| Hotline: 0983.970.780

Cao su giúp bừng sáng buôn làng Tây Nguyên

Bài 3: Cuộc sống nhờ vào cao su

Thứ Ba 05/07/2022 , 14:42 (GMT+7)

Công ty cao su Kon Tum ưu tiên tuyển dụng lao động là người đồng bào tại chỗ nhằm giúp họ ổn định cuộc sống và góp các địa phương phát triển xã hội.

Có cao su có tất cả

Tây Nguyên bước vào mùa mưa cũng là thời điểm các nông trường cao su tất bật cạo mủ. Đây cũng là thời điểm đánh dấu mùa cạo mủ mới bắt đầu.

Nông trường cao su Ngọc Wang thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum có diện tích 692ha, trong đó diện tích khai khác là 560ha. Tại đây có 150 công nhân khai thác mủ nhưng người đồng bào địa phương chiếm 75 - 80%. Thời điểm phóng viên đến nông trường đã gần trưa nhưng hàng chục công nhân ở đây vẫn đang tất bận cho công việc thu gom mủ.

Họ cho biết bắt đầu công việc từ 2h sáng và thường sẽ kết thúc vào buổi trưa. Tuy công việc vất vả, thức khuya nhưng nhờ có cao su mà đời sống của họ được thay đổi, ấm no hơn.

Các công nhân của Nông trường cao su Ngọc Wang cho biết, nhờ có cao su mà họ thoát nghèo. Ảnh: Quang Yên. 

Các công nhân của Nông trường cao su Ngọc Wang cho biết, nhờ có cao su mà họ thoát nghèo. Ảnh: Quang Yên. 

Làm công nhân từ lúc còn là thiếu nữ, Y Thia (32 tuổi, công nhân Nông trường cao su Ngọc Wang) đến nay đã gắng bó với Nông trường cao su Ngọc Wang gần 14 năm. Đây cũng là khoảng thời gian gia đình nữ công nhân có cuộc sống đầy đủ, không còn bấp bênh, thiếu thốn như trước.

Nữ công nhân cho biết, gia đình có 8 người nhưng diện tích đất sản xuất rất ít nên cuộc sống rất vất vả. Từ nhỏ gia đình khó khăn nên không được học hành đến nơi. Năm 18 tuổi, Y Thia theo anh trai vào làm công nhân cao su.

Sau 3 năm, Y Thia lấy chồng và xin bố mẹ ra ở riêng. Tuy là công nhân cao su nhưng thời điểm này cuộc sống cũng chưa ổn định. “Khi ra ở riêng 2 vợ chồng không có tiền nên dựng căng nhà bằng gỗ để ở tạm. Do thời gian lâu, căn nhà ở của hai vợ chồng đã mục nát, xuống cấp nghiêm trọng. Đến nay nhờ sợ giúp đỡ của công ty và 2 vợ chồng để dành được ít vốn nên dự kiến xây ngôi nhà để ở và lo cho 2 con đến trường”, Y Thia chia sẻ.

Theo nữ công nhân, ban đầu việc cạo mủ không quen nên rất khó khăn. Tuy nhiên sau thời gian học việc đến nay tay nghề đã ổn định, thu nhập hằng tháng hơn 7 triệu đồng.

Nữ công nhân Y Ngoắc cười tươi khi nhắc đến cuộc sống sau gần 10 năm tham gia công nhân cao su. Ảnh: Quang Yên.

Nữ công nhân Y Ngoắc cười tươi khi nhắc đến cuộc sống sau gần 10 năm tham gia công nhân cao su. Ảnh: Quang Yên.

Cũng gắng bó với Nông trường cao su Ngọc Wang gần 10 năm, nữ công nhân Y Ngoắc (33 tuổi) cho biết, hiện gia đình có cuộc sống ổn định. Theo Y Ngoắc, trước khi làm cao su 2 vợ chồng không có đất nên phải thuê để trồng mì. Do mì trồng một năm chỉ được 10 triệu đồng, còn hàng tháng không có công việc ổn định nên chỉ trông chờ vào đồng lương ít ỏi của chồng.

Do khó khăn nên 2 vợ cồng xin vào làm công nhân cho Nông trường cao su Ngọc Wang. Từ khi làm công nhân thì cuộc sống gia đình ổn định hơn, có tiền làm nhà, lo cho con cái học hành.

“Gia đình hiện có 4 người con. Lúc trước chồng làm cao su nhưng đến năm 2019 do bão nên cao su ngã đổ nhiều nên công ty giảm lượng. Từ đó chồng nghỉ ra ngoài làm phụ hồ. Với công việc hiện tại và mức sống ở vùng quê thì vẫn đủ cho con cái đi học và tiết kiệm được một ít”, nữ công nhân nói thêm.

“Nhiệm vụ chính là giúp người đồng bào thoát nghèo”

Đây là 2 trong số hơn 150 công nhân của Nông trường cao su Ngọc Wang, hầu hết họ đều có cuộc sống ổn định kể từ khi gắng bó với cao su. Ông Lê Đức Chính, Gám đốc Nông trường cao su Ngọc Wang - Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum cho biết, nông trường đóng chân trên địa bàn xã Ngọc Wang, huyện Đắk Hà, Kon Tum.

Theo ông Chính, nông trường có 692ha, trong đó diện tích khai khác là 560ha. Hiện công nhân lao động là 150 công nhân khai thác. Công nhân là người đồng bào địa phương tại chỗ chiếm 75 - 80%; còn lại là người đồng bào từ các tỉnh phía Bắc vào.

