Bà đỡ giúp xã thoát nghèo
Ô tô chạy bon bon trên đường nhựa từ đường Hồ Chí Minh để vào Nông trường cao su Hà Tây thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh đóng chân trên địa bàn xã Hà Tây, huyện Chư Păh (Gia Lai), đây là tuyến đường được công ty hỗ trợ đầu tư.
Vừa đi, nữ Trưởng phòng Thi đua Văn thể Nguyễn Thị Thảo của Công ty Cao su Chư Păh nhớ lại, những năm 2001 khi còn làm ở Phòng Văn hóa Thông tin huyện mỗi lần từ đường Hồ Chí Minh vào tới trung tâm xã dài trên 20km nhưng phải mất 2 ngày. Những năm đấy đường xá đi lại lầy lội, mỗi lần mang máy móc thiết bị chiếu bóng vào cực kỳ vất vả nhất là phải băng qua ngầm tràn.
Cũng trong thời gian đó, Công ty Cao sư Chư Păh bắt đầu phát triển cao su tại xã Hà Tây, việc khai phá cũng vô cùng khó khăn, chỉ có ý chí mới vượt qua được. Nguyên tắc của việc trồng cao su là trong mùa mưa thì cây mới sống được, do đó những người đi “mở đất” phải gùi từng cây cao su con vào đây trồng mới. Và cũng từ khi cây cao su bén rễ ở Hà Tây thì còn đường vào xã được công ty đâu tư xây dựng. Chỉ vài năm sau tuyến đường “khổ ải’ ngày xưa đã nhường cho còn đường rộng thênh thang được trải nhựa cấp phối, người dân đi lại cực kỳ dễ dàng, sau đó công ty cùng với chính quyền địa phương đầu tư thảm nhựa để thuận tiện cho đi lại, phát triển kinh tế xã hội.
“Không chỉ đầu tư cơ sở hạ tầng, khi cây cao su vào đây đã thay đổi tập quán canh tác của người dân. Hồi xưa người dân trông lúa trên khô nên năm được không bao nhiêu. Đất tại xã Hà Tây là đất cát nên chỉ phù hợp với trồng cây cao su, cây sắn. Khi công ty thành lập nông trường thì hướng dẫn họ thay đổi tập quán, chuyển sang trồng lúa nước. Sau thời gian tham gia cao su, có những thời điểm mủ cao thì thu nhập hơn 20 triệu đồng/tháng. Công nhân tại đây giờ ngoài làm cho công ty, nhiều gia đình công nhân còn có 5 - 6ha cao su tiểu điền. Bây giờ Hà Tây khác lắm, cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, đời sống người dân được nâng cao”, nữ trưởng phòng thông tin.
Là một trong những người làm Giám đốc Nông trường cao su Hà Tây đầu tiên, ông Phạm Đình Luyến, nay là Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh cho biết, những ngày đầu vào đây rất cừ kỳ gian nan vất vả.
Công ty có 8 nông trường, đây là nông trường trẻ nhất mới được thành lập năm 2000. Thời điểm thành lập, nông trường với mục tiêu chính là phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, tạo công ăn việc làm cho người dân vùng sâu vùng xa theo Nghị định 134, 135 của Chính phủ.
Do tập quán canh tác và cuộc sống của người dân du canh, du cư nên việc vận động họ giao đất, tham gia công ty gặp nhiều khó khăn. “Để đưa cao su vào trồng, nông trường đã nhiều lần làm việc với chính quyền địa phương, già làng, trưởng bản. Lúc đầu bà con các làng không đồng thuận, không cho trồng cao su vì lý do vùng Hà Tây măng nhiều. Người dân sống bằng măng, cao su lấy đất thì họ sống bằng gì”, ông Luyến nhớ lại.
Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc của cả hệ chính trị và công ty cam kết sẽ xóa đói giảm nghèo theo đường lối của Đảng và Chính phủ, tạo công ăn việc làm cho người dân chứ không phải lấy đất. Khi đó, người dân mới đồng ý giao đất, tham gia vào nông trường.
Việc vận động người dân khó khăn một thì việc đưa cao su vào trồng khó khăn mười. “Do không có đường đi mỗi công nhân phải vác cây giống đi bộ 15 - 16km để đến khu vực trồng. Cả nông trường phải kiên trì hàng năm trời thì những cây cao su đầu tiên mới có sự sống tại vùng đất Hà Tây”, ông Luyến nói.
Nông trường đã trồng được cao su nhưng làm sao để người dân gắng bó, có công ăn việc làm cũng được cả công ty đưa ra bàn thảo. Vì sau khi vận động xong người dân vào làm công nhân được vài tháng là nghỉ vì không chịu được quy định giờ giấc.
“Công ty đã vận đồng bằng nhiều hình thức thì 1 - 2 năm khi lương cao thì họ mới bắt đầu gắng bó. Khi công ty đưa vào khai thác mủ đã chấp nhận lỗ vì tay nghề công nhân chưa cao. Đặc biệt khi vào khai thác thì tuân thủ nghiêm ngặt giờ giấc của công ty nên nhiều công nhân không chịu nổi. Để tạo cạnh tranh, nông trường đã đưa vào 5 - 10% công nhân là người kinh và dân tộc phía Bắc để làm. Họ vào đã tạo được sự cạnh tranh giúp người dân địa phương ở đây tự ý thức được công việc”, ông Luyến nói thêm.
