Ghi nhận thực tế của TS Trần Minh Hải, Phó hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn cùng phóng viên báo Nông nghiệp Việt Nam tại tỉnh Đồng Tháp.
Nuôi cá tra theo chuỗi liên kết
Trời đã trưa nắng, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Dịch vụ Thủy sản Châu Thành (xã An Nhơn, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp), đưa đò chở chúng tôi vượt sông Tiền sang cồn An Hòa. Chạy xe xung quanh cồn toàn thấy vườn cây ăn trái trồng nhãn, xoài, mít và xen lẫn trong các vườn cây là các ao nuôi cá tra rộng lớn nằm cạnh con sông nhánh của sông Tiền thuận tiện lấy nước ra vào.
Giám đốc Bình bật mí, HTX vừa thu hoạch vài trăm tấn cá bán cho doanh nghiệp có lời ít chứ không có lỗ như các hộ nuôi cá tra khác. Chính vì vậy các thành viên trong HTX ai nấy phấn khởi vì hiện nay giá cá trên thị trường đang thấp hơn giá thành nuôi trung bình nhưng riêng chuỗi liên kết vẫn có lãi. Nói ra câu chuyện này khó có ai tin được, nhất là những người trong nghề nuôi cá tra xuất khẩu.
Để đạt lợi nhuận trong thời buổi nghề cá lâm vào khủng hoảng, Ban lãnh đạo HTX Dịch vụ Thủy sản Châu Thành đã đột phá tìm hướng đi mới. Ông Bình khoe với chúng tôi và đưa minh chứng cụ thể, những năm giá cá tra còn hưng thịnh, HTX xuất hầm 8.000 - 9.000 tấn/năm. Từ năm 2021 đến nay, trong khi giá nguyên liệu đầu vào tăng liên tục, nhưng giá cá lại giảm mạnh dưới giá thành, đẩy hàng loạt hộ nuôi cá rơi vào cảnh khốn đốn. Trong thế khó đó, ban Giám đốc cùng thành viên HTX ở cồn An Hòa ngồi lại với nhau đưa ra phương án liên kết sản xuất và tiêu thụ cá tra theo chuỗi cùng công ty TNHH Cỏ May Lai Vung theo phương thức doanh nghiệp cung cấp đầu vào là thức ăn và hỗ trợ tìm đầu ra cho HTX.
Đầu tiên, ông Bình chứng minh cho doanh nghiệp thấy nội lực của HTX có đất đai là các ao nuôi cá “chính chủ”, nằm ở vị trí thuận lợi nguồn nước sạch, thành viên HTX có kinh nghiệm lâu năm trong nghề nuôi cá, Hội đồng quản trị HTX hoạt động vì thành viên, không nhận lương, chỉ có phó giám đốc và kế toán có lương hằng tháng. Phía doanh nghiệp sản xuất thức ăn cam kết cung cấp sản phẩm đảm bảo chất lượng, thực sự muốn liên kết theo chuỗi với HTX để có thị trường ổn định. Phía doanh nghiệp chế biến xuất khẩu có vốn, có thị trường, nhưng thiếu nguồn cá nguyên liệu chất lượng cao. Vì vậy, 3 bên hợp tác trên tinh thần cùng có lợi.
4 lợi lớn của thành viên hợp tác xã
HTX Dịch vụ Thủy sản Châu Thành được thành lập từ tháng 6/2015 có 16 thành viên chính thức, vốn góp điều lệ 800 triệu đồng với 30ha mặt nước nuôi cá tra.
Phương thức liên kết nuôi cá theo chuỗi được các bên thống nhất như sau: Công ty TNHH Cỏ May Lai Vung cung cấp đủ 100% lượng thức ăn nuôi cá cho thành viên đến khi bán cá mới thu tiền, giá thức ăn được tính theo “giá bằng giá cho đại lý cấp 1 và cộng thêm chiết khấu 6% trên tổng giá trị mua”, thành viên nào có tiền mặt trả cho công ty Cỏ May Lai Vung thì giá thức ăn được giảm thêm 500 đ/kg trên đơn hàng (tính ra thành viên đi vay ngân hàng trả tiền mặt mua thức ăn thì giảm giá 500 đ/kg vẫn lời hơn tiền đóng lãi ngân hàng). Với phương pháp này thì thành viên tìm nhiều cách để có tiền mặt thanh toán cho công ty và công ty cũng có vốn tái đầu tư.
