| Hotline: 0983.970.780

Cao su giúp bừng sáng buôn làng Tây Nguyên

Bài 4: Hồi sinh những vườn cao su có năng suất thấp

Thứ Tư 06/07/2022 , 15:19 (GMT+7)

Sau 35 năm “Tây tiến”, Công ty Cao su Mang Yang đã từng bước làm thay đổi bộ mặt kinh tế xã hội của vùng đất vốn từng bị chiến tranh tàn phá nặng nề.

Góp phần làm thay đổi bộ mặt kinh tế xã hội nông thôn

Những ngày tháng 6, chúng tôi có dịp đến thăm Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang, nơi có những vườn cây cao su trải dài hàng chục km của nông trường cao su Đoàn Kết. Dưới cái nắng oi ả của những ngày hè, những cây cao su nơi đây vẫn tươi xanh, đầy sức sống như báo hiệu mùa thu hoạch bội thu.

Ông Lê Huy Phu, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cao su Mang Yang chỉ về vườn cây cao su với vẻ tự hào, phấn khích. Ông Phu cho biết, nhờ cách quản lý con người cũng như quá trình cảo tạo tốt nên vườn cây luôn đạt năng suất cao. Với những vườn cao su hơn 10 năm tuổi, nếu phối hợp cạo úp và ngửa có thể cho năng suất 2,5 tấn/ha trong 1 năm.

Ông Phu cũng cho biết, trước đây bệnh phấn trắng hoành hành khiếu nhiều vườn cao su bị trơ trụi lá dẫn đến năng suất kém. Tuy nhiên, vừa qua công ty đã thực hiện công tác phun thuốc phòng trị bệnh đồng loạt cho vườn cây. Đặc biệt, việc chuyên phun thuốc từ ban ngày sang ban đêm đã phát huy hiệu quả cao. Theo lý giải, ban ngày nắng gió nhiều, khi phun thuốc sẽ khó hấp thụ. Còn vào ban đêm với độ ẩm cao khi phun thuốc sẽ đọng lại trên cành là lâu hơn, qua đó phát huy hiệu quả tốt hơn.

Những vườn cao su xanh mướt của Nông trường Cao su Đoàn Kết. Ảnh: Tuấn Anh.

Những vườn cao su xanh mướt của Nông trường Cao su Đoàn Kết. Ảnh: Tuấn Anh.

“Hiện tại toàn bộ vườn cây đã ổn định, bộ lá đẹp hơn rất nhiều so với các năm trước, kéo theo đó năng suất tăng cao rõ rệt”, ông Phu chia sẻ. Minh chứng cho thấy, lượng khai thác mủ cao su năm nay cũng nhanh hơn so với kế hoạch. Tính đến 18/5, cao su Mang Yang đã khai thác được 1.130 tấn mủ quy khô, đạt 21,3 % kế hoạch năm (sản lượng nhiều hơn 530 tấn, tiến độ thực hiện kế hoạch nhanh hơn 7,1 % so với cùng kỳ năm 2021). Về chế biến, theo kế hoạch năm 2022 sẽ khoảng 7.500 tấn. Tuy nhiên, công ty phấn đấu đạt khoảng 9.000 tấn.

Về tiêu thụ, lũy kế 5 tháng đầu năm với tổng sản lượng tiêu thụ 1.918 tấn. Trong đó, cao su tự khai thác 676 tấn, cao su thu mua 845 tấn và cao su nguyên liệu 392 tấn. Với giá bán bình quân 39,076 triệu đồng/tấn, tổng doanh thu đạt hơn 106 tỷ đồng. Với những gì đã đạt được trong 5 tháng đầu năm, công ty tin tưởng sẽ vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Tiếp thêm câu chuyện cho sự thành công của Cao su Mang Yang, ông Trương Minh Tiến, Tổng Giám đốc Công ty Cao su Mang Yang cho biết, với lịch sử hào hùng của công ty cùng tinh thần đoàn kết, sự máu lửa cho các cán bộ công nhân viên đã có được thành quả như ngày hôm nay.