"Do công nhân nông trường chủ yếu người địa phương nên họ ý thức cao. “Các công nhân của nông trường là một trong những đơn vị có tay nghề cao của công ty. Hàng năm được đánh cao và thường xuyên tổ chức đào tạo lại cho công nhân. Đời sống của các công nhân có thu nhập từ 7 - 7,5 triệu đồng/người/tháng, đã góp phần giúp phát triển thu nhập của công nhân, công dân tại địa phương”, ông Chính nói.

Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum luôn quan tâm đến người đồng bào tại chỗ để giúp họ thoát nghèo. Ảnh: Quang Yên.

Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum luôn quan tâm đến người đồng bào tại chỗ để giúp họ thoát nghèo. Ảnh: Quang Yên.

Ông Ngô Văn Mân, Phó tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum cho biết, đơn vị hiện đang quản lý 9.623,04ha, trong đó có 6.819ha diện tích cao su trong chu kỳ khai thác; vườn cây công ty trải dài trên địa bàn 7/9 huyện, thành phố.

Đây là công ty là đơn vị duy nhất trong Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam thực hiện 3 mô hình sản xuất: Mô hình công nhân, mô hình hộ nhận khoán và mô hình hộ liên kết.

Công ty hiện có 6.019 cán bộ, công nhân và người lao động, trong đó cán bộ, công nhân là 1.465 người; hộ nhận khoán và hộ liên kết là 4.554 hộ; lao động nữ chiếm 53%, số lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 75% tổng lao động toàn công ty.

Theo ông Lê Đức Hân, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum, công ty đóng chân trên địa bàn Kon Tum với nhiệm vụ chính là phát triển kinh tế địa phương, giúp người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ổn định cuộc sống.

Do vậy những năm qua công ty luôn ưu tiên tuyển dụng lao động là người đồng bào tại địa phương, đây là nhiệm vụ số một của công ty nhằm giải quyết công ăn việc làm cho người dân trên địa bàn. Việc này cũng giúp cho địa phương hoàn thành mục tiêu giảm nghèo trong bộ tiêu chí của Nông thôn mới và góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Việc phát triển cao su ở vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện khó khăn. Việc này đi đôi với phát triển diện tích, công ty cũng đầu tư cơ sở hạ tầng như giao thông nội vùng, đầu tư nhà trẻ, hệ thống văn hóa thể thao. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng không chỉ nhằm để phục vụ đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân công ty nói riêng và mà còn giúp người dân tại địa phương nói chung phát triển kinh tế.

Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum đã giúp những vùng quê, người đồng bào tại chỗ thay đổi từng ngày. Ảnh: Quang Yên.

Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum đã giúp những vùng quê, người đồng bào tại chỗ thay đổi từng ngày. Ảnh: Quang Yên.

“Công ty phối hợp với chính quyền địa phương vận động, đưa công nhân vào làm cho công ty có thu nhập ổn định thì giảm bớt hộ nghèo cho địa phương. Đến nay đã cơ bản hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà tranh tre nứa lá cho người lao động, 100% nhà ở của công nhân đều được xây dựng từ cấp 4 trở lên. Trong đó có nhiều nhà xây dựng kiên cố, đảm bảo an cư để lạc nghiệp. Ngoài ra, người lao động còn tích cực phát triển kinh tế gia đình, ước thu nhập bằng khoảng 50% tiền lương. Do đó, đời sống của người lao động trong công ty được đảm bảo ổn định và tương đối cao so với mặt bằng chung của tỉnh Kon Tum nói riêng và khu vực  Tây Nguyên nói chung”, ông Hân tự hào.

Ông Lê Đức Hân cho biết thêm, ngoài phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, góp phần ổn định an ninh chính trị địa phương thì việc phát triển cây cao su còn thực hiện nhiệm vụ chính trị là phủ xanh đất trống đồi trọc. Bởi, trước đây rừng tại Kon Tum là loang lổ, người dân theo tập quán du canh, du cư không ổn định. Người dân phá rừng canh tác một thời gian, sau khi đất bị thoái hoá người dân lại đi nơi khác phát rẫy làm nương, chính vì vậy việc phát triển cao su đã góp phần tăng độ che phủ rừng của tỉnh Kon Tum.

10 năm liên tiếp là thành viên câu lạc bộ 2 tấn

Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum hiện đang quản lý 9.623,04ha, trong đó có 6.819ha diện tích cao su trong chu kỳ khai thác; vườn cây công ty trải dài trên địa bàn 7/9 huyện, thành phố. Với những đột phá về năng suất đã góp phần đưa sản lượng mủ khai thác hàng năm tăng nhanh.

Năm 2011, Công ty đạt sản lượng 9.540 tấn thì sau 10 năm năm 2021 sản lượng đạt 11.530 tấn mủ quy khô, đứng đầu khu vực Tây Nguyên và đứng trong tốp 5 công ty có sản lượng cao trong toàn ngành Cao su Việt Nam. Công ty có 8 nông trường đạt 2 tấn/ha, 5 tổ sản xuất đạt 3 tấn/ha, đặc biệt trong 10 năm liền công ty là thành viên câu lạc bộ 2 tấn/ha của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Nâng cao khả năng cạnh tranh, phát huy tiềm năng sản phẩm OCOP

Tỉnh Quảng Ninh đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh và phát huy tiềm năng của các sản phẩm OCOP.