Ngoài ra, công ty còn cử kỹ sư thủy sản xuống hỗ trợ HTX bất cứ lúc nào, giúp thành viên kiểm soát nguồn nước, dịch bệnh và quyết định khi nào dùng kháng sinh cho cá. Đến vụ, công ty Cỏ May Lai Vung mua khoảng 50-60% sản lượng cá theo giá thị trường và phần còn lại công ty tìm các doanh nghiệp, thương lái đến mua hết, những công ty và thương lái nào HTX chưa an tâm thì công ty Cỏ May Lai Vung bảo lãnh thanh toán nếu doanh nghiệp mua cá không thanh toán tiền cho HTX sau 7-15 ngày. Phần lợi nhuận cho HTX là 1% trên tổng tất cả hóa đơn thanh toán tiền mặt của thành viên HTX.
Phần HTX, phải bảo lãnh hoàn toàn tiền nợ thức ăn của thành viên, hỗ trợ thành viên sản xuất có ghi chép “nhật kí sản xuất”, đảm bảo dư lượng kháng sinh, tuân thủ các quy trình canh tác bảo vệ môi trường, hỗ trợ doanh nghiệp thu mua cá cho thành viên. Cuối cùng, công ty Cỏ May Lai Vung sẽ chiết khấu thêm cho HTX 1% trên tổng hóa đơn thanh toán của tất cả thành viên HTX.
Chính vì vậy, các thành viên trong HTX rất yên tâm ở đầu vào và đầu ra, chỉ tập trung nuôi cá miễn sao cá đạt chất lượng, đảm bảo mức dư lượng kháng sinh theo yêu cầu của doanh nghiệp mua. Tất cả phần việc còn lại, HTX lo hết.
Ông Bình phân tích, thành viên khi vào HTX rồi là không muốn ra bởi vì có quá nhiều cái lợi trong chuỗi liên kết nuôi cá tra gắn với doanh nghiệp.
Cái lợi thứ nhất, giá thức ăn bằng giá công ty bán cho đại lý cấp 1, cộng chiết khấu 6% tổng giá trị hóa đơn khi thanh toán và thanh toán phần nào bằng tiền mặt thì được giảm trực tiếp thêm 500 đồng/kg thức ăn.
Cái lợi thứ hai là thành viên giảm áp lực lo vốn đầu tư mua thức ăn (chiếm 60-65% giá thành sản xuất). “Mua thiếu thức ăn với giá đại lý cấp 1 và còn được chiết khấu 6% lúc nào thanh toán thì quá có lợi”, ông Bình khẳng định.
Chính vì vậy, thành viên nuôi cá tra trong HTX giảm chi phí ở khâu thức ăn từ 1.500 - 2.000 đồng/kg so với các hộ nuôi bên ngoài không có liên kết. Chưa kể áp dụng nuôi theo các biện pháp kỹ thuật mới như: Nhật ký sản xuất điện tử, VietGAP… giúp giảm thêm giá thành trong nuôi cá tra.
Cái lợi thứ ba, HTX được công ty Cỏ May Lai Vung thanh toán chiết khấu 1% trên tổng thức ăn của thành viên mua. Bình quân mỗi năm HTX dịch vụ Thủy sản Châu Thành đứng ra bảo lãnh cho các thành viên từ 6.000 – 7.000 tấn thức ăn, trung bình giá 1kg thức ăn cá tra hiện nay là 14.000 đồng thì mỗi năm HTX được chiết khấu khoảng 980 triệu đồng. Số tiền này, HTX dùng để nộp thuế theo quy định, trích lập quỹ tái đầu tư sản xuất, quỹ dự phòng rủi ro tài chính và trích lập quỹ phúc lợi cho thành viên 10 triệu đồng/người/năm (thường HTX dùng số tiền này để tổ chức các chuyến đi học tập mô hình nuôi cá hay ở các địa phương khác), cuối cùng mới phần HTX.