Bồi hồi nhớ lại thời gian khi mới thành lập, ông Tiến cho biết, cách đây 35 năm, Tổng cục Cao su Việt Nam (nay là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam) chỉ đạo Công ty Cao su Phước Hòa nhận trách nhiệm thành lập một bộ khung với 18 cán bộ và 53 công nhân do đồng chí Lê Khả Thinh, Phó Giám đốc Công ty cao su Phước Hòa làm trưởng đoàn lên huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai - Kon Tum), nay là huyện Đắk Đoa (tỉnh Gia Lai) để phát triển trồng cao su.

Với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra khá khẩn trương, nên cùng một lúc công ty vừa phải hình thành tổ chức, vừa triển khai sản xuất, vừa bổ sung nguồn nhân lực. Trên địa bàn rộng lớn, với bom mìn, chất độc hóa học do chiến tranh để lại, bệnh sốt rét ác tính hoành hành, gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của người lao động và nhân dân trong vùng. Bên cạnh đó, tình hình an ninh chính trị và trận tự an toàn xã hội diễn biến phức tạp, bọn phản động Fulrô liên tục chống phá.

Ông Trương Minh Tiến, Tổng Giám đốc Công ty Cao su Mang Yang, nói về quy trình chế biến mủ cao su thành phẩm. Ảnh: Tuấn Anh.

Ông Trương Minh Tiến, Tổng Giám đốc Công ty Cao su Mang Yang, nói về quy trình chế biến mủ cao su thành phẩm. Ảnh: Tuấn Anh.

“Tuy nhiên, vượt lên bao khó khăn vất vả, cùng với sự đoàn kết, quyết tâm nỗ lực của tập thể lãnh đạo và các thế hệ cán bộ công nhân viên cùng với sự chỉ đạo sâu sát của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, công ty đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”, ông Tiến chia sẻ.

Đến nay, công ty đã tạo ra được một khối tài sản khá lớn về cơ sở vật chất từ vườn cây, nhà máy và hàng loạt công trình cơ sở hạ tầng khác, góp phần cùng địa phương đẩy nhanh nhịp độ phát triển, làm cho bộ mặt kinh tế xã hội trên địa bàn ngày càng thay đổi, góp phần quan trong vào Chương trình xây dựng Nông thôn mới của địa phương.

Luôn ưu tiên lao động đồng bào

Vì mục tiêu ổn định sản xuất, đảm bảo an ninh trận tự trên địa bàn, Công ty cao su Mang Yang luôn ưu tiên giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, đặc biệt là người đồng bào của địa phương để góp phần an cư lạc nghiệp, từng bước thoát nghèo.

Tại nông trường cao su Đoàn kết, chúng tôi may mắn được gặp chị H’Leng (tổ 1, thị trấn Đắk Đoa), người đã gắn bó 18 năm với Công ty Cao su Mang Yang. Chị H’Leng cho biết, khi mới bước vào làm việc, dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng công ty vẫn có chế độ đãi ngộ rất tốt cho công nhân, đặc biệt là những người đồng bào dân tộc thiểu số.

“Hiện nay, mức lương công ty dành cho công nhân rất tốt. Ngoài ra, công ty còn hỗ trợ thêm cho công nhân là người đồng bào dân tộc thiểu số vào mùa khô mỗi tháng 300.000 đồng/tháng. Đây chính là động lực để công nhân chúng tôi gắn bó lâu dài với công ty”, chi H’Leng chia sẻ.

Cũng theo chị H’Leng, chính vì có mức đãi ngộ tốt, nhiều thanh niên trong làng đã nộp đơn vào làm công nhân cho công ty để an cư lạc nghiệp, ổn định cuộc sống.

Các công nhân là người đồng bào luôn được ưu tiên tuyển dụng. Ảnh: Tuấn Anh.