Vị Tổng Giám đốc cho biết thêm, năm 2003 Huyện ủy Chư Păh có Nghị quyết giao nông trường đỡ đầu cho xã Hà Tây thành địa phương điển hình về công tác xóa đói giảm nghèo; từ vùng 3 xuống vùng 2 và tạo được bề thế, trách nhiệm an sinh xã hội trên mọi mặt.
Nhận nhiệm vụ, công ty, nông trường đã bỏ hàng trăm tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng cho chính quyền xã Hà Tây. Đối với công tác an sinh xã hội, Nông trường đã chi hàng chục tỷ đồng để hỗ trợ cây giống, con giống giúp người dân có công việc. Đặc biệt, đến nay trong làng mỗi nhà có 1-2 công nhân làm việc cho nông trường. Đây là thành công nhất của dự án này. Đến nay nông trường cơ bản đã hoàn thành mục tiêu phủ xanh đất trống đồi trọc và giúp người dân địa phương xóa đói giảm nghèo. Lương của công nhân đạt trên 8 triệu đồng/tháng”, ông Luyến tự hào.
Ông Biên, Chủ tịch UBND xã Hà Tây, huyện Chư Păh: “Nếu không có nông trường cao su đứng chân trên địa bàn thì địa phương không có sự thay đổi, phát triển như ngày hôm nay. Đây là chủ trương đúng đắn từ Trung ương đến địa phương và Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam. Năm 1998, xã Hà Tây chỉ có 1 làng thực hiện định canh, định cư. Nhưng đến nay nhờ có cao su mà xã có 9 làng và hơn 5.000 nhân khẩu với cuộc sống ổn định”.
Đi lên từ cao su
Trong suốt hàng chục năm thành lập, Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh đã nỗ lực bền bỉ, vượt lên khó khăn, biến những vùng đất hoang hóa khô cằn thành một vùng trù phú xanh ngát cao su. Đi qua bao thăng trầm, thử thách loại cây được xem là mũi nhọn trong chiến lược chuyển đổi cơ cấu kinh tế này ngày càng được công ty nhân rộng.
Với phương châm phát triển cây cao su đến đâu, công ty tuyển dụng người đồng bào dân tộc tại chỗ ở đó vào làm công nhân nhằm giải quyết công ăn việc làm, giúp xóa đói giảm nghèo. Thời gian qua, công ty đã thực hiện nhiều dự án trồng cao su, dự án chăn nuôi, chương trình xóa đói giảm nghèo… Từ đó giúp người dân là đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo trên chính mảnh đất của mình.
Tham gia công nhân cao su từ năm 18 tuổi, chị Plưn (28 tuổi, ngụ xã Hà Tây - công nhân Nông trường cao su Hà Tây) đến nay đã gắng bó với ngành cao su hơn 10 năm. Theo chị Plưn do hoàn cảnh khó khăn nên học đến lớp 9, chị đã nghỉ ở nhà phụ giúp gia đình. Do đất sản xuất ít, cộng với khô cằn nên chỉ phù hợp trồng cây sắn. Tuy nhiên cây sắn thì mỗi năm chỉ thu hoạch 1 lần nhưng phụ thuộc vào giá cả nên thu nhập không cao.
“Thấy những người trong làng làm công nhân cao su có cuộc sống ổn định nên tôi cũng xin vào nông trường. Sau khi tham gia làm công nhân cao su thì cuộc sống ổn định. Giờ làm công nhân 2 vợ chồng tháng hơn 15 triệu đồng nên dư giả trong việc trang trải cuộc sống”, chị Plưn nói.
Tương tự, chị Hyỡk (ngụ xã Hà Tây, huyện Chư Păh) cũng gắn bó với Nông trường cao su Hà Tây hơn 7 năm qua. Chị Hyỡk cho biết, thời còn đi học đã theo phụ anh trai chăm sóc vườn cây. Sau khi cưới chồng, chị chính thức xin vào làm công nhân cạo mủ cho Nông trường.
“Hơn một năm trước chồng mất vì tai nạn bỏ lại tôi với con. Nếu như không làm công nhân cao su, có thu nhập ổn định thì cuộc sống sẽ vô cùng khó khăn. Tuy nhiên nhờ có cao su mà tôi có thể tự lo cho 2 mẹ con”, chị Hyỡk chia sẻ.
Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh quản lý hơn 14.000ha cao su trong và ngoài nước (Việt Nam trên 9.800ha, Campuchia trên 4.200ha) với 8 Nông trường và Công ty Phát triển Cao su C.R.C.K; 2 đơn vị thuộc khối sản xuất phụ và phục vụ: Xí nghiệp Cơ điện - Chế biến (có 2 Nhà máy) và Trung tâm Y tế. Quản lý trên 2.300 người, trong đó công nhân là người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 70% và là đơn vị có tỷ lệ công nhân người đồng bào dân tộc thiểu số cao nhất khu vực Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Công ty được Chủ tịch nước tặng thưởng Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhì, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì. Cờ thi đua của Chính phủ, Bộ NN-PTNT, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và nhiều bằng khen khác.