Như vậy, thành viên HTX được “lợi ích kép khi tham gia chuỗi” gồm được chiết khấu 6% doanh nghiệp bán đầu vào cho HTX, được giảm giá thêm 500 đ/kg mua tiền mặt và cuối năm được HTX chia quỹ phúc lợi và lãi góp vốn cổ phần.
Cái lợi thứ tư, HTX còn huy động vốn trong thành viên và lấy quỹ HTX 2-3 tỷ đồng hỗ trợ các thành viên cần tiền gấp xoay xở đáo hạn ngân hàng trong vòng 3-5 ngày, khi đáo hạn xong thành viên trả lại cho HTX không tính lãi, tất cả thành viên khi đáo hạn ngân hàng được HTX và thành viên khác hỗ trợ, nên không phải sử dụng các dịch vụ “cò đáo hạn ngân hàng” với chi phí rất cao.
Ông Bình nói vui, thành viên khi đã vào HTX rồi giờ muốn họ ra cũng không được. Tham gia HTX được hưởng nhiều chính sách ưu đãi từ phía doanh nghiệp và HTX làm người đỡ đầu. Trong khi đó, góp vốn điều lệ ban đầu chẳng bao nhiêu, chưa đầy 50 triệu đồng/thành viên. Số tiền đó nếu đối với HTX hoạt động trong lĩnh vực khác như trồng trọt thì khá lớn nhưng với nghề nuôi cá tra thì không nhiều so với vốn đầu tư.
Cùng chia sẻ lợi nhuận
Toàn huyện Châu Thành có 250ha nuôi cá tra, riêng ở cồn An Nhơn thuộc xã An Hòa có tới 1.500 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có gần 200 ha nuôi cá tra. Bên cạnh đó, dưới sông còn có hàng trăm lồng bè nuôi cá khác phục vụ bán cá chợ như: điêu hồng, cá he, cá hú…
Thời điểm này, người nuôi cá tra ở ĐBSCL đa phần là thua lỗ. Do chi phí đầu tư cho 1kg cá hiện nay lên đến khoảng 28.000 - 29.000 đồng/kg trong khi giá bán cá đang dưới giá thành, chỉ còn 27.000 - 27.500 đồng/kg, người nuôi đang lỗ hơn cả 1.000 đồng/kg. Nhưng đối với thành viên HTX dịch vụ Thủy sản Châu Thành họ vẫn trụ được, mặc dù lãi không nhiều.
Nhờ HTX có cách làm ăn liên kết theo chuỗi cùng với doanh nghiệp để đôi bên cùng có lợi. Điển hình như các hộ nuôi cá tra nằm trong HTX vừa bán cá trong thời điểm này đều có lãi như: hộ ông Nguyễn Công Chánh, Lê Đình Châu, Võ Văn Thanh, Lê Văn Tiên…
Riêng hộ ông Võ Văn Thanh là người có diện tích nuôi cá tra lớn nhất cồn với diện tích gần 1,5ha. Ông Thanh vào HTX lúc mới thành lập, trước đó gia đình ông chỉ đủ ăn nhờ vào việc trồng nhãn và nuôi cá tra với diện tích nhỏ. Thấy nuôi cá tra hiệu quả ông đã phá nhãn mở rộng diện tích lên 7-8 ao hầm nuôi cá, giờ ông đã trở thành tỷ phú ở cồn An Hòa là nhờ cá tra với chuỗi liên kết giá trị bền vững.
Ông Huỳnh Hữu Thuận, Chủ tịch Hội nông dân xã An Nhơn, huyện Châu Thành tự hào khoe với chúng tôi, HTX dịch vụ Thủy sản Châu Thành được tỉnh chọn là 1 trong 9 HTX trong tỉnh Đồng Tháp để thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh. Bên cạnh đó, HTX cũng được UBND tỉnh Đồng Tháp hỗ trợ phát triển HTX trong xây dựng chuỗi liên kết cá tra với doanh nghiệp. Các thành viên và ban giám đốc điều hành được tập huấn quản trị HTX, nhất là vấn đề chuyển đổi số, ghi chép nhật ký điện tử trong quá trình nuôi cá tra, xây dựng mã số vùng nuôi để truy xuất nguồn gốc… Chính vì vậy cá nuôi luôn đạt tiêu chuẩn khi xuất khẩu.