Các công nhân là người đồng bào luôn được ưu tiên tuyển dụng. Ảnh: Tuấn Anh.

Ông Trương Minh Tiến, Tổng Giám đốc Công ty Cao su Mang Yang cho biết, tổng số cán bộ công nhân viên của công ty hiện có khoảng hơn 1,500 người, trong đó, người đồng bào dân tộc thiểu số gần 800 người, chiếm trên 50%. Riêng trong năm 2022, công ty đã ưu tiên tuyển dụng gần 300 người đồng bào dân tộc thiểu số vào làm việc.

“Đây được xem là dấu mốc lịch sử của công ty trong chính sách an sinh xã hội, tạo công ăn việc cho người đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng đặc biệt khó khăn. Hơn nữa, đây không chỉ là trách nhiệm đối với địa phương mà còn giúp người đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng dự án được hưởng lợi”, ông Tiến chia sẻ.

Về chế độ, người đồng bào dân tộc thiểu số cũng khác hơn so với lao động bình thường. Cụ thể, trong 3 tháng mùa khô, người lao động đồng bào dân tộc thiểu số sẽ được hỗ trợ thêm 300 ngàn đồng/tháng. Ngoài ra, nếu vượt định mức được giao, người đồng bào dân tộc thiểu số cũng sẽ được thưởng cao hơn.

Cùng với đó, hàng năm công ty cũng đã tổ chức cho nhiều đoàn đi tham quan nghỉ mát để động viên người lao động, đặc biệt đồng bào dân tộc thiểu số gắn bó lâu dài với công ty.

Ông Tiến cho biết, không chỉ hỗ trợ người đồng bào, công ty còn luôn xác định, lợi nhuận phải đi đôi với việc bảo vệ môi trường, ở đó người dân trong vùng dự án phải được hưởng lợi.

Công ty Cao su Mang Yang đã góp phần giúp người đồng bào tại chỗ phát triển kinh tế. Ảnh: Tuấn Anh.

Công ty Cao su Mang Yang đã góp phần giúp người đồng bào tại chỗ phát triển kinh tế. Ảnh: Tuấn Anh.

Trong 3 năm trở lại đây, tình hình kinh doanh đã có nhiều khả quan nên công ty luôn chú trọng đến vấn đề hỗ trợ cho địa phương. Cụ thể, hỗ trợ 3 huyện Mang Yang, Đắk Đoa, Chư Sê mỗi năm xây dựng 10 căn nhà tình thương, hỗ trợ phòng chống Covid-19. Đặc biệt, công ty đã ký hợp tác với các huyện để thực hiện chương trình xây dựng 100 km đường giao thông nông thôn. Trong đó, nhà nước chi trả 80%, còn lại 20% do công ty hỗ trợ.

Ngoài ra, công ty cũng sẽ dùng quỹ phúc lợi để hỗ trợ huyện Mang Yang trồng khoảng 3 km hàng thông để tạo cảnh quan du lịch sau này. Xa hơn, công ty sẽ đăng ký với huyện xây dựng cánh rừng khoảng 20-30 ha với những cây thuộc loại di sản quý hiếm để lại cho con cháu mai sau.

Dù có thăng trầm hay biến động của tình hình kinh tế song các thế hệ lãnh đạo của Công ty cao su Mang Yang luôn quan tâm và chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Trước đây, đường giao thông đi lại rất khó khăn, điện, nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt còn thiếu thốn… Đến nay, từ công ty tới các nông trường, xí nghiệp, nhà máy và các tổ đội sản xuất, giao thông liên thôn, liên xã đã có đường trải nhựa, cấp phối, điện lưới quốc gia phục vụ sản xuất kinh doanh và sinh hoạt. Trung tâm Y tế của công ty đã làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho công nhân và nhân dân, góp phần làm thay đổi cơ bản bộ mặt nông nghiệp - nông thôn - nông dân trên địa bàn.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.