chính thức có góp vốn điều lệ 3,6 tỷ đồng vào HTX và 450 hộ nông dân không có góp vốn nhưng liên kết sử dụng các dịch vụ của HTX, gồm lúa giống, bơm nước, phân bón, làm đất, thu hoạch và tiêu thụ. Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Thuận Tiến cho biết, HTX đã thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi trồng lúa khép kín hơn 3 năm nay với sự tham gia của 577 thành viên/nông dân để sản xuất và tiêu thụ 2 khu vực sản xuất tổng diện tích 750ha trồng lúa 3 vụ/năm.
Để triển khai chuỗi liên kết sản xuất lúa, HTX thường mời 3 doanh nghiệp có nhiều năm liên kết với HTX để thống nhất phương án liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa cho từng vụ trong năm. Phương thức liên kết theo nguyên tắc: 2 ô bao sản xuất lúa 750 ha/vụ thì mỗi ô bao chỉ sản xuất một loại giống duy nhất và loại giống sẽ do doanh doanh nghiệp thu mua quyết định. Doanh nghiệp đưa ra tiêu chuẩn chất lượng lúa từ đầu năm cho mỗi vụ sản xuất, yêu cầu sử dụng giống cấp xác nhận, ghi chép nhật ký sản xuất, kết thúc bón phân bón và phun thuốc BVTV 30 ngày trước khi thu hoạch. Xả khô nước trên đồng ruộng ít nhất 20 ngày trước khi thu hoạch, lúa chín vàng trên 98% bông lúa sẽ cho máy vào cắt.
Doanh nghiệp ứng trước 30% chi phí sản xuất, để HTX cung cấp lúa giống cấp xác nhận, phân bón và thuốc BVTV cho thành viên. Giá hợp đồng sẽ thỏa thuận trước 3 tuần khi thu hoạch lúa của từng vụ. Phương thức thanh toán: Doanh nghiệp thanh toán thông qua HTX gồm 50% thanh toán ngay khi chốt và 50% còn lại thanh toán 3 - 4 giờ sau khi doanh nghiệp nhận lúa.
Sau khi nhận tiền tổng 2 lần thanh toán từ doanh nghiệp, HTX sẽ tính toán trừ lại các khoản phí dịch vụ từng thành viên/nông dân đã sử dụng trong mùa vụ gồm tiền mua lúa giống, công làm đất, phân bón, thuốc BVTV, máy gặt… Và HTX tất toán với các thành viên sau 5 - 7 ngày giao lúa cho doanh nghiệp.
HTX có nhiệm vụ tổ chức cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp gồm ghi chép nhật ký sản xuất, lo máy thu hoạch, nhân công bốc vác, ghe chở lúa theo thời gian thu hoạch thỏa thuận với doanh nghiệp. HTX sẽ quyết định khu vực nào thu hoạch trước và sau, lo đường đi cho máy cắt và máy chở lúa, lo bến xuống lúa cho ghe đậu. Doanh nghiệp sẽ trả phí dịch vụ cho HTX là 20 đồng/kg lúa cho toàn bộ sản lượng thu hoạch trong diện tích liên kết sản xuất, tương đương khoảng 100 triệu đồng/vụ.
Bán cả cánh đồng cho doanh nghiệp
Dựa vào hợp đồng với từng doanh nghiệp cho cả 3 vụ sản xuất/năm, hàng năm HTX xây dựng phương án sản xuất kinh doanh thường niên gồm các dịch vụ mua chung lúa giống, mua chung phân bón và thuốc BVTV, tổ chức đội máy làm đất, phun thuốc, thu hoạch, tín dụng nội bộ. Đa phần các dịch vụ mua chung là không có lợi nhuận cho HTX, mà HTX “mua chung” số lượng nhiều được giá rẻ và bán lại cho thành viên bằng giá mua + chi phí vận chuyển. Tất cả lợi nhuận đã được chuyển cho thành viên HTX.
Ngoài ra, HTX còn ứng dụng công nghệ số qua nhóm zalo để thông báo xin ý kiến góp ý về phương án sản xuất kinh doanh thường niên của HTX với người dân và cán bộ xã. Vì phương án kinh doanh thường niên phù hợp với điều kiện địa phương, được đưa ra để các thành viên, nông dân trong chuỗi liên kết cùng bàn thảo, đóng góp ý kiến. Nhờ đó, luôn tạo được sự đồng thuận cao khi bắt tay vào sản xuất. Đồng ruộng được thiết kế theo cánh đồng lớn, chia mỗi ô diện tích khoảng 350ha, thuận lợi cho áp dụng cơ giới hóa, bơm tưới tập trung và xuống giống tập trung đồng loạt.