Trong chuỗi liên kết nuôi cá tra này, cả HTX và doanh nghiệp đều đang đi đúng hướng. Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Phó Giám đốc Công ty TNHH Cỏ May Lai Vung, cho rằng cá tra Việt Nam “một mình một chợ” trên thế giới, không ai cạnh tranh nhưng cứ mãi lận đận cũng bởi tình trạng mạnh ai nấy làm, thiếu sự liên kết bền chặt lâu dài. Để vực dậy ngành công nghiệp cá tra, vấn đề liên kết trên tinh thần đồng thuận cùng chia sẻ lợi nhuận giữa các bên tham gia như người nuôi, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp cung ứng thức ăn, ngân hàng… là rất cần thiết.
Mô hình chuỗi liên kết cung cấp thức ăn và lo đầu ra cho nông dân, HTX là hướng đi phù hợp, hiệu quả cao, đảm bảo cho doanh nghiệp - người nuôi - nhà cung ứng thức ăn có lời và ngân hàng cho vay vốn cũng đúng địa chỉ. Ngành chức năng cũng thuận lợi trong quản lý vùng nuôi, diện tích, sản lượng, thời vụ thu hoạch…
Ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết, ngành hàng cá tra là một trong 5 ngành hàng trong tái cơ cấu nông nghiệp của Đồng Tháp và hiện nay tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung quy mô lớn tại các huyện Thanh Bình, Tam Nông, Tân Hồng, Châu Thành và huyện Cao Lãnh. Tỉnh Đồng Tháp đã cấp mã số nhận diện vùng nuôi với gần 100% diện tích nuôi cá tra thương phẩm, trong đó 60% diện tích thả nuôi cá tra đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC. Chính quyền và ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp có chính sách hộ trợ và khuyến khích các hộ nuôi cá tra tham gia vào các HTX, làm kinh tế tập thể tạo chuỗi liên kết giá trị bền vững.
Trong đề tài “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp xây dựng và hoàn thiện mô hình Hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới hoạt động có hiệu quả trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp”, Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn – Bộ NN-PTNT đã hỗ trợ HTX ghi chép nhật ký sản xuất điện tử và tạo ra mã QR CODE để truy xuất trực tuyến toàn bộ quá trình nuôi cá của HTX. Với nhật ký sản xuất điện tử này, HTX và thành viên tự ghi chép, tự công bố và tự chịu trách nhiệm về quy trình nuôi cá của mình, HTX và thành viên đã “minh bạch quá trình nuôi cá với doanh nghiệp mua cá”. Chính vì vậy, các doanh nghiệp mua cá cũng yên tâm về chất lượng sản phẩm của HTX. Trong nhật kí sản xuất điện tử, doanh nghiệp sẽ biết được thành viên sử dụng loại thức ăn gì, loại thuốc gì và hình ảnh bao bì của thuốc sử dụng, giúp doanh nghiệp có thể tự kiểm tra loại thuốc thành viên sử dụng có nằm trong doanh mục cho phép hay không.
Theo TS Trần Minh Hải, nguyên tắc bền vững vận hành dịch vụ “mua chung” trong HTX là: 1. Giá mua chung là giá thấp nhất và thành viên HTX được hưởng trọn. 2. HTX sẽ thương lượng nhận tiền chiết khấu quản lý điều hành trong chuỗi từ doanh nghiệp bán đầu vào cho HTX. Nguyên tắc phân chia tiền chiết khấu bền vững: a) HTX lấy 30% trả cho chi phí marketing và bán hàng, ai giúp HTX bán càng nhiều hàng thì được nhận 30% tiền này; b) HTX lấy 30% tiếp theo để trả lương cho hội đồng quản trị và ban giám đốc ai có tham gia trực tiếp vào dịch vụ mua chung này; và c) cuối cùng khoảng 40% còn lại HTX trích lập các quỹ chung của HTX và chi cho thành viên.