Do đó, chi phí sản xuất của từng hộ thấp, giá thành sản xuất của các hộ thành viên HTX thấp nhưng giá bán trong khu vực HTX thường cao hơn 800 - 1.100 đồng/kg so với bên ngoài, nên lợi nhuận cao hơn hẳn. Phân tích về lợi ích và lợi nhuận của dịch vụ “mua chung” và “bán chung” trong HTX, Giám đốc Nguyễn Thanh Hùng dẫn chứng, với nguồn vốn có sẵn và phần doanh nghiệp tạm ứng khi ký hợp đồng đầu vụ sản xuất, HTX đứng ra thực hiện nhiệm vụ “mua chung” vật tư, lúa giống để cung cấp cho xã viên, giảm được các khâu trung gian nên giá giảm. HTX mời các đội máy cày, máy xới, máy cắt ở nhiều nơi để tập hợp thành các đội máy từ 5 - 10 máy/đội và giao cho 1 tổ điều hành sản xuất của HTX điều hành chung để đảm bảo về mặt kỹ thuật cho thành viên.
HTX đầu tư hệ thống bơm nước cải tiến để tiết kiệm 20 - 30% chi phí bơm nước cho thành viên. HTX và thành viên áp dụng phương pháp tưới ướt khô xen kẽ nên giảm được 2 lần bơm nước so với khu vực khác và còn làm cho nền đất cứng, cây lúa bám rễ sâu, ít đổ ngã và dễ dàng cơ giới hóa khi thu hoạch. Những hộ nào thiếu vốn, HTX còn cấp tín dụng để đầu tư sản xuất.
Về đầu ra, HTX đứng ra hợp đồng với doanh nghiệp và bán cả cánh đồng ngay từ đầu vụ và được doanh nghiệp đặt cọc 30% giá trị hợp đồng. HTX thường cấp lúa giống xác nhận và tín dụng cho thành viên tất cả tiền cọc này nên hầu như “không có khái niệm cò lúa đặt cọc mua lúa non trong khu vực HTX”.
HTX được doanh nghiệp đưa bảng tiêu chuẩn sản phẩm, các yêu cầu của doanh nghiệp và ứng trước nên rất dễ điều hành sản xuất để đảm bảo chất lượng lúa tốt nhất cho doanh nghiệp. Còn 3 tuần trước khi thu hoạch lúa, HTX mời doanh nghiệp và thành viên đến để thăm đồng, đánh giá chất lượng lúa, ước sản lượng lúa bình quân và chốt giá hợp đồng. Sau đó, lãnh đạo HTX cùng người của doanh nghiệp lên kế hoạch thu hoạch, theo dõi máy thu hoạch và thu mua lúa cho thành viên/nông dân. Công tác quản lý, theo dõi thu hoạch, cân lúa… được doanh nghiệp chi trả 20 đồng/kg, tạo thêm nguồn quỹ hoạt động cho hợp tác xã.
Liên kết sản xuất theo hình thức “mua chung, bán chung” đã giúp thành viên và nông dân liên kết với HTX giảm chi phí đầu tư, hạ giá thành và tăng lợi nhuận. Cụ thể nông dân trong chuỗi liên kết hưởng lợi nhuận cao hơn tối thiểu là 500 đồng/kg lúa. Với năng suất lúa đạt từ 6,5 - 7 tấn/ha, số tiền lợi nhuận tăng thêm cho xã viên là không hề nhỏ, lên đến 3 - 3,5 triệu/ha. Ngoài ra, với phương thức mua chung lúa giống, vật tư theo hình thức “HTX mua dùm thành viên” thì chi phí sản xuất của thành viên và nông dân liên kết với HTX tiết kiệm ít nhất 1,5 triệu đồng/ha. Chỉ tính riêng những khoản này, thành viên và nông dân đã lợi nhuận cao hơn từ 4,5 - 5 triệu/ha so với nông dân sản xuất đơn lẻ ngoài HTX.
Trong khuôn khổ đề tài “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp xây dựng và hoàn thiện mô hình Hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới hoạt động có hiệu quả trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp”, Trường Chính sách công và phát triển nông thôn đã hỗ trợ HTX ghi chép nhật ký sản xuất điện tử và tạo ra mã QR Code để truy xuất trực tuyến toàn bộ quá trình sản xuất lúa của HTX. Ngoài ghi chép nhật kí sản xuất điện tử như đề tài hướng dẫn, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Thuận Tiến sẵn sàng ghi chép nhật kí sản xuất điện tử “theo mẫu của doanh nghiệp mua”. Với phương pháp nhật ký sản xuất điện tử này, HTX rất tiện lợi để ghi chép, tự công bố và tự chịu trách nhiệm với người mua, người mua có thể giám sát trực tiếp quá trình sản xuất của HTX. Đây là cách để HTX chứng minh cho doanh nghiệp ký hợp đồng thu mua thấy được quy trình sản xuất và sản phẩm làm ra đạt chất lượng.